Định danh khoa học cho loài cá mới được phát hiện ở Phú Quốc www.khoahocphothong.com.vn Báo Khoa Học Phổ Thông ngày 27/3/2009 có đăng bài “Cá chình suối Phú Quốc”. Nhằm định danh loài cá này, chúng tôi đã tra cứu các tài liệu chuyên khảo tương đối mới về cá ở miền Nam Việt Nam và cá ở hạ lưu sông Mêkong. Có thể thấy ngay rằng, về hình thái bên ngoài, loài cá Phú Quốc nói trên rất giống với loài Clarias nieuhofi (hay nieuhofii) Valenciennes 1840. Theo Nguyễn Thị Thu Hè (2003), tên tiếng Việt của Clarias nieuhofi là “cá trê đuôi vẹo niêu”. Để tiện so sánh, xin tạm gọi loài cá này là “cá trê Phú Quốc”. Trê Phú Quốc giống với cá C. nieuhofi ở hình dáng thon thả như cá chình (eel-like walking cat fish - theo sách của Chavalit, Field guide to Fishes of the Mekong Delta, 2008). Theo Rainboth (1996) C. nieuhofi (xem hình) có chiều dài tiêu chuẩn gấp 8 - 9,3 lần chiều cao. Một loài khác ở bán đảo Thái Lan là Clarias cataractae cũng có hình thái tương tự, nhưng chiều dài chuẩn chỉ gấp 6,5 lần chiều cao thân. Loài C. nieuhofi mà tên Việt là cá trê đuôi vẹo niêu có màu nâu sậm với nhiều hàng đốm tròn màu vàng - trắng, dài khoảng 50 - 60 cm (Rainboth, 1996; Chavalit, 2008). Điểm khác biệt đáng kể giữa trê đuôi vẹo niêu với trê Phú Quốc là ở chỗ cá trê đuôi vẹo niêu có các vi lưng (D), vi đuôi (C) và vi hậu môn (A) gần như dính liền nhau, còn ở cá trê Phú Quốc thì có sự tách biệt tương đối rõ giữa D và C và giữa C và A (xem hình). Theo các tài liệu chúng tôi đang có, cá trê đuôi vẹo niêu phân bố ở ven biển Cardamom (Campuchia), tây Campuchia, bán đảo Mã Lai, đông nam Thái Lan, các hồ nam Tây Nguyên của Việt Nam. Còn có thể tìm thấy loài này ở Ấn Độ, Lào và Indonesia (Nguyễn Văn Hảo, 2005). Chúng tôi thử đem cá trê Phú Quốc về nuôi ở Rạch Giá nhưng không thành công, có lẽ do loài này không chịu được môi trường nước chua phèn và hơi mặn. Vì sự cách trở giữa đảo và đất liền, chúng tôi cũng chưa có điều kiện kiểm tra kỹ, xác định số tia mềm trên vi hậu môn. Con số này ở loài Clarias nieuhofi là 69 - 95, còn ở Clarias cataractae là 54. Có lẽ cũng cần xác định mức độ liên kết của các vi D và A với C (Chavalit, 2008) trước khi khẳng định tên khoa học của cá trê Phú Quốc. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, nếu cá trê Phú Quốc được xác định là có nhiều đặc điểm hình thái giống với cá trê đuôi vẹo niêu Clarias nieuhofi (trừ đặc điểm về sự liên kết của C với D và A) thì việc định danh khoa học loài này có thể đi theo hướng khác. Đó là, cá trê Phú Quốc có tổ tiên rất gần với cá trê đuôi vẹo niêu Clarias nieuhofi từ lục địa Nam Á, nhưng trong quá trình tiến hóa, do sống trong môi trường tương đối tách biệt của đảo (như trường hợp chó Phú Quốc!), nó đã có những biến dị hình thái. Vì thế có thể coi cá trê Phú Quốc là một kiểu hình (morphotype) của Clarias nieuhofi (hay Clarias cataractae). Tuy chưa cho sinh sản nhân tạo thành công, chúng tôi vẫn đang tiếp tục khảo sát và nghiên cứu để biến cá trê Phú Quốc thành một loài cá nuôi trong điều kiện nhân tạo. ThS. ĐẶNG KHÁNH HỒNG (Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Kiên Giang)