Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Ghi chú về gà Peru

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 10/3/15.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Ghi chú về gà Peru
    Rey Bajenting (RB Sugbo Gamefowl Technology) - http://rbsugbo.wix.com/gamevitz-club

    Gà Peru gốc là gì? Trông nó như thế nào? Ai là nhà lai tạo ra gà Peru gốc?

    “Ghi chú về gà Peru” là một tập hợp các bài viết, bình luận và quan sát về gà Peru của nhiều tác giả khác nhau. Nó bao gồm lịch sử, biệt dưỡng và lai tạo gà Peru. Tất cả được nghiên cứu và tổng hợp bởi RB Sugbo Gamefowl Technology để trợ giúp cho các nhà lai tạo gà Peru trong hiện tại cũng như tương lai ở Philippines. RB Sugbo cũng đưa vào những quan sát và đánh giá của riêng mình dựa trên việc phỏng vấn một vài chiến hữu cản gà Peru và kinh nghiệm cản gà Peru trong nhiều năm trời của chính mình như là hoạt động bên lề cạnh chương trình lai tạo gà chọi thông thường.

    Gần đây, gà Peru được nhiều nhà lai tạo gà chọi quan tâm, dẫu giá cả cực cao. Tuy nhiên, thông tin về chúng rất hiếm hoi. Điều này khiến cho một số nhà lai tạo lợi dụng người mới chơi và những người muốn tham gia cản gà Peru.

    Càng rắc rối khi các nhà lai tạo gà Peru trên thực tế thường cãi vã với nhau. Hãy đọc các bài viết trên mạng, bao gồm cả Facebook, viết về gà Peru và bạn sẽ thấy có nhiều ý kiến trái ngược. Người ta tuyên bố gà của mình là gốc, còn gà của người khác là đồ dỏm. Tranh cãi giữa các nhà lai tạo gà Peru cũng thường diễn ra ở Mỹ và Peru.

    Một thập kỷ trước đây, mâu thuẫn nổ ra giữa các nhà lai tạo gà Peru. Trong một cuộc phỏng vấn, một nhà lai tạo nổi tiếng phát biểu rằng vài cuốn sách viết về gà Peru là vô giá trị. Ông cũng kết tội một nhà lai tạo gà Peru nổi tiếng khác phát biểu sai lạc về dòng gà Peru do mình lai tạo.

    Ở Philippines, một nhà vô địch giải gà tơ Bakbakan nhờ gà pha máu Peru, bị bình phẩm bởi vì gà tơ của ông trông không giống gà Peru lắm đối với nhiều nhà quan sát, những người tự xưng là chuyên gia về gà Peru.

    Tất cả chỉ vì, khác với những giống gà chọi hay gà nói chung, hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào dành cho gà Peru. Có lẽ chẳng hề có cái gọi là giống gà chọi Peru. Chúng chẳng qua chỉ là một nhóm hay dòng gà chọi xuất xứ từ Peru.

    “Ghi chú về gà Peru” là một tài liệu sinh động. Được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên. Tất cả những người hâm mộ gà Peru sẽ thích đọc tài liệu này.


    (còn tiếp)


    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/9/17
  2. carom

    carom Active Member

    Gà Phi đá dao nên châm máu peru vô là hợp lý, còn gà việt châm ít còn đỡ, châm nặng chỉ có nước đem nấu cháo cà ri. Đó là lý do tại sao peru lúc mới về VN giá rất cao 40-60tr/cap con bây giờ... quy luật thị trường sẽ quyết định đâu là chân lý, khỏi cãi mất công^^
     
  3. bettabl

    bettabl Active Member

    Anh Carom cho hỏi gà Phi châm máu Peru, gà Việt châm máu Peru là mẹ hay cha là Peru
     
  4. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Gà Peru đã có mặt
    Cao to và nặng, nhưng nhanh nhẹn. Chúng mạnh mẽ và đâm tốt. Chúng bắt nguồn từ gà chọi Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và gà phương Đông. Chúng là gà chọi Peru. Và hiện đã có mặt ở Philippines.

    Gần đây, dòng gà Peru đổ vào Philippines, cả thuần lẫn pha, rất đáng chú ý. Một tay vận chuyển gà chọi từ Mỹ tuyên bố rằng 30% lượng gà nhập vào Phi là Peru thuần hoặc pha. Anh nói gà Peru đang “hot”.

    Nó trở nên nổi tiếng, bất chấp một thực tế rằng những dòng gà mua từ Peru đều rất mắc. Một trio [bộ tam, một trống hai mái] có thể được bán từ 3.5 đến 5 ngàn đô. Trong khi, ngày nay bạn có thể nhập một trio gà Mỹ chất lượng với giá 1.5 ngàn đô.

    Rõ ràng gà Peru đã tiến xa so với tưởng tượng của những người nuôi gà Filipino. Các dòng gà Peru trở nên rất phổ biến ở Philippines. Nhiều năm trước đây, ở những quốc gia chọi gà, có một làn sóng hâm mộ gà Asil, nhưng nó không quá “hot” ở đây. Asil không phải là loại gà chọi của người Filipino. Gà Peru có lẽ hợp hơn. Hơn nữa gà Asil vốn phù hợp nhất với thể loại đá cựa xương [cũng tồn tại ở miền nam Việt Nam đến những năm 1970], còn gà Peru được cản để đá cựa dao dài, thể loại đá cựa duy nhất mà người Filipino yêu thích.

    Gà Peru có tất cả những yếu tố vốn có thể lôi kéo sự chú ý và yêu thích của các sư kê. Chúng to con. Hai con Peru đá nhau trong sới có thể được quan sát một cách rõ ràng từ khu vực khán đài. Rồi, các độ gà Peru thường chóng vánh. Người Filipino thích các trận đấu nhanh gọn. Đó là lý do tại sao các thể loại đá cựa xương (naked heel), cựa tròn (gaff) và thậm chí cả dao ngắn (short knife) chẳng bao giờ phổ biến. Gà Peru cũng bật cao và đá gác (angat). Đây là lối đá quen thuộc ở các trường gà Filipino. Thêm một điều nữa, các công ty chế biến thức ăn không hề do dự trong việc quảng bá gà Peru. Cái đám khổng lồ này ngốn nhiều thức ăn hơn là gà chọi Mỹ.

    Thêm một vấn đề đáng chú ý nữa, đối với gà Peru, những tay giàu sụ chẳng có mấy lợi thế như họ từng có với gà chọi Mỹ trước đây. Khi gà chọi Mỹ hay “gà Texas” mới du nhập vào Philippines thì chỉ những người thật giàu mới mua được. Nhưng trong trường hợp của gà Peru, giới bình dân sở hữu chúng trước tiên, bất kể giá cả rất cao.

    Không gì có thể thay thế gà chọi Mỹ trong tim của các sư kê. Nhưng chúng tôi dám chắc rằng, phong trào gà Peru đang nổi lên và đem lại phấn khích cho các sư kê Filipino nhiều hơn bất kỳ dòng gà không-Mỹ nào khác.
     
  5. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Giá gà Peru nên ở mức nào?
    Đây là câu hỏi thường xuyên của những độc giả theo dõi trang web của tôi. Tôi trả lời câu hỏi này nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau. Câu trả lời của tôi luôn tùy thuộc vào tính chất đặc biệt của câu hỏi được nêu. Tại sao?

    [​IMG]

    Bởi vì, gà Peru có con hay, con dở, có con hợp với đá giải (torneos), có con chỉ hợp với đá cáp (mesa). Có những nhà lai tạo giỏi ở Peru, rất giỏi nữa kìa, những người vốn vô danh với chúng ta và cả thế giới. Cũng có những nhà lai tạo nổi tiếng, rất nổi tiếng nữa kìa, nhưng lại chẳng giỏi giang gì.

    Nói thật lòng, chẳng hề có tiêu chuẩn gà Peru. Nếu đến Peru gặp các nhà lai tạo khác nhau và bạn sẽ thấy gà của nhà lai tạo này khác xa với gà của nhà lai tạo kia. Kiểm tra hình ảnh trên mạng, và bạn thậm chí sẽ thấy một vài cái-gọi-là nhà lai tạo gà Peru gốc, mà gà trong cùng một bầy lại trông hoàn toàn khác nhau. Gà chọi Mỹ cũng khác biệt về hình lông nhưng mức độ không nhiều như gà Peru.

    Do đó, chẳng hề có chuyên gia nào về gà Peru. Tất cả những chuyên gia tự-phong đều giới hạn hiểu biết của mình dựa trên nguồn thông tin của riêng mình. Mặc dù có những chuyên gia về gà Peru của riêng mình, nhưng lại không có chuyên gia về gà Peru nói chung.

    Những nhà lai tạo giỏi ở Peru dĩ nhiên tạo ra dòng gà hay thậm chí giống gà riêng. Nhưng những gì mà họ tạo ra là rất riêng và hoàn toàn khác với dòng hay giống gà của những nhà lai tạo khác. Thuật ngữ chung cho tất cả những dòng này là “gà Peru” (Peruvian). Tuy nhiên, không phải con nào cũng giống nhau.

    Vấn đề nằm ở chỗ cái-gọi-là gà Peru rất khác nhau. Do đó, để trả lời câu hỏi giá gà Peru nên ở mức nào, là còn tùy. Nó tùy vào từng cá thể nhất định và tùy vào mục đích của bạn. Chẳng hạn, giống như gà chọi Mỹ, giá gà Peru thay đổi tùy mỗi nhà lai tạo. Nó thay đổi tùy cá thể nhất định. Giá trị của nó đối với người mua cũng thay đổi tùy vào mục đích của người mua.

    Cái-gọi-là gà Peru thuần cũng không nhất thiết quý giá hơn gà Peru nửa máu. Một cá thể nửa máu lại quý hơn gà thuần đối với những người mà mục đích cản gà Peru là ghép ¼ đến ⅛ máu gà Peru vào gà Mỹ của mình. Nhưng với những ai muốn cản gà to xác thì gà Peru thuần lại quý hơn.

    Tôi từng có lúc cản gà Peru
    Tôi cản gà Peru không bởi vì tôi tò mò về nó như những người khác. Dẫu người khác tin rằng gà Peru là loại chiến kê siêu đẳng, nhưng tôi thì không. Tuy nhiên, tôi thấy có hai tính trạng rất tốt ở gà Peru mà tôi tin là có thể cải thiện cho gà chọi Mỹ. Do đó, tôi cản gà Peru không phải để tạo ra gà Peru, mà để tạo ra gà chọi Mỹ với một chút máu Peru, hy vọng đưa vào gà Mỹ của mình hai tính trạng mà tôi mong muốn [có lẽ là bật cao và đá gác]. Bởi vậy, với mục đích của mình, tôi muốn con Peru nửa máu thay vì gà thuần bởi nó giúp tôi đi trước một thế hệ lai tạo.

    [​IMG]

    Vâng, nó giúp tôi đi trước một thế hệ hay thậm chí nhiều hơn, vì giả sử gà nửa máu Peru mà tôi dùng để cản vào gà Mỹ của mình sở hữu hai tính trạng mong muốn và thật ít tính trạng xấu mà tôi muốn tránh. Theo đánh giá của riêng tôi về gà Peru, mặc dù hình lông rất khác nhau, nhìn chung chúng có ít nhất bốn nhược điểm chính. Những nhược điểm này có lẽ xuất phát từ đặc điểm chung của chúng chẳng hạn như kích thước, phương pháp nuôi và mục đích lai tạo của hầu hết các nhà lai tạo ở Peru [chưa rõ nhược điểm gì].

    Bởi vậy, nếu bạn cũng như tôi, người chỉ muốn ghép một ít máu Peru vào gà chọi Mỹ, thì bắt buộc chỉ ghép từ phía trống Peru lai mà thôi. Trong trường hợp của tôi, bằng cách làm như vậy, tôi có thể đảm bảo rằng gà ghép máu Peru mà tôi sử dụng vẫn sở hữu hai tính trạng mà tôi thích và có thật ít những tính trạng xấu mà tôi muốn loại bỏ.

    Tôi xin tiếp tục bằng một phỏng đoán. Tôi tin rằng, Vic Lacsao thắng giải Bakbakan bằng trống tơ pha bậc Peru trước những nhà lai tạo khác ở Philippines bởi vì gà Peru của Vic Lacsao có ít máu Peru hơn gà của những nhà lai tạo này.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/3/15
  6. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Có giống gà Peru chăng?
    Gà Peru là một giống hay chỉ là một tập hợp hổ lốn xuất xứ từ Peru? Tôi không chắc lắm nhưng tôi chưa thấy tên gà Peru trong số các giống gà được công nhận. Gà chọi Mỹ có tên trong hầu hết các danh sách. Gà chọi Anh luôn xuất hiện. Một số giống gà phương Đông như Asil, Shamo, Malay và Satsumadori được nhắc đến. Thậm chí giống gà nội địa của Philippines cũng xuất hiện trong một số danh sách. Nhưng, gà Peru chưa bao giờ xuất hiện trong bất kỳ danh sách quan trọng nào mà tôi từng đọc (Dẫu nó xuất hiện trên Ultimate Fowl Wikipedia, nhưng đây không phải là danh sách chính).

    [​IMG]

    Dường như không tồn tại giống gà Peru. Gà Peru là gà chọi xuất xứ từ Peru. Chúng pha trộn giữa gà chọi Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Malay và gà rừng (Bankiva) nhưng không được thiết lập thành một dòng chứ chưa nói đến một giống. Từ những gì mà tôi đọc được, tôi sẽ gắng đưa ra một lời giải thích. Các nhà lai tạo ở Peru dường như không thiết lập sự đặc trưng như dòng và giống bởi vì họ không thích lai cận huyết.

    Nếu điều này đúng, thì gà Peru thuần là thứ gì? Vâng, về mặt di truyền, không hề có gà Peru thuần. Gà Peru thậm chí còn chẳng giống nhau nữa là. Chẳng có tiêu chuẩn cụ thể nào ngoại trừ chúng to con. Quan điểm về gà Peru thay đổi từ nhà lai tạo này đến nhà lai tạo kia.

    Một số cái-gọi-là nhà lai tạo gà Peru giỏi giang tranh cãi về việc gà của ai là Peru thuần. Ai cũng coi gà của mình là thuần và gà của người khác là hàng pha.

    Gà Peru nói chung như hầu hết các giống gà khác, có con hay, con dở. Gà hay phóng cao và đâm giỏi. Nhưng thậm chí con gà Peru hay nhất cũng có những nhược điểm rõ rệt. Làm sao để loại bỏ những nhược điểm này trong khi vẫn giữ được hai tính trạng tốt là một thách thức. Lai tạo gà chọi Mỹ khá dễ dàng. Bởi có quá nhiều cá thể gần như hoàn hảo tồn tại, mà ai trong chúng ta cũng có khả năng tạo ra những cá thể siêu việt. Với gà Peru, bạn phải biết mình đang làm gì. Bạn phải là nhà lai tạo đích thực. Đó là phần khó khăn nhất.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/3/15
  7. HitrungFH

    HitrungFH Active Member

    Như vậy là trong lai tạo chọn con Peru làm giống gần như mua vé số, sự pha tạp của nhiều dòng máu khiến chất lượng thế hệ con khó ổn định và đồng đều
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/3/15
  8. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Gà Peru không dành cho dân “nghiệp dư”
    Phong trào, cơn sốt hay cuồng nhiệt về gà Peru. Gọi là gì tùy bạn. Thực tế là, gà Peru đang trở nên phổ biến ở Philippines. Nhiều sư kê Philippines hiện nay đang nuôi gà Peru, bất kể giá trên trời. Hiển nhiên, nhiều người tin vào khả năng và giá trị của gà Peru. Dẫu vậy các nhà lai tạo gà Peru trong hiện tại cũng như tương lai hãy hết sức cẩn trọng. Gà Peru nói chung như hầu hết các giống gà khác, có con hay, con dở. Xu hướng bật cao và lối đâm tốt là những giá trị chính của gà Peru. Gà hay phóng cao và đâm giỏi. Nhưng thậm chí con gà Peru hay nhất cũng có tối thiểu bốn nhược điểm rõ rệt. Làm sao để loại bỏ những nhược điểm này trong khi vẫn giữ được hai tính trạng tốt là một thách thức.

    Vẻ đẹp là tương đối và chủ quan. Với một số người, gà Peru đẹp, nhưng với nhiều người khác, gà Peru rất xấu xí với đầu to, lưng gù, một số con cổ rất dài, một số con cổ to mập, bàn chân to, lông xấu, thậm chí một số bị trụi [chắc có máu gà đòn Việt Nam] .v.v. Theo quan điểm cá nhân, bởi vì gà Peru trông rất khác nhau, tôi thấy một số con đẹp đẽ và một số con xấu xí.

    Các số liệu toán học chống lại gà Peru. Hơn bốn tính trạng xấu mà chỉ có hai tính trạng tốt. Vậy tạo sao lại cản gà Peru? Một số người nuôi gà Peru để làm màu. Bởi nó mắc tiền và không dễ kiếm. Số khác nuôi gà Peru bởi nó đang là “mode”. Số khác nữa thực sự tin rằng gà Peru là gà chọi xuất sắc. Hiện tại những nhà lai tạo giỏi cản gà Peru để thử thách bản thân.

    Một thử thách thật sự. Với tôi, việc cản gà Peru chỉ dành cho các nhà lai tạo đích thực, không phải cho dân “nghiệp dư” (“maters”) theo cách gọi của Ben Dimaano. Lai tạo gà chọi Mỹ khá dễ dàng. Bởi có quá nhiều cá thể gần như hoàn hảo tồn tại, mài ai trong đám “nghiệp dư” chúng ta cũng có khả năng tạo ra những cá thể siêu việt, chỉ bằng cách mua những con giống xuất sắc từ các nhà lai tạo giỏi. Mặt khác, khi lai tạo gà Peru thì gần như là bạn làm lại từ đầu. Bạn phải lao động cật lực. Với gà Peru, bạn phải biết mình đang làm gì. Bạn phải là nhà lai tạo đích thực. Đó là phần khó khăn nhất. Nhưng điều đó khiến cho gà Peru trở nên cuốn hút.
     
  9. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Tại sao gà Peru trông không giống nhau?
    Tại sao nhiều nhà lai tạo gà Peru đấu đá lẫn nhau? Bởi vì họ không thể đồng thuận đâu là gà Peru gốc. Gà Peru trông quá đỗi khác nhau. Chẳng hề có tiêu chuẩn rõ ràng nào ngoại trừ một vài câu chẳng hạn như “to con”.

    Như chúng tôi luôn khẳng định, gà Peru không phải là một giống, mà là một tập hợp hổ lốn được lai tạo ở Peru. Gà Peru trông quá khác nhau. Như các giống gà khác nhau ở Philippines. Gà Paraokan trông rất khác với gà Bolinao. Gà Bolinao lại khác với gà Darag. Gà Banaba, Bisaya và Pulo trông rất khác nhau. Tại sao, bởi vì không ai cản chúng để trông như nhau và do đó, hình thành một giống gà riêng. Gà Peru cũng vậy.

    Ở mức độ nào đó, có những con Peru cực hay. Một số đá tốt, mạnh và thậm chí rất nhanh so với kích thước của chúng. Nhưng chúng cũng có nhược điểm nữa. Nói ngắn gọn, có con hay, con dở như bất kỳ giống gà nào khác. Một đặc điểm chính là chúng đá tương đối tốt bất kể kích thước to con và dềnh dàng.

    Đánh giá theo hình lông bên ngoài, bạn tự hỏi không biết có tồn tại giống gà Peru chăng. Gà Peru là gà chọi xuất xứ từ Peru. Chúng pha trộn giữa gà chọi Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Malay và gà rừng (Bankiva) nhưng không được thiết lập thành một dòng chứ chưa nói đến một giống. Từ những gì mà tôi đọc được, tôi sẽ gắng đưa ra một lời giải thích. Các nhà lai tạo ở Peru dường như không thiết lập sự đặc trưng như dòng và giống bởi vì họ không thích lai cận huyết.

    Dựa vào đoạn trích dẫn sau đây “Hiếm khi nào ở Peru mà bạn thấy áp dụng bất kỳ hình thức lai cận huyết nào như vẫn thường xảy ra ở Mỹ, người ta tin rằng điều đó làm suy yếu gà và chỉ có pha mới giúp chúng mạnh mẽ”. Gà Peru chỉ mới được nhập khẩu vào Mỹ gần đây và nằm trong tay của vài nhà lai tạo.

    Nếu điều này đúng, thì gà Peru thuần là thứ gì? Gà Peru thậm chí còn chẳng giống nhau nữa là. Quan điểm về gà Peru thay đổi từ nhà lai tạo này đến nhà lai tạo kia. Bất kể điều đó, người ta hâm mộ gà Peru vì nhiều lý do. Chúng là những chiến kê tuyệt vời, nếu chỉ xét giữa những con đồng chạng.

    [​IMG]
     
  10. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Tại sao lai cận huyết gà Peru là nguy hiểm?
    Dựa trên các chứng cớ lịch sử, cái-gọi-là “Peruvian Navajeros” là kết quả pha trộn giữa hàng loạt giống gà chọi khác nhau gồm Tây Ban Nha, Bỉ, Anh và gà phương Đông chẳng hạn như Shamo, Malay và Asil.

    Rồi người ta được biết rằng các nhà lai tạo Peru không thích lai cận huyết.

    Khi hai yếu tố này kết hợp với nhau, dĩ nhiên sẽ khiến cho gà Peru kém ổn định về mặt huyết thống so với những dòng và giống gà khác. Gà chọi Mỹ tương đối ổn định hơn nhiều so với gà Peru. Những dòng gà chọi Mỹ được thiết lập chẳng hạn như Hatch, Albany, Whitehackle, Brown Red, Roundhead, Claret, Grey và những dòng khác được củng cố hay thuần hóa nhờ lai cận huyết, lai xa và pha. Trong trường hợp gà Peru, nghe nói rằng các nhà lai tạo chỉ pha. Nghĩa là họ hoàn toàn phụ thuộc vào cơ hội hợp gien (nick) và cản may rủi để tạo ra gà chọi.

    Về bản chất lối thực hành này là không quá tệ, bởi càng đa dạng gien thì càng tốt. Chúng có nhiều tính trạng tương tự, cả trội lẫn lặn, cả tốt lẫn xấu. Khi bạn ghép những cá thể như vậy với nhau, có khả năng những gien xấu vốn lặn sẽ kết hợp lại với nhau và trở thành gien độc hại. Cũng có khả năng gien trội lấn lướt gien lặn xấu, do vậy gà có thể vẫn đá tốt, nhưng trên thực tế nó có quá nhiều tính trạng xấu còn ẩn dấu.

    Vâng lai cận huyết gà Peru thì rủi ro hơn lai cận huyết gà Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa rằng không nên làm. Có những nhà lai tạo ở Peru, những người được biết đã lai cận huyết một cách thành công dòng gà của mình. Họ là những chuyên gia, người am hiểu dòng gà của mình qua nhiều năm trời lai cận huyết và tuyển chọn kỹ càng. Người mới chơi nên tránh lai cận huyết gà Peru. Thậm chí còn không nên cản gà Peru. Người mới chơi tốt hơn nên gắn bó với gà chọi Mỹ. Có rất nhiều dòng gà chọi Mỹ xuất sắc nếu bạn muốn cản chúng, khả năng bạn đi sai đường là rất thấp.
     
  11. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Phỏng vấn nhà lai tạo gà Peru - Hoa Kien Phan
    Tôi có vinh hạnh được gặp riêng nhà lai tạo gà Peru bậc thầy Hoa Kien Phan và được tiết lộ những điểm tinh tế trong việc nuôi dưỡng và cản gà Peruvian Navajeros. Vâng, Hoa đến đây trong 10 ngày dưới danh nghĩa khách mời của hội trưởng Tổ Chức Những Nhà Lai Tạo Gà Peru Philippines (PPGBO) Jayson Garces. Và RB Sugbo Gamefowl Technology có cơ hội được đối chiếu với anh những ghi chú về lai tạo, nuôi dưỡng và đá gà Peru.

    [​IMG]
    Hoa trong chuyến viếng thăm Philippines năm 2014.

    Hoa hiện ra trong mắt tôi như là một nhà lai tạo thực sự có-lý-lẽ. Anh hiển nhiên là người yêu chuộng và nhà lai tạo gà Peru đích thực. Cùng với sự phổ biến của gà Peru, chúng ta thường không thể phân biệt giữa những tay lái gà với lái gà ma mãnh. Nhưng Hoa, chàng trai Filipino-Việt Nam ở Tacoma, Washington, Mỹ không thể nào là dân lái gà Peru bởi anh thậm chí còn do dự khi bán chúng ra. Dẫu về sau anh bán một số để cung cấp cho những nơi mà anh gọi là “người mua hàng rất kiên trì”.

    Anh tỏ ra dễ thương khi nói về người Filipino. Anh nói mình sẽ cản ba ngàn đầu gà mùa này và bán chúng cho người Filipino. Nguồn gốc Filipino của Hoa thể hiện mạnh mẽ hơn khi anh nói sẽ dự giải Derby gà Peru PPGBO lần đầu tiên vào năm 2016 chỉ khi nào có người nước ngoài để anh đối đầu. Anh dường như không thích ý tưởng đối đầu với những nhà lai tạo gà Peru người Filipino. Anh cười, khi tôi nói đùa rằng tôi biết một nhà lai tạo gà Peru mà anh muốn đối đầu.

    Hoa từng lai tạo gà Peru trong 15 năm và anh dự định tiếp tục lai tạo chúng đến chừng nào anh có thể. Anh cũng lai tạo gà chọi Mỹ trong nhiều năm trời nhưng loại bỏ hết để tập trung vào gà Peru mà anh coi là rất đặc biệt.

    Trong cuộc thảo luận, chúng tôi đề cập rất nhiều về những con gà đặc biệt này. Tuy nhiên, có vài điểm rất quan trọng mà anh nói với tôi rằng không được tiết lộ với ai khác, đại loại những bí mật kinh doanh. Trong cuộc phỏng vấn trước đó anh nói không có nhiều khác biệt trong việc nuôi dưỡng gà Peru với gà chọi Mỹ. Điều mà anh không nhắc đến trong cuộc phỏng vấn, đó là phương pháp biệt dưỡng gà Peru đá trường của anh thực sự khác biệt với phương pháp biệt dưỡng dành cho gà chọi Mỹ. Cho nên, lần này tôi xin duyệt qua phương pháp của anh:

    Ở mức độ nào đó, sau đây là một vài điều mà tôi được phép viết ra:

    1. Peruvian Navajeros là tên chung của nhiều dòng gà Peru.

    2. Giống như gà chọi Mỹ, có nhiều dòng gà Peru, nhưng gà Peru được biết nhiều dưới tên nhà lai tạo hơn là tên dòng gà.

    3. Sẽ rất nguy hiểm khi cận huyết gà Peru. Nếu bạn muốn lai tạo một dòng gà Peru nhất định, bạn nên kiếm gà giống từ những nhà lai tạo khác nhau. Trong trường hợp của Hoa, anh giữ nhiều dòng gà nhất định mà anh có thể tiếp tục tạo ra dòng thuần mà không phải lai cận huyết.

    4. Peruvian Navajeros bắt nguồn từ 7 giống gà khác nhau.

    5. Nếu xét đồng chạng thì gà Peru mạnh hơn và nhanh hơn gà chọi Mỹ.

    6. Vệ sinh rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng gà Peru. Rất nhiều nước sạch và thức ăn bổ dưỡng nữa.

    7. Gà Peru nên được chăn thả nơi đủ rộng rãi, không nên nuôi trong lồng hay nơi chật hẹp như có người cố vẽ vời. Gà Peru nuôi ở những nơi đó sẽ không lớn đến kích thước tối đa.

    8. Tốt nhất nên lai đơn gà Peru. Trống giống rất kén chọn mái. Khi lai bầy (flock mating) trống Peru chỉ chịu đạp một vài con mái yêu thích và có thể giết số còn lại.

    9. Tốt nhất nên để mồng bởi trống giống không nên tỉa. Mái cũng kén chọn như trống, cái mồng giúp gà trống hấp dẫn hơn đối với con mái.

    10. Phương pháp biệt dưỡng gà Peru không hề giống với gà chọi Mỹ. Theo Hoa, biệt dưỡng gà Peru mất 21 ngày như sau: bảy ngày đầu gà được nhốt vào lồng (cage). Bảy ngày kế tiếp gà được thả vào lồng bay và chạy nhảy để luyện tập. Bảy ngày sau cùng lại đưa trở về lồng. Hoa chỉ cho gà ăn các loại hạt trong toàn bộ quá trình biệt dưỡng. Không dùng thức ăn viên (pellet). Về chất bổ, anh chích B12, tổng cộng 1 ml chia làm 3 liều chích mỗi tuần. Anh không thay đổi trạng thái tự nhiên của chiến kê. Anh không làm tăng hay giảm cân, ướt hơn hay khô hơn vào ngày thi đấu. Cơ thể, trọng lượng, trạng thái và hầu hết những khía cạnh khác của gà đều được giữ nguyên vào ngày thi đấu.

    [​IMG]
    Một cá thể gà Peru đẹp xuất xứ từ trại Peruvian HKP Gamefarm của Hoa.
     
  12. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Phỏng vấn trước đó
    Gà Peru đã hiện diện ở Philippines. Một nhóm gọi là Tổ Chức Những Nhà Lai Tạo Gà Peru Philippines (PPGBO) đã được thành lập để phát triển phong trào nuôi gà Peru. Rồi bạn sẽ thấy thật nhiều gà Peru xuất hiện.

    Gà Peru có kích thước ngoại cỡ. To lớn, một số con to đến 5 kg hoặc thậm chí hơn, nhưng chúng vẫn đá như những con gà bình thường hay một số thậm chí còn đá hay hơn. Giá trị chính của chúng là ở khả năng bay cao, dẫu to và nặng, và chúng đâm tốt với cú bật sâu chân.

    “Gà Peru có kỹ năng riêng của chúng – nhanh, mạnh và đâm tốt” Hoa Kien Phan, một nhà lai tạo gà Peru uy tín nói với tạp chí Roosterman.

    “Dĩ nhiên chúng là loại gà đặc biệt nhưng không đòi hỏi việc chăm sóc đặc biệt” anh nói thêm. Hoa tiết lộ việc chăm sóc gà Peru cũng tương tự như gà chọi Mỹ. Anh nói “Tôi cho gà uống vitamin và thuốc bổ; tẩy giun mỗi một hay hai tháng; cung cấp chuồng trại sạch sẽ; giữ khay nước luôn sạch sẽ và luôn châm đầy nước”.

    Theo Hoa, người từng lai tạo gà Peru trong 15 năm, gà trưởng thành được cho ăn 2 lần mỗi ngày. Gà con luôn được cho ăn no.

    Hoa là một chàng trai Filipino-Việt Nam, người sống và cản gà Peru ở Tacoma, Washington, Mỹ. Anh nhập khẩu các dòng gà của mình từ Peru. Những dòng yêu thích của anh bao gồm Tuco, Sifuente, El Rincon và El Salvador.

    [​IMG][​IMG]
    Hoa sở hữu nhiều dòng gà Peru. Các hình trên là gà vàng chanh (lemon) thuộc dòng Tuco và xám mã lại thuộc dòng El Salvador. Anh nhận được rất nhiều đơn hàng từ Philippines.

    Ở Peru, nghe nói các nhà lai tạo không áp dụng lai cận huyết. Họ thường pha bởi tin rằng lai cận huyết làm suy yếu gà. Hoa đồng ý với điều này và nói với Roosterman rằng anh không cận huyết gà Peru. Anh nói “Không, tôi không cận huyết gà của mình. Chúng sẽ trở nên bệnh và yếu và điều đó sẽ khiến tôi phải chăm sóc cực nhọc hơn, mất nhiều thời gian và công sức”.

    Hoa cản gà Peru thuần bằng cách pha giữa các dòng gà của mình hoặc cản những cá thể cùng dòng nhưng có quan hệ xa. Anh nói “Lai cận huyết không tốt. Tôi gặp nhiều rắc rối vì chúng”.

    Hoa nói với tạp chí Roosterman rằng anh muốn chia sẻ những dòng gà Peru tốt nhất của mình với người Filipino. Anh cũng lập kế hoạch viếng thăm quê mẹ thường xuyên hơn. Hiển nhiên, anh sửa soạn để tham dự giải Derby gà Peru do PPGBO tổ chức ở Cebu, Philippines vào khoảng tháng 5 hay 6 năm 2016.

    Trại Peruvian HKP Gamefarm ở Tacoma, Washington, Mỹ.
    [​IMG]


    ========================================


    Còn một bài nữa "Gà Peru: thử thách lớn lao" cùng một tác giả Rey Bajenting. Thực ra ở ta, chẳng ai buồn lai tạo gà Peru làm gì, chỉ pha với gà nòi Việt để tạo ra chiến kê đá trường. Trên thực tế, thông tin về gà Peru rất nhiều, thậm chí còn có vài cuốn sách viết về chúng, tuy nhiên tất cả đều bằng tiếng Tây Ban Nha nên phần còn lại của thế giới đành bó tay. Trong tài liệu mà chúng tôi có người ta dùng Google Translate chuyển đổi cả tấn thông tin. Nhưng như các bạn đã biết, đọc những thứ này rất rất mệt. Chuyên đề gà Peru đến đây tạm thời kết thúc. Những ai muốn tìm hiểu thêm có thể vào đây: http://gallospedragliofarm.com/articulos.htm
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/3/15
  13. bettabl

    bettabl Active Member

    Có bài nào phân tích sâu về nhược điểm của gà Peru không anh Đ
     
  14. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hi L, gà Peru có hai ưu điểm là bật cao và đâm tốt, cụ thể là đá gác (angat), một quan niệm của người Phi, đại loại đá sao cũng được nhưng lúc nào cũng phải trên chân đối phương. Dường như những đặc điểm khác không thể bằng gà Mỹ. Chưa thấy tác giả phân tích 4 nhược điểm chính bao gồm những gì. Những gì mà L quan tâm dường như đã được trả lời trong bài. Chẳng hạn chỉ nên lấy trống Peru để pha vào gà Việt, rồi chỉ nên pha với tỷ lệ 1/4, 1/8 và 1/16 mà thôi (gà lai Peru đâm ra lại có giá hơn vì pha tiếp tiết kiệm thời gian).
     
  15. bettabl

    bettabl Active Member

    Vì em đang dùng mẹ Việt biết đá lông với trống cha 50% Peru 50% Mỹ hy vọng bay nạp giống cha, gay cựa giống mẹ. Còn mái 50% Peru 50% Mỹ nạp-chà-cựa tốt nhưng không biết nắm lưng đá đang phân vân chưa dám đổ với dòng nào.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/3/15
  16. HitrungFH

    HitrungFH Active Member

    Ghi nhận về gà Pêru trên thực tế:
    Vài năm gần đây hầu hết những người đổ gà Peru tại địa phương mình chuyển từ niềm háo hức ban đầu sang thất vọng rồi chán nản

    Vì sao vậy?

    Gà mua giá rất cao, nhưng khi những chiến kê trưởng thành có tên Pê ru ra trường đấu hầu hết đều chiến bại.

    Anh L làm thanh tra giao thông ở Kế Sách, Sóc Trăng nhập gà giống Peru về đổ bán gà con rất nhiều, nhưng kết quả thì ..... Qua 2 năm rồi
    Năm nay, tại Sóc Trăng, có một chiến kê 3,7kg (mới mùa đầu) thắng 4 độ tiền lớn lên sổ 50ch, độ thứ 4 là thắng con gà ế độ ăn 2 mùa từ Cù Lao đem qua, con này nó nhanh như tên lửa và đá cựa nghiệt vô cùng, anh em cùng bầy của nó có 1 con cũng trên 4kg không đi đá được vì quá chạn
    Chiến kê này ở gần nhà mình, chủ nó mua lại nó từ độ thứ 2
    Theo quan sát của tôi (nếu đúng ) con này có máu Pê ru khoảng 25% chân xanh đen, lông xanh hoe, mắt đen + vàng bông, lông chấp sát, thịt vàng đen loang lổ, mặt hơi lọ
    Phải chăng là lúc gà Pe ru lai máu nổi lên ?
    Anh em nào chơi gà muốn biết cứ hỏi thăm anh em đá gà ở Sóc Trăng con gà xanh lớn kí của ông D- bán xe ở Mỹ Xuyên là biết liền ( ông này đi đá gà bị bắt hôm 11/3 có lên 60s của ANTV )
     
  17. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cám ơn T đã chia sẻ. Giang hồ đồn đãi cản gà Peru giống như mua vé số, khả năng trúng không cao. Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực thì gà lai Peru không bị đòi chấp bạc như gà lai Mỹ!

    Sau khi đọc kỹ, mình thấy có bốn nhược điểm sau (một hai cái có thể không phải là vấn đề ở Việt Nam):

    *Gà Peru lớn con: tốn nhiều thức ăn dẫn đến chi phí sản xuất cao và phải giảm chạng gà mới có thể tham gia vào các giải Derby hiện hữu ở Philippines.

    *Không có dòng gà: các sư kê Peru luôn luôn pha, tránh cận huyết. Các tính trạng tốt không được lọc lựa và cô lập dưới dạng đồng hợp tử (tức mang tính trội). Khả năng cản ra bầy con chất lượng cao, đồng đều là rất thấp. Chọi gà là một ngành công nghiệp ở Philippines, có những trại cản hàng ngàn đầu gà mỗi năm và hiệu quả sản xuất là điều phải tính đến.

    *Có thể lẫn máu rót và không phù hợp với cựa tròn: rõ ràng gà Peru không được cản theo hướng “gan lỳ” bởi đặc trưng của thể loại đá cựa. Cựa dao Phillippines (long knife/tari), vào đâm ra cắt, có tính sát thương rất cao so với cựa tròn (gaff). Cựa dao Peru (navaje) còn to và dài hơn so với cựa dao Philippines. Gà Mỹ tại Philippines và gà Peru đều được ưu tiên cản theo hướng hạ thủ cấp kỳ! Cái gọi là "đâm tốt" trong thể loại cựa dao dài có thể là chưa đủ nghiệt đối với thể loại cựa tròn, bởi vậy con gà có thể đá ầm ầm mà không hạ sát được đối phương.

    *Nhược điểm về hình lông: đầu to, lưng gù, một số con cổ rất dài, một số con cổ to mập, bàn chân to, lông xấu, thậm chí một số bị trụi lông .v.v. (chưa rõ ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến lối đá).
     
  18. bettabl

    bettabl Active Member

    Theo kinh nghiệm đổ gà "máu rót" của gà trống con do di truyền từ mẹ chớ không phải từ cha phải không anh Đ
     
  19. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Chủ đề "gan lỳ" được rất nhiều sư kê đề cập nhưng mình chưa nghe ai nói như vậy hết.
     
  20. carom

    carom Active Member

    Vấn đề ở đây là gà anh nhóng nhóng, chân nhỏ nhỏ, mặt, cánh dài dài, đuôi nhổng nhổng đều bị bắt là gà lai hết, còn lai gì thì 1 lúc sau hàng xáo nó đá là biết lai peru hay lai mỹ liền àh a^^. Dân hàng xáo cơm gạo nó nhìn gà ghê lắm a ơi.
    @ to a Trung: e nghĩ peru châm 1 tý máu thôi, cỡ 25 đổ lại để lấy xương cốt, gân lực là ok. Châm nhiều quá nó kg thèm đâm nữa^^
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội