Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cá heo sông Mekong bên bờ tuyệt chủng

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi vnreddevil, 19/6/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cá heo sông Mekong bên bờ tuyệt chủng
    http://vnexpress.net

    Tình trạng ô nhiễm tại con sông lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang đẩy quần thể cá heo Irrawaddy đến bờ tuyệt chủng, theo cảnh báo của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF).

    [​IMG]
    Một con cá heo Irrawaddy. Ảnh: marinespieces.org.

    Loài cá heo Irrawaddy (Orcaella brevirostris) sinh sống trên đoạn sông Mekong dài 190 km nằm giữa Lào và Campuchia. Theo báo cáo của WWF, từ năm 2003 tới nay đã có 88 con bị chết và 60% số đó là cá heo con dưới hai tuần tuổi. WWF ước tính hiện chỉ còn khoảng 64 đến 76 cá thể loài này còn sống tại sông Mekong.

    Bác sỹ Verné Dove, tác giả của báo cáo và là bác sỹ thú y làm việc cho WWF Campuchia, cho biết: “Phân tích giải phẫu cho thấy cá bị chết do nhiễm khuẩn. Điều này sẽ không gây tử vong nếu hệ thống miễn dịch của cá voi không bị suy giảm do ô nhiễm môi trường”.

    Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy chất trừ sâu, thủy ngân và nhiều chất độc hại khác khi mổ xác cá heo con. Những chất này có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ người dân sinh sống dọc theo sông Mekong vì họ cùng ăn cá và sử dụng nguồn nước sông giống như cá heo.

    Theo bác sỹ Dove, những chất này được phân tán rộng rãi trong môi trường và như vậy ô nhiễm có thế bắt nguồn từ các nước có sông Mekong chảy qua. WWF Campuchia đang điều tra nguồn gốc của chúng.

    Theo WWF, thủy ngân từ các bãi vàng đã chảy xuống sông Mekong và làm giảm khả năng miễn dịch của cá heo, khiến chúng dễ mắc bệnh truyền nhiễm hơn. Giám đốc WWF Campuchia, ông Seng Teak, nói “Cần có ngay một chương trình y tế dự phòng xuyên biên giới để quản lý những sinh vật bị nhiễm bệnh, từ đó giảm được số lượng cá chết hàng năm".

    Giao phối cận huyết giống cũng là một yếu tố khiến khả năng miễn dịch của cá heo sông Mekong suy giảm. “Cá heo sông Mekong bị cô lập với đồng loại ở những vùng nước khác trên hành tinh nên con người cần giúp đỡ chúng. Khoa học đã chứng minh nếu môi trường của loài cá có vú được bảo vệ thì số lượng của chúng sẽ tăng lên đáng kể”, ông Teak nói.

    Vài nghìn con cá heo Irrawaddy từng bơi trong sông Mekong. Mặc dù được coi là động vật linh thiêng ở Campuchia và Lào, số lượng của chúng suy giảm theo từng năm bởi tình trạng sử dụng lưới đánh cá tràn lan. Gần đây chính phủ Campuchia chủ trương bảo vệ cá heo Irrawaddy để phát triển du lịch sinh thái. Vì thế việc đánh bắt cá bằng lưới trên sông Mekong bị hạn chế. Chính phủ Campuchia hy vọng các biện pháp của họ sẽ giúp số lượng cá heo tăng lên trong những năm tới.

    Cá heo Irrawaddy chỉ xuất hiện trong 5 môi trường nước ngọt trên toàn thế giới, trong đó có sông Mekong. Loài cá này sống trong một đoạn sông dài tới 190 km tại Lào và Campuchia. Từ năm 2004, cá heo Irrawady sinh sống trên sông Mekong đã được xếp vào danh mục những loài bị đe dọa nghiêm trọng trong sách Đỏ của IUCN.

    Sông Mekong chảy qua Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đây là một trong những sông có nguồn lợi thủy sản lớn nhất thế giới. Mỗi năm nó cung cấp cho con người khoảng 2,5 triệu tấn cá, tương đương hơn 2 tỷ USD. Dòng sông này cũng cung cấp 80% protein động vật cho 60 triệu người sống dọc theo lưu vực thấp của nó.

    Quang Minh
     
  2. lucson52

    lucson52 Moderator

    Chào các bạn!

    Tôi ở miền Tây, nằm giữa 2 nhánh Hậu giang và Tiền Giang của sông Cửu Long. Tức đoạn cuối của sông Mékong chảy vào Miền Tây Việt Nam và đổ ra Biển Đông.

    Cá này tôi có nghe nói đến. Người miền Tây thường gọi là cá nược, "ông" nược. Bản tính cũng hiền hòa, thân thiện như cá heo biển. Nghe nói ở trên sông Hậu giang ngày xưa, mổi khi các thuyền nhân gọi "nược đua, nược đua" thì chúng nổi lên và bơi theo đùa giỡn.

    Tuy nhiên cũng có nhiều người mê tín, cho rằng cá này là điềm xấu. Mổi khi chúng xuất hiện ở đâu thì người dân đều rất sợ, cúng vái lung tung...
    Lâu lắm rồi không nghe ở miền Tây nói có thấy cá nược nữa...

    lucson52.
     
  3. Fantasy

    Fantasy Active Member

    mình cũng nghe đồn như lucson52, hôm bữa đọc báo Thanh Niên thấy Thái Lan, Campuchia, Lào sắp cho xây dựng 11 thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong và rất nhiều người đang tìm cách phản đối điều đó để bảo vệ hệ sinh thái của Mekong
     
  4. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    https://thanhnien.vn/thoi-su/ca-la-...-tuong-da-tuyet-chung-o-viet-nam-1082254.html

    Cá lạ trên sông Cổ Chiên là cá nược tưởng đã tuyệt chủng ở Việt Nam
    Thạc sĩ Vũ Long khẳng định cá lạ bắt được trên sông Cổ Chiên là cá nược Minh Hải tưởng đã tuyệt chủng ở Việt Nam
    cá lạ 150 kg mà ngư dân bắt được trên sông Cổ Chiên (Bến Tre), thạc sĩ Vũ Long, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Loài nguy cấp (CBES), khẳng định đó chính là cá nược Minh Hải, loài tưởng đã tuyệt chủng ở Việt Nam.

    [VIDEO] Thạc sĩ Vũ Long khẳng định cá nược Minh Hải, loài tưởng đã tuyệt chủng ở Việt Nam, vừa được tìm thấy trên sông Cổ Chiên

    Trước đó, khuya 15.5, ông Long cùng đồng sự đã được các cán bộ xã Phú Phụng (H.Chợ Lách, Bến Tre) hướng dẫn về tận nhà ngư dân Phan Văn Thái (49 tuổi, ngụ ấp Phụng Đức A, xã Phú Phụng, H.Chợ Lách) để xác định cá lạ. Vợ chồng ông Thái trong rạng sáng 15.5 đã bắt được một con cá lạ, nặng 150 kg, trên sông Cổ Chiên, nghi là cá heo quý hiếm.
    [​IMG]
    Cá nược Minh Hải được tìm thấy ở sông Cổ Chiên (Bến Tre)
    ẢNH: XUÂN PHÚC
    Theo thạc sĩ Vũ Long, cá nược (Orcaella brevirostris) là một loài động vật có vú thuộc họ Cá heo biển Delphinidae, sống ven bờ biển và cửa sông trong khu vực Đông Nam Á, được tìm thấy trên sông Irrawaddy tại Myanmar, sông Mahakam ở Indonesia, và sông Mekong tại Campuchia cũng như Việt Nam. Một số tài liệu gọi theo tên dịch từ tiếng Anh là cá heo Irrawaddy. Tuy nhiên loài này có mặt ở Việt Nam và được định danh là cá nược hoặc cá nược Minh Hải. Hiện loài cá heo này đang ở mức đe dọa bị tuyệt chủng.
    Ông Long cho biết thêm: "Trong vòng 30 năm trở lại đây, giới chuyên môn trước đó không còn ghi nhận được trường hợp phát hiện cá nược ở Việt Nam. Tôi đánh giá việc tìm thấy cá nược ở sông Cổ Chiên là thông tin rất quan trọng, chấn động, cần có một đợt nghiên cứu, khảo sát sâu rộng. Loài này tưởng đã tuyệt chủng ở Việt Nam".
    Ông Long cũng cho biết cá nược tìm thấy ở Cổ Chiên là cá cái, đã già, răng đã rụng hết.
    [​IMG]
    Cá nược tìm thấy ở Cổ Chiên là cá cái, đã già, răng rụng hết
    ẢNH: XUÂN PHÚC
    Trong khuya 15.5, ông Long cùng đồng sự và cán bộ xã Phú Phụng đã cố gắng thuyết phục ngư dân bàn giao cá nược (đã chết), tuy nhiên, ngư dân Thái vẫn khẳng định muốn bán cá nược.
    Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ Vũ Long lo lắng: Chúng tôi không thể bỏ tiền ra để mua cá nược được, dù là để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Hành vi đó bị cấm, bị xử lý hình sự. Chúng tôi cũng lo là bản thân ngư dân cũng chưa ý thức được điều này.
    "Cá nược được bảo vệ trong Công ước CITES, không được phép mua bán, trao đổi dưới bất kỳ hình thức nào. Để hỗ trợ cho ngư dân, chúng tôi chỉ có thể bù một chút gọi là tiền xăng dầu, ngư cụ mà thôi", thạc sĩ Long cho biết thêm.
    • Theo thạc sĩ Long, hiện ông chỉ có thể lấy 2 mẫu DNA, đồng thời báo cáo Tổng cục Thủy sản, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học về thông tin phát hiện cá nược trên sông Cổ Chiên.
    [VIDEO] Bắt được cá lạ nghi là cá heo quý hiếm trên sông Cổ Chiên
     
    lucson52 thích bài này.
  5. lucson52

    lucson52 Moderator

    Nhiều người nói sao không giao cá cho cơ quan thẩm quyền khi nó còn sống, để nó chết... Thực ra nói vậy tội nghiệp cho người đánh cá.

    Trong quá trình mắc vào lưới và kéo rê dưới sông thời gian dài, khi đem lên được nó đã quá yếu và không thể sông được.

    Quan trọng nhất là loại này hiện nay chỉ sống tập trung ở đoạn sông Mê Kông trên lãnh thổ Cam pu chia. Theo tôi, chỉ có con nào bị bênh, bị thương tích nặng hoặc đã già như con này, bị mất phương hướng, mất kiểm soát mới trôi xuống hạ lưu là sông Tiền hoặc sông Hậu của VN ta. Do vậy con cá này khó cứu chữa, khó sống sót.

    Vào khoảng 1980, dưới quê tôi cũng có 1 con bị thương, lạc vào sông Măng Thít, một chi lưu của sông Tiền. Cuối cùng cũng nó cũng bị mắc vào lưới và chết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/5/19
    vnreddevil thích bài này.

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội