Kỹ thuật mới phân biệt giới tính cá khổng tượng www.practicalfishkeeping.co.uk Việc nhân giống cá khổng tượng (Arapaima gigas) vừa đạt được một bước tiến quan trọng bằng việc xây dựng một kỹ thuật phân biệt giới tính cá rất chính xác mà không phải tác động nhiều đến chúng. Chi tiết về phương pháp phân biệt, phát triển bởi Fred Chu-Koo và các đồng sự, được đăng trên số ra mới đây của tạp chí Fish Physiology and Biochemistry. Phương pháp bao gồm việc xét nghiệm nồng độ chất plasma vitellogenin, đo tỷ lệ các chất 17-estradiol (E2) và 11-ketotestosterone (11KT) trong máu cá, đồng thời các tác giả kiểm chứng giới tính của đối tượng bằng việc mổ và kiểm tra tuyến sinh dục. Theo kết quả nghiên cứu trước đó trên các loài cá khác, nồng độ plasma vitellogenin ở cá cái cao hơn ở cá đực và tỷ lệ 11KT:E2 ở cá đực cao hơn ở cá cái. Dựa trên phương pháp được các tác giả xây dựng, người ta có thể phân biệt giới tính cá chính xác đến 95% nếu áp dụng nồng độ plasma vitellogenin và 100% nếu áp dụng tỷ lệ 11KT:E2. Về lâu dài, cách phân biệt giới tính “không dùng sức” này có một ý nghĩa quan trọng trong việc lai tạo cá khổng tượng. Trước nghiên cứu này, chưa hề có cách phân biệt giới tính một cách đáng tin cậy nào tồn tại, mà chỉ dựa vào các thay đổi về màu sắc khi cá bắt đầu bắt cặp. Phương pháp hiện đang được áp dụng để nhân giống cá khổng tượng là kém hiệu quả, hoàn toàn dựa vào việc bắt cặp tự nhiên của những con cá giống không rõ giới tính thả trong hồ đất. Các tác giả viết “vì việc sản xuất cá bột là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong công tác lai tạo… điều thiết yếu hàng đầu là phải phân biệt được giới tính của từng con cá giống đem lai tạo”. “Điều này đặc biệt cần thiết đối với những con cá lớn không thể hiện những đặc điểm khác biệt giữa đực và cái. Nuôi quá nhiều cá khổng tượng giống trong hồ hay lồng sẽ tốn nhiều không gian và thức ăn, dẫn đến những thiệt hại về mặt kinh tế”. Để có thêm thông tin, hãy tham khảo: Chu-Koo, F., R Dugué, MA Aguilar, AC Daza, FA Bocanegra, CC Veintemilla, F Duponchelle, J-F Renno, S Tello and J Nuñez (2009) Gender determination in the Paiche or Pirarucu (Arapaima gigas) using plasma vitellogenin, 17-estradiol, and 11-ketotestosterone levels. Fish Physiology and Biochemistry doi: 10.1007/s10695-008-9211-8.