Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Lai xa - cách lai tạo betta hiệu quả nhất

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 18/8/07.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Lai xa - cách lai tạo betta hiệu quả nhất
    Tiến sĩ Dr. Leo Buss - nguồn www.bettas4all.nl

    Hiển nhiên, cách tốt nhất để cải thiện một dòng cá là lai chúng với những cá thể có quan hệ huyết thống gần gũi. Hãy lai cận huyết khi bạn tập trung vào một đặc điểm mong muốn, đương nhiên đây là cách hiệu quả để gia tăng tỷ lệ những đặc điểm mong muốn ở bầy cá con. Vậy tại sao tôi lại giới thiệu một bài viết với tựa đề ngược lại?

    [​IMG]
    Dạng đuôi halfmoon đặc trưng ở con cá này là đặc điểm chiếm ưu thế trong các cuộc triển lãm cá cảnh.

    Những hệ thống sinh học vô cùng phức tạp. Ngay với một đặc điểm đơn giản nhất ở một sinh vật cũng có cấu trúc rất phức tạp với hàng ngàn thành phần hóa học. Khi chúng ta thấy một đặc điểm mong muốn ở một cá thể thì có rất nhiều cách khác nhau để đạt được đặc điểm đó. Những dòng cá cách xa nhau về mặt di truyền có thể sử dụng những cơ chế sinh học khác nhau để tạo ra cùng một đặc điểm mong muốn. Nếu vậy thì hãy lai xa dòng cá của bạn với dòng cá khác để đạt được kết quả thực tế bằng sự kết hợp của hai xu hướng vào một mục đích chung.

    Ví dụ về đuôi của cá halfmoon
    Cứ coi như dạng đuôi halfmoon là dạng đuôi được yêu thích nhất ngày nay trong các cuộc triển lãm cá betta. Đuôi halfmoon có hình chữ D với những đầu tia đuôi tạo thành một viền tròn với góc xòe 180 độ. Loại vây như thế này đòi hỏi phải đạt một số tiêu chuẩn theo định nghĩa.

    Đặc biệt, các tia đuôi ngoài rìa phải thẳng và dài tương đương với những tia đuôi khác để không bị uốn cong ở chính giữa hay mép của đuôi. Hiển nhiên, vây cũng phải thật lớn và điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách.

    Một cách để tạo ra góc đuôi xòe 180 độ là gia tăng số lượng tia sơ cấp. Cá betta cảnh thường có từ 10 đên 14 tia sơ cấp. Ngay với số lượng tia sơ cấp tối đa, mức độ và vị trí phân nhánh của tia sơ cấp có thể ảnh hưởng mạnh mẽ lên hình dạng của đuôi.

    Những cách khác
    Cá halfmoon đương nhiên phải có tia tam cấp. Thuật ngữ "tia tam cấp" ám chỉ đến việc một tia sơ cấp phân ra làm hai tia nhị cấp, rồi mỗi tia nhị cấp lại phân ra làm 2 tia tam cấp; kết quả một tia sơ cấp phân thành 8 tia tam cấp ở mép đuôi. Rất ít cá halfmoon có tia tứ cấp hay nhiều hơn.

    Cách thứ ba để làm cho đuôi xòe rộng rất dễ đoán. Màng giữa các tia vây có thể dãn ra. Tuy nhiên, mặc dù màng vây giữa các tia vây ở một số dòng cá đuôi tưa rất lớn, tôi chưa bao giờ thấy đặc điểm này được lợi dụng để gia tăng màng vây ở dòng cá halfmoon.

    Mỗi cách trình bày ở trên đối với cá halfmoon - dù là tăng số lượng tia sơ cấp, tăng mức độ phân nhánh và tăng độ rộng màng vây - có thể liên quan đến những cơ chế sinh học khác nhau. Những alen khác nhau của các gen này có thể là nguyên nhân tạo ra một số khác biệt được thấy ở các kiểu phân nhánh.

    Lý thuyết Fisher
    Mức độ phức tạp của các cơ chế sinh học đảm bảo việc hình thành những đặc điểm cơ bản bao gồm vô số các yếu tố và do đó có nhiều cách để tiếp cận. Bất kỳ thành phần gen nào đóng góp vào việc hình thành một đặc điểm đều có thể được cải thiện. Hiển nhiên, tuyên bố này cực kỳ quan trọng.

    Ronald Aylmer Fisher, nhà sinh học di truyền và tiến hóa trong giai đoạn 1920 đến 1940 được nhắc đến trong rất nhiều tài liệu, qua việc sử dụng hàng loạt các mô hình toán học mà chúng không chỉ tương thích với khoa học di truyền và tiến hóa mà trên thực tế còn liên quan mật thiết đến đến những phương pháp mà ngày nay được coi là chuẩn mực.

    Fisher hệ thống hóa các kết quả trong tác phẩm "Quy tắc cơ bản về sự chọn lọc tự nhiên". Trong tác phẩm của ông xuất bản vào năm 1930 "Lý thuyết di truyền của sự chọn lọc tự nhiên", quy tắc được phát biểu như sau: "cơ hội tồn tại của một cá thể ở một thời điểm gia tăng tương ứng với sự đa dạng gen của cá thể ở vào thời điểm đó".

    George R. Price nhà di truyền dân số người Mỹ, cải thiện quy tắc này một cách đáng kể, với những ai quan tâm, quy tắc đó được biết như là "Phương trình Price". Cả hai đều có quan điểm chính rằng tỷ lệ cải thiện một đặc điểm thông qua sự chọn lọc tự nhiên phụ thuộc vào sự đa dạng gen liên quan đến đặc điểm đó.

    Với những nhà lai tạo, bài học thu được rất đơn giản: để việc cải thiện diễn ra nhanh chóng, hãy gia tăng sự phân hóa di truyền bên trong một dòng cá. Bởi vì sự đa dạng di truyền tương đương với việc có nhiều phương pháp sinh học hơn để đạt được mục đích mong muốn, nhà lai tạo có khả năng sử dụng sự phân hóa gen để cải thiện dòng cá thông qua việc lai xa.

    Tại sao lại phải lai cận huyết?
    Nếu lai xa có những ưu điểm rõ rệt, vậy tại sao lai cận huyết lại là phương pháp được áp dụng trên thực tế? Chỉ một lời giải thích cũng đủ làm sáng tỏ vấn đề. Khi người ta lai tạo cá với đặc điểm di truyền nhất định, cá con sẽ không chỉ mang các đặc điểm di truyền mong muốn mà còn bị di truyền cả những gen không tốt.

    Một ví dụ
    Điều này có thể được giải thích như trường hợp cá halfmoon mô tả ở trên. Chẳng hạn nhà lai tạo Dan lai tạo những con halfmoon màu xanh, nhưng những con cá này có một lỗi nhỏ là còn dính chút màu đỏ trên vây bụng. Hãy tưởng tượng nhà lai tạo Sieg cũng lai tạo những con halfmoon màu xanh, nhưng cá của Sieg lại có lỗi nhỏ là vây ngực trong suốt. Bây giờ Seig và Dan trao đổi cá cho nhau với mục đích cải thiện đuôi cho dòng cá của mình bằng nguồn gen lạ, nghĩa là thông qua việc lai xa với dòng cá khác, họ mong sẽ thu được những con cá có đuôi thật đẹp.

    Điều gì sẽ xảy ra nếu họ thu được những con cá có đuôi cực đẹp nhưng lại bị dính màu đỏ ở vây bụng và vây ngực trong suốt. Vậy đó, lai xa đồng nghĩa với việc kết hợp những đặc điểm mong muốn cũng như những đặc điểm không mong muốn. Vì thế, có một nhược điểm rất lớn ở lai xa. Một dòng cá chất lượng có thể di truyền nhược điểm từ dòng cá khác và bị hỏng.

    Có cách nào để tận dụng ưu điểm của lai xa và tránh nhược điểm? Câu trả lời là có. Nếu lai xa để tạo sự đa dạng gen rồi tiếp tục lai cận huyết nhiều thế hệ sau đó để chọn lọc những đặc điểm mong muốn và loại bỏ những đặc điểm không mong muốn, thì cá con từ kết quả lai xa ban đầu sẽ dần dần có được những đặc điểm mong muốn của dòng cá. Việc xáo trộn dòng cá để làm mất các đặc điểm không mong muốn là rất khó khăn, đo đó việc lai xa chỉ nên thực hiện với những dòng cá tương tự hay có chất lượng cao hơn dòng cá của mình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9/12/07

Chia sẻ trang này