Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Nguồn gốc của Betta (nguồn internet, anh em tham khảo)

Thảo luận trong 'Hà Nội Betta Club' bắt đầu bởi dell, 21/6/11.

  1. dell

    dell Active Member

    Mục đích của phần này là đề cập về nguồn gốc của loài Betta splendens đuôi dài. Tôi đã cố gắng đặt ra hàng loạt giả thuyết mà tự chúng cũng làm phát sinh rất nhiều vấn đề khác nữa. Vậy điều gì làm cho loài Betta splendens khác biệt với những loài cá khác?

    Thứ nhất, loài Betta splendens là sản phẩm của ngành cá cảnh Thái Lan thông qua sự lai tạo tự nhiên mà không hề có sự can thiệp của công nghệ gen hiện đại. Thứ hai, Betta splendens phát triển dựa trên quá trình tương tác có tính xã hội; nó là thành quả của việc trao đổi kiến thức truyền thống ở tầng lớp nông dân Thái Lan. Người ta tin rằng cá đá xuất hiện cách đây 600 năm vào thời hoàng đế Sukhothai, vị vua đầu tiên của Thái Lan. Những nhà lai tạo xưa kia, thường là những nông dân, học hỏi thông qua sự quan sát rồi sau đó thử nghiệm bằng cách đem cá đi đá. Họ hình thành một nhóm gọi là nhóm những nhà lai tạo và đá cá. Họ thường truyền đạt kiến thức về cá đá thông qua con đường truyền khẩu. Việc hé lộ kiến thức cho những người thân cận nhất đảm bảo rằng sẽ có người kế thừa và tiếp tục phát triển nó. Để thêm phần nghiêm trọng, họ thường căn dặn rằng “đừng đem những bí quyết này nói cho bất kỳ ai vì chúng có thể giúp tạo ra những con cá vô địch” (câu nói truyền thống này vẫn còn được duy trì cho đến tận ngày nay). Bằng việc truyền đạt kiến thức như vậy mà cá đá ở Thái Lan phát triển hết sức độc đáo nhưng đồng thời kỹ thuật lai tạo lại lập đi lập lại hay nói cách khác là không hề có sự tiến bộ nào. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi xét đến sự phát triển mạnh mẽ của cá Betta đuôi dài ở Mỹ so với cá Betta đuôi dài ở Thái Lan.

    Ngày nay, hầu hết những nhà lai tạo cá nghiêm túc vẫn thuộc tầng lớp nông dân Thái Lan. Tôi thấy có trách nhiệm ghi nhận và công bố về những kiến thức và trí tuệ của họ như là một phần của lịch sử Thái Lan ngày nay lên mạng Internet.

    Ở Thái Lan khi nói về Plakat, người ta phân biệt ra làm hai loại là loại đuôi dài và loại đuôi ngắn. Cả hai đều là Betta thuần dưỡng, có nguồn gốc từ loài Betta hoang dã. Cách nay khoảng 40 năm, Betta hoang dã có thể được tìm thấy ở khắp nơi từ những vùng ngập nước vào mùa lũ đến các con kênh dẫn nước trên đồng ruộng.

    Vậy dạng Betta đuôi dài xuất hiện từ khi nào? Nếu chúng ta quan sát màu sắc và hình dáng của các cá thể Betta hoang dã thì có thể thấy chúng chỉ khác nhau về kích thước. Hiển nhiên là các nhà lai tạo chỉ làm cho chúng to hơn và chủ yếu là hung dữ hơn lên mà thôi. Tuy nhiên, câu châm ngôn “bạn không thể có tất cả những gì mà mình mong muốn” luôn đúng và thích hợp ở đây. Vậy đâu là nơi mà chúng ta mất dấu về quá trình phát triển của dạng cá đá đuôi dài và dạng cá đá đuôi ngắn? Betta hoang dã có hình dạng toàn thân rất cân đối, các vảy và vây sáng lấp lánh và rất cuồng nhiệt mỗi khi giương vi phùng mang; không dạng Betta thuần dưỡng nào có hình dáng và hành vi tương tự. Nói một cách ngắn gọn sự khác biệt giữa dạng hoang dã và thuần dưỡng chỉ ở kích thước mà thôi. Nhưng dạng Betta đuôi dài là gì? Chúng cũng giống như tất cả các dạng Betta khác. Dù các nhà khoa học đã kết luận rằng chúng cùng loài với Betta đuôi ngắn nhưng tôi không hề thấy con Betta đuôi dài nào xuất hiện trong một bầy Betta đuôi ngắn. Tôi luôn chất vấn các nhà lai tạo mà tôi quen biết về nguồn gốc của Betta đuôi dài nhưng không có ai biết cả. Câu trả lời thường là “tôi đã thấy cả hai loại Betta từ rất lâu rồi”. Các tài liệu nước ngoài cũng không thể giải đáp được điều này “tôi không rõ dạng đuôi dài đến từ đâu” [Christopher W. Coates, Tropical fishes for a Private Aquarium, 1950: trang 137]. Nhà lai tạo cao tuổi nhất, 80 tuổi mà tôi có dịp phỏng vấn cũng trả lời tương tự. Điều này bây giờ đã trở thành một truyền thuyết về cá đá mà tôi rất hào hứng đi tìm lời giải.

    Có ba giả thuyết về sự xuất hiện của Betta đuôi dài.

    Thứ nhất: thuyết giả lập môi trường

    Thuyết này cho rằng con cá Betta cái thẩm thấu màu sắc và hình dạng của môi trường và truyền cho bầy con của nó. Theo thuyết này, giả sử rằng bạn muốn tạo ra con cá Betta đuôi dài màu vàng thì bạn có thể vẽ hình con cá đực đuôi dài màu vàng lên giấy rồi dán lên thành lọ nuôi con cá cái. Sau 1-2 tháng, chúng ta đem con cá cái lai với một con đực bất kỳ. Bầy cá con có thể xuất hiện một số cá thể có màu sắc và hình dáng như cá vẽ trên giấy bên cạnh số lượng lớn giống như cá mẹ và cá bố. Sau khi thu được những cá thể đầu tiên có đuôi hơi vàng và dài, nhà lai tạo sẽ đem con cá đực đuôi dài và vàng lai với con cá cái cũng đuôi dài và vàng ở cùng bầy. Bằng việc lặp đi lặp lại quá trình này, dạng cá Betta đuôi dài sẽ dần dần được hình thành.

    Thứ hai: thuyết chuyên hóa

    Nếu như thuyết giả lập dựa trên yếu tố môi trường thì thuyết chuyên hóa lại dựa trên yếu tố xã hội. Nhiều văn bản bằng tiếng Thái đều cho rằng con cá Betta splendens đuôi dài xuất hiện cách nay trên một trăm năm. Trong các văn bản nước ngoài, sự xuất hiện lần đầu tiên của cá Betta đuôi dài ở San Francisco hỗ trợ cho giả thuyết trên.

    “Ở Thái Lan, việc lai tạo cá đá cũng như gà đá được duy trì từ hàng trăm năm nay, phát triển thành những dạng đặc biệt. Không hề có con cá đá nào được nhập vào Mỹ mãi cho đến năm 1928, khi hai chiếc tàu buôn cập bến San Francisco từ Bangkok. Những con cá với vây cực lớn này đã tạo nên một cơn sốt trong giới chơi cá cảnh ở đây. Có một loại sậm màu, vây đỏ. Những cá này lai với nhau, rồi với cá đuôi ngắn và những con cá Xiêm khác đến từ nước Đức…” [Lucile Quarry Mann, Tropical fish, New York, 1954]

    Nếu những cứ liệu trên đây là chính xác thì nhìn chung, người Mỹ biết đến cá đá đuôi dài khoảng 30 năm sau khi nó được lai tạo thành công ở Thái Lan. Tôi tin rằng cá đuôi dài được phát triển từ cá đuôi ngắn mà chúng lại có nguồn gốc từ cá Betta hoang dã.

    Trở lại luận điểm mà tôi đã đề cập ở trên rằng cá Betta đuôi dài là sản phẩm từ hoạt động lai tạo và can thiệp của con người, do đó những lý giải về mặt xã hội học ít nhiều phải được cân nhắc đến. Tại sao? Bởi vì một trăm năm trước chúng tôi không lai tạo cá vì các mục đích thương mại mà chỉ với mục đích giải trí chẳng hạn như để đá hoặc nuôi làm cảnh (thật khác với ngày nay khi thương mại và lợi nhuận là mục đích chính của các nhà lai tạo). Bây giờ, trở lại ý kiến của tôi, các cậu bé luôn nuôi cá đá đuôi ngắn giống như cha và ông mình từng làm. Nhưng còn các cô bé thì sao? Loại cá nào thích hợp cới các cô bé? Loại cá đá đuôi ngắn thì lại quá dữ tợn (nên nhớ rằng vào thời đó chỉ có đàn ông mới nuôi cá đá, thường là để đem đi thi đấu). Các cô bé lại muốn có loại cá cảnh tương tự như tụi con trai nhưng chỉ để nuôi chơi. Đây là lý do loại cá đuôi dài xuất hiện. Cha hay chú của các cô bé, và cũng là nhà lai tạo, cố ý lai tạo ra những cá thể Betta đuôi dài để làm vừa lòng con gái hay cháu gái của họ. Những cá thể có đuôi dài rất dễ phát hiện vì chúng trông rất khác biệt với những cá thể khác trong cùng bầy. Tôi cho rằng sự phát triển của cá đuôi dài bắt đầu khi cô bé đem khoe con cá đuôi dài của mình với chúng bạn. Các cô bạn gái này sau đó lại về nhà nài nỉ cha hoặc chú mình, cũng là những nhà lai tạo khác, tạo ra những con cá đuôi dài tương tự. Tôi nghĩ bây giờ độc giả có thể hình dung những gì diễn ra sau đó.

    Truyền thống lai tạo ra những con cá đặc biệt để cho con nít nuôi chơi hãy còn được duy trì ngày nay. Ở mỗi khu vực, hầu hết các nhà lai tạo đều dành một bầy cá đặc biệt cho con cháu trong nhà chơi. Một số người lai tạo ra những màu sắc đặc biệt trong khi những người khác lại đem lai cá thuần dưỡng với cá hoang dã để trẻ em đem đá với cá tương tự của chúng bạn. Mục đích của việc lai tạo là để đem đi đá với những con cá Betta hoang dã. Loại cá này đá không bền nhưng cá lai lại khắc phục được nhược điểm này.

    Tôi cho rằng lúc đầu dạng cá đuôi dài xuất hiện đâu đó ở các tỉnh lân cận Bangkok. Sự hình thành các câu lạc bộ cá cảnh tạo nên nhu cầu thương mại đối với dạng cá này. Giá cả của chúng rất đa dạng, tôi xin trích dẫn như sau: “cách nay hai, ba năm, loài Betta splendens thuần dưỡng có chất lượng rất đắt, khoảng 30 đô la một cặp” [Christopher W. Coates, Tropical Fishes for a Private Aquarium, 1950: trang138]

    Ngày nay, các cô bé ở Thái Lan thích nuôi dạng cá đuôi dài làm cảnh, trong khi các anh em trai của họ vẫn thích nuôi dạng cá đuôi ngắn để đá.

    Thứ ba: bắt nguồn từ Trung Hoa

    Thuyết này dựa trên yếu tố ngôn ngữ để giải thích về nguồn gốc của cá đuôi dài. Nó hoàn toàn dựa trên cách đánh vần tên cá. Ở Thái Lan người ta gọi cá đuôi dài là “Plakat Cheen”. Plakat Cheen có thể được dịch thành “cá đá Trung Hoa” (Plakat=cá đá, Cheen=Trung Hoa). Tên này ám chỉ rằng cá đá đuôi dài đến từ Trung Hoa, hay ít ra nó phải có mối liên hệ nào đó đến người Hoa hay đất nước Trung Hoa. Tôi từng nghe có người nói rằng các thầy tu người Hoa, và cũng là các nhà lai tạo cá đem cá Betta đuôi dài vào thị trường cá cảnh ở đây.
    Từ Plakat Cheen có ba cách hiểu. Thứ nhất, từ Cheen có thể hiểu là nước Trung Hoa hay người Trung Hoa. Điều này có thể hiểu là cá Betta đuôi dài có nguồn gốc từ Trung hoa và được đem vào Thái Lan thông qua các thủy thủ và thương thuyền cách nay trên trăm năm. Tuy nhiên, các chứng cứ (văn bản và truyền khẩu) đều bác bỏ khả năng này và cho rằng nó chỉ là từ vay mượn mà thôi.

    Theo cách hiểu thứ hai, Cheen có nghĩa là người Hoa. Họ có thể là nhà sư, thường dân hay nhà lai tạo cá cảnh. Tôi vừa xem TV cách đây vài ngày và rất ngạc nhiên khi có chương trình cho rằng các nhà sư Trung Hoa là những người đầu tiên tạo ra cá đuôi dài cách nay khoảng một thế kỷ. Một nguồn tài liệu khác của Thái lại cho rằng các nhà lai tạo người Hoa là những người lai tạo cá đuôi dài thành công đầu tiên. Cá nhân mà nói, tôi thích cách giải thích này. Nó dường như củng cố cho ý kiến của tôi trước đây. Cá đuôi dài không dùng để đá mà chỉ để nuôi làm cảnh với động cơ thương mại ẩn dấu đàng sau sự xuất hiện của chúng. Các nhà lai tạo người Hoa rất giỏi trong việc phát hiện và phát triển những dòng cá mới. Người Hoa nắm giữ thị trường cá cảnh ví dụ như cá chép, cá vàng, cá bảy màu…Một yếu tố khác nữa đó là người Thái Lan không bán cá đá của mình như cá cảnh hay bán cho người ngoài. Người ta sợ rằng dòng cá của họ bị hỏng vì nuôi dưỡng hay huấn luyện sai cách hay chỉ đơn giản là sợ chúng bị bán cho đối thủ hay kẻ lừa đảo (nên nhớ rằng chất lượng của dòng cá gắn liền với tên tuổi của nhà lai tạo và số lượng tiền đặt cược). Những nhà lai tạo người Hoa có thể phát hiện ra giá trị của những con cá lộng lẫy và dự đoán rằng nếu tạo ra được những con cá có màu sắc đẹp hơn, vây dài hơn thì chúng sẽ là sản phẩm bán chạy. Khi còn trẻ, tôi còn nhớ là cá Betta đuôi dài được bày bán ở khắp các tiệm cá cảnh. Những người bán hàng đều là người Hoa và họ không bao giờ nói về khả năng đá của chúng. Sự phát triển của cá Betta đuôi dài sẽ mãi là điều bí mật bởi vì theo truyền thống của người Hoa, họ sẽ không bao giờ nói ra bí quyết kinh doanh cho người ngoài.

    Cách hiểu thứ ba, Cheen là khái niệm so sánh về người Hoa hay nước Trung Hoa, lối so sánh ẩn dụ về những gì tương tự như như vậy; ví dụ như: nói to như người Hoa, mắt trông giống như mắt người Hoa, hay thiết kế theo phong cách Trung Hoa…
     
  2. nvd_nz

    nvd_nz Active Member

    Theo em đã được đọc qua những thông tin chính thức & không chính thức thì cá đuôi dài (cá Nghi Tàm nói chung theo cách hiểu của anh em ta trước đây khi chưa biết những con HM, DT, CT...) đã có mặt ở đất Bắc từ thời Pháp thuộc (rất lâu rồi khoảng 1858-1945 theo wiki). Không hiểu có khi nào là cá Betta splendens lại có xuất phát điểm ở Việt Nam ta không anh nhỉ???
     
  3. dell

    dell Active Member

    Mình nghĩ cá Nghi Tàm nguồn gốc không xuất phát từ bắc VN vì không thấy ở ngoài tự nhiên.Theo như Dũng nói thì thời Pháp thuộc đã có, mình nghĩ khả năng là do thông thương nên có loại cá đó, có thể từ nam VN, cá phướng.

    Còn về bài này nói nguồn gốc cá do người Hoa mình lại không cho như vậy.Đặc điểm của người Hoa là đi khắp thế giới và giỏi buôn, thích đánh bạc. Những yếu tố đó đủ để họ đem cá đi khắp nơi phục vụ nhu cầu này. Bản thân Thailand, thai trắng chính là gốc tàu còn thai đen, khun thai, là dân gốc Thai. Tuy nhiên ở Đông nam á, tự nhiên chỉ thấy có cá đuôi ngắn, cá Nghi tàm cũng có ở Thailand và cũng khá nhiều nhưng tự nhiên không có. Cũng là 1 điều thú vị.

    Do VN từng là thuộc địa của Pháp nên khả năng Dũng nêu là hòan tòan có thể, khi mà người Pháp/Hoa đem giống cá này đi các nơi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/6/11
  4. dell

    dell Active Member

    Anh em tham khảo 1 chút với truyện cũ của cụ Sển về cá đá

    Nhà chơi cá, muốn được giống cá hay, phải tự mình lựa cá giống và tự xem lấy mình việc ép cá hay đúc cá ấy. Ban đầu ai ai cũng tưởng hễ lai giống Xiêm nhiều là hay là giỏi. Sau này kinh nghiệm dạy cho biết “lai Xiêm” cũng nhiều thứ, và rất nhiều “giống lai” tốt mã, nhưng dở khẹt; thua một độ còn chưa tin “cá dở”, thua chồng thêm hai ba độ liên tiếp, chừng biết tài chàng thì túi tiền đã nhẹ (chàng đây là con cá thia thia lai chớ không phải anh chồng lai thua cá ngựa, tuy cả hai đều có thể làm sạt nghiệp người nuôi!). Tạo hoá thật chí công! Nếu khi đúc, để rặc Xiêm, thì đem cáp với cá ta, ai ai đều chạy mặt, thì hoá ra công lao cực khổ không dùng vào đâu, như câu tục ngữ thường nghe chẳng hoá ra “đổ đầu cù lao”, vô ích! Vì đó nên những tay chơi cá tập đúc cá “mình ên”. Nhưng không hiểu sao: mùa này cá đực giống A, đúc với cá mái là cá ta, giống B, sanh ra một bầy cá lai: cắn dữ, chịu đòn hay, chủ nhờ nó kiếm tiền bộn bộn! Qua năm sau, quen mửng cũ, làm bài toán năm rồi: “lấy A cộng với B”, thì chuyến này, gặp Tổ trác, cả bầy đều “bở”, hại thua thấy m. thấy ch.! (Lâu ngày mới biết có người chơi cá “ám hại”, lén đúc cá một sắc, nhưng giống dở, ban đêm đem trút xuống ao nhà, báo hại lầm tưởng giống hay, hớt lên nuôi, đem đá thì luôn luôn đụng độ với lão tinh ma nọ, và lần nào cũng thua sạch túi, ban sơ tin chắc tại nuôi không kỹ nên cá hư,-hư con này còn con khác,- sau lâu ngày biết được kế độc, thì đã muộn, học khôn đắt tiền).

    Như đã biết, cá lai cũng có bầy hay, bầy dở, bầy lai gần, gọi lai một đời hay hai đời, và lai xa, gọi “lai biệt dạng”. Người có biệt tài, khéo ở chỗ đúc mà khi cáp cá, người ta không biết cá mình là cá lai, hoặc thấy “lai phảng phất” chút ít, kể như cá hồ, nên chịu độ, đến khi thả vô keo đá mới thấy lai rõ rệt, mà phép “thả cá vô keo” rồi thì kể chịu độ, phải để đá đến ăn thua, chớ không bắt ra được. Phép đúc cá, phải làm sao cho người ta biết cá mình không phải cá lai Xiêm, thì mới dễ kiếm độ; chớ ở trường, khi cáp cá ngoài thố nhỏ, khi thấy cá lai rõ rệt thì ít ai khứng đá với mình, cũng có khi họ thấy lai mà dám đá là khi nào họ từng thấy trong bầy cá lai của người đó đã đá trước một hai con mà không dữ, hình thể cá đã xấu hoặc hư rồi, hoặc “cá lai non” nên họ không sợ. Cũng vì lầm tưởng như vậy, nên đã có người “tương kế tựu kế”, đúc và nuôi đến hai bầy: khác nhau ở chỗ mẹ cha khác giống, nhưng giống nhau ở chỗ cùng màu, cùng sắc, để dễ gạt lớp người thực thà, tuần này họ đem cá dở ra đá, rồi tuần sau họ mang cá hay đến gỡ độ, đá lớn hơn, những ai quá tham không kịp xét nét, sẽ thua họ mà không ngờ đã lầm kế độc “ly miêu hoán chúa”!

    Phàm cá cũng như gà, “gan ruột” giống mẹ. Muốn đổ, phải lựa chọn cá mái cho thật dữ, nghĩa là mái lựa mái Xiêm rặc hoặc lai một hai đời tuỳ ý, nhưng “cá trống” phần nhiều lựa “trống Rạch” (Rạch Giá), “trống cỏ”, “trống hồ” đã từng ăn độ “anh hùng”, và lựa từ nết đá, nét chịu đòn, đến hình thể, v.v… Các tay chơi chưa lão luyện, ai ai lúc đổ cá, cũng ham cá sau này sẽ giỏi chịu đòn, cắn dữ, biết đánh “đòn hồi mã thương”, biết “chơi cú đờ tết”, tức biết quay mình dùng đầu đánh trái lại đầu con cá kia chưa đề phòng, biết đòn “câu nứơc hàm trên”, “câu nước hàm dưới”, tức cắn ngay hàm (trên hay dưới) của con cá nọ, ngậm chắc và trì xác con nọ xuống tận đáy, vừa lấy thế đó mà nghỉ mệt, xả hơi, vừa thi tài “giỏi nín hơi”, con nào không quen, không đủ sức chịu đựng, nín hơi lâu không nổi, sẽ giựt hàm chịu thua và chạy luôn có cờ! Nhưng những nhà lão luyện, kinh nghiệm có thừa, lại thích đúc cá thật bén, cắn dữ bội phần, để con cá kia bị cắn, bị đòn, rát quá thì chạy ngay; chớ những miếng “hồi mã thương”, “đâu hàm”, “bỏ chạy dụ địch” đều có chút phần nguy hiểm vì trong khi “chạy dụ địch” nếu có một bóng lạ, một tiếng động thình lình, cá chạy luôn cũng chưa biết chừng, nguy hiểm là vì vậy, nên họ không thích lắm.

    Khỏi nói, về cá mái, cá để giống luôn luôn là cá lựa “gắt củ kiệu”, không chỗ chê, và trứng phải thật già. Trứng chưa già, ép ra thì cá non hao nhiều, mớ nào sống cũng không bền, không khác người ta đẻ thiếu tháng. Trong lúc mái còn non trứng, phải để cặp bên cá trống, mỗi ngày, cho ăn đầy đủ và mỗi bữa cho đá bóng cho cá sung sức, trứng mau già. Khi nào thấy con mái lội, đầu chìm xuống, khúc đuôi chổng vổng lên, bụng no tròn, ở hai bên hông “sọc dưa” vàng đen rõ rệt và một trứng lòi ra dưới bụng, ấy là trứng đã già, cá đã đúng lứa ép, không nên để lâu nữa. Trứng già mà không cho trống ép thì con mái cũng chết; đừng tưởng như người, ép xác bắt ở như vậy thủ tiết mà lầm!

    Muốn ép cá, trước hết phải cho hai con cá trống cá mái ăn cung quăng cho thật no, như vậy lát nữa cá không ăn trứng của cá mái đẻ ra. Mà phải để hai con riêng ra mà cho ăn, vì không biết ý, nhốt chung hai con rồi thả cung quăng vào, cá trống mảng mừng gặp mụ đầm, nào có lo ăn, luật thiên nhiên chỗ này, người và loài vật, thiên tánh như nhau rồi đó! Phải sắm sẵn một cái thùng cây thật rộng, thứ thùng rượu chát cũ thì hay lắm: xài thùng cây thì sau này cá con không mòn răng và được “bén” vì cá lúc nhỏ, thích rà miệng sát mặt lu mái thùng, khi thở, khi kiếm ăn. Bằng không sẵn thùng thì dùng “lu mái đầm” hoặc khạp rộng miệng cũng tốt vậy. Đoạn lấy vợt hớt và thả nhẹ nhẹ trống và mái chung nhau. Nên lựa đầu mùa mưa là mùa cá sanh sản và lựa một ngày vần vũ chuyển mưa lớn là ngày cá có thiên tính biết thời buổi như vậy hạp cho sự gây giống. Tốt hơn là ép cá vào đêm, là đúng với luật thiên nhiên hơn. Cũng đừng ham ép ban ngày, rồi kêu hết con cái nội nhà bu lại mà xem trò gây giống vì làm ồn ào có khi cá “mất hứng”, vả lại tuy rằng loài vật, chớ xem dường không muốn “đóng kịch” ấy cho người xem bao giờ. Chớ quên kiếm vài tai bèo thả trước, để gây cảnh “thiên nhiên” cá thêm dạn dĩ. Đã nói cái bồn để ép cá phải rộng miệng, để sang sớt cá nhỏ và dễ cho cá ăn; nước phải thật nhiều cho cá thêm thơ thới. Khi nào cá trống ép khá nhiều lần, thì nên nhớ mau hớt cá mẹ ra, nếu không thì cá mẹ sẽ ăn trứng của nó lại, không khác heo mẹ xơi con và gà mái mổ trứng của nó vậy. Luật thiên nhiên, luật “thừa trừ”, luật “tồn tại” của Tạo hoá mà lỵ. Cá trống thì khác. Tôi kinh nghiệm thấy trong giống cá, con trống có tình “cốt nhục” nhiều hơn con mái, và giàu lòng hy sinh hơn, bằng chứng là từ ngày ép mái, cá trống không khi nào dám ăn con quăng, thà nhịn đói chịu ốm tong teo hơn là “ăn lầm” con mình, tức những cá mén lơ thơ lúc nhúc rất dễ lẫn lộn với con quăng bé tí hon. Đến đây ta có thể triết lý chút chơi rằng “tình là luỵ” và “càng đau đớn lắm, càng thương nhau nhiều”. “Không đau, không khổ, chưa phải là chơn ái tình”. Đến loài vô tri vô giác, nhỏ như thia thia mà cũng không thoát khỏi luật thông thường ấy. Thoạt đầu, lúc tạo thiên lập địa, có lẽ “trước bắt cóc rồi sau mới nên vợ nên chồng” (luật này người da đen miền Sóc Trăng, thỉnh thoảng còn áp dụng. Họ uống rượu say mèm rồi đang đêm luân phiên và chia nhau vô xóm “vác gái” chạy vào bụi rậm giao nàng lại chàng trai “bị đàng gái không khứng gả con” muốn “làm gì thì làm”. Tục này đời Pháp thuộc, toà kêu án rất nặng, nhưng đối với họ, họ bất chấp, vì họ hiểu rằng vợ chồng “kiểu” này ăn đời ở kiếp với nhau hơn vợ chồng lấy nhau với sự ưng thuận “mua bằng tiền” hay “ưng vì thế lực”). Thấp hơn một bực là loài thú bốn chưn: con ngựa khi gần cái, vừa cười nhăn răng, vừa đưa hông cho “cái” thử sức! Giỏi chịu đựng, chịu ăn đòn năm ba đá vào hông mà chịu nổi, vẫn còn cường lực, thì “tôi sẽ trao thân gởi phận”, “muốn phủ tôi thì phủ” nhược bằng chịu đòn không thấu thì “hửi bao nhiêu đó cũng đủ rồi”! “đồ bất tài bất lực! Đi đi là vừa!”. Trở lại thia thia, trống mái gặp nhau, nhứt là khi mái ấy là “mái cá Xiêm”, thì chưa chắc cá mái chịu trống liền, khi thấy mặt cá trống là cá ta, cá đồng, cá hồ, cá ao! Dẫu trống ấy là “cá Rạch” đi nữa thì cũng “dĩ hà nhứt thể”! Phải “thử sức với nhau một phen cái đã”!

    Mái phùng mang, giương vi, quạt đuôi, cắn lại trống, quyết so tài cao thấp, khác nào thuở nọ, trước khi nên đôi giai ngẫu, nữ tướng Phàn Lê Huê đã ba lần bảy lượt tử chiến cùng Đại Đường tiểu nguyên suý Tiết Đinh San!

    Một đàng, cá trống, khi biết được đối thủ của mình hôm nay là thuộc phái yếu, phái đẹp, thì ôi thôi! Còn mừng nào hơn? Trống quên mất những thói vũ phu ngang tàng bình nhựt. Trống như mèo thấy mỡ, mừng ra nét mặt, phùng xòe quýnh quýu, lóng cóng như trai tơ gặp gái, lớp khoe giáp kỳ, lớp khoe y mão, trống giỡn múa trước mái như công tử trong tuồng Tàu ghẹo đàn bà! Giỡn đã rồi bỗng nhớ lại thiên chức lớn lao, bèn bỏ đó lên làm bọt cho thêm dày, để sau này bọt ấy sẽ là cái ổ ấm áp của mớ trứng cá khi lọt bụng cá mẹ, và khi được cá cha gắp từ trứng rơi rớt đem gởi đó cho đến lúc hoá sanh cá con. Làm bọt xong rồi, vụt nhớ lại mình thuở nay là võ sĩ, chiến sĩ, “cũng nên thừa dịp trổ ít đường cho con mẹ này biết mặt”! Trống quần thảo vài vòng, như thầm nói: “Xem này! Có phải đây đủ sức lấp bằng sông bể?” “Xem này! Nào vết thẹo những chiến công oanh liệt năm xưa!!”

    Trống mừng, không dè mái cũng không phải cá thường! Thia thia mái vốn là cá Xiêm rặc: bấy lâu biết mình là dựa hoàng cung quen được nịnh bợ, thêm sẵn tánh ít biết phục thiện, “chừng nào sẽ hay”, bây gìơ gặp trai nó đón, ít nữa cũng làm sao cho trai nó biết tay! Mái không nhịn, mái phùng mang quạt đuôi quyết thi tài cao hạ!

    Trống thoạt xem cử chỉ của mái, biết “con mẹ này xem thường oai mỗ! Đây đã văn hoa đường mật mà đó chẳng xiêu lòng! Ạ! Muốn vậy thì cho vậy! Đây còn cách khác”

    Trống thay chiến lược, áp đảo mái thẳng tay, uốn cong mình cho mái biết trống muốn gì, và cắn thật đau vào mình mái cho đến khi cá kia “cam phận mái”, xếp giáp qui hàng, đứng trơ một chỗ, mất lao chao vì đã thuần tính nết!

    Phần trứng già ột ệt, phần phận mái mà mấy lăm hơi, Xiêm mái “chịu cho ép”, lội lờ đờ một chỗ. Cá trống ta, khi ấy mình uốn tròn lại, bắt từ đầu con mái, vấn tròn như cuốn chiếu, con trống cắn đuôi khoanh mình ép mạnh mình cá mái và lần lần vuốt ra sau. Mỗi lần như vậy, trứng cá từ từ trong bụng mái lợt đợt rớt ra và chìm xuống đáy chậu: luôn dịp trứng ấy đã thọ tinh! Hai con thú, mình run lẩy bẩy rơi lần xuống đáy, tê lê mê, chừng đụng đáy mới giật mình, lội lên đáp nước lấy hơi khỏe và tái diễn trò thiên nhiên gây giống kiếp kiếp đời đời. Cá mẹ sạch trứng thì thôi chịu trống, phải với ra, không thì cá mẹ sẽ ăn trứng của mình: để giữ đúng luật thừa trừ, hay chỉ vì nhẹ dạ, nào ai vô đây mà biết? Cá trống được giữ lại trong bồn; bồn cũng thêm bèo cho mát nước, và để cá con khi nở sẽ theo rễ bèo chui đụt hoặc ăn rong ăn chất bổ bám theo. Cá trống làm phận sự “cha” chu đáo lắm. Trống từ khi mái được vớt ra, bèn lặn xuống đáy bồn, dùng môi ngậm nhẹ từng trứng một đem lên gắn vào bọt. Trống liệu chừng trứng nhiều mà bọt mỏng, thì lại ra công phun nước miếng làm bọt thêm cho đủ sức chịu đựng mớ trứng đóng thành “về” cho đến đủ ngày đủ tháng, trứng nở ra cá con. Cá con lúc đầu nhỏ rí, chỉ thấy dạng đen đen, rồi lớn lần lần thấy nhúc nhích bé như đầu mũi kim. Ít ngày sau mấy đầu mũi kim ấy “trộng cảy” gần bằng cung quăng mén. Như đã nói, cá trống “mê con”, nhịn ăn và hy sinh như vậy suốt những ngày ở gần bầy con nhỏ bé, dẫu tìm cách nào cho ăn, cá trống vẫn từ, không động cung quăng vì sợ lầm lẫn đám con thơ! Khi nào muốn dưỡng con trống thì phải đợi bầy cá con được trộng rồi, khi ấy vớt cá cha ra thả vào bồn, chậu khác, có pha đất sét cho nước đục, cá mau lấy lại sức.

    Bầy cá con, lúc nở, chưa lội được, và vẫn xẹt ngang trên mặt nước. Vài bữa sau, đã lội được và lần lần biết lội mạnh. Độ nửa tháng, đã thấy chúng nó biết ăn cung quăng nhỏ hơn nó. Tuy vậy phải nuôi thêm tại bồn đôi ba trăng, cá con thật mạnh mới dám đem ra hầm nhà thả nuôi tự nhiên, đợi mùa sau hớt lên, đá được rồi. Thả sớm, cá con non sức, e làm mồi cho cá lớn khác và nhái, ếch, v.v… Cá lớn vừa lứa cũng phải canh phòng, hết sợ bị con vật khác ăn thịt thì sợ kẻ trộm lén xúc về nuôi và lén thay cá khác đổ vào hồ, mạ tròng đen, báo hại thua tiền thêm tức trí. Những người ở chợ, ở phố, ít bề thế, không sẵn ao hồ, nuôi cá luôn trong lu khạp tại nhà cũng được; nhưng kinh nghiệm dạy rằng nuôi cá thia thia đá độ, thì cá hầm, cá ao răng bén và mau lớn, mạnh mẽ hơn cá nuôi khạp. Thêm nữa, cá nuôi một cha một mẹ, lứa thả ao hồ nhờ ở ngoài thiên nhiên, hoà mình cùng vũ trụ, nên màu sắc gần giống cá ta hơn cá nuôi nhà trong lu khạp. Những cá này còn giữ y sắc cha mẹ, tốt mã thì có, nhưng bở hơi. Vì lẽ ấy, nếu sẵn ao hồ thì họ thả cá ngay, mặc dầu mất trộm vào hao hớt nhiều. Trừ phi cá đúc ấy là cá thia thia Tàu hay cá phướn “Hạ Châu” (cũng đúc y một cách với cá thia thia ta) thì vẫn thích nuôi tại nhà, trong lu mái lớn, vừa khỏi trộm đạo, vừa vui mắt, vừa giữ y màu sắc của cá cha cá mẹ lấy giống. Nên nhớ lu khạp dùng rộng cá ép cá, phải lựa chỗ nào yên tịnh mà để, chêm chưn cho vững, nước đừng lao xao, và không nên dòm ngó thường trong lúc cá nở, vì luật tạo hoá muốn như vậy.

    Theo chỗ tôi biết, mấy năm trước, tại Sóc Trăng nghề cờ bạc thịnh hành, quanh năm không tứ sắc thì đá gà, đá cá, đánh vố, bài cào. Đám “lóc cóc ken” đầu mùa hớt cá cỏ, đá ăn thua nho nhỏ, giữa mùa bắt cá hồ, cái lai cho đá, tiền độ trộng hơn, còn “cá Rạch” thì chơi sau rốt, đợi cho bọn đi rừng lấy sáp, đốn đuông chà là, đem về mới có mà chơi. Cá Rạch hay “cá nước” vừa tàn, thì bắt qua gà nòi, đá gà cựa trước rồi tiếp qua gà tơ, gà đòn: quanh năm mãn mùa, các tay đổ bác đều bắt cái này, sang cái nọ, không hở, không rảnh, hỏi ấy là thú phong lưu hay là nợ đời, tôi xin miễn trả lời! Vì tôi là một thằng hư, một con ngựa chứng, không già tay ấn, không giỏi kềm cương thì “đâm rào” là bản tánh thích tự thuở nay!

    Tôi già chuyện mà quên nói một điều này: là cách ép cá trong khạp trước rồi thả xuống hầm sau, tốn công săn sóc rất nhiều. Cái hầm để thả cá, phải đáng tin cậy mới chắc ăn; nếu hầm quá lỉnh lảng, ngập nước hay nước vô nước ra đều được, thì không nên thả, mất cá mà chớ, thêm làm sao kiểm soát cá ấy vốn cá của mình đúc hay cá khác họ tráo vào đây? Đã có người chơi sành nghề, có sáng kiến mướn ruộng bỏ hoang, lên bờ mẫu vững chãi, thả thêm bèo tai lớn, nhứt là môn ngứa và dứa gai, đoạn lựa vài chục cá mái Xiêm, thả chung với ít chục cá trống “Rạch” đã biết tài vì từng ăn độ rồi. Nếu ruộng ấy gần nhà, xem chừng kỹ càng thì cá tha hồ bắt cặp, sanh sản, mình khỏi lo khỏi nhọc, tới mùa xách rổ ra xúc, lựa con nào vừa ý thì nuôi, con nào còn non ngày tháng thì trút lại ruộng hoang, sướng quá!

    Sóc Trăng và Bãi Xàu liên lạc nhau bằng đường lộ và đường thuỷ, cách nhau lối năm cây số ngàn. Cá thia thia không đá được chợ này thì đưa qua chợ kế. Mỗi năm, những nhà chuyên môn chia ra nhiều xóm: xóm Hóc Kiến (Phúc Kiến), xóm Chành Lúa, xóm Trại Hòm, xóm Khánh Hưng, xóm Giáo Tòng, kể không hết, chia nhau lựa đồng đúc cá, nhà bực trung đúc vài ba lứa, nhà có bề thế đúc cả chục hoặc vài chục bầy. Tới mùa xúc lên tuyển tuyển lựa lựa. Bầy nào bằng bụng thì nuôi để dành đá, dư lại cho người chở đi bán: điền Hoà Tú, xóm Tài Sum, hoặc lên trên Kế Sách, Đại Ngãi, hoặc trao đổi lẫn nhau giữa người tri kỷ. Xem kỹ lại, cá do một chủ, có bầy hay, bầy kém, nhưng dầu kém là kém cá nhứt hảo hạng của nhà, gắt như “củ kiệu, củ tỏi Rạch Giá, Hải Nam”, chớ bì với cá đồng, cá khác vẫn hơn một bực. Mặc dầu nuôi “xa cạ”, nuôi lẫn lộn nhiều bầy chung một ao một đám ruộng, nhưng đến chừng bắt lên tuyển lựa cũng dễ phân biệt, vì bầy trước bầy sau, khác cha khác mẹ, thì hình sắc cỡ chạn cũng khác, thêm kỳ vi dài vắn cũng không giống nhau. Không kể cá bệnh và cá có tật lúc nhỏ, thì cá một bầy, tài sức vẫn y nhau: một con hay thì hay hết cả bầy, một con dở thì có môn đổ bỏ cả đám!

    Con cá lai, người người đều thích nuôi, vì nó có nhiều đặc sắc mà cá ta, cá đồng không có: cá lai ăn độ rồi chưa hư, răng còn bén, thì nuôi đá hoài, miễn trước khi cáp, phải xét kỹ những vết thương cũ đã lành hẳn chưa. Nếu chỗ thương còn non, cá khác cắn trúng nhằm thì cá chạy vì quá đau chớ đừng trách cá dở. Cá lai đá sớm lắm cũng không nên, vì lối tháng sáu bắt đầu tháng bảy, cá lai mới cứng vảy cứng răng và không chạy bậy. Chớ nên quên: cá hay gà cũng vậy, dầu hay cách mấy, không đúng mùa của nó thì nó mất hay và ưa chạy bậy: cá thì “ê vảy”, gà thì “thay lông” là hai lúc “đại kỵ”, cần cho nghỉ ngơi, không nên đá độ.


    Cách lựa cá

    1) Thế nào gọi rằng “cá tốt”? Con cá tốt thì phải cho “phụng vỹ”, đuôi, kỳ lành lẽ, mình mẩy không tỳ tích, vảy lớn và đều, không chợp mí, miệng thật rộng, vành môi “quai xách”, cổ lớn đều, không đứt khúc đứt đảnh, nhứt là cặp mắt phải sát da đầu, vì mắt lộ, trong khi đá bị cá địch cắn nhằm, nổ mắt và đui thì khốn. Cá tốt phải lựa khúc hậu cho dày, như vậy thì cá mạnh, lội giỏi, có nước bền; không may bị cắn hậu thì cũng khá hơn những con bắp hậu mỏng quá, chưa chi vài miếng cắn, rớt vảy, tróc da, lòi thịt, gần thấu xương, ngó thấu bên kia, ghê quá!

    2) Thế nào là cá tệ?- Con nào mình mẩy có vết thẹo, tỳ tích, đuôi không lành, kỳ rách, miệng có tật, môi mỏng cắn không mạnh miệng, lớn đầu mà eo cổ, ốm, bắp hậu mảnh mai, thân hình không cân xứng, ấy là cá bỏ đi, đừng tiếc, đá thua uổng tiền!


    Cách thức cáp cá

    Cáp cá mỗi nơi mỗi khác. Có nơi “cáp theo bề mặt”. Ấy là cáp đá theo “kiểu trẻ con thường dùng”: để hai con cá trong hai chai keo, xích lại gần nhau cho hai con thấy và đá bóng, khi ấy nhắm chừng định hai con bằng nhau, hai đàng ưng ý đồng lòng là múc cá thả vô keo của trường là độ cá bắt đầu.

    Như vậy thì dễ quá và thô sơ quá, đâu còn gì là phô trương tài lanh mắt, biết coi cá lẹ! Có nhiều giống gọi “cá không áo không quần”, thân toàn thịt xương, cụt đòn như cá Xiêm, gọn ghẽ như các tay võ sĩ lành nghề, “cáp bề mặt” gặp thứ cá đó thì lầm chết đi còn gì?

    Bởi vậy, nên nhiều chỗ như miệt Sóc Trăng, thích cáp cá đựng sẵn trong thố nhỏ. Sau này khan hiếm thứ thố này vì nạn chiến tranh Hoa-Nhựt, tàu không qua được, họ đổi lại dùng thứ tách Tây uống cà phê, đựng cá cũng xong việc. Cáp kiểu này, cá không cần đá bóng. Con cá coi bề gáy, có thể nói “cáp cá theo bề đứng” vậy. Hai đàng đem vài con cá đựng trong thố giở nắp xích lại gần và đọ nhau. Ở trên dòm xuống thấy hai đầu gần bằng nhau, cổ bằng cổ, bề dài và bắp hậu gần như nhau, thế là được. Chỉ còn thoả thuận về số tiền độ là đá nhau được rồi! Nhưng dễ gì có cá chạn vừa triến nhau bao giờ? Con này dư đuôi, con nọ lớn đầu, phải bù qua sớt lại, “châm chế”, thông cảm nhau thì độ mới thành: đầu bằng nhau, mà con này thiếu chút cổ nhưng dư chút gáy tức bề dày, thì “chế” phứt đi cho rồi mới là tay hảo hớn chớ! Khi nào gặp tay khó, chạy hơi hoài không chịu đá, thì gọi “độ đá mắc”, “độ cá không rẻ như mọi lần” vân vân. Nhưng cũng có nhiều khi thấy cá nhỏ dám đá với cá lớn hơn nó, thì cũng có duyên do: cá nhỏ đang độ hay, đúng thời tiết; cá tuy lớn, nhưng “bầy đó” đã được thấy đá rồi, “không đáng sợ”, cá mình nhỏ con nhưng vảy già giặn, mặt sáng, miệng dữ hơn thì “cứ làm càn” để thử thời vận, ai há sợ ai? Nhưng cũng đừng lý luận dài dòng: có khi bên cá nhỏ chịu độ vì “cáp xộ” chứ không vì lý do chi khác! Thú đá cá, đá mắc, đá rẻ là ở chỗ đó! Nhưng cũng không nên ỷ lại mà cho cá mình đá với cá lớn hơn, gắt hơn, trừ khi nào thấy cá đối phương đã ló mòi hư, vảy dộp, chủ nó không để ý, cá ốm thiếu sức lực, cá cũ xuống sắc mà chủ chưa hay, v.v.. Đá gà, đá cá, hay dở do người cáp có “thần nhãn” cùng chăng, và hay dở ở nội chỗ đó: với tay sành điệu, thiếu chút đỉnh, họ xem thường. Tuy vậy, đã dám xách cá ra trường, cũng phải có chút ít kinh nghiệm. Dòm con cá của người khác, phải biết đó là thứ cá gì cỏ, hồ, lai, Rạch? Lại nữa phải biết cá của địch thủ đang độ sung sức, đang gặp mùa “hên”, cũ hay mới, hư rồi hay sắp hư, như vậy mới dám chắc không bị thua lận. Mà khoan khoe tài: thế thường cờ gian, bạc lận; qua nghề đá cá thì mánh lới xảo trá không thua nghề đá gà gian. Họ có ác ý thiên hình vạn trạng: ngó chằng chằng từng giây từng phút, nhưng rồi họ cũng qua mặt như chơi! Không biết họ có học khoa “vật lý quang học” hồi nào, nhưng bợm gian thường để cá của họ trong thố sâu chứa nước được nhiều, khiến cho cá ở dưới sâu xem ba chớp bốn sáng tưởng rằng cá nhỏ! Họ khéo lựa thố có cái hông phình ra vừa đủ làm cho ánh sáng chiếu vào lưng cá, khiến cho mình ngộ nhận thấy con cá bé đi, chịu miệng đá, đến chừng thả hai con vào keo, cá họ lớn hơn cá mình thì việc đã rồi.

    Tục lệ cáp cá chợ Sóc Trăng, hai bên được phép dùng mỗi người một cọng lông gà tước bớt còn chừa nội đầu chót một chút lông, lấy đó làm cây chổi quét nhẹ trên mình cá của đối thủ để xem xét kỹ: đuôi, kỳ, mang, gáy ra thế nào, v.v..; mình tình thật thì dùng lông gà thường. Dè đâu bên họ, họ lập tâm sẵn, nên đã tẩm cọng lông gà của họ vào một chất độc, tỷ như nước lá môn ngứa chẳng hạn, khiến cho con cá của họ, nhờ nuôi trong nước độc (nước lá môn) ấy lâu ngày nên quen đi, đến con cá của mình, chưa từng quen thứ nước đó, nay bị quét sơ ít lông gà tẩm thuốc, đã ngứa ngáy sần mình, chợt thả vào keo đá độ, họ lấy vợt xúc cá của họ, họ xúc luôn mớ nước ngứa pha vào keo thì tức nhiên cá họ quen nước làm gì cũng gác, cũng nắm chắc phần thắng hơn cá mình lạ nước, chưa gặp môn ngứa lần nào. Đây chỉ là một mánh khóe nhỏ, còn ngón gian trong trường cá không sao tả xiết, người thức thời và biết khôn, duy đừng mó tay vào nghề chơi cá và đá cá mới khỏi bị thua trí thua tiền.


    Thể lệ đá cá

    Theo phép chơi cá, tuy không có trường dạy luật lệ, nhưng theo thói quen thành tục, lấy đó làm chuẩn thằng, thì chịu đá hay không là khi nào cá của mình còn ngoài thố cáp, chưa thả vào “keo trường”. Cá còn ngoài thố, thì mình là chủ cá, có trọn quyền chạy, không đá, hay là ưng thuận, cho hai con đá nhau. Một khi cá thả vô “keo trường” thì như ván đóng đinh, phải để cho hai con đá đến ăn thua, chớ không bên nào được bắt cá ra, dẫu bên đối phương cá là cá lai “rặt” hay “lai mấy đời” cũng phải cắn răng mà chịu. Vì vậy khi cáp cá, phải cẩn thận từ ly từ phân, phải luyện cặp mắt biết “cá lai”, “cá Rạch” từ trong thố, chớ đừng đợi thả cá vô keo, kêu Trời vô ích!

    Điều lệ khác cần biết là khi thả cá vô keo, khởi sự ăn thua là khi nào hai con đều cắn nhau “miếng vay miếng trả”, mỗi con cắn một miếng là bắt đầu “thành độ”. Nếu thả vô keo, hai con phùng xòe, con A cắn con B, B chưa cắn miếng nào, thoạt A bỏ chạy, thì độ cá kể “huề”, vì B chưa cắn, chưa thành độ.

    Đây là thể lệ chánh, ở đâu cũng vậy, còn những chi tiết nhỏ nhặt khác thì sẵn chủ trường vừa là “cố vấn” vừa là quan Toà, sẽ giải quyết tuỳ sự thông cảm của đôi bên. Một điều nên nói nữa là chủ trường, ở tại trường cá, lịnh và quyền, lớn hơn ông Cò tại Bót Cảnh sát; và ở trường cá không có luật “chống án”!


    Một độ cá điển hình

    Lúc nãy, tôi có nói về những mánh khóe gian lận của bọn đá cá chạy gạo, chuyên gạt lớp, phỉnh phờ, đến em cháu cũng không buông tha. Nói thì nói vậy, chớ thỉnh thoảng ông Tổ nghề đá cá cũng sửa lưng đồ đệ một cách bất ngờ cho chúng nó bớt khinh lờn oai Tổ! Lối năm 1938, tôi còn tùng sự tại tỉnh nhà Sóc Trăng để dễ bề thần tỉnh mộ khan. Ở xứ đá cá nên tật cũ khó chừa, chúa nhựt nào cũng có mặt tôi tại trường, mà trường cá vốn không xa lạ, vì chủ là anh Nguyễn Trinh T., mặc dầu nay gương vỡ, chớ chức “anh vợ trước” không mất! Một buổi gần trưa chúa nhựt tôi xách nả tre có đựng mươi cái thố sành, mỗi thố là một con cá chiến. Từ sáng sớm họ đã đá xong vài ba độ, trường đang nóng tiết, kẻ ăn cười người thua, luồng điện bắt đầu muốn xẹt lửa. Chú Bảy Minh đem cá từ Bãi Xàu qua cáp độ. Khiến cá tôi gặp cá chú. Lúc còn trong thố, rõ ràng cá tôi lấn cá chú, một mười một tám. Đôi bên bằng lòng ưng đá, tiền độ là năm chục bạc, phần tôi “bao” phân nửa, hai mươi lăm đồng, còn lại chia kẻ năm người ba cho vui. Bên chú Bảy, chú bao sổ, chú muốn “ăn một mình trọn gói”, không cho bọn thua từ sớm “ké vào chút ít” gọi là gỡ gạc vớt vát ít nhiều.

    Cá thả vô keo, anh T. chủ trường, nhắc lấy lề rằng: “giao hai con cắn qua cắn lại mới bắt đầu ăn thua nhé!”. Cá của tôi, dạn sẵn, nên phùng xòe trước, “xem cũng có gió quá chừng!” Tôi đang khoái chí, bỗng nghe cả trường cười ồ lên gần vỡ toang nóc nhà! Cá chú Bảy khởi sự xòe đuôi, giương vi, phùng mang, trợn trừng trợn trạc, thì mẹ ôi! Cá chú Bảy như Cha, lớn bằng ngón cái, còn con cá của tôi, không khác con của con cá kia, vừa bằng ngón út, mà cũng múa múa phùng phùng xem mắc cỡ và nhục nhã cho tôi chưa?

    Bởi họ thiện nghệ nên họ khôn hơn mình! Lúc nãy, cá còn trong thố, họ dùng lông gà nhận chìm con cá họ xuống sát đáy, lại thêm lấy lông gà quét túm vi kỳ con cá, nên mình thấy nhỏ xíu! Bây giờ được thả vào keo rộng, cá nở nang bành trướng đúng sức nên to gấp hai ban nãy! Thôi rồi! Cái thua nắm chắc về phần mình rồi! Tôi ngồi đó mà chỉ trông mau dứt độ để về nhà sớm sớm, tránh những cặp mắt ngạo nghễ của bọn hàng sáo khó chịu. Chú Bảy, không nói gì, chỉ rung rung mấy sợi râu mép “kiểu Charlot”, thầm hân hoan nhưng còn ngại, nếu cười ra mặt e tôi đổ quạu không chung tiền thì uổng lắm! Nhóm bàng quan nãy giờ thấy cá chú Bảy “kể ăn chắc” nên phóng bắt om xòm. Ban đầu còn kiêng dè, họ phóng mười đồng ăn bảy. Về sau bất kể, họ quăng ăn năm, ăn tư, nghe là thêm tức giận. Riêng tôi, tôi ói gan, nhưng đã bước vào nghề, phải học chữ “nhẫn”, nên cắn răng mà chịu. Duy, nói chí đáng, mấy người đá theo phe tôi, một là nóng ruột sắp mất tiền oan uổng, hai là thấy tôi mắc mớp nên bên vực, bọn đồng sổ chửi thề liền miệng, nào “đá không ngay thật”, nào “ăn gian sẽ thua mạt có ngày”!

    Trong keo, hai con cá đã “trao đổi găng tay”, cắn nhau mỗi con một miếng cắn: thế là bắt đầu ăn thua thực sự. Cá của tôi vẫn quạt đuôi, phùng xoè, lo lôi, lo tìm chỗ nhược mà hạ thủ. Cũng trong lúc ấy, ngờ đâu cá chú Bảy lại không lo nghinh chiến; để liến thoắng, đảo bên này rồi đảo bên kia, lội tung tăng theo cá tôi, hết lội sau rồi bọc ra trước mặt, giương kỳ, xòe đuôi, khoe mã, giáp. Bỗng lẹ như chớp nhoáng: con cá của tôi, thừa lúc cá chú Bảy uốn mình trước mặt khoe bộ vảy óng ánh như sao, nó bỗng phóng hết mình tới trước, cắn một miếng thật mạnh vào bụng bở, mạnh cho đến đỗi bọt nước văng tung tóe và nghe rõ ràng một tiếng “bóc” rung rinh mặt nước hồi lâu. Rồi một sự bất ngờ diễn ra mau như điện chớp. Cá chú Bảy bị một vố đau quá, giựt mình chạy khan, xếp đuôi cuốn giáp, hát bài “tẩu mã” luôn, không còn gan dạ nào trở đầu nghênh chiến! Mà có gì lạ đâu: chẳng qua từ khi thả chung vào keo, cá chú Bảy thấy cá tôi sặt rằn, trên mình có vằn có vện, lầm tưởng đó là “cá mái” nên sẵn lòng trổ ngón ba mươi lăm! Bất thần nay bị cắn mạnh “như trời đánh, búa bổ” bèn kinh tâm tán đởm, ù chạy luôn, quên chuyện đấu tranh!

    Từ bại trước mắt, chuyển ra thắng một cách bất ngờ, tôi thò vợt múc cá ra, chìa tay lãnh hai mươi lăm đồng bạc ngon lành, trong khi chú Bảy, bây giờ mới nhìn bà con, lằm bằm: “Đồng tiền của ông cháu lớn quá! Tự hậu, tôi không dám đương đầu với ông nữa! Ai coi! Cá tôi lớn mười, đá với cá ông không bằng phân nửa của nó; tiền kể như bỏ túi, tội gì cá lớn trổ tật, trững mái làm chi hại tôi thua vô cớ vô căn! Hoặc tôi hết thời nên Tổ trác? Hoặc ông cháu có thần tài giữ của chi đây? Thật báo tôi quá, và tự hậu tôi không đá với ông nữa đâu!”

    Thật vậy! Chú Bảy từ ấy không hề cáp đá với tôi, mà tôi cũng giải nghệ từ đây vì biết rõ trong trường đấu kê đá cá, ngu ngơ như tôi làm vầy mà không sớm rút lui thì chỉ đưa đầu gối cho chúng đột !


    Có mấy thứ cá để nuôi chơi?

    Nay xin kể theo chỗ tôi biết, một vài thứ cá thường thấy:

    1) Cá thia thia cỏ, ao, hồ: tuỳ tên đồng nội, tên địa phương mà gọi, như tại Sóc Trăng, có cá đồng Lọ Nghẹ, đồng Hàng Tràm, giồng Lình Kía (Long Tử Cang), v.v…

    2) Cá nước, cá Rạch (ở Rạch Giá, rừng U Minh).- như đã nói, cá loại này hay lắm, răng bén cắn dữ, giỏi chịu đòn, không chạy bậy, trừ phi “hết mùa cá xuống nước”. Xiêm lai lơ mơ cũng cự không lại nó. Người đi hớt cam go, lội rừng mấy ngày ròng rã, cá trốn trong bọng dừa nước, chung với rắn, đỉa, trong bưng biền có tiếng là đầy vọp, sấu, thú dữ… Ngày xưa cá đồng hạng tốt, bán một hai cắc bạc mỗi con, thì cá Rạch, gặp mùa hút và cho xổ thử thấy tài trước mắt thì ba đồng bạc mỗi con cá tốt, cũng có người dám mua. Cá nước duy bất tiện một điều là dễ nhìn ra, và chỉ cáp độ với cá nước khác chỗ hớt, còn cá cỏ, cá đồng, không ai dám đá với loại cá nước, cá Rạch này.

    3) Cá Xiêm rặt, gọi “cá Xiêm thiệt” chia ra cá có kỳ và đuôi đỏ lòm, “cá Xiêm đỏ”: bền nhưng ít bén; “cá Xiêm xanh” thì kỳ và đuôi xanh lè xanh lét, cắn dữ, mạnh, lẹ, nhưng ít bền; “cá Xiêm đen” vảy đen huyền, như cục xiên xáo, vừa đẹp, vừa hay, nhưng ít thấy bán; “cá sáp” mình trắng, để chưng chơi, không ai nuôi đá, đủ biết tài nghệ tầm thường nên không ai chuộng.

    4) Cá Xiêm lai một đời, còn dữ như thứ thiệt. Thấy dễ biết, vì càng lai thì thân mình con cá càng dài đòn thêm.

    5) Cá Xiêm lai biệt dạng, riêng gọi “cá đúc”; người sành nghề dòm qua dễ biết vì cá ta, đuôi, kỳ màu không sáng như cá lai.

    Năm giống cá vừa kể là cá thia thia đá độ. Đặc biệt nhứt là cá Xiêm của các ông hoàng chơi riêng trong hoàng cung. Người dân thường làm gì có được? Cái con tôi nói trong chuyện “thia thia đại chiến thăn lằn” vì cỡ lớn quá, không gặp độ nên cũng không biết tài hắn. Lại nữa, lão thủy thủ tặng cho Ba tôi, nói làm vậy, mà đủ tin chăng? Nước Xiêm, nước Cam Bốt là hai nước tu theo đạo Phật, cấm sát sanh. Thế mà người Xiêm và người Khơme thích chơi cá hơn ai hết. Thậm chí, thầy sãi thấy đá cá cũng dừng chơn đứng xem! Có người phàn nàn: “Ông đã tu hành, sao lại ưa xem sát phạt? E trái với lòng từ bi của Phật tử chăng?!”

    Trả lời: “Việc tu hành là khác. Đây là hai con cá nó đá lộn. Tự nó cắn nhau thì tôi coi! Tôi có xúi giục bao giờ mà tội với lỗi?”.
     
  5. hung_2801

    hung_2801 Active Member

    bài viết của a hay quá
    e Hùng ở HP lần trước a gọi điện cho e hỏi về rồng đen đây a có thể cho e lại số đt của a đc ko vì e có ku e nó ở trên ấy có jif e nhờ nó mang qua a 2 đôi để ae mình trao đổi giống với nhau đc ko a
     

Chia sẻ trang này