Mạo hiểm tính mạng để tránh bị quấy rối tình dục Nguồn http://www.practicalfishkeeping.co.uk Một nghiên cứu công bố trên số mới đây của tạp chí Biology Letters phát hiện rằng cá bảy màu cái mạo hiểm tính mạng của mình chỉ để tránh sự quấy rối tình dục của những chàng cá đực đa tình. Safi Darden và Darren Croft khảo sát sự quấy rối của cá đực với cá cái như là một yếu tố thúc đẩy sự chia rẽ giới tính trong môi trường sinh sống tự nhiên của loài bảy màu Trinidad (Poecilia reticulata), và phát hiện thấy rằng cá cái ở dưới vùng nước sâu lâu hơn (nơi có nhiều kẻ săn mồi hơn) mỗi khi có sự hiện diện của cá đực. Các tác giả cũng thả năm con cá cái to với năm con cá đực to (thí nghiệm giới tính hỗn hợp) hay năm con cá cái to với năm con cá cái nhỏ (thí nghiệm đồng giới tính) trong một vùng cô lập ở sông Turure, Trinidad. Sau đó ghi nhận hành vi và vị trí của bốn cá thể được đánh dấu (hai cá cái to và hai cá đực to trong thí nghiệm giới tính hỗn hợp, hai cá cái to và hai cá cái nhỏ trong thí nghiệm đồng giới tính) trong thời gian 10 phút. Các tác giả cũng đánh giá mức độ đe dọa đối với cá bảy màu cái dựa trên độ sâu bằng cách hạ một con bảy màu cái đựng trong lọ nhựa trong suốt, không màu nối với một sợi dây mảnh xuống mực nước nông (23 cm) và sâu (60 cm) trong con sông để quan sát hành vi của cá săn mồi đối với đối tượng này trong thời gian 10 phút. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng cá đực và cái phân bố ở những vùng khác nhau trong thí nghiệm giới tính hỗn hợp, với cá đực ở vùng nước nông nhiều hơn cá cái và cá cái ở vùng nước sâu nhiều hơn cá đực; cá cái thường xuyên ở tại vùng nước nông trong thí nghiệm đồng giới tính. Theo các tác giả, “điều này cho thấy rằng, khi có sự hiện diện của cá đực, cá cái chuyển xuống vùng nước sâu hơn, địa điểm chứa đựng nhiều nguy hiểm hơn, để tránh sự quấy rối tình dục của cá đực” (sự xuất hiện của cá cái ở vùng nước sâu nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ bị cá săn mồi ăn thịt được khẳng định qua đánh giá của các tác giả về mức độ đe dọa). Để có thêm thông tin, xin hãy tham khảo: Darden SK and DP Croft (2008) Male harassment drives females to alter habitat use and leads to segregation of the sexes. Biology Letters 4, pp. 449–451.