Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Lớp Màu Và Tính Trạng – Tái Khảo Sát

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 26/2/21.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Lớp Màu Và Tính Trạng – Tái Khảo Sát

    Gần đây, có bạn chia sẻ hình ảnh lấy từ một website nước ngoài về các lớp màu và tính trạng liên quan ở cá Betta (1). Bạn này muốn củng cố kiến thức cơ bản nhằm hỗ trợ cho việc lai tạo Betta với màu sắc mong đợi. Một ý định hết sức đúng đắn. Bao giờ cũng vậy, cá Betta luôn tạo ra rất nhiều kỳ vọng và động lực.

    Có hai điểm đáng chú ý: a) Dragon, Metallic và Opaque được coi như là những lớp màu riêng; và b) Lớp đen nằm trên lớp đỏ. Thành thực mà nói, chúng tôi từng biết thông tin này từ trước và bản thân cũng cảm thấy mơ hồ. Nhưng một khi được hỏi, chúng tôi ở trong tình thế buộc phải tìm hiểu cặn kẽ nhằm tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, việc này không đơn giản. Với một số vấn đề, câu trả lời dường như đã có sẵn. Trong khi số khác, như Dragon chẳng hạn, vẫn còn là một bí ẩn đối với mọi người. Chúng ta hãy khảo sát các lớp màu liên quan với hy vọng phát hiện hay ít ra tiến gần đến sự thật.



    Ánh kim (iridescent) là lớp màu ở ngoài cùng của vảy, chứa các tế bào ánh kim (iridocytes). Đây là loại tế bào cấu trúc (schemachromes), chứa guanine dưới dạng các tấm tinh thể (plates of crystalline) và phản xạ một phổ màu nhất định (2).

    Ở cá chọi Xiêm, các tấm tinh thể tương đối đồng nhất, vốn là kết quả của quá trình thuần dưỡng lâu dài. Nhờ vậy, lớp ánh kim thể hiện những tông màu ổn định bao gồm Turquoise/Green (BlBl), Blue (Blbl) và Steel (blbl). Theo đó, green (Bl) là gien hoang dã trong khi steel (bl) là một đột biến thuần dưỡng. Theo Wallbrunn (1957), quy luật này được phát hiện bởi Umrath vào 1939 (3) và được tái khẳng định bởi các nhà khoa học về sau (Eberhardt, 1941; Wallbrunn, 1948).

    Metallic tác động vào tế bào ánh kim khiến các tấm tinh thể bất đồng nhất và phản xạ một dải màu biến thiên (4). Nhờ đó, chúng ta thấy hiệu ứng bóng hay lấp lánh ở cá hoang, điều được cho là cần thiết trong môi trường tự nhiên vốn nhiều cỏ cây và bùn đất của chúng.

    Metallic từng được Dr. Gene Lucas (1969) ghi nhận ở cá hoang và tái xuất hiện dưới màu copper vào 2002 (4). Dr. Leo Buss thực hiện nhiều bầy lai thử nghiệm để xác định quy luật di truyền và đặt tên tính trạng (5) (6). Theo đó, metallic là gien hoang dã (+) trong khi non-metallic là đột biến thuần dưỡng (nm).

    Khi nhìn vào lớp màu ngoài cùng thì ngoại trừ ánh kim, chúng ta không hề thấy lớp màu nào khác. Như vậy, metallic chỉ là yếu tố tác động vào lớp ánh kim, chớ không phải là một LỚP MÀU RIÊNG!

    Ở một khía cạnh khác, màu kem (cream) ánh trắng, xanh và vàng vẫn thường xuất hiện ở betta thuần dưỡng lúc này lúc nọ, nhất là Cambodian. Nếu bạn nuôi cá Xiêm cảnh từ những ngày xa xưa ấy (những năm 1980), khi thị trường nội địa rất cô lập và gần như không có ảnh hưởng nào từ bên ngoài, thì những con cá “phướn” thường có màu kem này ở mức độ nhất định.

    Theo Dr. Gene Lucas, nhiều loài cá được biết loại bỏ chất thải bằng cách chuyển hóa chúng thành sắc tố vô hại, vốn được trữ ở da. Ông gọi tính trạng kem là opaque factor và màu này là Pastel (7). Đột biến xuất hiện một cách tự nhiên và không rõ nguồn gốc. Bằng cách kết hợp nó với các đột biến đã biết như steel, spread iridocytes và non-red, người ta có thể tạo ra cá trắng. Ông dự báo trước điều này nhưng không ai nỗ lực thực hiện cho đến khi ông tự tay làm cá trắng và phổ biến ra cộng đồng (8). Opaque vốn là gien liên kết (linked gene) với cambodian nên cá Opaque luôn có nền nhạt. Đáng ngạc nhiên là không ai chỉ ra sự thật này, mãi đến tận gần đây (9).

    Năm 1976, Katherine Royal tìm hiểu chất liệu chịu trách nhiệm cho màu trắng của opaque factor. Kết quả cho thấy đó là guanine dưới dạng hạt (granular) hay bột phấn. Sự tích nạp được cho là bất thường do thiếu một enzyme nhất định hay kết quả của lỗi di truyền. Tương tự, bệnh gout ở người và heo cũng là sự tích nạp guanine (10).

    Mức độ tích nạp được biết rất biến thiên, tùy thuộc vào tình trạng và cá thể, điều chứng tỏ rằng cơ chế di truyền của opaque phức tạp hơn những gì chúng ta vẫn biết. Ở cá Opaque, mức độ này cao hơn Pastel. Với opaque dị hợp, bột phấn tích nạp và bám sát tế bào ánh kim, khiến nó sáng hơn. Với opaque đồng hợp, bột phấn tích nạp lên bề mặt và lan ra bên ngoài phạm vi tế bào ánh kim. Mắt kéo màng trắng ở cá Opaque là một ví dụ điển hình.

    Sự tích nạp bột phấn diễn tiến theo thời gian, cá càng già thì biểu hiện càng mạnh. Tóm lại, opaque chắc chắn là yếu tố tác động vào lớp ánh kim và chưa phải là một lớp màu riêng, nhưng trong trường hợp opaque đồng hợp và cá già thì một LỚP MÀU RIÊNG có thể hình thành bên trên lớp ánh kim!

    Còn dragon là gì? Có nhiều bài viết và quan tâm về nền tảng di truyền của dragon. Nó được coi là yếu tố chưa biết (dragon factor) trong một thời gian dài cho đến khi người ta nhận ra biểu hiện của nó giống hệt với opaque factor! Chúng tôi đã tiến hành lai thử nghiệm một số bầy Dragon nhằm khẳng định điều này (9). Dragon chẳng qua là một kết hợp, vốn mới mẻ vào thời điểm đó, của những tính trạng đã biết bao gồm opaque (Op), metallic (+) và đốm vảy (ri) trên nền sẫm hay đỏ nhạt (11). Về khía cạnh lớp màu, dragon cũng TƯƠNG TỰ như opaque.

    [​IMG]
    Bột phấn (opaque) phát triển mạnh bao phủ lớp ánh kim, và lan đến mắt ở một con Red-Copper Dragon.

    Đỏ và đen là các lớp màu bên dưới lớp ánh kim. Chúng bao gồm các tế bào sinh học (biochromes) như đỏ (erythrophores) hay đen (melanophores), bên trong chứa sắc tố (pigment) tương ứng.

    Ở betta hoang dã, màu đỏ xuất hiện một cách tự nhiên và nằm trên lớp đen. Màu đỏ phân bố chủ yếu ở vây hậu môn, đuôi và nắp mang; thân hầu như không đỏ. Ở một số cá thể thuần dưỡng, màu đỏ lan đến thân. Gien chịu trách nhiệm cho việc này là đỏ lan (Extended red, Er). Nguồn gốc của cá đỏ là chưa biết. Trong khi loại cá đỏ “Betta rubra” được đề cập đến trong hàng loạt văn bản từ những năm 1930 và sau thế chiến II, thì hiện vẫn chưa rõ nó là loại hoang dã hay betta thuần dưỡng (12).

    Cá đỏ sẽ trông đỏ thắm (deep) nếu nó có nền sẫm (dark bodies). Gien “sáng” (bright hay blond) theo Wallbrunn (1958) sẽ xóa bớt đen, khiến màu đỏ tươi tắn hơn. Đây là loại đỏ đào (cherry reds). Cả hai đều có viền vảy đen, một lỗi nặng khó khắc phục. Đỏ Cambodian thường nhợt nhạt, điều thường thấy ở cá nền nhạt. Chúng thường có đầu hay cằm bợt cũng như viền vây nhạt (12).

    Điều này được phản ánh trong các lớp dự thi của IBC, chúng ta thấy có Lớp Đỏ trong Phân Nhóm Nền Sẫm và Lớp Đỏ trong Phân Nhóm Nền Nhạt (13). Lớp đỏ nằm trên lớp đen là ĐẶC ĐIỂM CHUNG của cả betta hoang dã lẫn thuần dưỡng!

    Vậy khi nào ngược lại? Chis Yew đề cập một cách rất mơ hồ rằng ở betta thuần dưỡng, lớp đen nằm trên lớp đỏ (14), điều được tái khẳng định bởi Joep van Esch (15). Ngoài vài dòng vắn tắt, chúng ta không thể tìm ra bất kỳ thông tin nào khác về sự đảo ngược lớp màu.

    Khi tìm hiểu các bài viết về cá đen trong thư viện của IBC, chúng tôi nhận thấy cá đen thường mang gien red-loss (16) vốn cũng là một loại marble và mắc một lỗi tật đáng chú ý là rỉ sét (rusty). Rỉ sét là hiện tượng đỏ ẩn hiện bên dưới lớp đen khiến màu chuyển nâu. Lỗi này đôi khi phảng phất, bạn không thể nhận ra nó trừ phi vây được chiếu sáng từ phía sau. Rỉ sét phát triển mạnh một khi cá già đi (17).

    Rỉ sét thường xuất hiện cục bộ ở vây và phát triển theo thời gian, bằng chứng cho thấy lớp đen nằm trên lớp đỏ (18). Theo chúng tôi, Chris Yew dựa vào đặc điểm này để đi đến kết luận trên, nhưng nó chỉ là một NGOẠI LỆ ở betta đen gốc cẩm thạch chứ không phải là đặc điểm chung ở cá thuần dưỡng. Như chúng ta vẫn thường thấy, marble biến điều “không thể” thành “có thể”! Với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm về cá cẩm thạch, nên nhớ rằng “marble làm điều nó muốn, nơi nó muốn và khi nó muốn!”.


    (A) Các loại betta đỏ; (A1) Đỏ nền sẫm; (A2) Đỏ nền nhạt.
    (B) Vài đặc điểm liên quan đến lớp màu đỏ và đen; (B1) Đỏ trên đen ở đuôi; (B2) Rỉ sét (rusty) thường xuất hiện ở vây hậu môn và đuôi trong bầy lai black red-loss x cá thường.

    Kết luận
    Metallic chỉ là YẾU TỐ TÁC ĐỘNG lên lớp ánh kim, không phải là một lớp màu riêng.

    Opaque/Dragon cũng là YẾU TỐ TÁC ĐỘNG lên lớp ánh kim và chưa phải là một lớp màu riêng, nhưng trong trường hợp opaque đồng hợp và cá già, thì một LỚP MÀU RIÊNG (bột phấn) được hình thành bên trên lớp ánh kim.

    Trong HẦU HẾT TRƯỜNG HỢP, lớp đỏ nằm trên lớp đen ở cả betta hoang dã lẫn thuần dưỡng.

    Lớp đen nằm trên lớp đỏ là NGOẠI LỆ ở betta thuần dưỡng, xuất hiện một cách cục bộ hoặc co cụm (mảng rỉ sét) trên vây của một số cá đen gốc cẩm thạch (red-loss black).

    Hy vọng bài viết này góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề mà các bạn có thể quan tâm. Hãy nỗ lực lên nhé!

    Tham khảo
    (1) https://www.ingloriousbettas.com/betta-genetics-color-and-form.html
    (2) https://en.wikipedia.org/wiki/Chromatophore
    (3) Genetics of the Siamese Fighting Fish, Betta splendens (Wallbrunn, 1957)
    (4) Một Màu Ánh Kim “Mới” (Dr. Leo Buss) - http://www.diendancacanh.com/threads/491/
    (5) Di Truyền của Tính Trạng Metallic (Dr. Leo Buss) - http://www.diendancacanh.com/threads/931/
    (6) Việc Đặt Tên Gien Metallic Mới (Dr. Leo Buss) - http://www.diendancacanh.com/threads/461737/
    (7) The Opaque Factor - Pastel Bettas (Gene A. Lucas, Jan/Feb 1972)
    (8) A New Kind Of Betta: Opaque White And How It Came To Be (Gene A. Lucas, Jul/Aug 1972)
    (9) Đi tìm Opaque (Dragon - Phần 2) - http://www.diendancacanh.com/threads/481637/
    (10) More On The Opaque Factor: Where It Stands Now (Gene A. Lucas, Jan/Feb 1977)
    (11) Dragon betta là gì? (Dragon - Phần 3) - http://www.diendancacanh.com/threads/482197/
    (12) Red Color Pigment in Betta Splendens, A Brilliant Subject! (Gene A. Lucas, Mar/Apr 1974)
    (13) Chương 7: Tiêu Chuẩn Đặc Biệt – Hạng Mục Triển Lãm - http://www.diendancacanh.com/threads/13681/
    (14) Di Truyền Màu Sắc Cơ Bản Của Betta (Chris Yew) - http://www.diendancacanh.com/threads/470449/
    (15) Định nghĩa và di truyền màu sắc (Joep van Esch) - http://www.diendancacanh.com/threads/248/
    (16) Getting The Reds Out (Robert Riggio, Old South Betta Review, District V of the International Betta Congress, February/May 1987, Volume 7, Nos. 5 & 6, pp. 9-10).
    (17) The Mystery of the Black Betta (Sue Leibetrau, Tropical Fish Hobbyist, February 1978 #276 No. 6)
    (18) Ngược lại, ở hầu hết loài cá, lớp đen thường nằm trên lớp đỏ, điều lý giải cho tông màu tổng thể nâu sẫm của chúng (bởi lượng ánh kim thường hạn chế). Màu sẫm giúp cá hòa vào đáy nền. Đây là cơ chế tự vệ, giúp chúng lẩn tránh kẻ thù. Những con bị khiếm khuyết hắc tố (albino) sẽ thể hiện lớp màu bên dưới và có màu đỏ cam.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/7/24

Chia sẻ trang này