Một số loài cây độc cỡ lớn Chất độc là tiến hóa của thực vật nhằm chống lại các loài động vật ăn cỏ (herbivores), giúp chúng sinh tồn. Những cây độc thường xuyên được cảnh báo và nhiều người biết đến là cây cảnh cỡ nhỏ, chẳng hạn như trúc đào (oleander). Cây độc cỡ lớn (cao trên 10 m) hầu như không có ảnh hưởng hay tác động gì đến đời sống hiện đại. Chúng thường là các loài cây dại ở núi rừng hay bãi bờ hoang vu, hoặc xa xôi nơi hải ngoại, mà dẫu bạn cố ý đi tìm cũng còn khó thấy nói chi đến tình cờ gặp gỡ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ liệt kê một số loài cây độc cỡ lớn với ưu tiên cho loài bản địa (6), sau đến cây ngoại nhập (2) với một vài ngoại lệ về cây độc nước ngoài (2), nhưng danh tiếng của chúng được lan truyền khắp nơi: Cây mã tiền Strychnos nux-vomica, còn gọi là củ chi, cổ chi, hoàng đàn, hay võ doản. Cây là loài bản địa ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Vùng đất Củ Chi [ngoại thành Sài Gòn] xưa là rừng mã tiền (củ chi) bạt ngàn, nhưng vì cây độc nên bà con chặt bỏ hết (a). Mã tiền là cây gỗ kích thước trung bình, cao đến 20 m, rụng lá theo mùa (deciduous). Gốc ngắn và dày. Gỗ trắng, đặc, cứng và mịn (close-grained). Cành mọc tự do (irregular) và phủ vỏ xám tro, trơn láng. Chồi non xanh thẫm với lớp phủ bóng. Lá mọc đối chữ thập (opposite decussate), cuống ngắn hình oval, hai mặt bóng. Lá dài khoảng 10 cm và rộng 7.6 cm. Hoa nhỏ màu xanh nhạt, hình phễu. Hoa nở vào mùa lạnh và nặng mùi. Trái to như quả táo, vỏ cứng và bóng, khi chín có màu cam. Cơm mềm và trắng như-thạch với 5 hạt phủ bông mềm (b). Hạt dẹp như cái đĩa, phủ đầy lông phát tán từ giữa mép, điều khiến hạt rất bóng. Hạt rất cứng, với nội nhũ (endosperm) xám sẫm nơi chứa mầm nhỏ vốn không nặng mùi nhưng vị rất đắng (b). Hạt mã tiền [mã tiền tử馬錢子] chứa khoảng 1.5% độc tố strychnine (một loại alkaloids), hoa khô chứa khoảng 1%. Vỏ chứa brucine và những độc tố khác (b). Strychnine là chất độc hủy hoại thần kinh (neurotoxin), vị đắng, không màu, được dùng làm bả diệt những động vật nhỏ như chim và chuột (c). Hạt và vỏ mã tiền là vị thuốc đông y; ngâm rượu để xoa bóp trị đau lưng, nhức mỏi; dùng với liều lượng thích hợp có tác dụng kích thích thần kinh tủy, vị giác và tiêu hóa (a). Tuy nhiên, không có bằng chứng điều trị hữu hiệu cho bất kỳ bệnh nào. Cùng với độc tính chết người của nó, mã tiền không được coi là thảo dược (theo Commission E) ở Đức, rồi sau đó ở Mỹ và Anh (b). Trong lãnh vực chọi gà, vài bài thuốc om gà đòn có chứa thành phần mã tiền, có lẽ được sao chép từ bài thuốc xoa bóp dành cho người tập võ (d). Với gà đá cựa sắt, mã tiền là thành phần chính trong các chất kích thích thần kinh (stimulant), giúp gia tăng phản xạ và chịu đòn tốt hơn (e). Tác dụng nhanh chóng của nó khiến các sư kê bình dân ưa chuộng. Tuy nhiên, các sư kê hiện đại khuyên tránh dùng chất này bởi hiệu lực ngắn và gà dễ bỏ bến (tức lối đá sở trường) (f). Việc sử dụng mã tiền như là chất kích thích cho gà chọi có lẽ khởi đầu từ các sư kê Mỹ vào giữa thế kỷ trước (g), sau lan qua Philippines. Công thức pha chế luôn được bảo mật. Ngày nay, sư kê nội địa thường sử dụng các sản phẩm thương mại được sản xuất và nhập khẩu từ Philippines. (a) Mã tiền (b) Strychnos nux-vomica (c) Strychnine (d) Bài thuốc om gà (e) Rooster Preparation (Mike Strecker) (f) On Gamecock Conditioning (Doc Teddy Tanchanco) (g) Hormone Strychnine Keep & Hormone Strychnine Slasher Keep (River View Game Farm) Cây mã tiền ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Vĩnh Hy, Ninh Hải, Ninh Thuận (ảnh Minh Peter, Wikipedia). Hạt mã tiền Strychnos nux-vomica (ảnh H. Zell, Wikipedia). Cây sui Antiaris toxicaria, còn gọi là nong, cây thuốc bắn [Arrow Poison Wood, tiễn độc mộc箭毒木] (a). Cây là loài duy nhất thuộc chi Antiaris với năm phân loài khác nhau, mà một trong những khác biệt chính là kích thước trái. Cây phân bố trong vùng khí hậu nhiệt đới, ở Úc, châu Á, châu Phi, Indonesia, Philippines, Tonga và hàng loạt hòn đảo nhiệt đới khác (b). Ở Việt Nam, cây mọc hoang khá nhiều ở miền núi (c). Sui là cây đồng chu (monoecious) [trên một cây có cả hoa đực lẫn hoa cái]. Cây lớn, cao từ 25 – 40 m, với đường kính thân lên đến 40 cm, thường được chống đỡ ở gốc [rễ cối phát triển] với vỏ xám nhạt. Nhựa cây dạng sữa lỏng. Lá hình elliptic đến obovate, dài 7 – 19 cm, rộng 3 – 6 cm. Cây ở châu Phi ra trái to hơn cây ở châu Á và Đa Đảo (Polynesia). Cây sui Indonesia nở hoa vào tháng 6. Ở Kenya, đỉnh điểm mùa trái vào tháng 3. Trái ăn được, dạng quả hạch (drupe) đỏ hay tím, đường kính 2 cm với một hạt đơn. Cây mọc nhanh và trưởng thành trong vòng 20 năm (b). Ngoài một số công dụng phụ như ván ép, dược liệu, nguồn tannin, thuốc nhuộm, trái cây, nhựa sui chứa một loại độc tố cardiac glycoside đậm đặc gọi là antiarin. Nó được sử dụng làm chất độc bôi lên mũi tên, phi tiêu (dart), xuy tiêu (blowdart) trong các nền văn hóa hải đảo Đông Nam Á. Trong nhiều bộ lạc thổ dân ở Philippines, Borneo, Sulawesi và Malaysia, nhựa sui cô đặc được gọi là upas, apo hay ipoh và những tên khác. Dung dịch cô đặc được bôi lên đầu mũi tiêu sử dụng trong ống thổi sumpit để săn bắn và chiến đấu. Ở Java, Indonesia xưa, nhựa sui (gọi là upas) được trộn với mã tiền lông Strychnos ignatii [loại độc tố tương tự mã tiền] để tẩm độc mũi tên. Loài cây độc này cũng ghi dấu trong các nền văn hóa Trung Hoa và phương Tây thời kỳ thuộc địa (b). Dường như cây này được người dân tộc Ba Na ở Phú Yên gọi là lon chi ngăng (d), người Ve ở Nam Giang, Quảng Nam gọi là prua (e), người Thái ở Nghệ An gọi là co noòng (f), người Cơ Tu ở Đông Giang, Quảng Nam gọi là ch’pơơr (g). Tuy mô tả mơ hồ, chúng có một điểm chung: nhựa độc màu trắng, dùng để tẩm lên đầu mũi tên! (a) Cây sui: Không chỉ là loài cây chứa độc tố (b) Antiaris (c) Sui (cây) (d) Kỳ bí thuật chế những mũi tên kịch độc trên dãy Trường Sơn (e) Nhựa độc Prua - sức mạnh đại ngàn (f) Bí ẩn mũi tên tẩm độc chế từ nhựa cây của người Thái Nghệ An (g) Kịch độc Ch’pơơr và những huyền thoại của người Cơ Tu Cây upas (Antiaris toxicaria) ở Vườn thực vật Kandy, Sri Lanka (ảnh Moluques, Sri Lanka, Wikipedia). Cây mướp sát Cerbera odollam, loài bản địa ở Đông Nam Á, các đảo Thái Bình Dương, và Queensland, Úc, mọc dọc theo bãi biển, bờ sông và bên cạnh các đầm lầy ngập mặn (mangrove swamps) (a). Tại Việt Nam, cây được phát hiện ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hoà. Còn gọi là mướp sác, mướp sác vàng, hải qua tử (b). Có nơi gọi là xoài biển, bán như cây cảnh quan (c). [Về chất độc] mướp sát rất giống với một loài cực độc cùng họ Apocynaceae là trúc đào (oleander). Cây mọc cao đến 10 – 12 m. Lá bóng, hoa trắng với “họng” vàng. Nhựa trắng. Trái dài 5 – 10 cm, đổi màu từ xanh sang đỏ khi chín. Nó có vỏ sợi màu lục, chứa một nang (kernel) tròn khoảng 2 x 1.5 cm và hai hạt cực độc bên trong. Khi ra ngoài không khí, nang trắng chuyển thành tím, rồi nâu sẫm, hay đen (a). Chất độc trong nang của mướp sát là ceberin, một cardiac glycoside, vốn ngăn chặn các sodium và potassium ATPase của tim. Nang chứa một lượng độc chết người (a). Mướp sát thường được dùng để đầu độc và tự sát. Vị đắng của nó dễ dàng được che lấp bởi vị cay, khiến nạn nhân ăn mà không để ý. Ở Kerala, mướp sát chịu trách nhiệm cho khoảng 50% trường hợp nhiễm độc thực vật và 10% tổng số ca nhiễm độc. Người ta tách nang khỏi hạt và trộn với đường mía để ăn. Cái chết sẽ xảy ra nhanh chóng, khoảng 3 – 6 giờ sau khi ăn (a). Hạt mướp sát được sử dụng làm thuốc trừ sâu sinh học (biopesticides), chất xua đuổi côn trùng và bả chuột. Nghiên cứu việc sử dụng hạt làm nguyên liệu sản xuất dầu diesel sinh học đang được thực hiện. Dầu được chiết suất từ hạt và chuyển đổi thành acid béo methyl esters. Đây là nguồn thay thế tốt cho những thực vật được dùng để sản xuất diesel sinh học bởi vì, khác với những cây này, chúng mọc ở vùng đất phi-canh tác (non-arable land) và do đó không cạnh tranh với cây lương thực (food crops) (a). Tên tiếng Anh của mướp sát là “cây tự sát” (suicide tree) hay pong-pong (a), nhưng ở Việt Nam ít người biết nó cực độc (d). Loài cây tự sát mà nhiều người nghe nói đến là lá ngón, thường mọc ở ven rừng, lề đường. (a) Cerbera odollam (Wikipedia). (b) Cerbera odollam (Tra Cứu Dược Liệu). (c) Cây xoài biển (Cây mướp xác). (d) Hãi hùng loài cây tự tử giết người nhiều, có ở Việt Nam Cerbera odollam (ảnh Vengolis, Wikipedia). Cây xoan Melia azedarach, còn gọi là xoan ta, phân bố trong khu vực Indomalaya và Australasia (a). Cây trưởng thành có tán tròn, và cao 7 – 12 m, ngoại lệ đến 45 m. Lá dài tới 15 cm, mọc so le (alternate), lá phức (compound) cuống dài cấp 2 hay 3 (lông chim-lẻ, odd-pinnate); lá chét (leaflet) màu lục sẫm ở trên và nhạt hơn ở dưới, với mép răng cưa. Hoa nhỏ và thơm, với năm cánh màu tím nhạt hay hoa cà, mọc thành chùm. Trái dạng quả hạch (drupe), cỡ viên bi, khi chín màu vàng nhạt, không rụng suốt mùa đông, mà teo dần và gần như trắng. Cây có vòng đời ngắn, tối đa 20 năm (a). Công dụng chính của cây xoan là khai thác gỗ. Gỗ xoan có mật độ trung bình, màu nâu nhạt đến đỏ sẫm. Nhìn bề ngoài, nó dễ bị nhầm với gỗ giã tỵ Gỗ xoan có giá trị cao. Sấy khá đơn giản – ván khô không bị nứt nẻ hay cong vẹo và kháng nấm. Hạt cứng năm-rãnh thường được sử dụng làm tràng hạt (rosaries) và những sản phẩm cần đến viên (bead); tuy nhiên hạt sau này được thay thế bằng nhựa. Cành với trái chín được bán ở tiệm hoa, nhất là để trang trí lễ ngoài trời. Ở Kenya, cây được nông dân trồng làm thức ăn gia súc. Lá cho bò ăn để cải thiện sản lượng sữa và tăng lợi tức. Lá không đắng như lá neem (Azadirachta indica). Lá cây được sử dụng như là thuốc trừ sâu tự nhiên, giữ cùng với thực phẩm cần bảo quản, nhưng không được ăn vì nó rất độc. Trái xoan được dùng để ngăn sâu bọ đục trái. Chẳng hạn, bằng cách đặt vào táo khô và phơi nắng mà không để vỏ trái xoan bị hư hại, trái sẽ khô và ngăn sâu bọ trong táo khô. Cây trưởng thành có thể cho sản lượng gần 15 kg trái mỗi năm. Dịch cất loãng từ lá và cây trước đây từng được sử dụng để làm giãn tử cung. Gốc limonoid trong cây bao gồm những hợp chất kháng ung thư và sốt rét (a). Trái đã tiến hóa để động vật ăn được, chúng ăn phần thịt xung quanh hạt hay ăn nguyên trái rồi thải hạt ra. Nếu vỏ bị vỡ trong quá trình ăn và tiêu hóa, động vật sẽ bị phơi nhiễm với chất độc từ hạt. Quá trình nhai nuốt và tiêu hóa, và mức độ đề kháng với chất độc nhất định, thay đổi đáng kể tùy theo loài, và sẽ có khác biệt đáng kể về triệu chứng lâm sàng sau khi ăn. Trái gây mê man hay nhiễm độc cho người nếu ăn nhiều. Theo y văn Trung Hoa, người bị nhiễm độc nếu ăn 6 – 9 trái, 30 – 40 hạt, hay 400 g vỏ. Tuy nhiên, chất độc không gây hại cho chim, chúng ngốn trái đến mức “say xỉn”. Những loài ăn được trái xoan sẽ phát tán hạt qua phân của chúng. Chất độc là loại hủy hoại thần kinh (neurotoxins) và các loại nhựa (resins) chưa xác định trong trái. Các triệu chứng nhiễm độc đầu tiên xuất hiện vài giờ sau khi ăn. Chúng có thể bao gồm mất vị giác, nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy, phân có máu, đau dạ dày, sung huyết phổi, trụy tim, cứng cơ (rigidity), mất kiểm soát vận động và suy yếu toàn thân. Tử vong có thể xảy ra sau khoảng 24 giờ. Như các loài họ hàng, nhóm tetranortriterpenoids đóng góp một thành phần độc tố quan trọng. Về mặt hóa học, chúng liên quan đến hợp chất azadirachtin, hợp chất trừ sâu chính trong dầu neem (neem oil). Những hợp chất này có lẽ liên quan đến khả năng kháng côn trùng của hạt và gỗ, và sự kém hấp dẫn của hoa với động vật. Cây cũng độc với mèo (a). Hoa và lá xoan được dùng rải dưới chiếu để ngừa rệp (b). Cây xoan Melia azedarach (hoa trắng tím) rất giống với cây neem Azadirachta indica (hoa trắng) và một số cây khác. Chúng tôi tránh dùng từ “sầu đâu” bởi chỉ đến các loài khác nhau tùy địa phương (b). (a) Melia azedarach (b) Xoan Lá, hoa và trái xoan (ảnh Anna Anichkova, Wikipedia). Trà mủ Excoecaria agallocha, một loài cây ở vùng nước lợ và mặn của rừng ngập mặn (mangrove) nhiệt đới, địa bàn phân bố trải dài từ tây Ấn đến nam Úc (a). Các đầm ngập mặn hình thành một loại đất lầy ven biển trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong rừng ngập mặn, hầu hết là các loài chịu mặn ven biển. Trà mủ được biết như là một loại cây ngập mặn hậu tuyến, mọc ở vùng đất cao, xa biển phía sau, nơi có độ mặn thấp hơn (a). Trà mủ có thể mọc cao đến 15 m. Cây phân ra đực và cái (dioecious). Hoa đực hình thành tua rủ, trong khi hoa cái có nhánh ngắn hơn (a). Thân cây nhẵn, lá hình trái xoan, nhẵn bóng, thường mọc xoắn chen chúc. Phiến lá dài khoảng 6 – 15 cm, rộng khoảng 3 – 5 cm, cuống lá dài khoảng 1 – 7 cm, rãnh ở mặt trên (b). Các loài thụ phấn như ong thường thăm hoa. Trái là quả nang nhỏ sẫm màu (a), hình cầu, có 3 cạnh, có vòi nhụy. Ba hạt bên trong, hình cầu, màu xám nhạt, phát tán nhờ nước (b). Cây được bảo vệ tốt nhờ hóa chất phòng vệ; chúng bao gồm diterpenoids, triterpenoids và flavonoids. Nhựa của trà mủ rất độc và cực kỳ khó chịu (irritant), điều phổ biến ở các loài thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Tiếp xúc qua da gây khó chịu và nhanh chóng bỏng rộp; tiếp xúc nhẹ qua mắt có thể gây mù tạm thời, bởi tên [tiếng Anh] của nó chỉ đến sự đui mù [“blinding tree” tức “cây mù”]. Thậm chí tên chi (genus) [Excoecaria] theo tiếng Latin cũng có nghĩa là “kẻ đui mù” (blinder) (a). William Bligh trong cuốn sách Du hành đến Biển Nam (Voyage to the South Sea) của mình đã đề cập rằng ông đã cảnh báo về mối nguy này khi ông khởi hành chuyến đi vốn kết thúc bằng một cuộc binh biến tai tiếng trên chiến hạm Bounty, bài học rút ra từ thuyền trưởng James Cook vào 1777 trong thời gian ông phục vụ như là hoa tiêu (sailing master) của Cook. Nhiều người được Cook điều đến bãi biển để lấy gỗ đã bị mù một thời gian. Nhờ đó, ông chỉ đạo cho người của mình không chặt loại cây đó khi ông điều họ đến bờ biển Tahiti để kiếm gỗ và nước vào 1789. Ông chỉ đạo hợp lý, bởi thậm chí khói từ gỗ cháy cũng độc và có thể làm hại mắt, vì vậy nó không nên được dùng làm nhiên liệu (a). Nhựa từ cây trà mủ có nhiều phytotoxins, bao gồm excoecariatoxins, vốn hết sức khó chịu với da, mắt và màng nhầy (a). Dù có cơ chế hóa chất phòng vệ mạnh, trà mủ lại là nguồn thức ăn duy nhất của ấu trùng bọ ngọc rừng ngập mặn (mangrove jewel bug, Calliphara nobilis), một loài bọ ngọc ăn lá (phytophagous) phân bố trong các rừng ngập mặn nhiệt đới ở một số vùng của châu Á. Như nhiều loài bọ scutellerids ăn lá với tín hiệu cảnh báo (aposematism), C. nobilis có khả năng hóa giải hợp chất hóa học từ cây chủ, vốn độc hại với những kẻ ăn cây, và sử dụng [chất độc] để tự vệ cho chính mình. Những hợp chất hóa học này được chắt lọc và trữ trong một cặp túi hương ở đốt ngực sau (metathorax) của bọ trưởng thành và nhộng. Khi những con côn trùng này bị bắt hay bị đe dọa, chúng sẽ tiết ra chất dịch gây khó chịu và có độc từ các túi này như một lời cảnh báo cho những kẻ săn mồi tiềm tàng (a). Cả lá khô lẫn bột lá đều giữ được độc tính và có thể giết cá rất nhanh hay được dùng để bôi lên mũi phi tiêu. Trà mủ được phát hiện có một loạt lợi ích về y học và dược lý, bao gồm điều trị chứng động kinh, lở loét, cùi, tê thấp và bại liệt. Nhờ thành phần hóa học phức tạp của mình, cây có thể có nhiều ứng dụng y học mới (a). Cây chủ yếu mọc hoang cặp bờ sông giúp giữ đất, chống xói mòn; và vì cây có nhánh dài, cứng và dẻo nên cũng có vài nơi trồng thành rừng để chắn gió vì khả năng năng chịu bão rất lớn, khó bị gãy đổ (b). (a) Excoecaria agallocha (b) Trà mủ Trà mủ Excoecaria agallocha (ảnh J.M.Garg, Wikipedia). Hoa Excoecaria agallocha (ảnh Vengolis, Wikipedia). Cây cau Areca catechu, loài bản địa ở Philippines, được thuần dưỡng để lấy trái (areca nuts). Nó được đưa đến khắp vùng nhiệt đới bởi quá trình di cư và buôn bán của người Austronesian từ ít nhất 1,500 năm trước công nguyên dựa trên tập tục ăn trầu. Nó được trồng một cách rộng rãi và được coi là cây tự nhiên ở Đông Nam Á, nam Trung Quốc, Ấn Độ Dương, một số đảo ở Thái Bình Dương và West Indies (a). Cau là cây trung bình thuộc họ cọ (palm), mọc thẳng đến 20 m, đường kính gốc 10 – 15 cm. Lá dài 1.5 – 2 m, lông chim (pinnate), với rất nhiều lá chét (a). Hạt chứa các alkaloids chẳng hạn như arecaidine và arecoline, mà khi nhai, gây nhiễm độc và nghiện nhẹ. Hạt cũng chứa tannins đậm đặc (procyanidins) gọi là arecatannins, vốn là carcinogenic. Hoạt động kháng khuẩn của hạt đang được nghiên cứu (a). Cau được trồng để thu hoạch trái có giá trị thương mại, trái cau là thành phần chính của món trầu cau. Nó phổ biến khắp vùng Đông Nam Á, Nam Á, Đài Loan, Papua New Guinea và một số đảo lân cận, những vùng ở nam Trung Hoa, đảo Madagascar, và quần đảo Maldives. Trái cau có thể gây nghiện và liên quan trực tiếp đến ung thư miệng. Việc nhai trái cau là nguyên nhân của chứng xơ hóa dưới niêm mạc miệng (oral submucous fibrosis), một thương tổn tiền ác tính (premalignant) vốn có thể diễn tiến thành ung thư miệng (a). Tục ăn trầu bắt nguồn từ các đảo vùng Đông Nam Á, nơi cau là loài bản địa. Bằng chứng xưa nhất được biết về tục ăn trầu được phát hiện trong một huyệt mộ ở hang Duyong tại Philippines, khoảng 4,630±250 năm trước. Sự phát tán của nó gắn bó mật thiết với thời đại đồ đá mới (Neolithic) của người Astronesia. Nó tỏa khắp Indo-Pacific trong thời tiền sử, đến Micronesia khoảng 3,500 đến 3,000 năm trước, Near Ocean khoảng 3,400 đến 3,000 năm trước, Nam Ấn và Sri Lanka khoảng 3,500 năm trước, Đông Nam Á lục địa khoảng 3,000 đến 2,500 năm trước, Bắc Ấn khoảng 1,500 năm trước, Madagascar khoảng 600 năm trước. Từ Ấn Độ, nó cũng lan sang phía tây đến Ba Tư và Địa Trung Hải. Nó cũng từng hiện diện trong văn hóa Lapita trước đây, dựa trên các di chỉ từ 3,600 đến 2,500 năm trước, nhưng nó không được đưa đến Polynesia (a). Trái cau được nhai cùng với vôi tôi (slaked lime) và lá trầu không (betel leaves) nhờ hiệu ứng kích thích và say (narcotic) (a). Người dùng nhai miếng trầu [đã têm] rồi bỏ bã. Cau, trầu và vôi làm răng và môi người nhai đỏ thẫm. Vị trầu rất nóng và hăng. Quả cau có vị thơm nồng và hăng và có thể gây say khi lần đầu tiên sử dụng. Tại Ấn Độ, hạt cau được sử dụng để tẩy giun (b). Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có truyện Sự tích trầu cau. Câu chuyện này nhân cách hóa nguồn gốc của cây cau, cây trầu không và tảng đá vôi là những thứ được sử dụng để ăn trầu cũng như giải thích tục lệ sử dụng trầu cau trong các đám cưới (b). Cau cũng được trồng làm cảnh trong nhà, nhưng là loài mọc chậm, nhu cầu nước thấp và nhu cầu ánh sáng cao, nó nhạy cảm với bét cây (spider mites) và đôi khi rệp sáp giả (mealybugs). Ở Ấn Độ, lá khô rụng được thu thập và ép nóng thành đĩa và chén cau dùng một lần (disposable) (a). (a) Areca catechu (b) Cau Vườn cau (ảnh KEmel49, Wikipedia). Hình minh họa sự tích trầu cau (ảnh Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia). Cây nhục đậu khấu Myristica fragrans, là cây bản địa ở đảo Maluku, Indonesia. Nó là thành phần chính của các gia vị gồm bột nhục đậu khấu (nutmeg) và áo nhục đậu khấu (mace) (a). Cây được trồng trên đất liền ở khắp vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây chủ yếu được trồng ở các tỉnh phía nam (b). Nhục đậu khấu là cây thường xanh, cao 5 – 15 m, nhưng đôi khi đến 20 m hay thậm chí 30 m ở Tidore. Lá mọc so le, màu lục sẫm, dài 5 – 15 cm, rộng 2 – 7 cm với cuống khoảng 1 cm. Loài biệt chu (dioecious), chẳng hạn “hoa đực” hay nhị và “hoa cái” hay noãn mọc ở hai cây khác nhau, dẫu thỉnh thoảng có cá thể mọc cả hai loại hoa. Hoa có dạng hình chuông, vàng nhạt và phần nào mềm như sáp. Nhị hoa chụm thành nhóm từ một đến mười, dài 5 – 7 mm, noãn chụm thành nhóm từ một đến ba, có phần dài hơn, đến 10 mm (a). Cây cái trổ ra bầu vàng bóng hay trái dạng quả lê, dài 6 – 9 cm với đường kính 3.5 – 5 xm. Trái có vỏ mềm. Khi chín vỏ tách thành hai nửa chạy dọc gờ, theo chiều dài của trái. Bên trong là một hạt bóng màu tím-nâu, dài 2 – 3 cm, rộng khoảng 2 cm, với cơm màu đỏ hay đỏ thắm (aril). Hạt là nguồn nhục đậu khấu (nutmeg); cơm là nguồn áo nhục đậu khấu (mace) (a). Hạt chứa myristicin, một loại thuốc trừ sâu tự nhiên và acaricide với hiệu ứng tổn thương thần kinh khả dĩ trên các nguyên bào thần kinh (neuroblastoma). Nó có tính hướng thần (psychoactive) với liều cao hơn nhiều so với liều dùng trong nấu ăn. Nhục đậu khấu tươi gây hiệu ứng giống như kháng cholinergic, góp phần bởi myristicin và elemicin. Hiệu ứng say của myristicin có thể dẫn đến một trạng thái thể chất lơ lửng giữa tỉnh và mê; sự hưng phấn được báo cáo và buồn nôn thường được trải nghiệm. Người sử dụng cũng báo cáo triệu chứng mắt đỏ và trí nhớ lộn xộn. Myristicin được biết cũng gây ra hiệu ứng ảo giác, chẳng hạn hình ảnh biến dạng. Chứng say nhục đậu khấu kéo dài cực lâu trước khi đạt đỉnh điểm, đôi khi lên đến bảy giờ, và hiệu ứng có thể hết trong vòng 24 giờ, với cảm giác ngầy ngật (lingering) kéo dài đến 72 giờ (c). (a) Myristica fragrans (b) Nhục đậu khấu (c) List of poisonous plants Ra trái (ảnh കാക്കര, Wikipedia). Trái nhục đậu khấu chín (ảnh W.A. Djatmiko, Wikipedia). Cây bã đậu Hura crepitans, còn gọi là vông đồng, là loài bản địa ở vùng nhiệt đới Bắc và Nam Mỹ, kể cả rừng mưa Amazon (a). Cây cũng được trồng rộng rãi ở các nước châu Á, châu Mỹ và châu Phi (b). Cây bã đậu có thể mọc cao đến 60 m và lá ovate lớn của nó rộng đến 60 cm. Bã đậu là cây đồng chu (monoecious) với hoa đỏ, không cánh. Hoa đực mọc trên nhánh dài (spikes), trong khi hoa cái mọc trên nách lá (axils). Thân cây phủ đầy gai dài, nhọn vốn tiết ra nhựa độc. Trái lớn, dạng nang hạt (capsule), hình-bí đỏ, dài 3 – 5 cm, đường kính 5 – 8 cm, với 16 nang (carpels) sắp xếp đồng tâm. Hạt dẹp, đường kính khoảng 2 cm. Quả nang nổ khi chín, tách thành nhiều mảnh, và phóng hạt với tốc độ 70 m/s. Một nguồn nói quả nang chín phát tán hạt xa đến 100 m. Nguồn khác lại nói hạt bị bắn xa khỏi cây đến 45 m, trung bình khoảng 30 m. Phân tích video tốc độ cao về sự bùng nổ của quả tiết lộ rằng hạt bã đậu bay với kiểu xoáy dưới [backspin, lực xoáy hướng lên] thay vì kiểu xoáy trên [topspin, lực xoáy hướng xuống] như dự đoán trước đó. Kiểu xoáy dưới giúp hạt giữ hướng nhằm giảm thiểu lực kéo (drag) trong khi bay (a). Cây chuộng đất ẩm, bóng râm hay nắng một phần, Nó thường được trồng để lấy bóng mát. Gỗ đủ nhẹ để làm canoe của thổ dân. Nhựa và hạt có chứa các protein độc là hurin và crepitin. Nghe nói, ngư dân dùng nhựa trắng, ăn da (caustic) của cây này để thuốc cá. Thổ dân Caribs làm chất độc [bôi lên] mũi tên từ nhựa này. Gỗ được sử dụng làm đồ nội thất dưới tên “hura”. Trước khi các loại bút hiện đại được phát minh, nang hạt chưa chín được cưa làm đôi để trang trí hộp đựng cát [thấm mực] (sandboxes, còn gọi là pounce pots), nhờ đó nó có tên [tiếng Anh] là “sandbox tree”. Nó từng được nghi nhận là có dược tính. Hạt chứa một loại dầu vốn có độc nếu ăn vào, nhưng có thể làm dầu diesel sinh học (biodiesel) hay xà bông; tinh bột sót lại của nó có thể dùng làm thức ăn gia súc sau khi nấu chín. Loại đồ uống gây ảo giác (ayahuasca) của thổ dân vùng Amazon cũng có các thành phần protein từ bã đậu (a)(b). Về tên gọi, các tên bã đậu, ba đậu, ngô đồng có thể nhầm với loài khác, tùy cách gọi ở mỗi địa phương (d)(e). (a) Hura crepitans (b) Vông đồng (d) Ba đậu (e) Nhầm lẫn 'chết người' giữa cây ngô đồng và vông đồng Hura crepitans (cây vông đồng) ở Việt Nam (không phải loài bản địa) (ảnh Lưu Ly, Wikipedia). Cây ackee Blighia sapida, thuộc họ bồ hòn Sapindaceae cùng với vải và nhãn, cây bản địa ở vùng nhiệt đới Tây Phi [trường hợp ngoại lệ trong danh sách này]. Cây được nhập vào Jamaica vào 1773 và trở thành loại quả đại diện cho quốc gia, cùng với món ackee cá muối Jamaica trứ danh. Tên khoa học [Blighia genus] vinh danh thuyền trưởng William Bligh, người đem cây từ Jamaica về Vườn thực vật hoàng gia ở (Royal Botanic Gardens) ở Kew, Anh vào 1793 (a). Ackee là cây thường xanh, cao đến 10 m, với gốc ngắn và tán rậm rạp. Lá phức, lông chim chẵn (paripinnately) dài 15 – 30 cm, với 6 – 10 lá chét dai (leathery) hình elliptical đến oblong. Lá chét dài từ 8 – 12 cm, rộng 5 – 8 cm. Chùm hoa (inflorescences) thơm, dài đến 20 cm với hoa đơn tính vốn nở vào những tháng ấm áp. Hoa thơm, có năm cánh trắng phớt xanh (a). Trái dạng quả lê và có ba thùy (hai hay bốn cũng phổ biến). Khi chín, trái chuyển từ xanh sang đỏ tươi đến vàng-cam và tách ra làm hé lộ ba hạt lớn, đen bóng, hạt bị bao một phần bởi cơm (flesh) mềm, xốp, màu trắng tới vàng – cơm (aril) có mùi như-hạt và cấu trúc của trứng bác (scrambled egg). Trái có trọng lượng khoảng 100 – 200 g. Cây ra trái quanh năm, dẫu tháng giêng – tháng ba, tháng mười – tháng mười một là các vụ mùa chính (a). Có đến 48 giống ackee, vốn được phân nhóm thành loại “phô mai” (cheese) hay “bơ” (butter). Loại phô mai có màu vàng nhạt và đậm đà, phù hợp với ngành công nghiệp đóng hộp. Loại bơ màu vàng đậm hơn, chuyên biệt và phù hợp hơn với món ăn nhất định (a). Cơm chưa chín và các phần không ăn được của quả chứa chất độc hypoglycin bao gồm hypoglycin A và hypoglycin B, được biết như là “độc tố bồ hòn” (soapberry toxins). Hypoglycin A hiện diện ở cả cơm lẫn hạt, trong khi hypoglycin B chỉ ở hạt. Lượng chất độc hiện diện ở cơm chín là rất thấp. Ở trái chưa chín, tùy theo mùa và mức độ phơi nắng, nồng độ có thể cao hơn từ 10 đến 100 lần. Khi ăn phải cơm chưa chín và các thành phần khác của trái, dự trữ đường bị sụt giảm dẫn đến chứng hạ đường huyết (hypoglycemia) và một tình trạng gọi là bệnh nôn mửa Jamaica (Jamaican vomiting sickness) (a), kể cả tổn thương gan và tử vong. Sản phẩm bị cấm nhập vào Mỹ bởi quan ngại chất độc chứa trong cơm chưa chín (b). Dẫu ackee được sử dụng rộng rãi trong các món truyền thống, nghiên cứu về độc tính hypoglycin tiềm tàng của nó còn tản mác và hạn chế, cần sự đánh giá dựa trên các nghiên cứu y học bài bản để hiểu biết hơn về mặt dược lý, ứng dụng thực phẩm và phương pháp giải độc (a). Vào 2011, người ta phát hiện rằng khi trái chín, hạt đóng vai trò như một bồn chứa khi mà hypoglycin A trong cơm chuyển hóa thành hypoglycin B trong hạt. Hay nói cách khác, hạt giúp giải độc cho cơm, đưa nồng độ hypoglycin A xuống đến mức, nói chung là, an toàn để tiêu thụ (a). Trái ackee được để cho tách hết cỡ trước khi thu hoạch nhằm hạn chế chất độc. Khi nó “ngáp” hay “cười”, hạt được loại bỏ và phần cơm tươi, săn chắc được nấu sơ trong nước muối hay sữa, và có thể được chiên bơ để làm món ăn. Trong ẩm thực Caribe, người ta nấu với cá tuyết (codfish) và rau, và có thể cho thêm thịt hầm, cà-ri, súp hay cơm cùng với gia vị (a). Ackee mặn, đóng hộp là mặt hàng xuất khẩu phổ biến ở Jamaica, Belize và Haiti. Nó được trồng từ hạt, cây ra trái sau từ 3 – 5 năm. Cành [giâm/chiết] có thể ra trái sau 1 – 2 năm (a). Trái cây có nhiều ứng dụng ở Tây Phi và vùng nông thôn ở quần đảo Caribe, bao gồm đặc tính “xà bông” của nó như là một chất tẩy rửa hay bả cá (fish poison). Hoa thơm có thể được dùng để trang trí hay làm nước hoa, và lõi gỗ bền được sử dụng trong xây dựng, đóng cừ, làm mái chèo và thùng. Trong y học cổ truyền châu Phi, cơm chín, lá và vỏ được sử dụng để điều trị các bệnh nhẹ (a). (a) Ackee (b) Ackee - Uses, Side Effects, and More Cận cảnh trái ackee (Blighia sapida) trên cành (Jerome Walker, Wikipedia). Trái chín cùng với hạt và cơm của chúng (Rik Schuiling, Wikipedia). Cây manchineel Hippomane mancinella, là loài bản địa của vùng nhiệt đới châu Mỹ [trường hợp ngoại lệ trong danh sách này]. Cái tên manchineel (đôi khi được phát âm thành manchioneel hay manchineal) cùng với tên loài mancinella, bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha manzanilla (“táo nhỏ”), dựa trên sự giống nhau hết mực giữa quả và lá của nó với cây táo. Nó cũng được gọi là táo bãi biển (beach apple). Ngày nay, tên tiếng Tây Ban Nha [của cây này] là manzanilla de la muerte (“táo nhỏ chết chóc”). Điều chỉ ra một thực tế rằng manchineel là một trong những loài cây độc nhất trên thế giới: nó có nhựa trắng-sữa chứa nhiều chất độc và có thể gây bỏng rộp (blistering). Nhựa cũng xuất hiện ở mọi phần của cây – vỏ, lá và quả. Cây manchineel mọc cao đến 15 cm. Nó có vỏ màu hanh xám-đỏ, hoa nhỏ vàng-phớt xanh, và lá lục bóng. Lá đơn (simple), mọc so le, răng cưa rất mịn hay gai, và dài 5 – 10 cm. Cành hoa nhỏ phớt xanh sau đó đậu quả, mà bề ngoài rất giống với táo, màu xanh hay vàng-phớt xanh khi chín. Trái có độc, tương tự như những phần khác của cây. Cây manchineel có thể được tìm thấy ở bờ biển và đầm lầy nước lợ, nơi nó mọc giữa cây rừng ngập mặn (mangroves). Nó là bức tường chắn gió tự nhiên tuyệt vời và rễ của nó giúp ổn định cát, nhờ đó làm giảm sói mòn bờ biển. Mọi phần của cây đều chứa chất độc cực mạnh. Nhựa trắng-sữa chứa phorbol và những chất kích ứng da khác, tạo ra hội chứng Dị ứng tiếp xúc da (allergic contact dermatitis) mạnh. Đứng dưới tán cây trong khi mưa sẽ bị bỏng rộp vì tiếp xúc với dung dịch này: thậm chí một giọt mưa nhỏ pha chút nhựa cây sẽ khiến da bỏng rộp. Đốt cây có thể khiến mắt bị tổn thương nếu khói bay vào mắt. Việc tiếp xúc với nhựa trắng-sữa của cây sẽ khiến da lở loét (bullous dermatitis), bỏng mắt (keratoconjunctivitis) cấp tính và có lẽ suy biểu mô giác mạc (corneal epithelial defects). Dẫu trái cực độc nếu ăn vào, không có trường hợp nào được ghi nhận trong văn bản hiện đại. Việc ăn trái có thể gây viêm dạ dày (gastroenteritis) kèm xuất huyết, sốc và bội nhiễm (superinfection) vi khuẩn, cũng như khả năng tổn thương đường hô hấp do phù nề (edema). Khi ăn vào, trái cây được báo cáo rằng “ngọt dễ chịu” lúc ban đầu, tiếp theo là cảm giác “xót… dần phát triển thành bỏng rát và ngạt thở”. Triệu chứng tiếp tục xấu đi cho đến khi bệnh nhân “không thể nuốt đồ ăn cứng bởi đau đớn quá mức và cảm giác bướu lớn nghẽn họng”. Ở một số nơi trong vùng phân bố của mình, nhiều cây mang biển cảnh báo – chẳng hạn ở Curaçao – trong khi số khác được đánh dấu “X” trên thân để lưu ý nguy hiểm. Ở French Antilles, cây thường được đánh dấu bằng một vòng sơn đỏ khoảng 1 m bên trên mặt đất. Mặc dù cây độc với nhiều loài chim và động vật, cự đà đuôi gai-đen (Ctenosaura similis) được biết ăn trái và thậm chí sống trên các cành cây. Cây bao gồm 12-deoxy-5-hydroxyphorbol-6-gamma-7-alpha-oxide, hippomanins, mancinellin, và sapogenin. Phloracetophenone-2,4-dimethylether hiện diện ở lá, trong khi trái sở hữu physostigmine. Thuốc đắp từ cây dong (arrowroot, Maranta arundinacea) được người Arawak and Taíno sử dụng như là thuốc giải những chất độc trên. Người Caribs được biết đầu độc nguồn nước của kẻ thù bằng lá này. Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Juan Ponce de León chết ngay sau khi bị thương trong trận chiến với người Calusa ở Florida – bị xuyên bởi một mũi tên tẩm độc bằng nhựa cây manchineel. (a) Manchineel Trái và lá cây manchineel ở Cabo Blanca, vịnh Nicoya, Costa Rica (ảnh Hans Hillewaert, Wikipedia). Một số loài mà theo chúng tôi, là kém nổi bật hơn, xin liệt kê như sau: Cây xoài Mangifera indica (mango), loài bản địa ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Lá, cành, vỏ và nhựa chứa urushiol, một chất gây dị ứng da. Chi đại Plumeria spp., các loài bản địa ở vùng Neotropical, trải từ Florida, Mỹ, qua Trung Mỹ và Caribe, xuống đến Brazil. Việc tiếp xúc với nhựa trắng sẽ gây ra khó chịu ở mắt và da. Chi kim tước Laburnum spp. (golden chain), hai loài bản địa ở Nam Âu, từ Pháp đến Balkans. Mọi phần của cây, nhất là hạt, đều độc và có thể gây nguy hiểm [đến mức tử vong] nếu tiêu thụ quá nhiều. Chất độc chính là cytisine, một chủ vận thụ thể nicotinic (nicotinic receptor agonist). Chi sồi Quercus spp. (oak), phân bố rộng khắp bắc bán cầu. Lá và quả (acorns) gây ngộ độc cho người và vật nuôi (trừ heo) nếu tiêu thụ với số lượng lớn. Chất độc là tannic acid. Tuy hiếm khi chết người, quả sồi là thực phẩm chính ở nhiều nơi trên thế giới (sau khi được xử lý thích hợp). Cây dẻ ngựa Aesculus hippocastanum (horse chesnut), loài bản địa ở Balkans, sau được trồng ở nhiều nơi trên bắc bán cầu. Mọi phần của cây tươi đều độc, liên quan đến các saponins và glycosides, chẳng hạn như aesculin, gây buồn nôn, co giật và đôi khi liệt. Chondrodendron tomentosum (curare), loài bản địa ở Trung và Nam Mỹ. Nó chứa một alkaloids cực độc và là một trong những nguồn [pha chế] chất độc mũi tên curare của người bản địa. Malus florentina, loài táo bản địa ở Balkans và Ý. Hạt và có thể cả lá chứa chất độc hydrogen cyanide. Prunus laurocerasus (cherry laurel), phân bố từ Đông Nam Âu đến Tây Nam Á, và xung quanh biển Đen. Lá, quả và hạt có thể gây khó chịu trầm trọng cho người nếu ăn phải. Hạt có chứa các chất độc gồm cyanogenic glycosides and amygdalin. Prunus padus (hackberry), loài bản địa ở bắc Âu, bắc và đông bắc Á. Lá, cành và quả có chứa các chất độc gồm glycosides prulaurasin và amygdalin. Rhamnus cathartica (buckthorn), loài bản địa ở châu Âu, tây bắc châu Phi và tây Á. Hạt và lá độc nhẹ với người và động vật, nhưng chim ăn được.