Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cá mũi voi và các loài họ hàng

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 17/6/08.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cá mũi voi và các loài họ hàng

    Thông minh, nhưng sở hữu một bộ mặt mà chỉ ba má mới khen nổi, cá mũi voi đem lại rất nhiều cảm giác khác lạ cho người nuôi cá cảnh.

    [​IMG]
    Gnathonemus petersii là loài cá mũi voi phổ biến nhất trên thị trường cá cảnh. Cá mũi voi cần ánh sáng yếu, nơi trú ẩn và cây thủy sinh; hồ nuôi cá mũi voi cần được đậy kín hoàn toàn và không nên bố trí đáy nền hay vật trang trí sắc cạnh.

    Có những loài cá mà tỷ lệ bộ não tương đương với con người. Chúng là những loài thuộc họ Mormyridae. Ngoài bộ não cực lớn, chúng còn được biết đến thông qua một số đặc điểm sinh lý và cấu trúc đặc biệt.

    Thân hình “cứng cáp” của chúng hỗ trợ cho việc phát điện. Những con cá phát điện này tạo ra một từ trường yếu và qua đó chúng cảm nhận được sự thay đổi của môi trường. Chúng thậm chí còn sử dụng từ trường để thông tin và định vị. Theo bạn thì có bao nhiêu họ cá có khả năng tạo ra và sử dụng trường điện từ?

    Mormyrid với bộ não rất lớn và phức tạp được các nhà thần kinh học đặc biệt quan tâm. Nếu xét trên tỷ lệ não đối với trọng lượng cơ thể thì chúng hiện đang sở hữu những bộ não lớn nhất trong giới động vật. Để so sánh, tiểu não (cerebellum) của chúng còn lớn hơn cả tiểu não của chúng ta.

    Họ cá Mormyridae có gần 200 loài bao gồm những con “cá heo” (dolphin), “cá voi con” (baby whale) và cá mũi voi (elephantnose) mà chúng dù rất được ưa chuộng nhưng hiếm khi xuất hiện trên thị trường cá cảnh. Không may, những loài này rất dễ bị chết. Nguyên nhân hầu như xuất phát từ người nuôi cá, tuy nhiên điều này có thể tránh được.

    [​IMG]
    Mormyrid là họ cá độc nhất ở châu Phi. Tất cả cá lưu hành trên thị trường cá cảnh đều là cá hoang dã. Hình trên là loài Gnathonemus petersii.

    Mọi người thường để cá chết bởi vì những lỗi đơn giản, chẳng hạn để chúng nhảy ra khỏi hồ, chữa trị bằng thuốc chứa thành phần kim loại và thuốc màu, vô tình để cá đói (thiếu thức ăn tươi, bổ dưỡng hay có quá nhiều kẻ giành ăn) hoặc không bố trí đủ vùng tối.

    Nếu bạn chăm sóc kỹ lưỡng ngay từ đầu và đảm bảo nhu cầu tối thiểu của chúng, bạn sẽ thấy cá mormyrid không quá khó nuôi và không phải là loài cá “yếu đuối” như mọi người thường nghĩ về chúng.

    [​IMG]
    Đáy nền trở nên rất quan trọng khi nuôi các loài mormyrid như con cá mũi voi ở trên. Chúng dành phần lớn thời gian sục mũi vào lớp đáy nền để tìm các mảnh vụn thức ăn. Để cái mũi, miệng và hàm mong manh của chúng khỏi bị tổn thương, tốt nhất nên bố trí đáy nền bằng những viên sỏi tròn, nhẵn nhụi.

    Một số cá loài mormyrid phổ biến
    Tất cả cá mormyrid đều phân bố ở châu Phi và là cá nước ngọt. Có những loài rất lớn, chẳng hạn như Mormyrops deliciosus có thể dài đến 5 f [1,5 m]. Nhưng hầu hết (có đến 18 chi và 198 loài) đều dài không quá 12 inch [30 cm], Petrocephalus catostomus là loài nhỏ nhất mà cá thể trưởng thành dài không quá 3 inch [8 cm].

    Cá mũi voi Peters (Gnathonemus petersii, Gunther, 1832) là loài thông dụng nhất. Loài này được phát hiện rải rác ở khắp vùng Tây Phi. Chúng lớn tối đa đến 14 inch [36 cm].

    Loài Campylomormyrus rhynchophorus (Boulenger, 1898) phân bố ở lưu vực sông Congo và lớn tối đa đến 9 inch [23 cm]. Loài này tuy hiếm nhưng vẫn là một trong số những loài mormyrid phổ biến trên thị trường cá cảnh (mà người ta có thể kiếm được).

    Loài cá mũi voi Mormyrops tapirus (Pappenheim, 1905), đôi khi còn được gọi là cá heo nước ngọt, phân bố ở lưu vực sông Tây Phi, đoạn chảy qua Guinea và Cameroon. Loài này có thể lớn tối đa đến 17 inch [43 cm] và thỉnh thoảng xuất hiện trong giới nuôi cá cảnh.

    Chăm sóc
    Cá mormyrid điển hình có thân hẹp và dẹp về bề ngang với màu sắc từ nâu đến đen, thậm chí hơi có chút ánh kim. Chúng sống gần đáy nơi có nhiều bùn và cây thủy sinh. Và người nuôi tốt nhất nên tái tạo điều kiện này trong môi trường hồ nuôi.

    Những loài này thích ánh sáng yếu, vô số vật trang trí và chỗ trú ẩn cũng như thật nhiều cây thủy sinh. Có rất nhiều loại cây thủy sinh có thể phát triển tốt trong môi trường chiếu sáng yếu và ít dinh dưỡng (như anubias, fern, moss…). Những loại cây như vậy sẽ cải thiện và ổn định chất lượng nước hồ.

    Nền đáy an toàn đối với cá mormyrid phải bao gồm cát hay sỏi tròn. Tránh sử dụng nền đáy có vật sắc nhọn vì cá “mũi voi” dành phần lớn thời gian sục sạo nền đáy để kiếm thức ăn. Tương tự, đừng bố trí đá hay vật trang trí sắc nhọn trong hồ bởi vì chúng có thể làm cá bị chấn thương. Loại gỗ tự nhiên như lũa rất phù hợp.

    Mormyrid là cá nhiệt đới nên thích hợp với nguồn nước ấm và ổn định. Nhiệt độ nước nên từ 21 đến 26 độ C. Trong môi trường tự nhiên của chúng, độ pH từ trung hòa đến hơi acid trong khi độ cứng từ trung bình đến thấp.

    Trong môi trường hồ nuôi, mormyrid chứng tỏ sức chịu đựng tốt đối với những điều kiện nước khác nhau. Tuy nhiên, nước dùng để thay vẫn nên được xử lý trước. Trong điều kiện lý tưởng, nước dùng để thay nên được trữ trong một tuần hay lâu hơn trước khi sử dụng. Mormyrid rất nhạy cảm đối với những chất tiệt trùng như chlorine hay chloramine có trong nguồn nước hay nước máy.

    Cá mũi voi với hồ thủy sinh
    Với bóng râm, môi trường, sự cải thiện chất lượng nước và cả nguồn thức ăn mà cây thủy sinh đem lại, việc trồng chúng trong hồ là rất cần thiết. Hãy nghiên cứu xem loại cây nào là thích hợp nhất đối với cách bố trí của bạn.

    Với nguồn nước ấm, pH thấp và mềm, rất nhiều loại cây có thể trồng được, thậm chí cả các loại fern phổ biến thuộc chi Ceratopteris. Kể cả những loại cây thủy sinh nổi dễ chăm sóc chẳng hạn như các loại bèo tấm hay alligator grass. Ngoài ra, còn vô số các cây thủy sinh khác cũng có thể sử dụng được.

    Có vô số trang web tuyệt vời về lãnh vực thủy sinh trên mạng Internet bao gồm www.aquatic-gardeners.org, www.aquabotanic.com (trang web của Robert Hudson, người chịu trách nhiệm cho mục “Hồ thủy sinh” trên tạp chí FAMA), www.dennerle.de/enwww.tropica.com/default.asp. Còn có một số sách hay về chủ đề thủy sinh nữa.

    [​IMG]
    Gnathonemus petersii là cá phát điện bởi vì chúng có thể tự tạo một môi trường điện từ yếu dùng để thông tin cũng như định vị vật thể và săn mồi.

    Kim loại, đặc biệt là hợp kim của sắt (sắt, thép) có thể gây hại cho những loài cá này. Do đó, tránh sử dụng loại nhiệt kế bằng kim loại và bất cứ vật dụng chứa kim loại nào trong hồ nuôi. Rê một thanh nam châm bên trên nền đáy để phát hiện và loại bỏ tất cả vật dụng bằng kim loại mà chúng thường “lẫn” trong lớp sỏi.

    Tôi đã lưu ý đến thiên hướng hay nhảy khỏi hồ, sự khó chịu đối với môi trường chiếu sáng mạnh của những loài cá này và chúng cần nhiều hang hốc cũng như vùng trú ẩn. Có rất nhiều cá mormyrid kết thúc cuộc đời như “cá khô” phơi trên nền nhà bởi vì người nuôi không lưu tâm đến những vấn đề ở trên. Những nhà kinh doanh số lượng lớn thường thả ống PVC và rễ cây vào hồ để chúng lẩn trốn, họ điều chỉnh ánh sáng yếu và để mực nước thấp cũng như đậy kín hồ hoàn toàn.

    Loài cá thông minh
    Loài người thông minh đến đâu? Não của chúng ta sử dụng đến 20% lượng ô-xy mà toàn bộ cơ thể tiêu thụ và chiếm đến 2.3% trọng lượng toàn thân - Chúng ta thường tự coi mình là vô địch về lãnh vực này, đặc biệt là khi so sánh với những loài động vật bậc cao khác.

    Vâng, cá mũi voi (Gnathonemus petersii) thậm chí có bộ não chiếm đến 3% trọng lượng cơ thể và sử dụng đến 60% lượng ô-xy mà toàn bộ cơ thể tiêu thụ.

    Hãy tự hỏi rằng cá mũi voi sẽ coi ai là kẻ thông minh nhất? Có lẽ không phải là chúng ta.


    [​IMG]
    Tỷ lệ não ở cá mũi voi thuộc loại lớn nhất trong giới động vật. Tỷ lệ não thông thường ở cá mũi voi chiếm khoảng 3% trọng lượng cơ thể, trong khi tỷ lệ này ở người là 2.3%.
    Hành vi
    Những loài mormyrid lưu hành trên thị trường cá cảnh rất hiền lành. Trường điện từ của chúng không đủ mạnh để gây hại cho cá nuôi chung hồ, chúng không ăn thịt cá khác cũng như không làm phiền đến những sinh vật khác cùng hồ.

    Rắc rối thường xảy ra khi nuôi chung những cá thể mormyrid loài này với loài khác hay với cá có trường điện từ yếu. Mormyrid thường tụ tập thành bầy, và vài con cá mũi voi tha thẩn trong hồ thủy sinh sẽ tạo ra khung cảnh rất thú vị. Nếu được cung cấp đủ không gian, cá mormyrid có thể được nuôi theo bầy (bầy 4-5 con tốt hơn bầy 2-3 con) trong hồ (nhiều loài mormyrid sống theo bầy ngoài môi trường tự nhiên). Đối với đa số các loài, mỗi cá thể cần một không gian khoảng 100 lít. Chúng cũng cần nhiều nơi để trú ẩn.

    Trong trường hợp nuôi chung quá nhiều cá thể, những cá thể lớn luôn “lấn lướt” khiến cho những cá thể nhỏ hơn trong hồ bị chết. Tốt nhất nên nuôi cá mũi voi từng con trong hồ riêng. Nếu bạn có hồ rộng vài trăm lít, bạn muốn tìm hiểu hành vi xã hội của chúng và thử nuôi nhiều con chung hồ - hãy thử xem sao.

    Dinh dưỡng
    Trong môi trường tự nhiên, những loài cá này ăn động vật thân mềm nhỏ, ấu trùng của côn trùng và những loại trùn khác nhau mà chúng tìm thấy dưới đáy. Chúng sử dụng phần chóp của miệng, hàm và “mũi” (thực ra là phần kéo dài của miệng) để phát hiện và ăn các mẩu thức ăn. Trong môi trường hồ nuôi, chúng cần được cung cấp các loại thức ăn có kích cỡ tương đương (chúng không thể nhai hay cắn thức ăn một cách dễ dàng) bỏ trên nền đáy vào ban đêm. Đặc biệt, khi mới thả vào hồ, bạn sẽ không thấy cá mũi voi ăn nhiều.

    Bạn sẽ thành công khi thường xuyên thả thức ăn gần chỗ trú ẩn vào ban đêm của cá mũi voi. Cá cũng chấp nhận thức ăn không phải loại tươi sống. Một khi đã quen, chúng sẽ ăn trùn huyết cũng như các loại thức ăn đông lạnh khác một cách thích thú.

    Cá mormyrid không ăn nhiều vào ban ngày. Chúng hoạt động chủ yếu về đêm và hầu như “ngủ” vào ban ngày. Nhưng chúng có thể thích nghi với hoạt động vào ban ngày trong môi trường hồ nuôi. Một khi đã quen với hồ nuôi, bạn có thể thấy chúng bơi tha thẩn trong hồ.

    Sinh sản
    Một số loài có những đặc điểm phân biệt giới tính bên ngoài, nhưng không loài nào đang lưu hành trên thị trường cá cảnh có các đặc điểm đó. Tương tự, không có loài nào mà hành vi sinh sản được quan sát ngoài môi trường tự nhiên.

    Mặc dù không được lai tạo với mục đích thương mại, các nhà khoa học đã lưu ý một số thông số cần thiết cho việc lai tạo cá mormyrid trong môi trường hồ nuôi (Kirschbaum, Frank & Schugardt, 2003). Hiện tượng sinh sản theo mùa ngoài môi trường tự nhiên gắn liền với mùa mưa. Với sự gia tăng nguồn nước có độ pH thấp và giàu phù sa, việc sinh sản bắt đầu diễn ra trong các nhánh sông nhỏ.

    Một số loài mormyrid chăm sóc con trong khi những loài khác thì không. Có lẽ hành vi chăm sóc con ở cá mũi voi liên quan đến sự không mắn đẻ của chúng.

    Bệnh cá và cách điều trị
    Cá mormyrid dị ứng với hầu hết các loại thuốc chữa bệnh cho cá. Đồng và những kim loại khác, formol, thuốc màu và muối thường độc hại, thậm chí giết chết chúng. Không may, cá mormyrid lại rất dễ nhiễm các loại bệnh ký sinh ngoài da thông thường, chẳng hạn như bệnh nấm trắng mà hầu hết các loài cá cảnh đều bị nhiễm. Vậy phải làm gì?

    Phòng bệnh, chăm sóc và bảo dưỡng hồ cá một cách thích hợp là cách tốt nhất để nuôi dưỡng các loài này một cách thành công. Thậm chí, chỉ đơn giản là sự biến thiên nhiệt độ cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh ký sinh cho cá trong hồ.

    Kết luận
    Phải rất lâu người ta mới quen với ý nghĩ rằng một số loài cá có “nhiều não” hơn chính mình. Với màu sắc và hoa văn nhợt nhạt và ít hoạt động vào ban ngày, cá mũi voi không phải là cá cảnh loài phổ biến đối với tất cả mọi người. Nhưng nếu được thuần dưỡng và chăm sóc một cách thích hợp, cá mũi voi sẽ là đối tượng nuôi thông minh, thú vị và lâu dài trong hồ cảnh.

    Lựa chọn cá mormyrid
    Hiện tại, những cá thể được lai tạo và nuôi dưỡng trong môi trường nhân tạo không hề tồn tại. Trên thực tế, tất cả cá mormyrid đều được bắt ngoài môi trường tự nhiên. Chúng thường phải chịu đựng điều kiện cực kỳ khó khăn trong hành trình dài từ quê hương châu Phi đến với thị trường cá cảnh thế giới. Các chỉ dẫn dưới đây giúp bạn chọn được một cá thể mạnh khỏe.

    1) Đối với cá mới nhập về, hãy đợi một tuần – hay tốt hơn là hai tuần – trước khi quyết định mua. Không giống như thú vật, cá thường không biểu hiện dấu hiệu suy kiệt sau khi nhập về nhiều ngày. Bạn thậm chí có thể mua một con cá mũi voi trông có vẻ mạnh khỏe rồi thấy nó chết ngay sau đó. Một khi còn nghi ngờ, hãy chờ đợi.

    2) Hãy lưu ý các biểu hiện và tổn thương bên ngoài. Rách vây là bình thường, nhưng nếu có cá thể bị vết bầm trong quá trình vận chuyển, nhất là trong cùng một chuyến hàng, thì bạn không nên mua bất kỳ con nào.

    3) Yêu cầu được coi cá ăn. Nhiều loài cá châu Phi, kể cả mormyrid, được bắt bằng cách sử dụng chất độc. Do đó, những cá thể bị nhiễm độc sẽ không chịu ăn uống, ít ra là cho đến khi chúng phục hồi hoàn toàn. Hãy yêu cầu được coi cá ăn. Nếu chúng không chịu ăn, thì bạn đừng mua.

    4) “Dấu hiệu thể trạng” hay một cơ thể đầy đặn là yếu tố rất quan trọng. Thường những loài cá này bị bỏ đói hay cho ăn rất ít trong nhiều tuần trong quá trình đánh bắt, trữ và vận chuyển đến người nuôi cá. Những cá thể gầy ốm được “vỗ béo” trong vài tuần trước khi được giao cho các tiệm bán lẻ. Hãy hết sức để ý đến vùng phía trên mắt. Vùng này phải đầy đặn, không được teo hay lõm.

    5) Quan sát hành vi của cá. Quan sát và lựa chọn những con chiếm “ưu thế”. Chúng là những con mạnh khỏe, thông minh và thậm chí còn năng động nữa. Khi quan sát dù chỉ trong thời gian ngắn, bạn sẽ phát hiện ra những con nổi bật nhất. Trong bầy, chúng thường là những con “ăn hiếp” những con khác. Thông thường, cá lớn hơn thường mạnh hơn, thể trạng tốt hơn và có nhiều khả năng thích nghi và sinh sống trong môi trường hồ nuôi.


    =======================


    Hướng dẫn đích thực về cá mũi voi (Heiko Bleher)
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/5/17
  2. thaicodon

    thaicodon Active Member

    Bài này rất hay.
    Em cám ơn anh vnreddevil nhiều!

    Em có chút ý kiến:

    Tỷ lệ não với cơ thể theo trọng lượng là chỉ số tương đối yếu khi phản ánh mức độ thông minh => dùng so sánh với con người cho vui thôi. Nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ này mà chúng ta đánh đồng với mức độ thông minh là không nên.

    Loài càng thông minh sẽ tạo nên một quần thể với mối quan hệ xã hội càng phức tạp. (vd: con người 1 ông nhiều bà, lớn nhỏ,...)
     
  3. dennis1989

    dennis1989 Active Member

    hay qua anh Đại ơi. bài viết rất hay, thank anh Đại nhé
     
  4. nlkhanh

    nlkhanh Moderator

    Bài thú vị lắm.Thanks VNRD
    Ở Saigon có chỗ nào bán cá này khg? Bao nhiu 1 con ?
    Mua về huấn luyện nó được đó vì chắc nó " thông minh" nhiều não!!!!
     
  5. daibangmientay2003

    daibangmientay2003 Active Member

    Thanks a Đại nhiều, bài viết này hay quá.
    Hồi trước tết ở chợ cá Lưu Xuân Tín có bán loại này, em có vào hỏi giá, hình như là 150k/con thì phải. Mà chỉ có 1 tiệm bán thôi, thấy nó lạ lạ, hỏi giá thử rồi nghĩ chắc cũng tựa tựa cá lông gà, với lại giá cao quá nên thôi ko dám mua về nuôi...
     
  6. jimy_lei

    jimy_lei Active Member

    bài viết rất hay cám ơn anh đại nha ! lại có thêm 1 loài cá cảnh xuất hiện trên diễn đàn của mình nửa rùi !!^^
     
  7. dennis1989

    dennis1989 Active Member

    Chú Khánh, chổ anh Liêm có bán đó, nhưng bây giờ hết hàng rồi chưa có về. Nếu chú muốn mua thì chừng nào có con báo chú Khánh 1 tiếng. :)
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội