Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Một câu chuyện ngắn về cá chọi Indonesia (Precha)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá đá - cá chọi' bắt đầu bởi dthong, 19/3/14.

  1. dthong

    dthong Moderator

    Một câu chuyện ngắn về cá chọi Indonesia
    Precha Jintasaerewonge - http://www.plakatthai.com/indonesianfightingfish.html

    Giới Thiệu:
    Tôi đã tới thăm thành phố Medan, Indonesia vào ngày 19 – 24 tháng Bảy, 2012. Mục đích của chuyến viếng thăm là để thu thập dữ kiện cho dự án nghiên cứu của tôi và tôi mong học hỏi về hoạt động đá cá ở Indonesia và sự khác biệt của nó so với các quốc gia khác mà tôi từng viếng thăm. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về cá chọi Indonesia từ những người bán cá chọi Thái. Họ gọi chúng là “Plakat Indo”. Họ nói rằng Plakat Indo có vảy rất chắc, răng rất sắc và nhìn tương tự như cá chọi Mã Lai và vân vân. Tôi chưa từng gặp cá chọi Indonesia và nó trông thế nào. Mọi thứ mà tôi nghe chỉ là những lời quảng cáo. Một nguồn khác về đấu ngư Indonesia là từ một người bạn Indonesia qua ICQ chat 10 năm về trước. Anh ta đề cập tới cá chọi “Bagan”. (Tiếc thay vào lúc đó mối quan tâm của tôi về cá chọi bên ngoài Thái Lan rất nhạt nhòa. Tôi nghĩ đó chẳng qua là tên của một bầy cá chọi ở Indonesia mà dân chơi nói đến nhiều và khiến nó trở thành hùng ngư huyền thoại). Anh bảo tôi rằng cha anh nói cá Bagan là đấu ngư rất gắt. Không cá chọi nào ở Indonesia có thể sánh với đấu ngư Bagan này. Ngày nay anh không thể tìm ra cá Bagan nữa. Thông tin này làm nảy sinh sự quan tâm trong tôi về cá chọi Indonesia hơn là lời lẽ từ các tay bán cá Thái. Anh ta bảo tôi rằng có nhiều điểm tốt về đấu ngư Bagan. Điều rất tự nhiên và bình thường khi một người cảm thấy tự hào về đất nước mình và đấu ngư của nó. Gần đây, tôi lại nghe nói về cá Bagan từ một trang bán cá trên Internet có tên cá chọi “Super Bgan”. Thông tin vững chắc này khuyến khích tôi đặt ngày cho chuyến đi của mình đến Indonesia.

    Bài viết này không nhằm phán xét các tuyên bố ở trên dẫu chúng đúng hay sai mà thay vào đó tôi chỉ muốn tự chứng kiến hoạt động thực sự của các tay chơi cá chọi Indonesia. Tôi cũng mong có dịp để trao đổi kiến thức và tham gia nhóm thảo luận với các nhà lai tạo ở đây về cá chọi và họ đang đợi tôi.

    Medan nằm ở Bắc Sumatra, người chơi ở đây có thể đại diện cho hoạt động đá cá ở Indonesia. Có nhiều trường cá và nhà lai tạo ở Medan vốn cung cấp cá chọi cho nhiều người chơi tại các tỉnh khác ở Indonesia. May thay, Mr. Remon, một nhà lai tạo cá chọi ở Medan và thành viên của diễn đàn bettafighting.com giúp thực hiện kế hoạch của tôi bằng cách đồng hành cùng tôi trong chuyến đi này. Không có anh, bản báo cáo này sẽ không thể tồn tại.

    Các tay chơi Indonesia gọi cá chọi đuôi ngắn là “Katong”, vốn bảo tồn từ gốc tương đương với “fighting fish” hay “Plakat” trong tiếng Thái, “Cá Chọi” trong tiếng Việt, “Ta Yuw” [Đả Ngư打漁] trong tiếng Quảng Đông, tất cả đều có nghĩa “cá chọi”, tức là việc sử dụng cá chọi như một trò giải trí được chấp nhận rộng rãi ở vùng Đông Nam Á. “Siamese fighting fish” là thuật ngữ người phương Tây dùng để chỉ tới “cá chọi của Xiêm”. Thuật ngữ này ám chỉ quan hệ có phần xa cách giữa người nói và đối tượng mà anh nói tới, “cá này đến từ Xiêm”. Việc sử dụng thuật ngữ tương tự này để nói đến điều gì đó là quan trọng bởi nó ám chỉ khoảng cách về nhận thức của người nói với một đối tượng. Vì cá chọi không tồn tại trong đời sống hàng ngày của họ mà đến từ nơi khác.

    Qua việc sử dụng ngôn ngữ tôi có thể nói rằng, có hai khái niệm về cá chọi ở Đông Nam Á. Một, chúng là cá chọi thuần dưỡng mà người địa phương biết đến trong đời sống hàng ngày và đặt tên cho đấu ngư của mình bằng ngôn ngữ địa phương. Khái niệm kia, đây là cá ngoại nhập và chúng được đặt tên bằng việc chỉ đến nguồn gốc xuất xứ chẳng hạn như “Ikan Siam” trong tiếng Indonesia cho cá đuôi dài và “cá Xiêm” trong tiếng Việt cho cá chọi đuôi ngắn vốn được nhập từ Xiêm giống như người phương Tây gọi chúng là “Siamese fighting fish”. Ý tưởng về cá chọi nhập từ Thái Lan để cải thiện chất lượng đấu ngư địa phương được dễ dàng chấp nhận bởi các tay chơi địa phương cho dù họ đã có sẵn cá chọi địa phương, và bởi vì họ đã có nền tảng riêng về tập quán chọi động vật. (Người Hong Kong, Trung Quốc, Việt Nam, Mã Lai và Singapore đã quen với việc dùng dế và chim để chọi như là thú giải trí của mình bên cạnh cá chọi nói chung).

    Câu chuyện về cá chọi Indonesia bắt đầu từ một sáng tạo về việc dùng imbellis hoang để đá bởi các nông dân trong nhóm bạn và dần dà đi đến Katong (Plakat Thái) khi họ nhận ra rằng đấu ngư thuần dưỡng ngoại nhập gắt hơn nhiều so với đấu ngư có sẵn ngoài thiên nhiên hay imbellis. Nền tảng kiến thức thực tế này là đủ để các tay chơi và nhà lai tạo Indonesia phát triển dòng đấu ngư riêng của mình được nhập từ các nguồn tốt hơn.

    Qua liên kết địa lý, văn hóa và tự nhiên, theo suy nghĩ ban đầu của tôi, cá chọi ở Indonesia có thể được giới thiệu bởi các tay chơi Mã Lai hay một số tay chơi vốn chuyển đến Indonesia từ Mã Lai. Việc giới thiệu cá chọi vào Indonesia này có thể xảy ra khoảng 100 năm trước. Giai đoạn giao thương đường biển này được thúc đẩy bởi sự thuộc địa hóa của phương Tây trong hải trình rất đông đúc. Thuyền bè trong giai đoạn này không chỉ mang hàng hóa giá trị và gia vị mà còn dân bản xứ những người chơi cá chọi trên tàu buôn. Họ là nhân công trên tàu hay dân di cư những người đang tìm kiếm niềm hy vọng mới.

    Tuy vậy giả định ở trên của tôi đã sai sau vài cuộc phỏng vấn với một số tay chơi cao tuổi. Họ đều nói một bề rằng cá chọi Indonesia được du nhập thẳng từ Thái Lan và giai đoạn khởi đầu của nó vào cùng một giai đoạn mà các tay chơi Mã Lai bắt đầu chơi cá chọi và giai đoạn đó vào khoảng cuối thế kỷ 19. Thị trấn đầu tiên ở Indonesia bắt đầu đá cá là Bagansiapiapi, một làng chài Hoa kiều vốn di cư từ phía nam tỉnh Songkhla của Thái Lan để định cư ở Bagansiapiapi vào năm 1878. Tỉnh Songkhla là một trong những nơi có hoạt động đá cá sôi nổi nhất ở miền nam Thái Lan và cũng đóng vai trò như là cửa ngõ trao đổi cá chọi giữa Thái Lan và Mã Lai trong một thời gian dài. Sau đó người Hoa ở Bagansiapiapi chuyển tới Teluk Gong, một thị trấn ở Jakarta, một trong những địa điểm chơi cá tấp nập nhất ở Indonesia. Từ đó [câu chuyện về] cá chọi Xiêm ở Indonesia bắt đầu.

    Bắt Đầu:
    Câu chuyện về cá chọi ở Indonesia cũng giống như Thái Lan. Từ một cuộc phỏng vấn với các tay chơi imbellis già ở một làng chài và làm nông tại ngoại ô Medan, dân làng vẫn chơi imbellis hoang hơn 100 năm qua hay ngày bắt đầu không rõ kể từ thời tằng tổ, từ ông nội truyền đến ông già bây giờ. Câu chuyện bắt đầu từ một người nông dân thấy Betta imbellis hoang đá trong vết chân trâu ngoài đồng mà anh đang làm việc. Tò mò anh bắt vài con về nhà, thả chúng vào keo thủy tinh và quan sát bản chất hung dữ sừng sộ của chúng và tích cực phùng xòe với con ở keo bên cạnh. Vì vậy họ để chúng đá như họ thấy chúng đá ngoài đồng. Quá trình thách đấu giữa bạn bè có thể bắt đầu vào lúc này khi họ muốn biết cá mình có đá tốt hơn cá của bạn. Thói quen cờ bạc và thách đấu là phổ biến ở hầu hết đàn ông Đông Nam Á.

    Ikan Laga, Cá Chọi imbellis Hoang Dã:
    Các tay chơi Medan gọi cá chọi imbellis hoang dã là “Ikan Laga” nghĩa là cá chọi. Với việc sử dụng ngôn ngữ Bahasa Indonesia mà không vay mượn từ “Xiêm” như thuật ngữ phương Tây “cá chọi Xiêm”. Chúng ta có thể nói rằng người chơi Indonesia tự biết dùng Betta imbellis hoang dã để đá và không được giới thiệu từ các tay chơi Thái. Việc chơi cá chọi đã được biết và là một trò phổ biến của nông dân ở bán đảo Mã Lai từ thời tằng tổ mà không biết ngày bắt đầu. Như vậy mầm mống của việc chơi cá chọi phức tạp đang đợi sẵn ở đó vốn dễ dàng được chấp nhận khi cá chọi Xiêm thuần dưỡng được giới thiệu vào hệ thống của họ.

    Trường imbellis nằm bên trong một làng chài, cách thành phố Medan 25 km về hướng đông bắc. Trường bắt đầu vào sáng muộn mỗi ngày hay khi các tay chơi đã hoàn tất công việc hàng ngày của mình. Mọi người chậm rãi tụ tập tại khu vực công cộng trong làng, người già, người trẻ và con nít. Trường đấu trở thành sân chơi cho mọi độ tuổi trong làng đến và tham gia vào các hoạt động và giải trí. Như các nước khác, người chơi cá chọi toàn là đàn ông vốn thích thách cược và trò phấn khích. Các tay chơi đem theo cá chọi imbellis trong hũ tròn nửa lít và đặt nó dưới mái che nhỏ hoặc bóng cây.

    Họ nói chuyện và thảo luận về cá chọi, và cáp sơ và thách cược khi một trận được dàn xếp. Phương pháp cáp đang dùng cả hai lối quan sát, từ phía trên hay mặt bên của hũ. Phương pháp cáp bằng cân điện tử vốn có vẻ được sử dụng rộng rãi bởi các tay chơi cá chọi Xiêm thuần dưỡng có thể không áp dụng cho imbellis hoang dã bởi vì con cá nhỏ xíu có thể vô tình nhảy ra khỏi vợt hay tỷ lệ trọng lượng của cá với một mini-gram có thể ảnh hưởng mạnh đến kích thước khác biệt của cá. Một khi sự đồng thuận về cáp đá giữa cả hai tay chơi được thiết lập, một đấu ngư được bỏ vào hũ kia; nắp hũ đá được đậy bởi một miếng nhựa cứng và sẽ được mở ra khi trận đấu kết thúc hoặc chủ cá chịu thua đối thủ. Keo đá được di chuyển nhẹ nhàng và đặt trên một kệ dưới bóng cây và rồi trận đấu bắt đầu. Người chơi và cổ động viên ngồi quanh keo nhưng giữ khoảng cách một hay hai mét. Việc này để tránh đấu ngư hoảng sợ bởi sự ồn ào của các tay chơi hay phản chiếu ánh sáng từ thuốc lá. Thời gian thi đấu nhìn chung mất 30 phút nhưng một số tay chơi bảo nó có thể mất hơn 60 phút.

    Từ các cuộc phỏng vấn sâu rộng của mình, tôi thấy rằng cá chọi imbellis mà các tay chơi sử dụng là cá lai mà nhà lai tạo thả splendens thuần dưỡng vào cùng ao với imbellis hoang dã và để chúng pha (crossbred) lẫn nhau một cách tự nhiên trong ao. Rồi nhà lai tạo chọn con gần nhất với Betta imbellis hoang dã để đá trường. Kỹ thuật lai tạo này là để phát triển đấu ngư dẻo dai nhưng bảo tồn ngoại hình hoang dã. Cách làm này tương tự như tôi đã nói đến trong bài viết của mình về cá lai Betta smaragdina ở đông bắc Thái Lan. Tôi tin rằng cả hai nhóm nhà lai tạo biết pha cá hoang với cá chọi Xiêm bằng suy nghĩ khẩn thiết mà không trao đổi kiến thức của mình với nhau. Bởi việc lai tạo đấu ngư thật xuất sắc là mục tiêu duy nhất của mọi nhà lai tạo. Để nâng cấp chất lượng cá hoang dã, nhà lai tạo đón chào dòng dẻo dai mới để đạt được mục tiêu của mình.

    Làng cũng đá cá Xiêm vào Chủ Nhật cùng với Ikan Laga.

    Ikan Katong, Đấu Ngư Bagan:
    Người chơi Indonesia gọi cá chọi Xiêm, “Ikan Katong” nghĩa là “cá chọi” và gọi cá chọi Xiêm đuôi dài “Ikan Siam” hay cá từ Xiêm. Câu chuyện về cá chọi Xiêm ở Indonesia mở màn vào cuối thế kỷ 19, hay 120 năm trước, khi nhóm người Hoa đầu tiên ở Songkhla, Thái Lan dong thuyền cập bờ Bagansiapiapi, rồi truyền thuyết về đấu ngư Bagan ra đời. Tôi không nghĩ cá chọi Xiêm đến từ nhóm 17 người sống sót đầu tiên cập bến an toàn lên đất liền nhưng hai thuyền (bè) gỗ chẳng may không tới được bờ. Họ là nhóm tiên phong để đón người mới đến gồm bà con và bạn bè của mình vốn đến sau cùng với cá chọi Xiêm. Tôi nghĩ nhóm các nhà lai tạo người Hoa đầu tiên ở Bagansiapiapi cản cá chọi chỉ để chơi trong nhóm của mình. Rồi dần dà lan sang các tỉnh khác vốn đã chơi Betta imbellis hoang dã. Và một số chúng đi cùng người tái định cư đến các thành phố chính khác như Jakarta, Bandung và Surabaya.

    Shira một tay chơi Indonesia đã nhận xét ngắn gọn nhưng rõ ràng về sự tồn tại của đấu ngư Bagan vốn trùng khớp với sự kiện lịch sử mà tôi trình bày ở trên.

    “Bagan Siapi Api là một thị trấn ngư nghiệp, họ biết đến tập quán đá betta từ ngư phủ Thái cách đây đã lâu... Tôi nghe nói từ khoảng 1920, người Bagan pha cá Thái với cá địa phương (không rõ Betta hoang dã hay bất kỳ thứ gì), nhưng khi họ gởi đấu ngư của mình tới Jakarta, tất cả đều siêu dẻo dai (superior heart)… luôn đá đến hơi thở cuối cùng”

    Bây giờ Super Bagan đến từ đâu, huyền thoại về siêu đấu ngư vốn bị mất dòng? Từ cuộc phỏng vấn Chú Tambi, tay chơi 59 tuổi, ông biết đến sự tồn tại của đấu ngư Bagan, nhưng Super Bagan là tên tái-tạo bởi các nhà lai tạo hiện đại, người tin rằng dòng cá chọi của mình bắt nguồn từ đấu ngư Bagan huyền thoại. Dù gì đi nữa, đấu ngư Bagan là thế hệ đầu tiên của cá chọi Indonesia vốn lan khắp nhiều thành phố trong nước và nó có liên hệ gần gũi với cá chọi Thái hơn là cá chọi Mã Lai mà ban đầu tôi nghĩ.

    Cá Chọi Medan:
    Medan là thủ phủ của Bắc Sumatra và thành phố lớn thứ tư ở Indonesia. Medan được coi là nơi thích hợp nhất cho việc lai tạo và chơi cá chọi nhờ vị trí địa lý riêng của mình và khu công nghiệp thành phố trung bình điển hình. Thành phố là bán công nghiệp và nông nghiệp vốn có nhiều đất trống để thu hoạch thức ăn như lăng quăng và bo bo. Hai loại này là thức ăn cần thiết cho cá chọi mọi độ tuổi. Các tay chơi Medan vẫn tự bảo tồn một làng đánh cá và nông nghiệp vốn có một lịch sử lâu dài về việc chơi cá chọi Betta imbellis hoang dã. Chỉ vài phút lái xe ra khỏi trung tâm thành phố, các thửa ruộng nhỏ có thể được thấy ở khắp nơi, thậm chí ven đường đến trường cá. Thành phố Medan là một cảng giao thương mở mà du khách quốc tế có thể dễ dàng trao đổi đấu ngư với thành phố Ipoh, trung tâm cá chọi ở Mã Lai bằng cách chỉ băng qua mũi đất bằng thuyền và cá chọi Thái từ Bagansiapiapi hay nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan.

    Như đã nói ở trên, việc chơi Ikan Laga được biết sẵn ở Medan từ lâu bởi nông dân thấy Ikan Laga đá ở góc ruộng và họ bắt và đem chúng về nhà. Nhưng Ikan Katong hay cá chọi Xiêm chỉ mới được chấp nhận gần đây. Trải nghiệm đầu tiên về cá chọi Xiêm không phải là loại đuôi ngắn mà là đuôi dài. Vào năm 1968, tiệm thú cưng ở thành phố nhập cá đuôi dài trực tiếp từ Thái Lan và đặt tên nó “Ikan Siem” hay cá từ Xiêm. Cá chọi đuôi dài thể hiện sự hung dữ của mình, thậm chí mạnh mẽ hơn Ikan Laga và bạn có thể đánh cược rằng chúng được đá để xem tốt đến đâu. Khi cá chọi đuôi dài được chào đón nồng hậu từ khách hàng, cá chọi đuôi ngắn từ Bagan bước vào tiệm thú cưng vào năm sau (1970). Rồi đấu ngư Bagan ấn tượng lóe sáng khi chúng được dùng để cáp với cá đuôi dài vốn trông thậm chí còn mạnh và lớn hơn nhưng cá đuôi dài vẫn thảm bại. Huyền thoại về đấu ngư Bagan ra đời từ ấn tượng đầu tiên dưới sự chứng kiến của một tay chơi, nói với tay chơi khác rồi lại nữa. Câu chuyện được tập hợp và phát triển theo cách riêng của mình và ăn sâu như một biểu tượng oai hùng không bao giờ phai nhạt.

    Quá trình phát triển của cá chọi Medan là những bước phát triển của cá chọi nói chung. Nó bắt đầu từ việc nhận ra nhược điểm của cá mình khi kẻ thách đấu từ bên ngoài dễ dàng hạ nó. Đấu ngư, mà ban đầu anh ta nghĩ là hàng đỉnh, hay nhất và không thể đánh bại. Về lý thuyết, đầu kia của thất bại là con đường mà chúng ta muốn đạt tới. Một tình huống đơn giản là: Đấu ngư Medan thua đấu ngư Bagan. Điều này thúc đẩy nhà lai tạo Medan nâng cấp chương trình lai tạo của mình. Yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển chất lượng đấu ngư là tâm hồn cởi mở của nhà lai tạo. Các nhà lai tạo Medan tuyên bố rằng vào 1978, đấu ngư Medan bắt đầu trả đũa đấu ngư Bagan và trở thành một trong những địa điểm lai tạo hàng đầu ở Indonesia.

    Trường Cá Ở Medan:
    Trường cá ở Medan tương tự như các nước khác mà tôi từng viếng thăm (Việt Nam, Mã Lai, Singapore và Hong Kong). Không có trọng tài chính thức và không có luật nghiêm ngặt để tay chơi tuân thủ như trường cá Thái. Mặc dù không có trọng tài chính thức để điều khiển trận đấu, các thủ tục đá cá quy ước vẫn có và hoàn toàn tùy thuộc vào thỏa thuận của các tay chơi trong trận đấu riêng biệt đó. Phương pháp cáp là một trong những hoạt động quan trọng nhất để khiến trận đấu công bằng ngay từ đầu. Nếu kích thước của đấu ngư là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định thắng thua, thì phương pháp cáp công bằng là bước đầu tiên để bắt đầu một trận đấu công bằng. Có thể nói vui và dí dỏm rằng trò đá cá là một thanh tre, đầu bên trái là khai trận, đầu bên phải là hậu trận. Tay chơi Medan và các nước khác đặt nặng đầu bên trái hay khai trận. Tất cả đều sử dụng cân điện tử cho đấu ngư trước khi vào sới. Trong khi trường cá Thái vẫn dùng chai rượu dẹp thủ cựu với lối cáp ngang (điều này dường như dễ đi đến thỏa thuận cho các tay chơi, dẫu nó ẩn chứa rất nhiều mánh lới để vận dụng), rồi mới đặt nặng vào luật lệ nghiêm khắc phải tuân thủ. Cả hai lối thực hành đều có mặt này mặt nọ.

    Có khoảng 10 trường cá ở Medan, một số nằm trong thành phố và một số nằm ở ngoại vi. Có khoảng 20 – 50 tay chơi ở mỗi trường, và như ở các nước khác, mỗi trường thay phiên nhau mở 2 – 3 ngày một tuần. Nhờ vậy tay chơi có thể đi loanh quanh để đá đấu ngư tùy ý thích. Nhưng giữa họ với nhau sẽ biết trường nào là gắt nhất. Nơi tụ tập các tay chơi cốt cán đồng nghĩa với cá cược lớn.

    Các tay chơi đem cá để thách đấu người khác cần cân đấu ngư của mình trước khi đặt nó lên bàn cáp. Việc cáp trên (top view) nhằm đảm bảo kích thước cũng được kiểm soát ở đây. Quy trình cân là đơn giản, một người chịu trách nhiệm cân đấu ngư vớt cá từ lọ của tay chơi và nhẹ nhàng đặt vợt với cá bên trong lên một miếng vải mềm. Miếng vải mềm hút vài giọt nước trên vợt và chỉ chừa lại cá ướt trên vợt. Rồi anh nhanh chóng thả đấu ngư vào một hũ vốn được chỉnh sẵn về mức không. Đấu ngư được trả về lọ của tay chơi sau khi cân nặng được biết và một người ghi số cân lên băng dính dán trên nắp lọ của anh ta cho dễ thấy. Càng giống càng tốt với việc cân võ sĩ đấm bốc trước trận đấu. Tất cả đấu ngư đã cân được đặt lên bàn cáp để tìm độ thích hợp.

    Chủ của đấu ngư phải kiểm tra cân nặng được viết trên băng dính, nếu họ chấp nhận cân nặng thì mỗi người tái kiểm tra kích thước cá lần nữa bằng quan sát từ trên để chắc ăn và đồng ý đá. Rồi chủ cá đặt đấu ngư của mình bên cạnh hũ đá để giữ chỗ và vớt cá của mình vào hũ đá tròn bốn lít và trận đấu bắt đầu.

    Như ở các nước khác, hũ đá được xếp trên kệ cao 1.5 mét gắn với băng gỗ dài để người chơi ngồi và xem đấu ngư của mình ở hai bên. Có hai dãy kệ để đặt hũ cá chọi. Bởi không có luật đấu nghiêm ngặt nào sau khi thả cá vào hũ. Chủ và các ủng hộ viên của đấu ngư có thể thách cược cao hơn nếu anh ta nghĩ rằng cá của mình có nhiều khả năng thắng trận, bằng không họ chỉ để đấu ngư đá tới khi một con bỏ chạy. Nếu cả hai ngừng đá và nếu không con nào tiếp cận gần hơn với sự hung dữ trước con kia, nhiều khả năng là hòa khi trường cá kết thúc lúc 5 pm.

    Lai Tạo Cá Chọi Ở Medan:
    Tôi nghĩ Medan là khởi đầu cho việc lai tạo cá chọi cho mục đích thương mại. Những gì mà tôi được cho biết là, chỉ có hai nhà lai tạo vốn sở hữu hơn 50 hồ và cung cấp cho nhiều tay chơi ở những thành phố khác tại Indonesia.

    Dạng hồ được đào trong đất gần với ao truyền thống ở Padrew, Thái Lan và thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam mà tôi đã từng ghé thăm. Kích thước hồ vào khoảng 2 mét mỗi bề và sâu xuống đất 1 mét, được phủ bằng lục bình hoặc cỏ nhiệt đới bản địa. Hồ nuôi lộ thiên được bao quanh bởi chuối hưởng ánh nắng toàn phần với bóng mát của lá chuối và đủ loại thực vật. Có nhiều lợi ích trong việc nuôi cá ở hồ đất. Nhưng quan trọng nhất là, nó giữ đấu ngư tươi tắn và bớt suy do biến động nhiệt độ nước từ vấn đề nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ thay đổi đột ngột là nguyên nhân gây bệnh chính ở cá chọi.

    Cá giống mà hôm đó tôi nghe nói được nhập từ Mã Lai và Thái Lan nhưng tôi có thể đoán rằng cá chọi từ Việt Nam cũng được chào đón vào chương trình lai tạo. Tôi có thể thấy điều này qua cấu trúc đấu ngư ngoài trường. Việc này rất đỗi bình thường trong chương trình lai tạo cá chọi mà nhà lai tạo tìm kiếm dòng mới và tốt nhất để phát triển những gì anh có trong tay. Do đó việc ghép cá cha mẹ thông thường là dùng cá trống bên ngoài với cá mái Medan vốn có sẵn ở trại.

    Cá chọi được bắt lên để thử và đá khi được 6 tháng tuổi trở đi. Một điều làm tôi rất ngạc nhiên, lần đầu tiên tôi thấy một nhà lai tạo xén vây hậu môn và kỳ bụng để cân đối hình dạng của nó. Tôi chắc điều này xuất phát niềm tin rằng cấu trúc cân đối của đấu ngư sẽ giúp nó bơi nhanh hơn, mặc dù tôi không tin rằng việc này sẽ có ích. Bởi tôi cũng biết rằng mỗi tay chơi đều có kỹ thuật riêng của mình để giúp đấu ngư của mình thành kẻ chiến thắng, dẫu anh ta biết rằng kết quả thi đấu không luôn như mình mong đợi. Quan điểm của một nhà lai tạo là cố gắng tìm cách này hay cách nọ để nâng cơ hội thắng cuộc cho đấu ngư của mình. Đây là một bài học ý nghĩa mà tôi có thể học hỏi từ hoạt động đá cá. Bài học đó có thể áp dụng vào mọi khía cạnh của cuộc sống.

    Cá Chọi Ở Jakarta: (5/11/2014)
    Từ 6 – 13 tháng Sáu, 2014 tôi đến Jakarta, thủ đô của Indonesia để thu thập thêm dữ liệu. Tôi từng ở thành phố Medan vào tuần thứ ba của tháng Bảy 2012. Jakarta là thành phố lớn mà người chơi tiêu thụ một lượng lớn đấu ngư từ Medan và nhập nhiều đấu ngư từ những nước khác. Tôi muốn nghe từ các tay chơi bên ngoài Medan, nói về cá chọi ở Indonesia. Có thể có nhiều câu chuyện hơn tôi từng nghe ở Medan.

    Điều mà tôi thu được từ Medan là, nông dân Indonesia sử dụng Betta hoang dã (Betta imbellis) ngoài đồng lúa để thách đấu giữa bạn bè cách đây rất lâu nhưng họ không biết ngày bắt đầu. Thú chơi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong đời sống hàng ngày mà không quan tâm đến việc ghi chép về chúng. Điều này rất phổ biến với mọi cộng đồng nông dân và nó trở thành phần khó khăn nhất trong nghiên cứu của tôi.

    Từ một cuộc phỏng vấn với chủ trường khoảng 60 tuổi. Tên của ông là Acai Sinshe, chủ một trường cá ở ngoại ô Jakarta. Ông chuyển từ Palembang (nam Sumatra và bắc Jakarta) đến Jakarta khi ông được 25 tuổi. Nguồn phỏng vấn khác là cụ “Acuan” 70 tuổi (1944), người bán Betta ở Jakarta, chuyển đến từ Medan 37 năm trước (1977), cả hai khẳng định rằng họ biết đến Betta hoang dã từ những người lớn tuổi hơn vốn chơi cá chọi hoang khi còn trẻ.

    Họ nói rằng, giai đoạn thứ hai của việc sử dụng cá chọi thuần dưỡng ở Indonesia là vào 1960. Điều này cũng được khẳng định bởi các tay chơi Medan lão thành. Các tay chơi đã nhập khẩu đấu ngư từ Thái Lan, Mã Lai và Singapore. Họ cũng xác nhận rằng Bagan là nơi đầu tiên lai tạo thành công và giới thiệu cá chọi thuần dưỡng hoàn thiện đến các thành phố khác của Indonesia, trước hết Medan rồi đến Jakarta. Đấu ngư thuần dưỡng từ Bagan chiến thắng mọi cá chọi hoang từ Medan. Rồi giai đoạn mới của lịch sử cá chọi Indonesia bắt đầu.

    Năm 1980 dường như là thời điểm bùng phát và thay đổi lớn lao về cá chọi thuần dưỡng, hầu hết các sự kiện đá cá thú vị ở Indonesia, Thái Lan, Mã Lai và Singapore xảy ra vào năm này. Mọi người ra sức nhập khẩu và trao đổi con giống của mình. Mục đích duy nhất là để phát triển cá chọi thuần dưỡng mạnh hơn và vảy cứng hơn so với nhà lai tạo khác. Với sự trợ giúp của nước khoáng trong mỏ thiếc cũ, các nhà lai tạo Ipoh đã thành công trong việc phát triển đấu ngư vảy cứng. Các đấu ngư từ Ipoh được phát tán tới Singapore rồi Indonesia, hay từ hồ của nhà lai tạo Ipoh đi thẳng đến hồ của nhà lai tạo Medan. Bởi vì Medan dường như gần Mã Lai hơn và dễ dàng kiếm được đấu ngư từ Ipoh bằng thuyền, đơn giản băng qua Eo Malacca.

    Thật khó để xác định các yếu tố góp phần vào sự phổ biến của cá chọi thuần dưỡng vào thời đó. Chưa có máy tính cá nhân và Internet trong năm đó. Nhưng bạn có thể đoán rằng phần cuối của thế kỷ 20 là giai đoạn thực dân hóa phương Tây suy tàn. Khủng hoảng kinh tế khoảng 1980 ở Đông Nam Á thức tỉnh mọi người nhận ra việc dựa vào chính đôi chân của mình và không đợi để Mỹ viện trợ. Khủng hoảng đến lượt nó, cuốn đất nước vào thời kỳ mới trong lịch sử của chính mình. Việc cải thiện và hỗ trợ bằng khái niệm mới về giáo dục hiện đại và thương mại công nghiệp quốc tế. Mọi người mở mang trí óc của mình và đón chào xu hướng tư duy mới về lối sống hiện đại. Bất kỳ thứ gì vốn mang lại sự cải thiện đều được chấp nhận. Lối sống mới cạnh tranh với lối cũ và đẩy chúng qua một bên. Cộng đồng cá chọi cũng nằm trong dòng chảy thay đổi. Betta hoang dã khiêm nhường bị thay thế bởi cá chọi thuần dưỡng tinh vi. Tác động mạnh nhất về suy nghĩ hiện đại đó là “mọi thứ đều có giá của nó”. Cá chọi tốt có thể được bán với giá rất cao.

    Hoạt Động Lai Tạo Ở Jakarta:
    Các tay chơi Indonesia sử dụng đấu ngư cỡ nhỏ, điều này có thể xuất phát từ việc thỏa hiệp với tay chơi kiểu cũ về đấu ngư imbellis hoang được dùng. (Trường đá imbellis vẫn tồn tại ở nhiều làng). Thời gian đá là 4 giờ, vốn được coi là thật dài với đấu ngư cỡ nhỏ, chạng nhỏ và trung bình (1.5 – 2.10 g). Trong thời gian đá, không có luật bổ sung được áp dụng bởi chủ cá nhằm thúc cá mình thắng trước thời hạn như các tay chơi Thái làm. Nếu một đấu ngư không bỏ chạy trong 4 giờ, thì cả hai đấu ngư phải được gửi cho cảnh ngư để đá 10 lần. Bất kỳ đấu ngư nào có thể chịu nhiều cú đánh từ cảnh ngư hơn và phùng mang hướng về phía cảnh ngư, nó là con thắng trận.

    Để cung cấp đấu ngư nhỏ với chất lượng gắt nhất, nhà lai tạo phải nuôi đấu ngư trong hồ nhỏ. Chiến lược lai tạo này đang được thực hiện tương tự ở Siem Reap (Cambodia) và ở Davao (Philippines). Kích thước hồ xi măng khoảng 1*1*1 mét. Nhà lai tạo xây dựng hồ nhỏ để kiểm soát kích thước đấu ngư không lớn quá nhanh. Bo bo và lăng quăng có thể dễ dàng được thu hoạch ở kênh nước thành phố và vùng nước bỏ hoang. Để trụ được giai đoạn thi đấu kéo dài này, đấu ngư phải xuất phát từ dòng cá dẻo dai (tough heart) đã kiểm chứng và được huấn luyện trong tình trạng gắt gao. Vì vậy phương pháp huấn luyện jantur được áp dụng.

    Trường Cá:
    Các tay chơi Jakarta cũng sử dụng cân điện tử để so chạng đấu ngư. Tay chơi phải cân đấu ngư của mình trước khi vào trường. Cân điện tử được kiểm soát bởi thành viên ban trọng tài. Nhưng việc thấm nước từ thân đấu ngư bằng vải được thực hiện bởi chủ cá. Do vậy chủ cá muốn đấu ngư của mình càng nhẹ càng tốt. Nhưng anh ta phải biết rằng anh càng loại bỏ nước trên mình cá, nhớt cá vốn là lớp bảo vệ đầu tiên của đấu ngư cũng bị loại bỏ. Và một khi nhớt cá bị loại bỏ nó có xu hướng làm suy yếu đấu ngư. Vì vậy, chủ cá giữ đấu ngư của mình thật nhẹ nhàng và êm dịu để duy trì mọi ưu thế cho đấu ngư của mình.

    Cân nặng đấu ngư và tên chủ cá được viết trên một mảnh băng keo dán lên đỉnh hũ. Tất cả đấu ngư đã cân được đặt lên một cái bàn đợi độ phù hợp. Phương pháp cân tránh được vấn đề kích thước không đều vốn là vấn đề chính ở trò đá cá. Ưu điểm đó là, nó khiến đá cá có xu hướng ngả về bộ môn thể thao và không chỉ chơi trò mánh lới cờ bạc. (Các tay chơi Thái vừa áp dụng phương pháp cân cho trường của mình vào đầu năm nay [2014] nó được chấp nhận và lan qua các trường lớn khác).

    Người thách đấu chỉ kiểm tra cân nặng được viết trên băng keo và yêu cầu cáp đá. Nếu cả hai chủ cá đều đồng ý đá thì họ sẽ thả đấu ngư của mình vào hũ mà chủ trường đã cung cấp sẵn nước cho chúng.

    Câu Lạc Bộ Cá Chọi:
    Có hai kiểu đá cá ở Jakarta. Đá cá như một trò cờ bạc. Đây là hoạt động truyền thống mà các tay chơi có thể tụ tập ở một nơi để đá cá của mình như là trò cờ bạc cho vui và kiếm tiền. Kiểu đá cá kia phần nào giống như giải bóng đá, chủ cá nhắm đến việc chiến thắng bằng điểm số thi đấu. Kiểu đá cá này tương tự như câu lạc bộ đá cá ở Philippines. Giải đấu được tổ chức mỗi tháng và công bố trước ngày tranh tài. Cúp, hộp và tiền thưởng được trao cho nhà vô địch, á quân v.v. Trường đấu luôn bận rộn nhưng không khí thoải mái. Bữa tiệc đơn giản được đóng góp bởi thành viên, những người dự trường. Nhà lai tạo trưng ra bằng vô địch để bảo chứng sản phẩm lai tạo của mình. Điều này sẽ biến thành tiền bạc thông qua việc bán cá sau đó. Thật thú vị khi các tay chơi Jakarta và Philippines đã đưa cấp độ chọi cá từ trò cờ bạc đơn thuần thành cạnh tranh về lai tạo, một cấp độ bổ sung nữa về quy trình phát triển cá chọi.

    Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến Mr. Emilio Gacad từ Philippines và Mr. Riska Dewantoro từ Indonesia. Những người tài trợ tôi vé máy bay và toàn bộ chi phí ăn ở của tôi trong thời gian tôi ở Indonesia. Đặc biệt tới Mr. Riska Dewantoro người mời tôi ở lại trong ngôi nhà kiểu Bali đáng yêu của ông. Ông đưa tôi đi quanh Jakarta, viếng thăm trường cá và chỗ của nhiều nhà lai tạo, giúp tôi phỏng vấn và là người phiên dịch cho các chủ trường và nhà lai tạo. Ông cũng hào phóng bố trí vé cho tôi viếng thăm Borobudur, di sản thế giới và địa điểm hành hương phật giáo linh thiêng, qua trải nghiệm này tôi sẽ không bao giờ quên sự đáng yêu của người Indonesia.

    Bài viết bổ sung này sẽ không bao giờ tồn tại nếu không có sự trợ giúp của họ.

    Kết luận:
    Với tôi, chuyến viếng thăm ngắn tới câu lạc bộ cá chọi Indonesia đã cho tôi những mảnh ghép rất quan trọng vốn lấp đầy khoảng trống giữa việc chơi cá chọi hoang dã và cá chọi thuần dưỡng. Bây giờ chúng ta có thể đưa ra kết luận chung rằng có hai giai đoạn trong câu chuyện về cá chọi, giai đoạn đầu tiên là việc chơi cá chọi hoang dã và giai đoạn hai là việc chơi cá chọi thuần dưỡng được giới thiệu bởi các nhà lai tạo Thái, còn gọi là cá chọi Xiêm. Điều này có nghĩa rằng thuật ngữ cá chọi Xiêm chỉ đến cá chọi thuần dưỡng phức hợp (complex), mà người phương Tây đặt tên cho nó khi họ thấy người Thái chơi ở lề đường. Nơi mà hoạt động chơi cá chọi hoang dã vốn đã được chấp nhận rộng rãi ở Bán Đảo Mã Lai vượt xa mọi dự đoán. Hay chúng ta có thể nói rằng trò đá cá từng được chơi ở các nước Đông Nam Á thậm chí trước cả sự tồn tại của thuật ngữ “Cá chọi Xiêm”(Siamese fighting fish). Người Xiêm hay Thái trong quá khứ có thể là những tay chơi nghiêm túc nhất và đã phát triển dòng cá chọi từ cá hoang để trở thành đấu ngư thuần dưỡng phức hợp. Có nhiều yếu tố trợ giúp cho thành công này, sự sẵn có của nhiều loài Betta tổ bọt ngoài đồng phải là một trong những yếu tố hỗ trợ chính.

    Việc chơi cá chọi hoang dã của người Đông Nam Á về truyền thống là nền tảng cơ bản để họ thích nghi với hoạt động chọi cá phức tạp hơn trong tình huống phức tạp hơn, chẳng hạn như việc chơi cá chọi trong thời tiết giá lạnh ở các thành phố lớn như Hong Kong, Hà Nội, và những thành phố lớn khác khắp mọi lục địa ở châu Âu và Mỹ. Họ cố tìm phương pháp cáp công bằng nhất để duy trì trò mánh lới này.

    Nếu chúng ta nhìn vào bản đồ địa lý Đông Nam Á mà bỏ qua đường biên giữa các nước, chúng ta có thể thấy rằng 80 phần trăm diện tích chính là đồng bằng và đất trũng, thể hiện bằng màu xanh lục, vốn tốt cho nông nghiệp và trồng lúa. Vào thời cổ đại trước khi có sự tồn tại của nhà nước và biên giới quốc gia, người ta có thể di chuyển dễ dàng và định cư nơi họ muốn. Vì vậy người ở vùng này ít nhiều là bà con gần gũi. Sự tồn tại của trống đồng từ miền nam Trung Hoa tới Indonesia chứng tỏ mối quan hệ gần gũi của mọi người trong vùng này hơn 3000 năm trước. Họ chia sẻ cùng văn hóa sinh hoạt và ngôn ngữ Đông Dương (Indo-Chinese) mà họ thừa hưởng từ nguồn Ấn Độ và Trung Hoa Cổ cho phù hợp với môi trường của mình. Người Indonesia sử dụng ngôn ngữ Bahasa Indonesia, ngôn ngữ Malaysia (Bahasa Malaya) và Thái dùng “Pasa Thái” (ภาษาไทย) vốn rút gọn của chữ “Bahasa”, tất cả đều có nghĩa là “ngôn ngữ”, thuật ngữ xuất phát từ cùng gốc, ngôn ngữ Phạn (Sanskrit).

    Vì vậy việc chơi cá chọi là trò chơi cổ truyền chung của người ở vùng này trước khi người phương Tây thấy và đặt tên nó là cá chọi Xiêm. Như chúng ta có thể thấy người chơi Indonesia gọi cá chọi imbellis hoang dã là “Ikan Laga” và gọi “Ikan Siam” cho cá chọi đuôi dài vốn thực sự đến từ Xiêm. Chúng ta có thể rút ra kết luận rằng từ “cá chọi Xiêm” chỉ giới hạn trong nghĩa cá chọi thuần dưỡng vốn được lai tạo một cách thành công bởi các nhà lai tạo Xiêm và thường được chơi ở góc phố trước khi du nhập sang các nước khác vốn có sẵn cá chọi hoang dã. Cá chọi Xiêm được chấp nhận bởi sự cứng cáp của thân và tim vốn là loại cá chọi lý tưởng của mọi nhà lai tạo.

    Những người nhà buôn đường biển thời hiện đại cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phân tán con giống cá chọi Xiêm tốt trên toàn đảo lớn của Indonesia. Câu chuyện về việc chơi cá chọi Xiêm hiện đại bên ngoài Thái Lan, đại loại Mã Lai, Singapore, Indonesia và Việt Nam bắt đầu vào cùng thời, khoảng cuối thế kỷ 19. Giao dịch đường biển phổ biến của tàu thuyền phương Tây có khả năng vận chuyển nhiều người và hàng hóa tới địa điểm mới trong thời gian mong đợi.

    (16/20/2012)


    ===================================

    Tổng quan về cá chọi Xiêm hay Plakat Thái

    ===================================
     
    Last edited by a moderator: 5/4/19
  2. son2610

    son2610 Active Member

    hay quá bác ơi,like mạnh luôn!! :D
     
  3. dell

    dell Active Member

    Hay quá, cám ơn dthong. Hy vọng Precha sẽ có thêm 1 bài chi tiết về cá chọi Vietnam (cá chọi nhé)
     
  4. thanh73

    thanh73 Active Member

    Cảm ơn dthong! Mình biết có 02 bài viết mới trên trang plakatthai của Mr. Precha về cá đá Indo và Philippines mà lười dịch quá hé hé. Mềnh sẽ cố gắng dịch thử bài về Philippines ( nếu dthong chưa dịch hề hề ). Thank you Mr. Precha
     
  5. dthong

    dthong Moderator

    anh thanh73 dịch giúp bài Philippines . Còn bài Cambuchia thì mình đang dịch .
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội