Mô hình nuôi cá lóc trên đất vườn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao http://www.thangbinh.gov.vn Ở tổ 13, thôn 3, xã Bình Triều (Thăng Bình), hai năm gần đây đã xuất hiện một nông dân nuôi cá lóc trải bạt trên đất vườn cho thu nhập cao: lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Đó là anh Trần Khương, 36 tuổi, người biết khắc phục khó khăn của vùng cát thường khô hạn về mùa hè và ngập úng vào mùa mưa để làm giàu. Ảnh: Anh Trần Khương trong hồ nuôi cá lóc trải bạt. Sau nhiều năm tìm việc làm ở các tỉnh phía Nam, anh Trần Khương học hỏi được kinh nghiệm nuôi cá lóc của nông dân và rút ra một qui trình nuôi cá cho chính mình. Đó là sử dụng 500m2 đất vườn đưa vào nuôi cá lóc bằng cách dùng tấm bạt trải lên để giữ nước, dùng bao đất chất lên thành ao và thả cá lóc. Để giảm tỉ lệ hao hụt trong quá trình nuôi, anh phải thay nước thường xuyên 2 ngày một lần, không để nguồn nước bẩn dễ gây bệnh cho cá. Thức ăn cho cá được anh mua từ bến cá Hội An và biển Bình Minh (Thăng Bình), một “nguồn” dồi dào, giá thành lại rẻ. Riêng cá giống, anh mua ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và luôn chủ động nguồn cá giống để nuôi gối đầu cho vụ sau. Sau 4 tháng nuôi thì cho thu hoạch vụ đầu tiên và đã có lãi, anh Khương mạnh dạn mở rộng diện tích ao nuôi lên thêm 500m2 nữa với 5 hồ nuôi cá lóc trải bạt, đồng thời trong quá trình nuôi định kỳ phân loại cỡ cá để tránh hao hụt. Mỗi năm, anh xuất bán cá 3 đợt, mỗi đợt từ 3-4 tấn cá, thu về trên 400 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, anh đã có lãi trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài việc nuôi cá lóc, anh Khương còn dành riêng một bể nuôi cá trê lai để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ cá lóc và cũng thu được nguồn lãi đáng kể. Thị trường tiêu thụ cá lóc của anh Khương cũng ổn định, đó là nhờ anh bán cho bạn hàng ở Đà Nẵng; mỗi khi có cá xuất bán anh chỉ thông tin bằng điện thoại là có xe tải đến chở cá. Cá bán được giá nhất là từ tháng chạp đến tháng 5 âm lịch. Vào thời điểm này, cá nuôi không sợ bị mưa lụt trôi và nguồn cá ngoài thị trường lại khan hiếm nên lãi nhiều. Nhờ đó, gia đình anh Khương đã thoát nghèo, trở thành hộ khá giàu. Anh cũng thường chia sẻ kinh nghiệm với những nông dân đến tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá để giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Có ít nhất 5 hộ đến tham khảo kỹ thuật, phương pháp nuôi cá lóc trải bạt từ anh Khương. Với hy vọng mô hình nuôi cá nước ngọt trải bạt sẽ được nhân rộng trên địa bàn huyện Thăng Bình, anh tâm sự: “Mô hình này có nhiều thuận lợi như diện tích nhỏ, tận dụng được lao động dư thừa, đầu tư ao nuôi đơn giản, nguồn nước nuôi ít, thời gian nuôi ngắn và ở những diện tích đất cát đều có thể nuôi được”. Thúy Ưu