Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Vua cá cảnh: Một chuyên gia cá dĩa tiết lộ các bí quyết của mình

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá Dĩa' bắt đầu bởi vnreddevil, 8/9/16.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Vua cá cảnh: Một chuyên gia cá dĩa tiết lộ các bí quyết của mình
    Nathan Hill – www.practicalfishkeeping.co.uk

    [​IMG]

    Một trong những nhà lai tạo và triển lãm cá dĩa nổi tiếng chia sẻ một số bí quyết để thành công của mình. Nathan Hill gặp gỡ “Chen” ở trại Chen's Discus.

    “Tôi giàu cá”, người đàn ông mời tôi uống trà trong gian bếp của mình nói. Ông xin lỗi rằng nó không ngon – ông không bao giờ tự tay pha trà. Nhưng thú thực, tôi quá nóng lòng xem những con cá tuyệt vời ở phòng bên.

    Như một phóng viên đang tác nghiệp, một cái tên vang vọng quanh tôi hơn bất kỳ cái tên nào khác trong các cuộc thảo luận – Chen. Cá của Chen nổi tiếng là hàng tuyển chọn khỏe mạnh và sống động nhất mà thị trường Anh có được, và tôi buộc lòng phải đồng ý [với điều đó]. Những dãy hồ chiếm trọn hai phòng cá nổi bật với đủ loại màu sắc của các mảnh cầu vồng, trong khi những khuôn mặt tò mò nhưng mong đợi dán vào thành hồ như cá chép đói. Cá của ông không nhút nhát bởi chúng đang tỏa sáng.

    [​IMG]

    Là một tay chơi (hobbyist) và người từng trải qua cơn sốt tôn sùng về Chen – thành tâm và bí ẩn, tôi hoàn toàn bất ngờ với tiết lộ về con người đàng sau huyền thoại. Tên của ông không phải là Chen. Francis Hu, nhà sáng lập và sở hữu trại Chen thậm chí còn không chắc làm thế nào mà cái tên ra đời – đó vốn là họ mẹ của ông, nhưng xa hơn thì mọi thứ đều mơ hồ.

    Dẫu là một huyền thoại làng cá cảnh, ông là con người như tôi thấy. Trên tất cả là một tay chơi, với lịch sử nuôi cá lâu năm, ông dính dấp đến cá gần như cả đời, với một hồ bảy màu ở tuổi lên năm; ông nuôi cá từ nhỏ.

    “Cá bảy màu vốn mạnh khỏe”, ông nói với tôi. “Nhưng hiện nay, cá dĩa hoang còn cứng cáp hơn chúng”. Tôi yêu cầu ông chứng minh lời nói của mình, nhưng ông đã cho tôi xem những con cá dĩa hoang đang kiếm ăn và sinh sản một cách hạnh phúc.

    Vào năm 1994, ông bắt đầu nuôi cá dĩa. Ông có người bác vốn lai tạo một ít vào năm đó, và Francis bị chúng hớp hồn. Ông lên đường cùng với người anh, và họ gõ cửa các tiệm cá địa phương vào 6 giờ sáng để đợi cá mới về, mà họ chọn cá trực tiếp từ bịch và đưa ngay về nhà.

    Ông phải giấu chúng khỏi mẹ, người ngăn cản họ mua cá, và cất chúng ở phòng bên. Một ngày nọ kế hoạch của họ bị phát hiện, nhưng tư duy nhanh nhạy giúp họ thoát nạn. “Chúng tôi thuyết phục mẹ rằng mình cản ra chúng”, ông cười phá lên. Lời nói dối đơn giản đó là dự cảm của những gì tiếp theo.

    [​IMG]

    Thật là một khởi đầu khiêm tốn bởi thú chơi phát triển rất nhanh. Ông nhấn mạnh rằng thú vui của mình là lai tạo và nuôi dưỡng, và xem nhẹ bất kỳ khía cạnh thương mại nào của thú chơi. Quan điểm của ông là cá thứ nhất, kinh doanh thứ nhì.

    Công việc chính của ông là giảng viên cao đẳng (college lecturer), làm bán thời gian (part-time) và tư vấn. Ông từng làm toàn thời gian nhưng cắt giảm còn hai ngày mỗi tuần để dành thật nhiều thời gian cho phòng cá.

    “Đó là vào những năm 2002 và 2003, tôi chỉ có thời gian vào buổi tối”, ông nói “và tôi nghĩ tại sao mình không xem cá dĩa là một nghề?”.

    “Tôi có vài mối quan hệ tốt ở Malaysia và bắt đầu nhập chúng. Rồi bạn bè bắt đầu hỏi tôi về chúng, và mua chúng từ tôi. Mọi thứ phát triển từ đấy”.

    Điểm sơ cơ sở của ông có trên 80 hồ kiếng (tank) từ hồ nhí 45cm/18in, đến hồ 150cm/60in, xếp đầy trên đủ loại kệ - và một bể [gạch men] (pond).

    [​IMG]

    Bể nuôi cá dĩa

    Bể cá là thứ đáng tò mò nhất mà tôi từng thấy. Với thể tích 500 l/110 gal, và được vận hành bởi bộ lọc mưa (trickle) tự chế bằng chất liệu K1 và bông lọc bên trên, nó được tọng đầy loài cá thân phẳng, dẹp, nhưng Francis có thể phân biệt được từng con. Tôi cố đoán số lượng, nhưng đơn giản là có quá nhiều.

    Bể này vốn được xây để nuôi cá đuối, nhưng hiện giờ là bể dưỡng khổng lồ (nếu nuôi đủ) cho số cá triển lãm của ông. Để dễ hình dung, riêng bộ sưu tập này cũng tiêu thụ hết 1kg tim bò trộn (beefheart mix) mỗi ngày.

    [​IMG]

    Sử dụng một cây vợt dài, Francis khéo léo vớt những con từng thắng giải và những con mới lớn, chỉ tôi xem những khác biệt nhỏ giữa chúng.

    “Cá cái thiếu tông lam chất-lượng triển lãm” ông nói, lôi hết con này đến con khác ra để chứng minh. “Với cá lam, cá đực triển lãm tốt hơn. Với cá đỏ, bạn lại muốn cá cái”.

    Tiếp theo, ông nói về tim bò mà ông cho cá mình ăn cả đống. “Tôi cho tối thiểu bốn hay năm ký mỗi ngày” ông nói. “Nhưng không chỉ tim bò; còn có hến (mussel), cải bó xôi (spimach), tảo spirulina, thức ăn tấm (flake), tôm (prawn) – đủ mọi thứ trong đó. Đó là những gì mà tôi cho ăn. Nó thực sự được làm bởi Ditone Discus, mà tôi có bán” ông cười toe toét. “Hiện tại tôi phải bán đến 100-150kg mỗi tháng…”

    “Cá dĩa cần nhiều thịt. Cho chúng ăn bất kỳ thức gì khác giống như chúng ta cố sống bằng thực phẩm trẻ em. Và tôi không dùng trùng đỏ (bloodworm). Thứ đó không tốt cho cá dĩa vì nó chứa mầm bệnh” [“Bloodworm” là tên gọi chung của nhiều con nhưng trong thế giới cá cảnh, đó là ấu trùng con muỗi lắc Chironomidae, gọi là “trùng đỏ”, không phải con trùn].

    Francis đặt thức ăn vào hàng thứ nhì trong “tam đại bí quyết” để thành công của mình. “Bạn cần cá đẹp để bắt đầu” ông nói “và rồi bạn cần cho chúng thức ăn chất lượng. Sau đó, bạn cần nước tốt, mà tôi cho là sạch và tươi mới. Đừng sa vào việc lo lắng về thông số”.

    [​IMG]

    Kiến tạo nhà vô địch

    “Lẽ thường, nước Anh được xem là nơi không hợp với cá dĩa”, Francis nói. “Nhưng từ vài năm nay, chúng ta bắt đầu càn quét các giải đấu quốc tế”.

    Ông nhất định đang giúp thay đổi nhận thức về nước Anh. Năm ngoái, ông tham dự một cuộc thi ở Tây Ban Nha và mang về mười giải thưởng cho cá của mình. Ông đem cá với đủ loại màu sắc khác nhau nên người ta bắt đầu gọi ông là “Rainbowman” [người cầu vồng]. Một năm trước đó ông chỉ mang có ba con – và đoạt liên tiếp các giải nhất, nhì và ba với chúng.

    Việc lập sẵn kế hoạch là cần thiết, và Francis xây dựng các ý tưởng của mình cả ba năm trước một cuộc triển lãm. “Cần từ 16 đến 18 tháng để một thí sinh phát triển đến kích thước phù hợp”, ông nói.

    Năm sau ông muốn 20 hay 30 con xuất bể ở điều kiện triển lãm (show condition), và chúng sẽ chu du khắp nơi, ông có các cuộc thi được sắp đặt ở Singapore, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Pháp cũng như ở đây, Anh. Với đà thắng lợi đoán trước được, chẳng có gì ngạc nhiên khi người khác muốn hợp tác với ông, và Chen thậm chí còn liên minh với một thành viên thuộc hoàng gia Qatar, đại diện cho một hoàng tử trong các cuộc thi ở châu Âu.

    [​IMG]

    Vậy ông làm điều đó như thế nào?

    Francis củng cố những dòng cá của mình từ các nhà lai tạo Malaysia, khi mà ông còn chưa chăm sóc chúng. Vào năm 2007, ông bay sang thăm họ sau một vài sự cố về sự ổn định (consistency) – điều mà họ nghĩ là ông muốn không hoàn toàn chính xác. Họ lắng nghe ông trình bày và ông chỉ ra cách mà mình muốn cho cá ăn, bắt, đóng gói và lưu giữ. Ông thiết lập quy trình và ghi chép trong từng lãnh vực.

    “Chúng tôi hiện có quan hệ tốt”, ông nói, “và tôi có thể đặt cá và họ ngay lập tức biết tôi muốn gì. Họ tránh cho tôi mọi thứ mà tôi không muốn. Kể từ đó, tôi phải đặt đến tối thiểu 70 đợt hàng từ họ”.

    Chìa khóa để thành công của ông là loại bỏ cá kém chất lượng. Francis có một quan điểm rất rõ ràng rằng con cá phải trông như thế nào, nhưng ông cũng biết rằng nếu chấp nhận cả rơm rác (chaff) thì mình đang tạo ra một tiền lệ xấu cho tương lai.

    “Mua một con cá xấu và bạn phải bỏ hết thời gian để phục hồi nó”, ông nói. “Nhiều người phạm lỗi này, rồi sau một thời gian họ phải bỏ cuộc chỉ vì con cá xấu của mình, và góp phần vào ngộ nhận rằng cá dĩa khó nuôi”.

    “Ưu tiên hàng đầu của tôi là hình dáng (shape). Hình dáng cá dĩa phải tròn lẳn, hay tròn nhất có thể. Tròn là tốt. Nếu nó không giống như chiếc dĩa, thì đã không gọi là cá dĩa”.

    “Ưu tiên thứ nhì của tôi là màu sắc và hoa văn (markings). Chúng cần phải đều và đậm thì mới đạt yêu cầu của tôi”.

    “Ưu tiên thứ ba là màu mắt. Tôi chuộng cá với mắt đỏ tươi, dẫu không phải dòng cá nào cũng có đặc điểm này”.

    Thứ tự ưu tiên này thay đổi tuy theo mỗi quốc gia, dường như các nhà lai tạo Âu Châu đặt nặng vào hoa văn và màu mắt, rồi mới cản cá theo hình dáng mà họ muốn.

    “Cũng có sự khác biệt về quan điểm cá đẹp giữa các tay chơi. Một số chuộng màu sắc, trong khi số khác lại muốn dáng đẹp”.

    Francis có lời khuyên đơn giản dành cho những ai muốn dưỡng cá đến tiêu chuẩn triển lãm. “Thay nước”, ông nói, “là cần thiết để tăng trưởng tốt. Tôi nhắm thay tối thiểu 50% cách ngày, và bể của tôi thay đến 90% mỗi ngày”.

    “Việc thay nước tác động trực tiếp đến tăng trưởng và sức khỏe, và nó sẽ chữa lành nhiều bệnh chính chẳng hạn như cá bỏ ăn”.

    [​IMG]

    Đơn giản là nó hoàn hảo

    Mặc dù nhiều người tuyên bố cá dĩa là loài nhạy cảm, yêu sách, Francis áp dụng những thứ thật đơn giản để duy trì hình dáng ban sơ của chúng.

    Trong toàn bộ dàn hồ của mình, hệ thống lọc trông như một cái kẹp giấy đơn giản – bọt biển (sponges), bông (wool) và một số vật liệu K1 nổi trong ngăn lọc mưa. Chỉ tiến bộ đến vậy.

    Với những ai cho rằng hóa đơn tiền nước của ông tăng phi mã bởi sự hao hụt của bộ lọc thẩm thấu ngược công suất lớn, thì bạn cũng nhầm. Mọi thứ ở đây đều được nuôi bình thường, bằng nước máy Harrow mỗi ngày.

    Không thanh lọc

    “Rất nhiều nhà lai tạo Malay là Phật tử”, Francis nói, “điều đó có nghĩa họ không giết bỏ bất kỳ con cá nào; họ là những người hiền hòa đến mức cực đoan. Thay vào đó, họ thả cá loại của mình ra ao hồ. Vấn đề là, có người ở bờ hồ bên kia đang bắt chúng về nuôi”.

    “Điều thú vị ở Malaysia đó là chỉ cá dĩa loại-B được bày bán. Tất cả hàng loại-A được xuất khẩu hết”.

    Bệnh cá dĩa

    Với cả đống cá ở trại Chen, vệ sinh là điều cần thiết. “Có một loại bệnh gọi đơn giản là dịch cá dĩa (discus plague)”, ông nói với tôi, “và không ai thực sự khẳng định về triệu chứng. Nhưng nếu mắc phải bạn sẽ bị thiệt hại 90 hay 100%. Một số tay chơi xác nhận rằng nó có thể lan truyền qua không khí, nhưng tôi không chắc. Dấu hiệu ban đầu là cụp đuôi (clamping), thân sạm đen, đờ đẫn, bỏ ăn và những thứ tương tự. Vào ngày thứ tư sau khi nhiễm, chúng sẽ tụ vào một góc. Nó dường như là sự lây nhiễm kết hợp giữa đơn bào (protozoan) và vi khuẩn (bacterial)”.

    “Bây giờ tôi sát trùng tay mình thậm chí sau mỗi lần bắt tay, bởi nguy cơ là quá cao nếu không làm vậy. Chỉ cần một giọt nước, và nó có thể dính lên cây cối, vợt hay bất kỳ thứ gì”.

    Bởi e sợ căn bệnh này nên Francis cho tất cả cá [mới về] qua một chế độ cách ly (quarantine) một-tháng. “Nếu có một con cá bệnh, thì nó sẽ nhanh chóng lộ ra. Tôi đặt mọi thứ vào chế độ theo dõi một-tháng, nhất là những con từng phải tiếp xúc với môi trường lạnh trong quá trình vận chuyển. Chúng cần thời gian để bồi bổ và làm quen với nguồn nước ở Anh”.

    Ông cũng lo ngại một sát thủ cá dĩa khác. “Nó thường bị nhầm với dịch cá dĩa – khác biệt ở chỗ bệnh này khiến nước bốc mùi. Nhưng bệnh nấm nhung (velvet) chẳng thể sánh bằng, với mức độ thương vong chỉ 20% hay xấp xỉ vậy”.

    “Cần để ý đến trùng roi nội (internal flagellates). Cá sẽ bỏ ăn, và trở nên nhút nhát. Rồi chúng sẽ có phân bông trắng (fluffy)”.

    “Đó là lúc hệ miễn dịch suy yếu và giun sán hoành hành – thường nếu cá bỏ ăn một thời gian. Nhưng đó cũng có thể do nước dơ, thực phẩm kém chất lượng , hay là một nguyên nhân bên trong. Đấy là lý do tại sao bạn không nên mua cá bệnh”.

    “Thuốc tẩy giun Kusuri Wormer sẽ chữa khỏi, nhưng metronidazole còn tốt hơn. Bạn cần thuốc để vượt qua. Nhưng bạn vẫn thiệt hại về chất lượng và không thể chữa khỏi toàn bộ cá. Việc này rất tùy thuộc vào người nuôi, và người chăm cá giỏi không để nó xảy ra”.

    “Có một khác biệt lớn giữa giun và trùng roi. Nếu phân màu trắng và đứt đoạn, cá bạn bị nhiễm giun, và bạn cần praziquantel. Nếu phân bông (fluffy) và bỏ ăn, thì cá bạn bị nhiễm trùng roi”.

    Tôi hỏi khách hàng của ông có từng gặp vấn đề gì về cá không. “Không từ cá bệnh”, ông nói, “mà do rủi ro. Dẫu vậy tôi cố giúp hết sức có thể. Như tôi đã nói ở trên, tôi đâu có nghèo cá”.

    “Đôi khi tôi bán cá làm từ thiện. Mới đây chúng tôi làm một đợt nhỏ để kiếm 600 bảng cho nghiên cứu ung thư. Những cơ sở khác cũng tham gia, chẳng hạn như các hiệu thức ăn CE Essentials và Ditone, và hãng Devotedly Discus. Chúng tôi là một cộng đồng vững mạnh, và tôi thỉnh thoảng vẫn đóng góp cá”.

    “Nhưng đây là một thú chơi đắt đỏ”, ông bổ sung. “Tôi có rất nhiều cá đặc biệt, và nuôi chúng không hề rẻ”.

    Nhìn quanh lần cuối, tôi có khuynh hướng đồng ý. Francis có lẽ đã đổ hàng đống tiền vào thú chơi của mình trong nhiều năm trời, nhưng trên nền tảng đó, ông chẳng hề nghèo cá. Trên thực tế, nhiều chiến hữu xem ông là một trong những người giàu có nhất trên đời…

    [​IMG]

    Muốn kiếm vài con?

    Giá cá của trại Chen dành cho người chơi khoảng £10 [bảng] một con 2.5in [6.4cm], trong khi cá lớn cỡ trung bình 5-6.5in [12.7-16.5cm] khoảng £75 đến £100 mỗi con. Với cá dự thi hoặc triển lãm, giá trong tầm £180 đến £900. Lúc tôi đến thăm, một con cá dĩa vàng chóe (intense) giá £700 đang đợi lấy hàng ngày hôm đó.

    Để có thêm chi tiết, hãy vào website của trại Chen’s Discus: www.chensdiscus.co.uk

    Cá của ông bán cho cả người chơi lẫn các đại lý bán lẻ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/11/17

Chia sẻ trang này