Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cá hoàng đế Cichla: đặc điểm và phân loại

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá cichlid' bắt đầu bởi vnreddevil, 10/9/12.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]

    Hướng dẫn phân biệt các loài cá hoàng đế
    http://www.acuteangling.com

    Bản phân loại cá hoàng đế (peacock bass) của chúng tôi được xây dựng nhằm cung cấp cho các cần thủ (angler) những thông tin rõ ràng và chính xác nhất về tất cả những loài đã được mô tả. Chúng tôi hy vọng hướng dẫn này sẽ trở thành một dự án của cộng đồng mạng. Chúng tôi xây dựng phần khung với thông tin được cập nhật từ các nhà ngư loại học và cần thủ. Chúng tôi mong đợi những ai có kiến thức đóng góp hình ảnh, kinh nghiệm và thông tin câu cá của mình vào đó. Bạn hãy đọc, nếu thấy có gì thiếu sót thì hãy gửi thông tin cho chúng tôi, điền tên bạn vào danh sách đóng góp của chúng tôi và giúp chỉnh lý đặc điểm nhận dạng của các loài cá hoàng đế.

    Lưu vực sông Amazon là nơi di chuyển khó khăn. Giao thông chủ yếu dựa vào các con sông và hầu như không có đường xá. Rừng rậm, những cánh rừng mưa khổng lồ và vùng lũ loang lổ đã giúp lưu giữ bí mật trong hàng thế kỷ. Cho đến giữa những năm 1900, chỉ có vài chuyến khảo sát vào những vùng sâu, cung cấp hầu hết thông tin về khu vực lưu giữ khoảng một phần ba số lượng cá nước ngọt trên thế giới. Kết quả là, nhiều loài cá ở Amazon vẫn chưa được tìm hiểu một cách tường tận, chỉ một số được phân loại và thường bị nhận diện sai. Chỉ hai thập kỷ gần đây, vấn đề này mới bắt đầu được các nhà khoa học chỉnh lý một cách toàn diện bằng những công cụ phân loại và cơ sở dữ liệu mới, hữu hiệu.

    Vào năm 2003, sau khi sắp xếp gần 200 năm dữ liệu, các nhà ngư loại học xuất bản một danh sách cá nước ngọt ở Trung và Nam Mỹ (CLOFFSCA 2003). Công trình này xác định được 5 loài cá hoàng đế riêng biệt và tương đối phổ biến thuộc chi cá hoàng đế Cichla (Cichla temensis, Cichla monoculus, Cichla orinocensis, Cichla ocellaris và Cichla intermedia). Nó được công nhận trong hoàn cảnh có nhiều loài hoàng đế khác đang tồn tại và việc phân loại bổ sung là cần thiết. Vào năm 2006, một nghiên cứu chung giữa tiến sĩ Sven Kullander thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự Nhiên Thụy Điển và tiến sĩ Efrem Ferreira thuộc Viện nghiên cứu Quốc gia vùng Amazon (INPA) ở Manuas, Brazil đã chỉnh lý toàn bộ chi cá hoàng đế Cichla. Trong xuất bản mới này, các tác giả đã duyệt lại các bộ sưu tập lịch sử của các nhà thám hiểm tiên phong đầu thế kỷ 19 như Humboldt và Agassiz, và các nhà thám hiểm thế kỷ 20 như Michael Goulding để cập nhật và điều chỉnh các tên khoa học và ghi nhận vùng phân bố của loài cá thể thao nước ngọt lớn nhất thế giới này. Kullander & Ferreira xác định thêm được 9 loài mới và phục hồi một tên cũ (Cichla jariina, Cichla kelberi, Cichla melaniae, Cichla mirianae, Cichla nigromaculata, Cichla pinima, Cichla piquiti, Cichla pleiozona, Cichla thyrorus và Cichla vazzoleri), gia tăng số lượng các loài được mô tả lên 15.

    Có thể còn có loài sẽ được mô tả trong tương lai nhờ thông tin tốt hơn, số mẫu vật gia tăng và phân tích gien hiện đại. Bản hướng dẫn nhận dạng bằng hình ảnh này được phát triển từ phiên bản 2004 được biên soạn bởi Paul Reiss và Paulo Petry. Các công trình vào 2003 và 2006 là nền tảng chính của bản hướng dẫn này mà nó tập trung vào các loài cá hoàng đế hiện đang được công nhận mà các cần thủ và người chơi cá có thể gặp.

    Tất cả những thông tin phân loại này có ý nghĩa như thế nào đối với người câu cá thể thao? Trong hiện tại, có lẽ không nhiều. Hiệp hội Câu cá Thể thao Quốc tế (IGFA – nơi lưu giữ kỷ lục của cộng đồng câu cá) hiện chưa có kế hoạch thay đổi sách kỷ lục. Ba loài hiện nằm trong danh mục thể loại của IGFA (C. temensis, C. ocellaris và C. intermedia). Hai loài nữa được Kullander mô tả từ năm 2003 sớm muộn cũng gia nhập danh mục thể loại trong tương lai gần (C. monoculus và C. orinocensis). Số còn lại có lẽ cần thêm thời gian trước khi có thể gia nhập vào danh mục thể loại. Các cần thủ và chuyên gia phải tìm hiểu về các loài mới được mô tả để xây dựng quy trình nhận dạng, có tính dự báo và được chấp nhận rộng rãi. Theo Jason Schratwieser, giám đốc bảo tồn của IGFA, chín loài mới được mô tả (cùng với loài thứ mười được mô tả trước đó) sẽ được công nhận là những thể loại chính thức, chỉ khi như tất cả các loài được công nhận về mặt khoa học, chúng được nhận dạng và cập nhật một cách thành công.

    Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với các cần thủ dường như không thay đổi. Cá trong nước vẫn như ngày nào. Cá hoàng đế vẫn là loài cá thể thao nước ngọt được săn lùng nhiều nhất thế giới, khiến các cần thủ phải phấn đấu hết mức mà họ từng trải nghiệm với cần và máy (rod & reel). Và Cichla temensis, loài cá hoàng đế khổng lồ, vẫn tiếp tục là đối tượng săn lùng cao nhất đối với các tay câu. Còn một điều nữa mà bạn có thể tin tưởng; công ty dã ngoại Acute Angling vẫn tiếp tục là nơi tốt nhất để [đưa bạn] đến đó và thưởng thức loài sinh vật tuyệt vời này trong môi trường Amazon hoang sơ. Sự quan tâm của chúng tôi, như vẫn luôn là vậy, là kết hợp chất lượng câu tốt nhất với chất lượng du lịch tốt nhất.



    Bản đồ phân bố

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]



    Giải phẫu và thuật ngữ (theo Kullander & Ferreira, 2006)

    [​IMG]

    Đốm bụng (abdominal blotches)
    Một chuỗi các đốm đen ở vùng bụng mà chúng bị che bởi vây ngực khi nó khép sát vào thân. Đặc trưng ở các loài C. monoculus, C. ocellaris, C. nigromaculata, C. pleiozona và C. kelberi. Các đốm đen đôi khi có viền nhạt.
    [​IMG]

    Đốm đuôi (caudal blotch)
    Đốm đuôi là đặc điểm làm nên tên gọi của cá hoàng đế [peacock=con công]. Nó là đốm đen bao phủ 2 hay 3 tia đuôi. Khi cá trưởng thành, đốm đen trở nên lớn hơn và có viền vàng hay bạc. Đốm đen làm liên tưởng đến những con mắt trên lông đuôi chim công.
    [​IMG]

    Hàng chấm sáng (row of light spots)
    Ngoại trừ C. intermedia, tất cả các loài cá hoàng đế đều có những hàng chấm sáng trên thân trong ít nhất một vài giai đoạn phát triển của chúng. Ở C. temensis và có thể cả những loài khác, các chấm có lẽ hiện rõ trong thời kỳ tạm ngừng-sinh sản của một cá thể.
    [​IMG]

    Đốm bên (lateral blotches)
    Ở một số loài cá hoàng đế, hoa văn bao gồm những đốm to tròn dọc theo phần giữa thân, tương ứng với vị trí của ba sọc . Đặc điểm này xuất hiện ở C. thyrorus, C. vazzoleri, C. jariina và những loài khác.
    [​IMG]

    Dải bên (lateral band)
    Cá thể non thường sở hữu một dải đen thui dọc thân, từ đầu cho đến gốc đuôi. Ở một số loài, dải này bị rút ngắn. Thường biến mất khi cá trưởng thành.
    [​IMG]

    Đốm tròn (ocellated markings)
    Đốm tròn hay mắt là đốm đen viền ngoài sáng, tương tự và đôi khi được gọi là đốm-mắt. Đốm tròn có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể kể cả đuôi (đốm đuôi), hai bên thân tương ứng với vị trí của các sọc (C. orinocensis) hay rải rác trên thân (C. melaniae).
    [​IMG]

    Sọc trán (occipital bar)
    Sọc sẫm màu bên trên nắp mang bao phủ và chạy vắt qua gáy. Nổi bật ở những cá thể lớn của các loài C. monoculus, C. pleiozona và C. kelberi.
    [​IMG]

    Đốm mặt (postorbital markings)
    Những đốm đen phân bố ở trong và xung quanh dải bên chạy từ mắt cho đến mép sau của nắp mang ở cá non. Có thể xuất hiện dưới dạng đốm loang hay rời hay chấm tròn nhỏ như ở loài C. temensis. Thường được gọi là đốm mặt (cheek markings)
    [​IMG]

    Sọc (vertical bars)
    Sọc đen hay sẫm màu xuất hiện dưới một số hình thức ở tất cả các loài cá hoàng đế. Ba sọc gồm 1,2 và 3 sắp xếp dọc hai bên thân, phía dưới vây lưng. Các sọc 1a và 2a xuất hiện ở nhiều loài và lần lượt nằm giữa các sọc 1 và 2, và 2 và 3. Sọc thứ tư xuất hiện ở một số loài hay cá thể nằm tại gốc đuôi.
    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/7/16
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cichla temensis—Humboldt & Valenciennes, 1821—Tucunaré

    Cichla temensis là loài cá hoàng đế lớn nhất. Hành vi mạnh bạo và giãy giụa của chúng là hấp lực chính lôi kéo các cần thủ đam mê đến vùng Amazon. Loài săn mồi hàng đầu này đối với nhiều người là loài cá thể thao nước ngọt mạnh mẽ nhất trên thế giới

    [​IMG]

    C. temensis với màu sắc sặc sỡ trong giai đoạn sinh sản được gọi là “assu” ở Brazil nghĩa là “ba-sọc”. Hình thái này có thân to và rộng hơn vì những thay đổi tiền-sinh sản và tuyến sinh dục phát triển.

    [​IMG]

    Với hình thái “paca”, C. temensis sẫm màu hơn và thân thuôn hơn.

    [​IMG]
    Các dạng hình thái của loài Cichla temensis

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Việc nhận dạng Cichla temensis có phần phức tạp bởi đủ loại biến thể hình thái. Các cá thể có hai dạng hoa văn và màu sắc rất khác biệt, với một loạt trạng thái trung gian tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng sinh sản. Quá trình chuyển đổi thành dạng sinh sản diễn ra từ từ - các sọc đậm dần, màu sặc sỡ hơn và các chấm trắng biến mất. Dạng màu sặc sỡ “acu” (đọc là “assu”) là trạng thái sinh sản tích cực. Dạng “paca” có các đốm trắng hay vàng xếp thành bốn hàng dọc thân. Cả hai dạng hình thái đều có ba sọc rõ ràng phân bố hai bên thân và một sọc hay vệt đen từ sau mắt đến cuối nắp mang (đốm mặt), không có “đốm tròn” trên thân hay tại gốc của vây lưng thứ hai.

    Kích thước: Cá non khoảng 30cm, cá trưởng thành lên đến 1m.

    Đặc điểm thân: C. temensis là loài cá hoàng đế lớn nhất với độ rộng thân chiếm khoảng 25% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Nó có vảy nhỏ nhất so với các loài trong chi Cichla, thường từ 100 đến 125 vảy dọc theo đường bên.

    Loài tương tự: C. pinima và C. vazzoleri

    Phân bố: Venezuela, Columbia, Brazil. Lưu vực các sông Rio Negro, Orinoco, Madeira và Branco, với một số quần thể nhỏ ở các nhánh sông đổ vào Solimoes và Amazon.

    Hành vi: Chủ yếu săn cá (piscivorous), C. temensis áp dụng cả lối săn mồi chủ động lẫn cơ hội. Hành vi bảo vệ cá con một cách quyết liệt và hung hăng khiến những con “acu” lớn xác trở thành nạn nhân của những cần thủ với cặp mắt tinh tường [giống như cá lóc, những con đang chăm bầy con tấn công mồi một cách điên cuồng].

    Địa bàn: Chủ yếu trong môi trường nước tù (tĩnh hay chảy chậm) trong các ao hồ nước đen hay các đầm phá ven biển. Tuy nhiên, vẫn thâm nhập vùng nước xiết để săn mồi hoặc khi nước trong hồ bị cạn. Đa phần giới hạn trong các vùng nước đen.

    Tên thông dụng: hoàng đế ba sọc (three-barred peacock), hoàng đế chấm (speckled peacock), tucunare, acu, paca, hoàng đế khủng (giant peacock).

    (Một tấm poster Cichla temensis sưu tầm trên mạng)
    [​IMG]



    Cichla monoculus—Spix & Agassiz, 1831—Popoca

    Cichla monoculus được gọi là "popoca" hay "botão" ở Brazil, phân bố rộng dọc theo dòng chảy chính của sông Amazon và lên đến tận thượng nguồn sông Rio Negro và các phụ lưu. Nó cũng được phát hiện ở các con sông vùng duyên hải. Cá thường nặng đến 5 pound [2.3kg] nhưng có trường hợp lên đến 10 pound [4.5kg].

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Ba sọc to, ngắn, tách bạch, kéo dài từ gốc vây lưng cho đến đường bên [không bao giờ kéo xuống dưới đường bên]. Không có đốm mang. Một sọc ngang sẫm màu ở vùng bụng [cá thể lớn có sọc trán]. Màu sắc và hoa văn tương đối ổn định giữa các cá thể, ngoại trừ những con đang trong giai đoạn sinh sản tích cực vốn thể hiện mảng đỏ tươi ở vùng hàm dưới.

    Kích thước: Cá non khoảng 20cm, cá trưởng thành từ 20cm đến 45cm.

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 30% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 75.

    Loài tương tự: C. kelberi và C. pleiozona

    Phân bố: Peru, Ecuador, Columbia, Brazil. Rio Solimoes – lưu vực Amazon đến đảo Marajo (gần cửa sông Amazon). Phân bố rộng trong lưu vực sông Amazon.

    Hành vi: Đồng cư với các loài cá hoàng đế khác như C. temensis, C. monoculus, có xu hướng chiếm các vùng nước cạn hơn hay rậm rạp hơn, nhất là những chỗ có nhiều khúc cây.

    Địa bàn: Chủ yếu trong môi trường nước tù (tĩnh hay chảy chậm) trong các ao hồ hình thành do lũ hay các đầm nước ven sông, cả nước đen lẫn nước trắng.

    Tên thông dụng: popoca, botao

    (Một tấm poster Cichla monoculus sưu tầm trên mạng)
    [​IMG]



    Cichla orinocensis—Humboldt & Valenciennes, 1821—Borboleto

    Cichla orinocensis được gọi là “taua” hay “borboleta” (nghĩa là “con bướm” theo tiếng Bồ Đào Nha). Lối gọi này thường gây ra nhầm lẫn với những du khách vốn đã quen với cá hoàng đế bướm (butterfly peacock Cichla ocellaris) ở Florida. Loài này phân bố tự nhiên trong các nhánh sông Negro, Branco và Orinoco. Trọng lượng có thể lên đến 12 pound [5.4kg].

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Ba đốm tròn, tách bạch viền bạc nằm ngay vị trí của ba sọc. Đốm mặt không hiện diện. [Màu thân biến đổi từ vàng tươi đến ô-liu lục và phân bố khá đều ở vùng thân dưới] Cá thể trong trạng thái sinh sản tích cực có màu sắc tươi hơn. Một số cá thể với hoa văn mắt lưới độc đáo (reticulated) và màu hanh đỏ xuất hiện ở một số vùng nhất định (một biến thể hình thái của C. orinocensis). Ngoài ra màu sắc tương đối ổn định giữa các cá thể.

    Kích thước: Cá non khoảng 20cm, cá trưởng thành từ 20cm đến 50cm.

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 30% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 80.

    Loài tương tự: C. kelberi, C. pleiozona, C. ocellaris, C. monoculus, C. nigromaculatus

    Phân bố: Venezuela, Colombia, Brazil. Lưu vực các sông Rio Negro, Rio Branco và Rio Orinoco.

    Hành vi: Thường xuất hiện nơi có loài C. temensis, C. orinocensis có xu hướng chiếm các vùng nước cạn, chảy chậm hơn. Bảo vệ con một cách dữ dội.

    Địa bàn: Chủ yếu trong môi trường nước tù (tĩnh hay chảy chậm) trong các ao đầm, vũng nước đen hay vùng ven biển. C. orinocensis chuộng vùng nước đen.

    Tên thông dụng: borboleto, taua, saupa, pavon mariposa, pavon amarillo



    Cichla ocellaris—Bloch & Schneider, 1801—Lukanini

    Cichla ocellaris xuất hiện chủ yếu trong các dòng chảy ở miền bắc Guyana. Phân bố lên tới thượng lưu sông Rio Branco (Tacutu và Urariquera) ở Brazil. Thích nghi nhiệt độ tốt, loài này thâm nhập thành công vào Florida nơi nó được gọi là cá hoàng đế bướm (butterfly peacock), gây ra sự nhầm lẫn với loài C. oriocensis. Trọng lượng lên đến 12 pound [5.4kg].

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Ba sọc ngắn, tách bạch [tương đối mờ ở một số cá thể], có vạch bụng và đốm mắt ở sọc thân cuối cùng. Đốm mặt không hiện diện. Cá thể trong trạng thái sinh sản tích cực có màu sắc tươi hơn, ngoài ra màu sắc tương đối ổn định giữa các cá thể.

    Kích thước: Cá non khoảng 20cm, cá trưởng thành từ 20cm đến 50cm.

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 32% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 75.

    Loài tương tự: C. kelberi, C. pleiozona, C. monoculus, C. nigromaculatus

    Phân bố: French Guiana, Surinam, Guyana, Brazil. Các sông Marowijine, Suriname, Saramacca, Nickerie, Corantijn, Berbice, Essequibo và thượng lưu Rio Branco.

    Hành vi:

    Địa bàn: Xuất hiện trong vùng nước chảy xiết ở các con sông. Có xu hướng thâm nhập vào các xoáy nước cạn và nước đen có đá.

    Tên thông dụng: cá hoàng đế bướm Florida (Florida butterfly peacock bass), lukanini, toekoenali, zonnevisch, matawale và những biến thể địa phương khác.

    (Một tấm poster Cichla ocellaris sưu tầm trên mạng)
    [​IMG]



    Cichla intermedia—Machado-Allison, 1971—Royal peacock bass

    Được các cần thủ Mỹ gọi là “royal peacock bass” [tạm dịch là “hoàng đế bảy sọc”], Cichla intermedia chỉ xuất hiện trong các kênh rạch thuộc sông Orinoco, trải dài đến tận miền nam như Casiquiare. Thường xuất hiện nơi các dòng nước chảy xiết. Trọng lượng lên đến 6 pound [2.7kg].

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Cá trưởng thành có hoa văn độc đáo với một hàng đốm đen bất thường và sáu hay bảy sọc đứng dài quá đường bên [tối đa đến tám sọc]. Cá thể trưởng thành có nhiều đốm nhỏ trên nắp mang. Không có những chấm sáng trên thân. Thân có màu ô-liu trên lưng, chuyển dần sang vàng kim ở hai bên hông. Bụng trắng. Vây dưới đỏ [vây bụng, vây hậu môn và nửa dưới đuôi]. Vây lưng ánh xanh.

    Kích thước: Cá non khoảng 20cm, cá trưởng thành từ 20cm đến 48.5cm.

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 26-31% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 102.

    Loài tương tự: Mặc dù thuôn dài như các loài thuộc chi Cichla, C. intermedia trông hoàn toàn khác biệt.

    Phân bố: Venezuela. Lưu vực Cinaruco, Casiquiare, Cataniapo, Siapa và các kênh rạch ở Caura.

    Hành vi:

    Địa bàn: Xuất hiện chủ yếu trong vùng nước chảy xiết ở các con sông nước đen.

    Tên thông dụng: Royal peacock bass [bó tay.com, tên tiếng Anh là “cá vược công hoàng gia” mặc dù đây chẳng phải là cá vược mà là cichlid, còn nếu tuân thủ theo cách dịch bình thường “cá hoàng đế hoàng gia” thì nghe rất tào lao vì chính cái lão hoàng đế là tay đầu sỏ của bất kỳ hoàng gia nào rồi!], pavon real.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/5/14
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cichla jariina—Kullander & Ferreira, 2006—Rio Jari peacock bass

    Cichla jariina là một trong những loài mới được mô tả (2006) thuộc chi Cichla.

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Ở cá trưởng thành, các sọc đứng biến thành một chuỗi đốm tròn lớn [viền sáng]. Có đốm mặt. Đầu và gáy vàng/ánh xanh, chuyển sang vàng kim (gold) giữa thân và lưng ô-liu. Vây trên màu đen, vây dưới ánh xanh. Bụng trắng. Chưa rõ đây có phải là màu sắc sinh sản hay không, mặc dù cá thể trong hình dường như là một con đực trưởng thành.

    Kích thước:

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 27% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 104.

    Loài tương tự: C. pinima, C. temensis, C. thyrorus, C. vazzoleri.

    Phân bố: Brazil. Hiện tại, tất cả các cá thể đều được thu thập ở sông Rio Jari.

    Hành vi: C. jariina xuất hiện cả bên trên lẫn bên dưới thác nước, chứng tỏ rằng đấy không phải là rào cản đối với chúng.

    Địa bàn: Xuất hiện cả ở vùng dốc cao lẫn bằng phẳng của sông Jari.

    Tên thông dụng: Cá hoàng đế sông Jari (Rio Jari peacock bass). Tên được đặt bởi Kullander & Ferreira (2006) dựa vào vùng phân bố của chúng.



    Cichla kelberi—Kullander & Ferreira, 2006—Tucunare Amarela

    Cichla kelberi là một trong những loài mới được mô tả (2006) thuộc chi Cichla.

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Có ba sọc sậm, tách bạch ở hai bên thân và không có đốm mặt [cá thể lớn có sọc trán]. Những chấm sáng nhỏ ở vây dưới là đặc điểm riêng biệt so với các loài khác. Lườn hanh vàng/vàng kim, nhất là phần phía sau. Đầu ánh xanh. Vây dưới ô-liu hanh đỏ. Các đốm đỏ/cam ở cạnh dưới của nắp mang.

    Kích thước:

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 32% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 80.

    Loài tương tự: C. pleiozona, C. monoculus.

    Phân bố: Brazil. Lưu vực sông Rio Araguaia và hạ lưu sông Rio Tocantins. Cũng thâm nhập vào các hồ nước ở đông và bắc Brazil.

    Hành vi: Theo Stuart Willis “Chúng tôi câu gần Sao Felix, nơi sông Rio das Mortes gặp Araguaia. Đây là đoạn sông quanh co, trong suốt, có cát, độ dốc thấp, với nhiều đầm phá và dòng chảy. C. piquiti và C. kelberi dường như phân chia địa bàn phân bố không như C. temensis và C. monoculus ở sông Negro, hay C. temensis và C. orinocensis ở sông Orinoco. C. piquiti dường như lớn hơn, chiếm địa bàn sâu hơn với dòng chảy mạnh (chẳng hạn các kênh nước) trong khi C. kelberi thường nhỏ hơn, địa bàn nước cạn và tù hơn (chẳng hạn đầm nước). Dân địa phương gọi chúng là tucunare branca (C. piquiti) và tucunare amarela (C. kelberi) và chỉ những con C. piquiti lớn, thành thục sinh sản mới có vây xanh nên được gọi là tucunare azul.

    Địa bàn: Trong các sông có độ dốc thấp. C. kelberi chiếm các vùng nước nông, địa bàn nước tù (đầm).

    Tên thông dụng: Cá hoàng đế vàng (yellow peacock bass), tucunare amarela, tucunare comum.



    Cichla melaniae—Kullander & Ferreira, 2006—Lower Xingu peacock bass

    Cichla melaniae là một trong những loài mới được mô tả (2006) thuộc chi Cichla. Cá thể trong hình được bắt ở sông Rio Xingu, Brazil bởi Dave Orndorf ở Sunbury, Ohio.

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Phân biệt bởi ba sọc mảnh với một số chấm tròn [viền sáng] rải rác hai bên thân [sọc hơi mảnh hơn các loài khác và có những sọc mờ giữa ba sọc chính]. Thân màu vàng đậm, tông sậm dần về phía lưng. Sọc và các chấm màu đen. Vây trên và chóp vây dưới ánh xanh.

    Kích thước: Cá non khoảng 20cm, cá trưởng thành từ 20cm đến 40cm.

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 31% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 82.

    Loài tương tự: C. mirianae (ngoại trừ thiếu chấm sáng trên đầu và đốm tròn giữa thân).

    Phân bố: Brazil. Hạ lưu sông Rio Xingu.

    Hành vi: Dave Orndorf câu được cá thể như hình trên ở đầm nước cũng như vũng đá trong các con sông.

    Địa bàn: Các vùng nước tù (lentic) lẫn dòng chảy (lotic) có bãi đá.

    Tên thông dụng: Cichla melaniae được đặt theo tên của Melanie Stiassny, một nhân vật có đóng góp quan trọng vào việc phân loại cichlid.



    Cichla mirianae—Kullander & Ferreira, 2006—Xingu peacock bass

    Cichla mirianae là một trong những loài mới được mô tả (2006) thuộc chi Cichla.

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Phân biệt bởi ba đốm đen lớn, nổi bật với một số chấm tròn rải rác hai bên thân [cá non có dải bên chạy từ nắp mang cho đến gốc đuôi, kết nối các đốm tròn lớn trên thân]. Mặt bên vàng/vàng kim, chuyển sang tông lục ô-liu ở phần lưng và đầu. Phần đuôi dưới màu đỏ và vây lưng có ánh xanh.

    Kích thước: Cá non khoảng 20cm, cá trưởng thành từ 20cm đến 40cm.

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 30% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 75.

    Loài tương tự: C. melaniae (ngoại trừ thiếu các sọc).

    Phân bố: Brazil. Các dòng chảy ở thượng lưu Rio Tapajos (các sông Juruena và Teles Pires), trung và thượng lưu sông Xingu (các sông Fresco, Batovi, Culuene và Suia-Missu).

    Hành vi: Theo Stuart Willis “Chúng tôi câu cá này gần Alta Floresta trên sông Teles Pires và nhánh của nó Rio Azul và trên sông Suia Missu ở thượng nguồn sông Xingu, Brazil Novo. Suia Missu là con sông uốn cong với độ dốc trung bình (tương đối sâu và bình ổn, bờ cao) với một số đầm nước. Chúng tôi phát hiện C. mirianae ở cả lòng sông lẫn đầm nước. Sông Azul và nhiều phụ lưu nhỏ hơn ở thượng nguồn sông Xingu có độ dốc lớn, và C. mirianae ít xuất hiện trong kênh chính hơn so với đầm nước. Chúng tôi câu được chủ yếu ở các đầm nước lũ. Cả hai con sông đều thay đổi giữa nước trong với nước đen, tùy thuộc vào mùa và môi trường xung quanh”.

    Địa bàn: Xuất hiện trong các kênh và đầm nước ở các con sông có độ dốc vừa phải. Ở sông có độ dốc lớn, cá chủ yếu tụ tập trong các hồ nước lũ.

    Tên thông dụng: Cichla mirianae được đặt theo tên của Mirian Leal-Carvalho, người có công thu thập những mẫu vật chuẩn của loài này.

    (Một tấm poster Cichla mirianae sưu tầm trên mạng)
    [​IMG]



    Cichla nigromaculata—Jardine & R. H. Schomburgk, 1843

    Cichla nigromaculata là một trong những loài mới được mô tả (2006) thuộc chi Cichla.

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Có ba sọc đậm khá ngắn và mảnh và hai sọc mờ giữa các sọc đậm. Không có đốm mặt. Màu khá tối, chuyển từ vàng kim/lục ở phần thân dưới thành đen ở phần lưng. Vây trên tối, vây dưới ánh xanh.

    Kích thước:

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 30% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 80.

    Loài tương tự: C. monoculus

    Phân bố: Venezuela, Brazil. Lưu vực các sông Rio Orinoco, Rio Casiquiare, Rio Negro.

    Hành vi:

    Địa bàn: Hầu hết đều xuất hiện trong các đầm, nhất là đầm nước lũ (cô lập/kết nối theo mùa) mặc dù thỉnh thoảng chúng cũng xuất hiện ngoài kênh.

    Tên thông dụng:



    Cichla pinima—Kullander & Ferreira, 2006—Tucunare pinima

    Cichla pinima là một trong những loài mới được mô tả (2006) thuộc chi Cichla.

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Có ba sọc đen nổi bật hoặc đốm ở cá trưởng thành. Có đốm mặt. Cá non có 4 hay nhiều hơn hàng chấm sáng.

    Kích thước:

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 27% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 95.

    Loài tương tự: C. temensis, C. jariina, C. thyrorus, C. vazzoleri

    Phân bố: Brazil. Lưu vực các sông hạ Rio Tapajos, Rio Curua-Una, hạ Rio Xingu, hạ Rio Tocantins và Rio Capim. Cũng được đưa vào những khu vực khác ở đông bắc Brazil.

    Hành vi:

    Địa bàn: C. pinima tương đối nhiều dọc theo bờ nước, ở những nơi có cây cối trong các con sông có độ dốc thấp.

    Tên thông dụng: Pinima theo tiếng thổ dân da đỏ Tupi-Guarani nghĩa là “đốm trắng”. Tên này được dùng trong đợt phân loại 2006.



    Cichla piquiti—Kullander & Ferreira, 2006—Tucunare azul

    Cichla piquiti là một trong những loài mới được mô tả (2006) thuộc chi Cichla.

    [​IMG][​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Cá thể trưởng thành có năm sọc đen. Màu thân thay đổi từ xám nhạt đến vàng. [cá thể ở trạng thái sinh sản tích cực có màu vây xanh tươi - điều đem lại tên gọi của loài này "cá hoàng đế xanh"]

    Kích thước: Cá trưởng thành lên đến 50cm.

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 28% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 93.

    Loài tương tự:

    Phân bố: Brazil. Thượng và hạ lưu sông Rio Tocantins và các phụ lưu của Rio Araguaia. Cũng được đưa vào vùng phía nam Brazil và phát triển mạnh ở đó.

    Hành vi:

    Địa bàn: C. piquitidường như xâm chiếm các địa bàn nước sâu, dòng chảy mạnh (nghĩa là trong các kênh), trong khi các loài đồng phân bố thường chiếm các vùng nước nông và chảy chậm (như ao đầm).

    Tên thông dụng: Tucunare azul nghĩa là “blue peacock” (hoàng đế xanh). Piquiti theo tiếng thổ dân da đỏ Tupi-Guarani nghĩa là “sọc”.



    Cichla pleiozona—Kullander & Ferreira, 2006—Lake Gatun Peacock

    Cichla pleiozona là một trong những loài mới được mô tả (2006) thuộc chi Cichla.

    [​IMG]

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Ba sọc đen trên thân, sọc trán nổi bật ở cá trưởng thành. Có vạch bụng. Không có đốm mặt. Một sọc đen thứ tư thường xuất hiện ở gốc đuôi và vây dưới không có chấm sáng.

    Kích thước:

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 30% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 88.

    Loài tương tự: C. kelberi, C. monoculus

    Phân bố: Bolivia, Brazil, Panama (hồ Gatun). Lưu vực Amazon trên đất Bolivia và thượng lưu Rio Madeira (Rio Jamari). Những cá thể được đưa vào các kênh rạch thuộc Rio Chagres ở Panama có lẽ là loài C. pleiozona.

    Hành vi:

    Địa bàn:

    Tên thông dụng: Từ “pleiozona” theo tiếng Latin nghĩa là “sọc thứ tư”, đặc điểm riêng của loài này.



    Cichla thyrorus—Kullander & Ferreira, 2006

    Cichla thyrorus là một trong những loài mới được mô tả (2006) thuộc chi Cichla.

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Đốm tròn lớn thay thế các sọc ở cá trưởng thành. Có đốm mặt.

    Kích thước:

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 29% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 83.

    Loài tương tự: C. temensis, C. jariina, C. pinima, C. vazzoleri

    Phân bố: Brazil. Lưu vực sông Rio Trombetas, thượng nguồn thác nước Cachoeira Porteira.

    Hành vi:

    Địa bàn:

    Tên thông dụng:



    Cichla vazzoleri—Kullander & Ferreira, 2006

    Cichla vazzoleri là một trong những loài mới được mô tả (2006) thuộc chi Cichla.

    Khóa nhận dạng

    Màu sắc và hoa văn: Đốm tròn lớn thay thế các sọc ở cá trưởng thành. Có đốm mặt.

    Kích thước:

    Đặc điểm thân: Độ rộng thân chiếm khoảng 27% chiều dài chuẩn (tính từ miệng đến gốc đuôi). Số lượng vảy đường bên: khoảng 105.

    Loài tương tự: C. temensis, C. jariina, C. pinima, C. thyrorus

    Phân bố: Brazil. Hạ lưu sông Rio Trombetas và trung lưu sông Rio Uatuma.

    Hành vi:

    Địa bàn:

    Tên thông dụng: Đặt theo tên của Gelso Vazzoler, nhà sưu tập những mẫu vật chuẩn.



    =================================================



    Ghi chú

    Như các bạn đã thấy, những thông tin chi tiết nhất về chi cá hoàng đế Cichla mà chúng ta có thể tìm thấy trên mạng lại đến từ một tổ chức câu cá thể thao (chứ không phải bất cứ trang web cá cảnh nào). Có hai nguyên nhân cho việc này: thứ nhất, cá hoàng đế là loài săn mồi hung dữ, đối tượng câu hàng đầu của các cần thủ; thứ nhì, việc phân loại ảnh hưởng đến thành tích, chẳng hạn nếu bạn câu được cá thể 55 cm loài C. temensis thì rất đỗi bình thường, nhưng nếu là loài C. ocellaris thì đó là một kỷ lục! Hình ảnh hơi thiếu nhưng ngày nay có nhiều người nuôi các loài hoàng đế khác nhau và chia sẻ qua mạng, các bạn có thể tự cập nhật thêm. Cá hoàng đế được nuôi cảnh và lấy thịt ở nước ta. Anh Phùng Mỹ Trung từng có một bài viết cảnh báo về sự xuất hiện của loài này ở lòng hồ Trị An vài năm trước đây. Cá hoàng đế nói riêng và cichlid nói chung là loài cá nước ngọt sặc sỡ, phổ biến trong thế giới cá cảnh. Về ngoại hình, cá hoàng đế quả là khá giống với cá vược/cá chẽm (bass) nhất là ở cái vây lưng; tuy nhiên nó thuộc về họ Cichlidae, chả mấy liên quan đến cá vược. Cứ thấy “con mắt” (ocellaris) ở gốc đuôi là nhận ra nó. Có lẽ ngày xưa người ta tưởng nó là cá vược, cộng thêm màu sắc sặc sỡ hoặc có “con mắt” nên gọi là “cá vược công” (peacock bass). Người Hoa gọi là “tam gian ngư” 三間魚 tức “cá ba sọc”. Theo truyền thống, hệ thống tên gọi trong thế giới cá cảnh do “bà bán cá đầu ngõ quy định” bởi vậy cái tên “cá hoàng đế” hay “hoàng bảo yến” như một số người mới chơi gần đây thường gọi, có lẽ xuất phát từ mấy bác bán hay nhập cá cảnh; và dạo này, tên gọi nào cũng rất “kêu” cho dễ bán!
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/7/16
  4. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hoàng bảo yến hoa – ngôi sao mới

    “Hoàng bảo yến” là một tên gọi khác của cá hoàng đế, có lẽ để phân biệt với những cá thể hoàng đế Cichla ocellaris mà chúng ta đã quá quen mắt. Những cá thể mới nhập khẩu gần đây có thể thuộc về loài khác, chẳng hạn như “hoàng bảo yến hoa” Cichla kelberi, ngôi sao mới nổi trong làng cá cảnh. Tên tiếng Anh của loài này là “yellow peacock bass” (tạm dịch là cá “hoàng đế vàng”), tên tiếng Hoa là “kim tam gian” 金三間. Theo thông tin trên mạng, hoàng bảo yến hoa hoang dã (wild caught) bao gồm hai loại “bahia gold” và “araguaia”. Có lẽ là những địa điểm đánh bắt khác nhau. Những cá thể hàng trại (captive bred) tức được lai tạo trong môi trường nuôi dưỡng xuất phát từ dòng “bahia gold”. Người ta lai tuyển chọn theo hướng gia tăng màu vàng kim (gold) và “châu” trên thân và vây.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]




     
    Chỉnh sửa cuối: 13/7/16

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội