Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cá cờ - Các biến thể hình dạng, màu sắc và hoa văn

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 29/7/18.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]
    Cờ lai giữa sọc Bình Định và sọc lam (lam xoa蓝叉). Ảnh: Linh Le Tuan

    Cá cờ - Các biến thể hình dạng, màu sắc và hoa văn

    Việt Nam là một đất nước đặc biệt! Sự thật là, quốc gia nào cũng đặc biệt theo cách riêng của mình, nhưng Việt Nam đặc biệt hơn một chút vì chúng ta có cả cá betta lẫn cá cờ macropodus. Cá cờ phân bố từ cực bắc xuống đến Bình Định. Có thông tin chúng xuất hiện ở Nha Trang, Đà Lạt và đầu nguồn sông Đồng Nai, nhưng dường như chúng được con người đưa đến và dần biến mất theo thời gian vì môi trường không phù hợp. Cá betta phân bố khắp đồng bằng sông Cửu Long lên đến miền đông như Sài Gòn, Đồng Nai và Bình Dương. Ở các tỉnh vùng đệm như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng, người ta hầu như không nghe thông tin gì về chúng; có lẽ địa hình và khí hậu đóng vai trò rào cản mà chúng không thể vượt qua. Về địa lý tổng thể, Việt Nam kề cận hai trung tâm lớn: cá betta ở phía tây - Thái Lan và cá cờ ở phía bắc - Trung Quốc. Trong khi cá betta được người chơi hưởng ứng rộng rãi thì cá cờ mới phát triển mạnh vài năm gần đây, và theo chúng tôi điều này đúng với cả Trung Quốc. Tiềm năng phát triển cá cờ là rất lớn, vẫn còn rất nhiều thứ để làm với cá cờ. Thêm một điều tuyệt vời nữa, cá cờ chịu lạnh nên phù hợp với miền Bắc và thị trường Âu Mỹ. Thú chơi cá cờ ở Việt Nam đang bắt đầu manh nha, nhờ sự phổ biến của mạng xã hội, niềm đam mê và đóng góp của nhiều người trong cộng đồng cá cờ. Vấn đề là, cần phải có nhiều nhà lai tạo tâm huyết để thú chơi thực sự bền vững và có chiều sâu. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tóm tắt thông tin về các dòng cá cờ phổ biến, làm nền tảng kiến thức và định hướng cho thú chơi trong tương lai. Hãy nỗ lực lên nhé!

    Cờ sọc
    Vào 1665, nhà nhật ký Samuel Pepys viết về “một loài quý hiếm được nuôi trong lọ nước, vốn có thể sống mãi, và hoa văn xinh đẹp, đến từ nước ngoài”. Mô tả này được tin là chỉ đến một cặp cá thiên đường hay cờ sọc, được đưa về trên con tàu thuộc Công Ty Đông Ấn từ Trung Quốc. Hơn nữa, ghi chép của Pepys còn được cho là mô tả về cá cảnh đầu tiên ở châu Âu.

    Vào 1785, cá cờ sọc (Macropodus opercularis) được Carl Linnaeus, cha đẻ của tên khoa học, mô tả qua việc nghiên cứu cẩn trọng số mẫu vật được thu thập và gửi đến bảo tàng (1a).

    Vào 1869, Pierre Carbonnier trở thành người đầu tiên ở châu Âu lai tạo một loài cá cảnh nhiệt đới, tức cá cờ sọc. Cờ sọc được gửi trong chuyến hàng cá nhiệt đới đầu tiên tới châu Âu bởi một sĩ quan hải quân có tên Gérault, theo yêu cầu của Lãnh Sự Pháp Eugène Simon ở huyện Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, đông nam Trung Quốc (1b).

    Mô tả chung về cờ sọc như sau: 7-11 sọc ánh kim trên nền đỏ cam (ngược lại là thiếu chính xác), đuôi chĩa (forked), sọc mắt nối với đốm ở phần trồi sau của nắp mang, mặt trên đầu và phần trước vây lưng có các mảng-đốm sẫm, viền sau vảy trên thân không sậm hơn mặt vảy (1c).

    Theo cách gọi dân dã, có hai loại cờ sọc là sọc xanh và sọc đỏ. Cờ sọc xanh có các sọc ánh kim nổi bật, chiếm tông màu chủ đạo, màu nền bị lấn át. Cờ sọc đỏ (hay ngắn gọn cờ đỏ, thia lửa) là con có sọc ánh kim hẹp, mờ nhạt (đôi khi ngả copper), màu nền cam đỏ bên dưới thể hiện ra nhiều, chiếm tông màu chủ đạo. Sọc đỏ không có nghĩa là cái sọc màu đỏ, dẫu rõ ràng bạn nhìn thấy “sọc đỏ”! Đỏ là màu nền bên dưới, nên sọc thực sự là sọc ánh kim, màu xanh, nằm bên trên. Nếu bạn nhìn vào hàng rào thấy song sắt sơn xanh xen kẽ với song “đỏ”, nhưng thực ra chẳng có cái song “đỏ” nào cả, mà là tường đỏ đằng sau song sắt sơn xanh. Ở cá cờ cũng vậy.

    Cá cờ sọc được thuần dưỡng từ lâu đời và hình thái đa dạng, nhưng lạ thay có rất ít nghiên cứu và thông tin về di truyền ở loài này. Quá trình lai tạo cho thấy chúng có nhiều biểu hiện ở lớp ánh kim tương đồng với betta. Nhưng người chơi dường như chưa quan tâm đến việc phân lập và củng cố các tính trạng màu này.

    Theo Frank Schäfer, không có nhiều biến thể cá thiên đường ngoài bạch tạng, cho đến tận đầu thập kỷ 1950, biến thể sọc lam (blue paradise fish, lam xoa蓝叉) mới ra đời (có lẽ vẫn trong giới cá cảnh Đức). Màu xanh lan đến lưng vốn trước đấy là màu đen (1d).


    A- Cờ sọc (Bắc Ninh) với nền cam đặc trưng, sọc đều.
    B- Cờ lai giữa sọc (Bình Định) và sọc lam (lam xoa蓝叉) với nền ngả tông vàng, màu gạch, sọc đều, bản rộng (cự phổ巨普). Nền vàng là một đột biến thuần dưỡng và trội so với đỏ cam.
    C- “Thia lửa” (Bình Định). Biến thể đỏ cũng được phát hiện ở những nơi khác, theo dự đoán chứa gien đột biến hạn chế hắc tố, khiến màu nền tươi hơn, nhưng đặc điểm sọc ít (“phân thưa”) khiến phân bố màu đỏ ở “thia lửa” rộng hơn.
    D- Sọc lam (blue paradise, lam xoa蓝叉) với nền vàng đặc trưng, một đột biến ở cờ sọc thuần dưỡng châu Âu từ đầu những năm 1950.
    Ảnh: Trần Dừa (A); Linh Le Tuan (B, D); Nhị Thành (C)

    Gia đình nhà lam đức (blue/red band, german blue, đức quốc lam hỏa diễm德國藍火焰)
    Theo Frank Schäfer, biến thể lườn đỏ được phát triển vào thập kỷ 1990 từ sọc lam. Lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến con cá (lưng) xanh không sọc (stripeless) (2a). Đây chính là “vô văn” đích thực, tức vô văn hỏa无纹火 hay lam đức. Nó có gien hạn chế ánh kim trên lườn, khiến sọc không xuất hiện và lớp xanh rất mỏng, thể hiện màu nền đỏ bên dưới. Ở một số cá thể già, nhất là mái, có hiện tượng tái ánh kim, toàn thân phủ xanh che lấp đỏ!

    Chúng tôi từng cho rằng lam đức là tổ tiên của toàn bộ cá xanh đơn sắc hiện đại nhưng với gien hạn chế ánh kim, điều này là khó khả thi. Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện một biến thể được gọi là blue flame (dường như ở Mỹ) (2b), nhưng phát triển theo hướng ngược lại, ánh kim lan khỏi sọc và bao phủ toàn thân. Hiện tại, bên Trung Quốc cũng có dòng cờ sọc đang được lai tuyển chọn theo hướng này, gọi là mãn văn lục满纹绿. Gien ánh kim lan (spread iridocyte) ở thân của blue flame kết hợp với ánh kim lan ở lưng của blue paradise có lẽ là nền tảng của cá xanh đơn sắc hiện đại.

    Hiện đang có xu hướng kiêng đỏ cho lam đức bằng thức ăn. Bạn có biết cá không thể tự tổng hợp các sắc tố đỏ và vàng, mà phải lấy từ thức ăn? Nếu nuôi cá bằng loại cám đặc biệt không chứa astaxanthin & carotene thì các tế bào đỏ sẽ “đói” sắc tố đỏ. Sắc tố vàng xanthophyll vốn ít sẵn trong thức ăn. Kết quả ở nơi lẽ ra là đỏ, chúng ta sẽ không thấy gì ngoài màu hanh vàng hoặc kem của lớp hạ bì! Lam đức được nuôi bằng chế độ kiêng đỏ sẽ có màu xanh ửng vàng ở lườn và đuôi, gần với hình ảnh cá xanh đơn sắc trong giấc mơ của người chơi. Đây là mục đích của lối thực hành này. Loại cám viên đặc biệt này được nhập từ Trung Quốc, lượng tiêu thụ nhỏ lẻ nên cung ứng có thể đứt đoạn. Có thể tự làm được không? Theo một nguồn trên mạng về thức ăn không beta-carotene, các loại thịt như gà, heo, bò (tim bò) không chứa carotene. Về cá có cá tuyết (cod), cá chép và cá cơm, cá trổng (anchovy)(2c). Bột cá cơm thường được bán làm thức ăn gia súc. Rau củ có bông cải, khoai tây, đậu xanh, bắp, củ cải trắng (2d). Cẩn trọng khi sử dụng rau vì đa phần đều giàu carotene. Phần trăm đạm tối ưu cho cá 40-42%, phối trộn theo tỷ lệ 50% thịt (trừ hao một chút) và 50% rau củ tính theo trọng lượng, trên 50% đạm sẽ kém hiệu quả về mặt tăng trưởng. Có thể bổ sung thêm vitamin & can-xi. Tất cả xay nhỏ, nhuyễn, trộn gelatine được đun nóng trên bếp, đổ vào khay đá viên, để nguội và bỏ tủ đông. Mỗi lần cho ăn, thảy một vài cục, quan sát và gia giảm theo sức ăn của cá.

    Đỏ đức (red flame, đức quốc hồng hỏa diễm德國紅火焰) dường như là đột biến mất ánh kim trên thân của lam đức. Đầu và lưng thể hiện lớp màu đen bên dưới. Khi cản với albino nhằm xóa đen (red albino), chúng ta thấy màu kem của lớp hạ bì, điều chứng tỏ lớp đỏ không lan đến đầu và lưng. Để có con cá cờ full red, phải có một đột biến khiến lớp đỏ bao phủ toàn thân. Đến nay gien này vẫn chưa được phát hiện! Bạn có đang nghĩ đến cờ lưng đỏ Macropodus erythropterus? Nó dường như là miếng ghép cuối cùng trên con đường tiến tới full red.

    Băng hỏa (blue-fin red flame, úc châu hỏa diễm澳洲火焰) dường như là sự kết hợp giữa đỏ đức và lam đức với thân đỏ và vây xanh, ngả phấn. Vây chứa rất ít hoặc không có tế bào hồng tố nên không dễ nhiễm đỏ ở vây. Một dòng cá nhị sắc rất đẹp và độc đáo. Nghe nói, dòng cá này được phát triển ở Đài Loan, nhà lai tạo gốc di cư sang Úc và để lại cá giống cho người khác. Nhất Phương được tặng vài con và từ đó dòng này lan ra thị trường nội địa.

    Ngược lại với lam đức, đỏ đức và băng hỏa thường được kích màu bằng cám hay tim bò trộn carophyll để có thân đỏ tươi. Thực ra, cám chăn nuôi cũng được bổ sung một tỷ lệ nhất định chất này rồi vì nó giúp vật nuôi mạnh khỏe, chóng lớn và thịt đẹp hơn. Đây là hoạt động bình thường vì hồng tố bắt buộc phải lấy từ thức ăn, miễn là đừng quá tay. Đỏ chóe sẽ trông như cá giả, phi thực!


    A- Lam đức, đột biến hạn chế ánh kim trên lườn, biểu lộ lớp đỏ bên dưới, dòng không sọc đầu tiên được ghi nhận.
    B- Đỏ đức, đột biến mất ánh kim trên thân, hiện tại màu đỏ chưa lan đến lưng.
    C- Blue flame phát triển theo hướng ngược lại với lam đức, ánh kim lan rộng che phủ toàn thân.
    D- Băng hỏa, dòng cá nhị sắc độc đáo, dường như là kết hợp giữa đỏ đức với lam đức.
    Ảnh: Linh Le Tuan (A), www.aqualog.de (B), Dr. Tom Bailey www.aquriumfish.net (C), Huỳnh Sĩ Thiện (D)

    Bạch tạng (albino)
    Theo Innes (1935), cá cờ bạch tạng được nhập (vào Mỹ) từ giới cá cảnh Đức vào 1933 (3a). Những ghi nhận sớm nhất là công trình của Kosswig (1935) với mô tả quan trọng, cá bạch tạng không chỉ có nền nhạt mà võng mạc (retina) phải khiếm khuyết hắc tố và có màu hồng nhờ mạch máu bên dưới. Gần như đồng thời, Goodrich & Smith (1937) mô tả không chỉ di truyền mà còn nền tảng của cơ chế bạch tạng về mặt tế bào (3b). Theo đó, a) tính trạng thường, nền sẫm có tính trội so với bạch tạng; b) mô tả những nhóm tế bào vốn hình thành màu sắc cơ bản; và c) tế bào hắc tố không tồn tại ở cá bạch tạng nhưng các loại tế bào khác không bị tác động (3c).

    Chưa rõ Goodrich & Smith ký hiệu gien bạch tạng là gì (điều chúng tôi rất muốn tôn trọng), nhưng có một gợi ý rất hợp lý rằng loại hoang dã, nền sẫm là đồng hợp của AA, còn loại bạch tạng thuần, nền nhạt là đồng hợp của aa (3b). Kinh nghiệm lai tạo cho thấy A trội bất toàn so với a, nên dạng dị hợp Aa hạn chế phần nào hắc tố khiến màu nền tươi tắn hơn. Về khía cạnh lai tạo, bạn có thể sử dụng albino vào việc tẩy đen màu nền ở mức độ vừa phải (Aa) hay triệt để (aa).

    Nền nhạt tác động vào những lớp màu còn lại. Albino hay cờ bạch tạng truyền thống là con có sọc màu kem, phớt xanh và nền cam nhạt. Thậm chí có dòng, màu kem ngả trắng. Hiện tại, bức tranh albino hiện đại đa dạng hơn nhiều, gien bạch tạng được cản vào hầu như tất cả các dòng cờ hiện hữu, tạo ra các phiên bản song song.

    Cũng cần nói thêm rằng bạch tạng thường đi kèm với mắt đỏ. Cá cờ bạch tạng là một ví dụ. Nhưng không có nghĩa cứ bạch tạng là mắt đỏ và về lý thuyết, vẫn có thể tồn tại dạng bạch tạng chỉ ở mắt, tức mỗi con mắt đỏ mà thôi (3d). Đây là một ví dụ: ocular albino betta. Trên thực tế, nhiều con có biểu hiện của triệu chứng bạch tạng dẫu bạn có đồng ý gọi là albino hay không. Đây là chủ đề luôn gây tranh cãi. Cần phải hiểu bản chất và đưa ra định nghĩa rõ ràng. Chẳng hạn với cá dĩa, albino buộc phải có mắt đỏ. Cũng có tranh cãi trong giới betta cho đến khi một sư phụ tuyên bố mắt đỏ là “true albino”, tức những con có triệu chứng albino là chưa đủ để được coi là albino đích thực. Con mắt ảnh hưởng thế nào đến màu sắc tổng thể của cá? Tùy quan điểm mỗi người. Dù gì đi nữa, bạch tạng chẳng qua là hiện tượng khiếm khuyết hắc tố và biểu hiện của nó rất đa dạng, vượt ra ngoài quy ước tên gọi.


    A- Cờ sọc bạch tạng (bạch thố白兔) với sọc màu kem, phớt xanh và tông nền vàng cam, loại cờ này rất phổ biến.
    B- Cờ đen bạch tạng, một đột biến tự nhiên ở Macropodus spechti.
    C- Cờ đen Macropodus hongkongensis bạch tạng (cá tặng của Nhất Phương).
    D- Bạch tạng vàng (hoàng kim hỏa diễm黄金火焰), bầy này ban đầu mắt đen, về sau té ra một số mắt đỏ, một trường hợp thú vị về sự độc lập giữa bạch tạng ở thân với bạch tạng ở mắt; về lý thuyết, bạn có thể lọc lựa để có con cá đen mắt đỏ!
    E- Bạch tạng xanh (bạch hóa lam hỏa diễm白化蓝火焰).
    F- Bạch tạng đỏ (bạch hóa hồng hỏa diễm白化紅火焰), trường hợp này nếu săm soi bạn có thể thấy màu mắt thực sự là đỏ sẫm (maroon), có thể đoán là bạch tạng lai (Aa) ở mắt như D.
    G- Sọc bạch tạng gold/platinum trong suốt (mất màu nền), một cá thể rất lạ mắt.
    H- Cờ lai F1 (Aa) giữa cha lam đức x mẹ lửa xanh (bạch tạng), màu sáng hơn (theo Trần Hoàng Nam).
    I- Cờ lai F1 (Aa) giữa cờ sọc x bạch tạng với màu nền tươi tắn.
    Ảnh: Linh Le Tuan (A, E); Thanh Bui Van (B); Nhất Phương (C, D, sưu tầm: F, G); Huỳnh Sĩ Thiện (H); Nguyen Duy Long (I)

    Da rắn
    Chẳng thể nào mô tả các biến thể da rắn (xà văn蛇纹) một cách thỏa đáng nếu bỏ qua vấn đề ánh kim. Quan sát cho thấy, da rắn vốn là con cờ sọc được lai tạo theo hướng tuyển chọn sọc to rộng cho đến khi lan hết toàn thân. Chúng là bằng chứng cho thấy gien ánh kim lan có tồn tại ở cá cờ. Nhưng ở dòng cá này, chúng ta không thấy màu thân đơn sắc. Có một đột biến đáng chú ý! Hắc tố phát triển mạnh ở một số khu vực trên lưng và thân, nhất là vùng vốn trước đây là sọc. Các vệt, đốm, mảng hay viền hắc tố vốn luôn tồn tại ở cờ sọc, nhưng ở dòng da rắn, chúng đậm hơn và có xu hướng lan rộng. Chúng tác động lên lớp ánh kim blue ngoài cùng, khiến tông màu tổng thể trên thân bất đồng nhất, tạo nên hiệu ứng “da rắn”. Những con này được gọi là lam xà蓝蛇. Đôi khi, các khu vực co cụm hắc tố này thể hiện mạnh mẽ, lấn át hoàn toàn ánh kim khiến chúng ta chẳng thấy gì khác ngoài màu đen. Những con như vậy được gọi là hắc xà黑蛇.

    Ngoài blue, cá cờ còn một loại ánh kim nữa là copper. Chúng có thể hiện diện một cách độc lập ở những vùng khác nhau của cá cờ, bao gồm: sọc, vùng giữa các sọc, bụng, lưng và các vây lẻ, điều chứng tỏ chúng được điều khiển bởi những gien độc lập. Trong trường hợp này, chúng ta thấy có con da rắn với tông vàng chủ đạo; chẳng hạn sọc xanh/đen xen kẽ copper, hoặc copper toàn thân. Người chơi cá ở ta không dựa vào đột biến hắc tố, mà gọi theo tông màu: “da rắn xanh” và “da rắn vàng”. Lượng hắc tố dường như hơi yếu ở những cá thể tông vàng.

    Qua quan sát dòng da rắn trên các trang mạng Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy rằng, đại đa số đều là ánh kim blue, hãn hữu lắm bạn mới thấy một con dính chút copper. Sự kiện này nói lên điều gì? Họ loại hết copper rồi chăng? Cần tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của dòng cá này, ý tưởng của nhà lai tạo gốc v.v... quan trọng là, bạn đã biết phải tag tên ai chưa? :)


    A- lam xà蓝蛇; B-C- hắc xà黑蛇, tên gọi dựa vào sự tăng tiến hắc tố ở đầu và thân.
    D-E- da rắn xanh và da rắn vàng.
    F- da hổ (hổ văn虎纹), chủ yếu là dòng lai với cờ đuôi tròn Macropodus ocellatus, vằn đen to, uốn éo và dày, thân rất ít ánh kim, bụng hanh vàng (copper).
    G- da hổ đôi khi là đột biến ở cờ sọc; trường hợp ở đây, nó té ra trong bầy da rắn!
    Ảnh: Internet (A, B, C); Nguyễn Công (D, E); Nhất Phương (F, sưu tầm); Nguyễn Hồng Phúc (G).

    Cờ xanh
    Cờ xanh là con thân xanh đơn sắc hay không sọc (vô văn lam无纹蓝). Nó được phát triển từ dòng cờ xanh phương Tây, cờ đen Hong Kong và cờ đen Huế, với lam chớp (thiểm quang lam闪光蓝) là giai đoạn quá độ. Theo chúng tôi, gien ánh kim lan được lấy từ cờ đen Hong Kong trong khi cờ đen Huế giúp cải thiện đuôi. Về khía cạnh màu sắc, dòng cờ đen Khe Rỗ ở Bắc Giang cũng có những đặc điểm tương tự như cờ đen Hong Kong.

    Frank Shäfer đã quan sát cờ xanh và gọi chúng là “blue spechti”, có lẽ dựa vào các phím guitar ở đuôi. Nhưng kiểu hình của cờ đen Huế cho thấy chúng mang gien hạn chế ánh kim, nên sẽ rất khó khăn khi phát triển theo hướng ngược lại. Chúng tôi từng thử tái tạo cờ xanh bằng cách cản đen Huế vào lam đức, với hy vọng thu được... cá xanh! Thực tế cho thấy, cho đến đời f4, đuôi và thân vẫn nhiễm đỏ, tông xanh nhạt và không đều. Chúng tôi đã không nhận ra rằng cả hai bên đều mang gien hạn chế ánh kim, và sự thiếu vắng của gien ánh kim lan đã ngăn cản kiểu hình thân xanh.

    Các phát hiện gần đây trên quần thể cờ lưng đỏ ở Việt Nam cho thấy có biến thể thân xanh, dấu hiệu của ánh kim lan. Hướng thử nghiệm mới của chúng tôi là lai tuyển chọn và đánh giá mức độ phát triển của ánh kim trên biến thể đặc biệt này. Rồi sẽ có một dòng “blue erythropterus” thuần chủng chăng?

    Về khía cạnh màu sắc, mật độ và phân bố ánh kim ở cá cờ nói chung và cờ xanh nói riêng còn khá thấp, nên màu xanh kém tươi tắn, thường nhiễm đỏ và đen. Tông màu đích thực là xanh ngọc (turquoise). Nền đen có thể khiến nó ngả tông xanh dương (royal blue) nhưng còn lâu mới đạt mức độ như ở cá betta. Đấy là những hạn chế về mặt di truyền của loài này. Tất cả những con xanh tươi rực rỡ mà chúng ta nhìn thấy trên mạng đều nhờ vào hiệu ứng ánh sáng! Chúng tôi đã loại bỏ những hình ảnh trước đây để các bạn mới chơi khỏi lầm tưởng rằng đấy là màu sắc tự nhiên.


    A- Lam bạo quân蓝暴君 – bản lóc thuôn dài, tông màu đều, nhiều hắc tố nhưng không nhiễm sọc hay vệt đen. Những cá thể đời đầu về Việt Nam ngả tông xanh dương, có lẽ nhờ nền sẫm, nhưng kiểu hình này đã mất vì nguồn giống quá hạn chế, mọi người đành cản ra (với lam đức hay lửa xanh chẳng hạn). Những cá thể đời sau ngả tông xanh ngọc, sáng và xanh hơn. Ngọc trai trắng ở cằm và bụng cho thấy nguồn gốc của cờ đen Hồng Kông.
    B- Bảo thạch lam宝石蓝 (Việt Nam hắc xoa lam hình越南黑叉蓝型) – tông xanh dương dường như nhờ ánh kim kết hợp với nền hắc tố ở cờ đen Việt Nam. Trên thực tế, đôi khi chúng ta vẫn thấy tông xanh dương phảng phất ở cờ đen Huế.
    C- Hướng phát triển mãn văn lục满纹绿 của một nhà lai tạo Trung Quốc: tuyển chọn sọc to hơn cho đến khi ánh kim lan ra toàn thân.
    D- lam chớp (thiểm quang lam闪光蓝), gien ánh kim lan đã hiện diện nhưng còn lẫn copper, có lẽ ở khu vực giữa các sọc, bằng chứng cho thấy có nhiều gien tác động lên ánh kim thân.
    E- Cờ lưng đỏ thân xanh: chất liệu tiềm năng để phát triển cờ xanh nội địa trong tương lai.
    Ảnh: Linh Le Tuan (A); WEN’S FISH (B); Nhất Phương (C, sưu tầm); Internet (D).

    Bộc châm
    Bộc châm爆針 ở cá cờ là hiện tượng tia vây kéo dài, nhô ra khỏi màng vây. Dường như một hay nhiều gien kiểm soát sự đồng bộ của tia vây (nhằm tạo ra dạng đuôi nĩa hoàn chỉnh) vì lý do nào đó mất đi gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên ở một số cá thể, màng vây ở hai cạnh đuôi dường như cũng triệt thoái ở một mức độ nhất định. Thoạt nhìn, bộc châm giống như crowntail ở betta, và có người cũng gọi là crowntail paradisefish, nhưng hiệu ứng “vương miện” ở cá betta về bản chất, đơn thuần là sự triệt thoái của màng vây, khiến các tia vây nhô ra. Về tổng thể, các tia vây ở betta vẫn đồng bộ và gọn gàng hơn cá cờ, nơi mà tia vây có thể phát triển vô tội vạ.

    Theo quan sát, cờ đen Huế thường có ba cặp bộc châm (tia gốc kéo dài, phân thành 2 nhánh). Người Đức đã ghi nhận hiện tượng tia vây kéo dài từ 2008 ở quần thể cờ đen Lăng Cô, Huế (4a). Bộc châm cần được khảo sát về mặt di truyền và chúng ta hoàn toàn có thể phát triển các dòng cờ thuần chủng và cờ lai với đặc điểm này.

    Tên gọi bộc châm爆針 tức lòi kim được vay mượn từ tiếng Trung Quốc. Bởi kiến thức hạn hẹp, lần đầu chúng tôi được chứng kiến hiện tượng tia đuôi kéo dài là từ hình cá ngoại, và loài cờ đen Hồng Kông mang đặc điểm này. Về sau, chúng tôi có cơ hội chứng kiến một số cá thể cờ đen Huế với ba cặp tia kéo dài. Thậm chí, bạn Thanh Bui Van sở hữu những con cờ đen Huế mà toàn bộ tia đuôi đều kéo dài! Vậy lần sắp tới, cũng với đặc điểm này nếu gặp cá cờ ngoại, bạn có thể gọi là bộc châm, còn với cá cờ nội địa, bạn có thể gọi bằng bất cứ cái tên nào mà trái tim mình mách bảo!


    A- Những cá thể cờ đen với tia đuôi kéo dài ở Lăng Cô, Huế được phát hiện từ 2008.
    B- Phân tích cấu trúc và phân bố tia đuôi ở một cá thể cờ đen Huế.
    C- Một cá thể cờ đen Huế rất đẹp, đa số đều có 3 cặp tia kéo dài.
    D- Cờ đen Huế siêu bộc châm.
    Ảnh: Thomas Seehaus (A), Nguyễn Mạnh Khang (B), Barbodes Lx (C), Thanh Bui Van (D)

    Đuôi rộng (phổ xoa普叉) là đuôi to, rộng với các cạnh trong xòe một góc 180 độ tương tự như HM betta. Đây là hướng phát triển rất khả thi.
    [​IMG]
    Băng hỏa. Ảnh: Huỳnh Sĩ Thiện

    Ngoài ra cũng có một số đặc điểm mới lạ nhưng chưa phát triển thành trào lưu như da cọp – có lẽ xuất phát từ loài cờ đuôi tròn Macropodus ocellatus, hay short body (tướng quan bản phiến相关图片).

    Ghi chú
    (1a) Enter Gourami (Christian Castille, Popular Fish Keeping, 9/2013)
    (1b) https://en.wikipedia.org/wiki/Pierre_Carbonnier
    (1c) http://www.diendancacanh.com/threads/471621/
    (1d) https://www.aquariumglaser.de/en/fish-archives/macropodus-opercularis-blue/
    (2a) https://www.aquariumglaser.de/en/fish-archives/a_new_sport_of_paradise_fish_en/
    (2b) https://aquariumfish.ecwid.com/Premium-Blue-Paradise-Fish-p43706022
    (2c) http://dietgrail.com/no-beta-carotene-foods/
    (2d) https://tools.myfooddata.com/nutrient-ranking-tool/Beta-Carotene/
    (3a) Genetics and histology of the color pattern in the normal and albino paradise fish, Macropodus opercularis L. (H. B. Goodrich & Maurice A. Smith, Biological Bulletin Vol. 73, No. 3, pp. 527-534, Dec. 1937)
    (3b) Genetics and fish breeding (C. E. Purdom, Springer Netherlands, 1993)
    (3c) https://www.journals.uchicago.edu/doi/10.2307/1537611
    (3d) Tản mạn về bạch tạng và màu trắng - http://www.diendancacanh.com/threads/35930/
    (4a) News on the ‘Heaven Peak‘ (Wolken Pass) Paradise fish (Jens Kühne, De Makropode 3/08)
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/1/24
    lucson52 and dthong like this.

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội