Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Lai tạo cá bắp nẻ xanh – Lược sử

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 22/7/16.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Lai tạo cá bắp nẻ xanh – Lược sử
    Craig A. Watson - http://www.reef2rainforest.com

    Craig A. Watson, Giám đốc Tropical Aquaculture Laboratory [Phòng Thí Nghiệm Thủy Sản Nhiệt Đới], Đại Học Florida, tóm tắt hành trình 6-năm để cho ra đời con cá bắp nẻ xanh (Pacific Blue Tang) Paracanthurus hepatus đầu tiên trên thế giới.

    bluetang1.jpg
    Lứa bắp nẻ xanh đầu tiên ở 55 ngày tuổi.

    Cá bắp nẻ xanh Paracanthurus hepatus là loài cá biểu tượng của các rạn san hô vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Dẫu dồi dào và phân bố rộng khắp vùng, có một cơ hội rõ rệt cho các trại cá để khởi sự nuôi loài cá này bởi nhu cầu tiêu thụ và giá thành cao. Khó thấy thủy cung hay nhà buôn bán cá biển nào mà không có bắp nẻ xanh. Luôn có sự quan tâm đối với việc khai thác cá ngoài tự nhiên và có rất nhiều bộ sưu tập loài cá này. Tuy nhiên, như nhiều loài cá biển khác, chưa ai từng lai tạo nó thành công trong môi trường nuôi dưỡng.

    2.jpg
    Trứng cá bắp nẻ xanh (Paracanthurus hepatus) được thu hoạch tại Tropical Aquaculture Lab. Đường kính trứng gần 750 um [<1 mm]. Các giọt lipid [mỡ] nằm lệch tâm.

    Hơn 6 năm trước, tôi gặp tiến sĩ Judy St. Leger ở SeaWorld Busch Gardens để bàn về chương trình Rising Tide Conservation [Bảo Tồn Triều Dâng]. Chương trình này có mục tiêu phát triển kỹ thuật sinh sản cho các loài cá cảnh biển, và cá bắp nẻ xanh nằm ở vị trí cao trong danh sách. Sau khi đồng ý, Tropical Aquaculture Lab thuộc Đại Học Florida đưa về nhóm cá giống tiềm năng đầu tiên từ một tổng đại lý địa phương vào mùa hè năm 2012 và bắt đầu dưỡng chúng trong nhà vườn (greenhouse) để sinh sản. Việc đẻ trứng hóa ra dễ hơn suy nghĩ ban đầu, với việc cá thường xuyên xả hàng ngàn cái trứng nổi bé xíu vào lúc chập tối, mà chúng tụ trên mặt nước qua đêm và được vớt bằng vợt vào buổi sáng. Việc ấp nở dường như cũng dễ, và xảy ra vào tối hôm sau. Từ đây mọi việc mới thực sự khó khăn!

    Cá bắp nẻ mới nở chỉ dài dưới 2 mm, không có mắt và miệng, và được để trôi dạt trong hai ngày kế tiếp trong khi chúng tiêu thụ noãn hoàng. Trong thời gian đó, chúng phát triển mắt và miệng. Nếu thức ăn cho cá cha mẹ không đúng, thì noãn hoàng sẽ không đủ nhiều hay không đạt chất lượng để ấu trùng vượt qua. Chất lượng nước, kể cả nhiệt độ, là quan trọng, và nếu có gì đó không đúng thì chúng có thể biến mất trong vòng một giờ. Nhưng nhóm đã giải quyết được, và tỷ lệ sống đến ngày thứ 4 đạt 80% hay hơn.

    3.jpg
    Ấu trùng cá bắp nẻ xanh (Paracanthurus hepatus) 5 ngày sau khi nở. Dài gần 3 mm (kích thước nguyên sống – notochord length). Noãn hoàng tiêu thụ hết; mắt, miệng và cơ quan tiêu hóa phát triển.

    Khi chúng bắt đầu ăn, như hầu hết các loài cá, thức ăn của bắp nẻ xanh bị giới hạn bởi kích thước há miệng của chúng, và trong trường hợp này thức ăn chỉ có kích thước khoảng 40-50 um. Nó còn nhỏ hơn một cái chấm (.) ở đây. Không ai biết chắc ấu trùng cá bé xíu ăn thứ gì, bởi vậy bước kế tiếp là xem chúng ăn gì? Với kích thước chỉ hơn 2 mm, một sai sót nhỏ về thức ăn cũng khiến chúng chết trong vòng vài ngày hay thậm chí vài giờ. Nhiều nhà nghiên cứu chứng tỏ rằng chân kiếm (copepod) là khẩu phần chính của nhiều loài cá biển, và rằng ấu trùng cá bé xíu nhắm đến ấu trùng chân kiếm mới nở, gọi là nauplii. Vì vậy, một khía cạnh khác của nghiên cứu trở nên cấp thiết – làm thế nào để tạo ra hàng triệu ấu trùng chân kiếm mới nở, bé xíu.

    Hơn bốn năm sau đó, một nhóm gồm các nhà khoa học thuộc Tropical Aquaculture Laboratory [Phòng Thí Nghiệm Thủy Sản Nhiệt Đới], UF Indian River Research and Education Center [Trung tâm Giáo Dục và Nghiên Cứu Sông Indian], và Oceanic Institute of Hawaii Pacific University [Viện Hải Dương Học thuộc Đại Học Hawaii] bắt đầu hợp tác về cá bắp nẻ xanh (Pacific Blue Tang), cá chim dù vàng (Yellow Tang) và những loài khác, tất cả dưới ngọn cờ của chương trình Rising Tide Conservation [Bảo Tồn Triều Dâng]. Mặc dù đạt được một số kết quả hứa hẹn, nhóm giỏi nhất chưa bao giờ giữ được con bắp nẻ xanh nào sống quá 24 ngày tuổi. Mỗi lần nhóm nghĩ rằng họ vừa phát hiện điều gì đó, thì bức tường lại hiện ra, hay vấn đề khác xuất hiện.

    4.jpg
    Ấu trùng bắp nẻ xanh (Paracanthurus hepatus), 19 ngày sau khi nở. Dài gần 5 mm. Giai đoạn ấu trùng sớm (preflexion state) – thể hiện các gai vây lưng và vây bụng. Gai vây hậu môn đang hình thành. Thân to ra.

    Vào cuối năm 2015, tiến sĩ Chad Callan và nhóm của mình ở Hawaii đã thành công trong việc lai tạo những con cá chim dù vàng đầu tiên. Với sự gần gũi giữa hai loài, Đại Học Florida gửi một trong những nhà sinh học, Kevin Barden, đến để xem họ làm như thế nào. Sau chuyến viếng thăm, các tiến sĩ ở Đại học Florida gồm Matthew DiMaggio và Cortney Ohs tập hợp nhóm lại và một chiến lược được đề ra nhằm tái hiện quy trình với cá bắp nẻ xanh ở hai cơ sở.

    Ô kìa… Trong lúc đó, hãng Disney và Pixar công bố phần tiếp theo của phim Finding Nemo sẽ được phát hành vào mùa hè năm 2016, và nhân vật chính là Dory, một nàng bắp nẻ xanh. Như phần đầu, bộ phim được mong đợi sẽ gây ra hiệu ứng tăng vọt về doanh số cá biển, nhất là nhân vật chính. Cuộc đua đã bắt đầu!

    Như nhiều cuộc nghiên cứu thành công khác, nhóm của hai nhà sinh học thuộc Đại Học Florida – Eric Cassiano và Kevin Barden – chỉ mới bắt đầu làm việc cùng nhau để khiến nó xảy ra. Họ không hề đơn độc, mà làm cùng khoa, những sinh viên tốt nghiệp, và nhân viên khác, nhưng vào cuối tháng năm, chỉ vài tuần trước khi phim Fiding Dory ra mắt, họ mới bắt đầu chạy đua với việc cho ra mắt những con bắp nẻ xanh đầu tiên. Hy sinh các ngày cuối tuần và ngày nghỉ, hai người tạo ra cả đống chân kiếm và những thức ăn tươi sống khác, quản lý chất lượng nước, cho ăn, ánh sáng và những thứ khác gần giống với những gì xảy ra ở Hawaii. Ngày tháng trôi qua, cá bắt đầu bơi lội và tăng trưởng chưa từng thấy.

    5.jpg
    Ấu trùng bắp nẻ xanh (Paracanthurus hepatus), 29 ngày tuổi. Dài gần 6 mm. Thể hiện gai vây hậu môn. Dễ thương như nút áo!

    6.jpg
    Bắp nẻ xanh (Paracanthurus hepatus), 33 ngày tuổi. Dài gần 6 mm. Cơ thể phát triển liên tục. Màu đen nổi rõ ở gốc đuôi.

    Ở 40 ngày sau khi nở, cá bắt đầu tụ tập dưới đáy, và trông giống như các bản sao thu nhỏ của cha mẹ, nhưng chưa có màu. Vào ngày thứ 51, nàng “Dory” nhỏ được chụp hình, không phải ở rạn san hô Thái Bình Dương, mà ở nhà vườn tại Ruskin, Florida.

    7.jpg
    Cá bắp nẻ xanh (Paracanthurus hepatus) non – 55 ngày tuổi. Dài gần 25 mm (hơi nhỉnh hơn đồng 25 cent). Màu đen và xanh dương bắt đầu lên. Vẫn chưa có màu vàng.

    Công việc vẫn chưa hoàn tất, bởi thành công thực sự còn phụ thuộc vào việc các nhà sản xuất thương mại có tái hiện được những gì Đại Học Florida đã làm hay không. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức ngày nay đã ít đi, khi biết chắc là làm được. Những gì mà chúng ta học hỏi được từ thành công này mang lại cho mọi người hy vọng rằng điều đó có thể lặp lại khi cặp cá cha mẹ đẻ lần nữa, và rằng lần sau chúng ta sẽ làm tốt hơn. Khi tôi đang viết bài, tiến sĩ Ohs và đội của mình tại Indian River Research and Education Center có một bầy hai tuần tuổi và vẫn đang phát triển. Có thể làm được!

    =================================================

    Ghi chú

    *Cá bắp nẻ xanh Paracanthurus hepatus, còn gọi là cá đuôi gai xanh, thuộc họ cá đuôi gai Acanthuridae (surgeonfish); mà đặc điểm chung là có một hay nhiều gai ở gốc đuôi. Đây loài cá cảnh phổ biến, phân bố rộng khắp vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Theo Wikipedia, cá có nhiều tên gọi khác nhau như Regal Tang (đọc là “ting”), Palette Surgeonfish, Blue Tang (dễ nhầm với loài cá đuôi gai ở Đại Tây Dương Acanthurus coeruleus), Royal Blue Tang, Hippo Tang, Flagtail Surgeonfish, Pacific Regal Blue Tang và Blue Surgeonfish.

    *Nàng cá Dory trong bộ phim Finding Dory (phần tiếp theo của Finding Nemo) chính là một con cá bắp nẻ xanh!

    *Theo FishBase, họ cá đuôi gai Acanthuridae ở Việt Nam có 5 chi và tổng cộng 35 loài. Các tên tiếng Việt được lấy theo FishViet.

    Tên khoa họcTên tiếng AnhTên tiếng Việt
    Acanthurus achillesAchilles tangCá mặt khỉ đốm đỏ
    Acanthurus albipectoralisWhitefin surgeonfish-
    Acanthurus auranticavusOrange-socket surgeonfish-
    Acanthurus blochiiRingtail surgeonfish-
    Acanthurus dussumieriEyestripe surgeonfish-
    Acanthurus grammoptilusFinelined surgeonfish-
    Acanthurus leucopareiusWhitebar surgeonfish-
    Acanthurus lineatusLined surgeonfishCá đuôi gai bá tước
    Acanthurus maculicepsWhite-freckled surgeonfish-
    Acanthurus mataElongate surgeonfish-
    Acanthurus nigricansWhitecheek surgeonfishCá giềng mặt nạ đuôi trắng
    Acanthurus nigricaudaEpaulette surgeonfish-
    Acanthurus nigrofuscusBrown surgeonfishCá bắp nẻ nâu
    Acanthurus nigrorisBluelined surgeonfish-
    Acanthurus olivaceusOrangespot surgeonfish-
    Acanthurus pyroferusChocolate surgeonfishCá bắp nẻ vàng
    Acanthurus thompsoniThompson's surgeonfish-
    Acanthurus triostegusConvict surgeonfishCá bắp nẻ sọc
    Acanthurus xanthopterusYellowfin surgeonfish-
    Ctenochaetus binotatusTwospot surgeonfish-
    Ctenochaetus hawaiiensisChevron tang-
    Ctenochaetus striatusStriated surgeonfish-
    Ctenochaetus strigosusSpotted surgeonfish-
    Ctenochaetus tominiensisTomini surgeonfish-
    Naso annulatusWhitemargin unicornfish-
    Naso brevirostrisSpotted unicornfish-
    Naso hexacanthusSleek unicornfish-
    Naso lituratusOrangespine unicornfishCá mặt khỉ gai cam
    Naso unicornisBluespine unicornfish-
    Naso vlamingiiBignose unicornfish-
    Paracanthurus hepatusPalette surgeonfishCá bắp nẻ xanh
    Zebrasoma flavescensYellow tangCá chim dù vàng mỏ nhọn
    Zebrasoma scopasTwotone tangCá chim dù nâu
    Zebrasoma veliferSailfin tangCá chim dù sọc
    Zebrasoma xanthurumYellowtail tangCá chim dù tím
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/6/17
    nhungtthh thích bài này.

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội