Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Ở Sri Lanka, một loài hoa Nam Mỹ chiếm chỗ cây thiêng của Phật tử và tín đồ Hindu

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 13/8/24.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    sal_flower.JPG
    Hình ảnh hoa ngọc kỳ lân mang ý nghĩa tôn giáo. Với sự hòa trộn giữa đỏ nhạt, hồng và vàng, hoa ngọc kỳ lân (Couroupita guianensis) thoảng hương là một trong số loài hoa ưa chuộng của cả Phật tử lẫn tín đồ Hindu và thường được dâng cúng trong niềm tôn kính. Bản quyền hình ảnh thuộc Asanka Dewage.


    Ở Sri Lanka, một loài hoa Nam Mỹ chiếm chỗ cây thiêng của Phật tử và tín đồ Hindu
    Malaka Rodrigo (27/7/2020) - https://news.mongabay.com/2020/07/i...-usurps-a-tree-sacred-to-buddhists-and-hindus

    ● Cây ngọc kỳ lân (cannonball tree) với hoa [pha trộn] đỏ, hồng và vàng, thoảng hương, là loài bản địa ở Nam Mỹ và có tên thông dụng nhờ trái to, tròn của mình [cannonball nghĩa là đạn pháo]

    ● Người Anh du nhập cây đến Sri Lanka, Ấn Độ và những vùng khác ở châu Á vào thế kỷ 19, và kể từ đó hoa của nó thẩm thấu ý nghĩa tôn giáo với nhiều tín đồ Hindu và Phật tử, những người tin rằng nó là cây sal thiêng.

    ● Nhưng cây sal đích thực là loài bản địa Shorea robusta, được đề cập trong truyền thuyết đạo Hindu và đạo Phật vốn xảy ra trước việc du nhập cây ngọc kỳ lân hơn 2,000 năm trước.

    ● Cây ngọc kỳ lân ngày càng bị định danh lầm như là cây sal, kể cả sách giáo khoa lẫn nghi lễ chính thức.


    COLOMBO — Với sự hòa trộn giữa đỏ nhạt, hồng và vàng, hoa ngọc kỳ lân (Couroupita guianensis) [1] thoảng hương là loài ưa chuộng của các Phật tử Sri Lanka khi thực hiện nghi lễ dâng hoa trong các hoạt động tôn giáo. Họ gọi nó là sal [2], mà theo truyền thuyết tôn giáo gắn liền với sự ra đời và viên tịch của Phật Cồ-đàm (Gautama Buddha), nhà sáng lập đạo [3]. Người Hindu trong vùng gọi nó là nagalingam, bông hoa được dâng cho thần Shiva, vị thần quyền lực nhất trong đền thờ Hidu.

    Tuy nhiên, vấn đề là, ngọc kỳ lân không phải là loài cây linh thiêng mà vô số tín đồ tin vào. Trên thực tế, nó không hề xuất hiện ở châu Á cho đến tận cuối những năm 1800, mà được người Anh mang đến từ quê hương Trung và Nam Mỹ. Điều có nghĩa, không cách chi nó liên quan đến điển tích đạo Hindu hay đạo Phật, vốn hình thành từ hơn 2,000 năm trước.

    Cannonball_Tree_Couroupita_guianensis-C-WIKIPEDIA-MOKKIE-768x512.jpg
    Cây ngọc kỳ lân (cannonball) có tên thông dụng nhờ quả tròn, lớn của mình [cannonball nghĩa là đạn pháo, trái to và tròn như đạn pháo]. Tên khoa học Couroupita guianensis của nó chỉ đến Guianas, một khu vực thuộc Nam Mỹ mà từ đó loài cây được mô tả đầu tiên. Hình thuộc Mokkie via Wikimedia Commons (CC BY-SA 3.0).


    Cuốn Sổ Tay Thực Vật Ceylon (Handbook to the Flora of Ceylon) của nhà thực vật học người Anh Henry Triman (biên soạn từ 1893 đến 1900) không nhắc đến loài ngọc kỳ lân; mà cuốn Thực Vật Thuộc Địa Ấn Độ (Flora of British India) của nhà thực vật học J.D. Hooker vào 1875 cũng vậy.

    “Những cuốn sách này bao gồm chi tiết của cả thực vật tự nhiên lẫn ngoại lai nhưng cây ngọc kỳ lân là đáng chú ý bởi nó vắng mặt trong những bản thảo khoa học lịch sử này về quần thực vật của đảo, điều chứng tỏ loài cây không có nguồn gốc tự nhiên hay được phát hiện tại địa phương vào thời đó” Siril Wijesundara, cựu tổng giám đốc của Vườn Thực Vật Sri Lanka nói.

    “Cây ngọc kỳ lân được đưa vào Sri Lanka với việc trồng cây con đầu tiên tại Vườn Thực Vật Hoàng Gia Peradeniya, đâu đó vào 1881”, Wijesundara nói với Mongabay. Ông bổ sung cây thích nghi tốt với thổ nhưỡng Sri Lanka, đạt độ tuổi ra quả sau khoảng 15 năm.

    “Cách nay một thế kỷ, khi loài cây còn tương đối mới ở đây, không hề có nhầm lẫn về nhận dạng của cây ngọc kỳ lân”, Wijesundara nói: “nó được công nhận là một loài cây ngoại lai”.

    Name-plaque--768x512.jpg
    Không hề có đề cập về tên địa phương sal trên tấm bia 1901 vốn ghi nhận việc trồng cây ngọc kỳ lân (Couroupita guianensis) non bởi vua Anh George V để ghi nhớ chuyến viếng thăm của ông đến Sri Lanka, chứng tỏ rằng nhầm lẫn về tên cây xảy ra rất gần đây. Bản quyền hình ảnh thuộc Royal Botanical Gardens, Peradeniya.


    “Để kỷ niệm chuyến viếng thăm của vua Anh George V đến Sri Lanka (mà hồi đó gọi là Ceylon), một cây ngọc kỳ lân được trồng tại Vườn Thực Vật Hoàng Gia vào 1901. Một bia kỷ niệm bằng tiếng địa phương, Sinhala, định danh cây chỉ bằng tên chi của nó, Couroupita. “Nếu nhầm lẫn với tên sal thịnh hành hồi đó, các nhà thực vật học ghi chép quần thực vật Sri Lanka nhất định sẽ sử dụng tên địa phương trong văn bản, giới thiệu cây bằng ngôn ngữ địa phương”, Wijesundara nói.

    Shelomi Krishnarajah, lãnh đạo hiện tại của Vườn Thực Vật Hoàng Gia, nói với Mongabay rằng cây sal nguyên thủy trong truyền thuyết Phật giáo được biết như là Shorea robusta. Nó phổ biến trên toàn tiểu lục địa Ấn Độ, kể cả Nepal, nơi Phật ra đời. “Giống như huyền thoại. Vườn Thực Vật Peradeniya có nhiều cây Shorea robusta đang trổ bông”, Krishnarajah nói với Mongabay.

    Chẳng khó để thấy làm thế nào mà cây ngọc kỳ lân thoảng hương tham gia vào truyền thuyết gốc của hai trong số tôn giáo cổ xưa nhất thế giới, hãy cảm ơn bông hoa của nó.

    Hoa ngọc kỳ lân có sáu cánh với đế ở trung tâm, một bầu (bulge) nhỏ chính giữa và một mũ trùm (hood). Ở đế, có các nhị (stamens) với phấn hoa (pollens), và trên mũ trùm vốn che bầu lại có các nhị dài không phấn hoa.

    Một Phật tử diễn giải rằng bầu thể hiện phù đồ (stupa), một loại bảo tháp mà trong đó xá lợi (relics) được giữ gìn, trong khi nhị ở đế thể hiện các tín đồ thờ cúng xá lợi.

    Với tín đồ Hindu, tên hoa nagalingam là kết hợp giữa tiếng Phạn naga, nghĩa là rắn hổ, với lingam, biểu tượng của thần Shiva [4]. Theo thần thoại Hindu, bầu ở đế được coi như là lingam, trong khi mũ trùm thể hiện một con rắn hổ mang bảo vệ cho lingam.

    Real-sal-shorea-robusta-768x512.jpg
    Cây sal nguyên thủy được mô tả trong các truyền thuyết Phật giáo được tin là Shorea robusta, mà về mặt lịch sử chỉ được phát hiện ở Ấn Độ và Nepal, nhưng những năm gần đây, đã bắt đầu được trồng ở Sri Lanka. Bản quyền hình ảnh thuộc Royal Botanical Gardens, Peradeniya.

    Hàng loạt định danh sai

    C. guianensis càng sinh sôi từ lúc được đưa vào Sri Lanka, nó càng bị nhận lầm thành cây sal thiêng so với cây sal đích thực S. robusta. Một trong những sai lầm nổi bật là việc đưa hoa ngọc kỳ lân vào sách giáo khoa áp dụng cho trường học cấp bang, nguồn chính lan truyền thông tin sai lệch một cách hiệu quả ra công chúng thuở ban đầu.

    Theo Nimal Gunatilleke, giáo sư danh dự ngành sinh thái rừng tại Đại Học Peradeniya, sai lầm trong định dạng cây sal đích thực đôi khi dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng.

    Trong một hội thảo về y học cổ truyền (Ayurvedic science), một đội nghiên cứu thử nghiệm một công thức cổ truyền vốn được báo cáo rằng sự kết hợp dược chất không tác dụng. Gunatilleke xem xét dược chất được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu và phát hiện rằng đội đã sử dụng vỏ từ cây sal giả [ngọc kỳ lân]. “Hiển nhiên, kết hợp đó không tác dụng bởi tính chất đã thay đổi”, ông nói với Mongabay.

    Wrong-sal-tree-been-planted-to-mark-innagural-of-peace-talks-with-LTTE-in-2002.jpg
    Cây sal phi-bản địa được trồng để đánh dấu buổi khai mạc đàm phán hòa bình giữa chính quyền Sri Lanka và nhóm phiến quân ly khai Hổ Tamil vào 2002 cho thấy việc định danh sai đã trở nên phổ biến như thế nào. Hình ảnh thuộc TamilNet.


    Loài mạo danh giành được mức độ công nhận cao hơn và trở thành một “biểu tượng hòa bình” vào 2002, trước cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức bởi Na-Uy giữa chính quyền Sri Lanka và phiến quân Hổ Tamil. Nhà hòa giải mong muốn cả hai phái đoàn trồng cây hoa vốn có ý nghĩa với cả Phật tử lẫn tín đồ Hindu, và chọn nhầm một cây ngọc kỳ lân nhỏ làm biểu tượng cho hành trình xây dựng hòa bình.

    Các cuộc đàm phán hòa bình đó đã thất bại, nhưng việc định danh ngọc kỳ lân như là cây sal vẫn diễn ra mạnh mẽ.

    Ghi chú

    [1] Còn gọi là cây đầu lân, hàm lân hay hàm rồng (Đầu lân).

    [2] Còn gọi là cây sala, shala, sakhua hay sarai (Shorea robusta); ở nước ta có người còn đọc trại thành "tha la".

    [3] Trong đạo Phật, hoàng hậu Māyā hạ sinh thái tử Tất Đạt Đa (tức Đức Phật sau này) khi đang nắm một cành sala. Đức Phật viên tịch giữa hai cây sala. Cũng dưới bóng cây sala, Kiều Trần Như (Koṇḍañña) và Tỳ Xá Phù (Vessabhū), các đệ tử đời thứ năm và thứ hai mươi bốn của Đức Phật, đã đạt giác ngộ. Giai đoạn trổ bông ngắn ngủi của cây sala cũng được dùng làm biểu tượng của vô thường (impermanence) và danh vọng phù du. Trong đạo Hindu, cây sala được coi là linh thiêng. Cây gắn liền với thần Vishnu (Shorea robusta).

    [4] Đôi khi được gọi là linga hay Shiva linga, biểu tượng hay quyền lực của thần Shiva [vị thần tối cao trong đạo Hindu]. Linga đại diện cho dương vật (lingam).

    Thảo luận

    Phật giáo được truyền vào Sri Lanka từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên bởi các con của vua A-dục (Ashoka) là Ma-hi-đà (Arhanthà Mahinda) và Tăng-già-mật-đa (Sangamitta). Kể từ đó, Sri Lanka trở thành một trung tâm tu học Phật giáo lớn, nơi bảo tồn tư tưởng và kinh điển Phật giáo. Quá trình này tiếp diễn trong hàng ngàn năm, tuy có những giai đoạn suy vi nhất định liên quan đến chiến tranh giữa các vương triều và đàn áp của chế độ thực dân (a). Về chi phái, phật giáo Nam truyền, mà ngày nay chủ yếu là Thượng tọa bộ (Theravāda), được truyền từ Ấn Độ đến Sri Lanka, rồi từ đó lan sang các nước Đông Nam Á như Miến Điện, Thái Lan, Cambodia và Nam bộ Việt Nam (b). Một số trường đại học và học viện danh tiếng ở Sri Lanka đào tạo chương trình Phật học, ngôn ngữ Pali và Sanskrit cho sinh viên quốc tế. Có một số tăng ni đến từ Việt Nam trong giai đoạn hai chục năm gần đây (c). Miến Điện và Thái Lan cũng có các hoạt động tương tự nhưng có lẽ kém phổ biến hơn (d),(e).

    Giao lưu trong môi trường Phật giáo Nam truyền giữa Việt Nam và các nước trong khu vực là phổ biến. Sự nhầm lẫn về định danh cây sala vốn tồn tại trước đó “ở Sri Lanka, Thái Lan và các nước Phật giáo khác” (f) sau cùng đã lan đến Việt Nam, mà theo tìm kiếm của chúng tôi, cây ngọc kỳ lân xuất hiện ở đây khoảng đầu những năm 2000 (g).

    Ngoài chùa chiền, cây được trồng lẻ tẻ trước cửa nhà dân, thậm chí trồng đại trà trên một con đường hay dự án xây dựng. Nhiều website đưa thông tin về cây ngọc kỳ lân như là “sala thiêng”, điều góp phần phổ biến những kiến thức sai lạc. Tuy nhiên, ở Sri Lanka, một số học giả, nhà khoa học phát hiện ra sự nhầm lẫn và cảnh báo trước công luận (h). Nhưng động lực kinh doanh, quảng cáo, bản tính cố chấp và thụ động vẫn luôn là một rào cản mạnh mẽ. Chúng tôi hết sức hy vọng thông tin ở đây sẽ giúp bạn đập tan bức màn vô minh, hãy tự mình thắp đuốc lên mà tìm sự thật...

    (a) Phật giáo Sri Lanka
    (b) Phật giáo Nam truyền
    (c) Muốn du học Sri Lanka, Tăng Ni cần chuẩn bị gì?
    (d) Trường Đại học Phật giáo quốc tế ở Miến Điện
    (e) Những điều cần biết khi du học tại trường Đại học Phật giáo Thái Lan
    (f) What is the Real Sal Tree? (Bhikkhu Nyanatusita, BPS Newsletter, No. 63, 2010)
    (g) Ngọc kỳ lân
    (h) Nhầm lẫn giữa hoa Sala với hoa Đầu Lân
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/12/24

Chia sẻ trang này