Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Phân loại cá vàng

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá vàng & cá chép' bắt đầu bởi vnreddevil, 17/4/08.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Phân loại cá vàng
    Tác giả Peter J. Ponzio – Hội cá vàng Mỹ (GFSA)

    [​IMG]
    Cấu tạo bên ngoài của cá vàng. A. Thân – B. Mắt - C. Gốc đuôi – D. Đường bên - E. Đầu – F. Mũ - G. Mặt – H. Nắp mang
    I. Lỗ mũi - J. Vây lưng - K. Vây ngực – L. Vây bụng - M. Vây hậu môn – N. Đuôi - O. Thùy trên – P. Thùy dưới – Q. Eo


    Cá vàng được lai tạo ở Trung Hoa cách nay khoảng 1000 đến 1500 năm, và sau đó du nhập vào Nhật Bản và Triều Tiên, nơi mà chúng tiếp tục được phối giống để tạo ra nhiều dòng cá vàng khác nhau. Đối với người mới nuôi cá vàng, dạng thân, vây và những đặc điểm độc đáo ở cá vàng dường như không thể phân loại một cách rõ ràng được. Do vậy, nhiều năm trước đây, Hội cá vàng Mỹ (GFSA) đã phát triển một hệ thống phân loại cho cá vàng. Hệ thống này chia cá vàng thành 3 nhóm chính dựa trên đuôi và vây lưng. Chúng gồm:
    - Cá đuôi đơn có vây lưng
    - Cá đuôi kép[1] có vây lưng
    - Cá đuôi kép không có vây lưng

    Dựa trên ba nhóm cá này, Hội cá vàng Mỹ định nghĩa những dòng cá vàng như sau:
    1. Cá đuôi đơn có vây lưng
    - Cá vàng thường
    - Cá vàng sao chổi (comet)
    - Cá vàng shubunkin

    [​IMG]

    2. Cá đuôi kép có vây lưng
    - Đuôi quạt
    - Ryukin (lưu kim nhật)
    - Ngọc trai (pearlscale)
    - Đuôi voan (veiltail)
    - Mắt lồi (telescope eye)
    - Oranda

    [​IMG]

    3. Cá đuôi kép không vây lưng
    - Lan thọ (lionhead)[2]
    - Ranchu
    - Thủy bao nhãn (bubble eye)
    - Ngưỡng thiên (celestial)

    [​IMG]

    Hàng loạt loại cá vàng mới xuất hiện cũng thuộc về ba nhóm cá này chẳng hạn như tosakin (đuôi công)wakin [3], nhưng chúng vẫn chưa được coi như là một dòng cá riêng biệt. Hội cá vàng Mỹ chỉ xem xét công nhận dòng cá mới một khi chúng trở nên phổ biến.

    1. Vảy – có ba loại vảy chính ở cá vàng là ánh kim, phi kim và bán kim.
    a. Ánh kim (metallic) – Loại vảy bóng và phản chiếu ánh sáng như bề mặt kim loại do đó mà có tên ánh kim. Màu ánh kim được tạo ra bởi sự hiện diện của chất guanine tích trên mặt vảy.
    b. Phi kim (matte) – Loại vảy không có lớp guanine phản chiếu ánh sáng khiến bề mặt mờ và trong.
    c. Bán kim (nacreous) – Loại vảy kết hợp của cả hai loại vảy trên theo một tỷ lệ bất kỳ.

    2. Màu sắc – cá vàng có nhiều màu đơn và màu kết hợp khác nhau. Những màu phổ biến bao gồm: đỏ, cam, trắng, đen, xanh, nâu chocolate, vàng, đỏ-trắng, đỏ-đen, đen-trắng, vải hoa calico (gồm đỏ, trắng, đen và xanh).

    3. Mắt – cá vàng có nhiều loại mắt khác nhau, gồm:
    a. Mắt thường
    b. Mắt lồi – mắt lồi hẳn ra hai bên đầu.
    c. Mắt ngưỡng thiên – tương tự như mắt lồi nhưng con ngươi hướng lên trên.
    d. Thủy bao nhãn – thực ra mắt vẫn bình thường nhưng có hai bọng nước lớn nằm hai bên má, ngay phía dưới mắt.

    4. Dạng đuôi – cá vàng có vô số dạng đuôi như sau:
    a. Đuôi đơn – dạng đuôi bình thường trông giống như cái nĩa, nhưng chóp lại tròn.
    b. Đuôi sao chổi – dài hơn đuôi đơn (đến 2-3 lần), và chóp nhọn.
    c. Đuôi shubunkin – đuôi dài, kích thước tương tự đuôi sao chổi nhưng chóp tròn và góc xòe rộng khiến cho dạng đuôi này trông đầy đặn hơn so với đuôi sao chổi.
    d. Đuôi kép – dạng đuôi có hai phần tách nhau khoảng 2/3 chiều dài đuôi, chóp đuôi tròn. Chiều dài đuôi từ 2/3 đến 2 lần chiều dài thân tùy vào mỗi loại cá vàng.
    e. Đuôi lan thọ và ranchu – tương tự như đuôi kép nhưng chóp nhọn được chấp nhận. Chiều dài đuôi nói chung từ 1/4 đến 3/8 chiều dài thân.
    f. Đuôi tosakin là một dạng đuôi kép, đuôi không chỉ dính liền mà các cạnh còn tròn khiến đuôi có hình vòng cung.
    g. Đuôi jikin – tương tự như đuôi lan thọ và ranchu nhưng có dạng chữ X khi nhìn từ phía sau do góc kết nối giữa gốc đuôi và hai thùy đuôi.
    h. Đuôi voan – là dạng cải tiến của đuôi kép, dài từ 2.5 đến 3 lần chiều dài thân, chóp đuôi bị triệt tiêu khiến đuôi trông giống như “voan”.

    5. Kiểu đầu – một số dòng cá vàng bao gồm oranda, lan thọ và ranchu có bướu trên đỉnh đầu gọi là “mũ”. Bướu giống như chùm nho khiến cá có hình dạng rất đặc trưng, trông như bờm sư tử. Có nhiều kiểu đầu được công nhận.
    a. Đầu ngỗng – bướu chỉ nổi trên đỉnh đầu mà không xuất hiện ở mặt và nắp mang..
    b. Đầu hổ – bướu nổi lên trên đỉnh đầu và mặt [4].
    c. Đầu lân – bướu nổi khắp đầu, trên đỉnh đầu, mặt và cả nắp mang.

    6. Vây lưng – một số dòng cá (ranchu, lan thọ, ngưỡng thiên và thủy bao nhãn) không có vây lưng. Các dòng không có vây lưng còn có thể chia thành dạng lưng ranchu và dạng lưng lan thọ.
    a. Ở dạng lưng ranchu, lưng hơi cong nhưng phần gốc đuôi đột ngột cụp xuống tạo thành góc 45 độ so với đuôi.
    b. Ở dạng lưng lan thọ (bao gồm cả ngưỡng thiên và thủy bao nhãn), lưng tương đối thẳng hơn ranchu và hợp với đuôi một góc nhỏ hơn nhiều so với dạng lưng ranchu.

    7. Đặc điểm đặc trưng. Cá vàng được lai tuyển chọn theo từng đặc điểm qua nhiều thế kỷ. Một số đặc điểm này được liệt kê dưới đây.
    a. Pom-pom – một cục thịt dư mọc trước lỗ mũi mà khi phát triển hết cỡ trông như trái banh lông.
    b. Ngọc trai – vảy dày lên, làm cho mặt vảy hơi phồng lên ở chính giữa. Ở những cá thể chất lượng, vảy ngọc trai xuất hiện ở khắp nơi và bao phủ toàn thân cá.
    c. Mang lật – nắp mang lật lên khiến mang lộ ra.

    8. Dạng thân – thay đổi tùy theo mỗi dòng cá, và khó mà phân loại rạch ròi bởi vì đặc điểm bề ngoài có thể biến đổi ngay bên trong một dòng (ví dụ, cá vàng oranda có thể có dạng thân đuôi quạt hay đuôi voan).
    a. Dạng thân thuôn dài – dạng thân này được thấy ở cá vàng thường, shubunkin và sao chổi. Hầu hết đều có hình thủy lôi.
    b. Dạng thân đuôi quạt – dạng thân tròn trĩnh. Dạng thân này thường được thấy ở cá vàng đuôi quạt, một số loại mắt lồi, một số oranda (đặc biệt là hạc đỉnh hồng), một số ngọc trai, cùng với ngưỡng thiên và thủy bao nhãn.
    c. Dạng thân đuôi voan – dạng thân tương tự như lưu kim nhật với lưng gù. Tròn trĩnh hơn dạng thân đuôi quạt và độ rộng thân lớn hơn từ 1/4 đến 1/3 dạng thân đuôi quạt truyền thống. Dạng thân này được thấy ở một số mắt lồi, một số oranda, ngọc trai, đuôi voan và một số đuôi ribbon.
    d. Dạng thân lan thọ và ranchu – dạng thân rất tròn với độ rộng thân lớn hơn từ 1/4 đến 1/3 lần dạng đuôi voan. Thân cũn cỡn. Đặc biệt, vùng gốc đuôi không kéo dài mà trông như dính liền vào thân.

    Ghi chú (vnrd)
    [1] Đuôi kép tức là đuôi có hai phần riêng biệt nhưng thường dính nhau ở một mức độ nào đó nên được gọi nôm na là “cá ba đuôi”.
    [2] Dịch chính xác phải là “đầu lân”. Những con oranda cũng thường được gọi là “cá vàng đầu lân”, tuy thiếu chính xác nhưng đã trở nên phổ biến.
    [3] Wakin là dạng lai giữa cá vàng thường và cá vàng đuôi kép.
    [4] Cách định nghĩa “đầu hổ” ở đây hoàn toàn khác với cách định nghĩa mà chúng ta từng biết, theo đó “đầu hổ” cũng có bướu trên đỉnh đầu, mặt và nắp mang như “đầu lân” nhưng “đầu hổ” vuông vức hơn. Dạng đầu hổ như vậy chính là dạng đầu của ranchu.

    Các cột mốc trong lịch sử phát triển của cá vàng
    Nguồn www.bristol-aquarists.org.uk

    - Thời Tấn (265-419) biến thể cá vàng (goldfish) đầu tiên được ghi nhận

    - Thời Đường (618-907) cá vàng được thả nuôi trong ao ở chùa chiền; cá vàng thường (common goldfish) trở nên phổ biến.

    - Thời Nam Tống (1127-1279) cá vàng được nuôi trong ao viên; các biến thể trắng và trắng-đỏ xuất hiện.

    - Thời Minh (1368-1644) cá vàng được nuôi trong hũ lọ đặt trong nhà để làm cảnh, những đột biến được lai tuyển chọn đến mức chúng không thể tồn tại ngoài tự nhiên, các biến thể đuôi kép, không có vây lưng và thân ngắn, thân hình trứng (egg goldfish) xuất hiện.

    - 1590 hạc đỉnh hồng (red cap)

    - 1592 cá vàng mắt lồi (telescope, globle eye)

    - 1596 màu phi kim (matte) và vải hoa (calico) xuất hiện; việc nuôi dưỡng cá vàng vốn chỉ dành cho tầng lớp quyền quí trước đó thì nay đã trở nên phổ biến.

    - 1603 cá vàng được xuất khẩu đến Nhật Bản

    - 1611 cá vàng được xuất khẩu đến châu Âu (Bồ Đào Nha)

    - Thời Thanh (1644-1911) màu xanh dương và màu đồng xuất hiện

    - 1728 cá vàng lần đầu được lai tạo ở châu Âu (Hà Lan)

    - 1758 cá vàng được Linnaeus đặt tên khoa học là Cyprinus auratus (từ năm 1949 đổi thành Carassius auratus, và hiện nay là Carassius auratus auratus)

    - 1870 cá vàng ngưỡng thiên (celestial)

    - 1874 cá vàng được xuất khẩu đến Mỹ

    - 1893 oranda/đầu hổ

    - 1900 pom-pomngọc trai (pearlscale); cá vàng shubunkin được phát triển ở Nhật

    - 1908 thủy bao nhãn (bubble eye)

    - 1911 mang lật (curled gill, reversed gill)

    - Đầu thế kỷ 20 cá vàng sao chổi (comet) và đuôi voan (veiltail)

    - 1934 Tiêu chuẩn về cá vàng shubunkin Anh được ban hành.
     
    Last edited by a moderator: 4/3/16
  2. thaicodon

    thaicodon Active Member

    Em vừa định viết mail than thở : "Anh Đại ca và cao thủ trong 4rom lâu nay không thấy post bài chất lượng" thì gặp bài này.

    Đọc xong thõa mãn cơn thèm khát được đôi chút ! Hic!
     
  3. QSy

    QSy Moderator

    Thái cũng là 1 cao thủ mà chẳng thấy viết hay dịch bài gì hết!Ém hàng à?
     
  4. thaicodon

    thaicodon Active Member

    Cám ơn anh QSy đã khen! :)
    Chừng vài tháng nữa, em sẽ tái xuất giang hồ. Lúc đó, đối tượng là betta và sau đó là La Hán.
    Một điều không thể thiếu đó là Thaicodon phải trông cậy vào sự hợp tác và chia sẽ thông tin từ anh em trong diễn đàn.
    Hy vọng em sẽ cống hiến được nhiều bài hay cho DDCC chúng ta. :)
     
  5. QSy

    QSy Moderator

    Mình hoàn toàn tin tưởng ở Thái,vấn đề chỉ là thời gian,hi vọng đừng để anh em dài cổ,hehehe
    Cố lên nhé!Anh em sẵn sàng làm nhìu điều vì diễn đàn mà!Yên chí đi!!
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội