Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Một cách ép cá tự nhiên

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 23/3/23.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Một cách ép cá tự nhiên

    Trong cái nóng ngột ngạt của Sài Gòn vào giữa mùa khô, chúng tôi nghe nói đến một dòng cá cờ mà tỷ lệ sống của cá con rất thấp. Màu sắc độc đáo của nó khiến chúng tôi muốn nhân giống tối đa để khảo sát. Dòng cá này xuất phát từ khu vực khí hậu mát mẻ vùng cực bắc. Dường như, biến đổi đột ngột về nhiệt độ đóng một vai trò nào đó ở đây. Nhưng quan sát của nhà lai tạo cho thấy cặp cá cha mẹ quá nhút nhát và căng thẳng nên chúng ăn cá bột!

    Ý tưởng đầu tiên xuất hiện trong đầu là thiết lập hồ ép cá tự nhiên với rất nhiều cây cỏ, nắng gió mà vẫn mát mẻ. Hy vọng cặp cá giống sẽ cảm thấy an toàn và tự nhiên trong môi trường như vậy.

    Thùng mút cách nhiệt 70 (dài) x 50 (rộng) x 40 (cao) là một lựa chọn phổ biến. Nhớ khoét các lỗ thoát nước bên thành hồ để chống tràn. Mùa nắng có nhược điểm là quá nóng, điều mà chúng ta sẽ tìm cách giải quyết ở đây. Nhưng cũng có ưu điểm là bo bo không lẫn trứng cá rô. Trên thực tế, các bầy cá được ép vào mùa mưa, nhất là đầu mùa, thường có tỷ lệ cá con thấp, đôi khi chẳng thu được con nào vì cá rô nở và lớn mau hơn sẽ ăn thịt cá bột. Tất nhiên có thể thay bo bo bằng ấu trùng artemia cho đến khi cá con đủ lớn để ăn sạch bo bo và trứng cá rô, nhưng chúng tôi cảm thấy bất tiện mà thời gian cũng eo hẹp. Nếu ép cá vào mùa mưa thì phải che một góc hồ để cá cha nhả bọt. Và nếu mưa lớn khi cá vừa mới nở thì chắc cũng hao hụt khá nhiều. Như vậy, ép cá theo lối tự nhiên vào mùa nắng vẫn có một số thuận lợi nhất định.

    Chúng tôi cũng có cả hồ kiếng ngoài trời với ba mặt được ốp các tấm mút cách nhiệt. Mặt kiếng trước dự định là mặt quan sát nhưng nó thường xuyên bị bám tảo, dấu hiệu của quá nhiều ánh sáng và nhiệt. Hồ kiếng chỉ phù hợp ở nơi có mái che và chiếu sáng một phần, thường là hướng đông, hứng nắng sáng!

    Mực nước cách thành hồ khoảng 20 cm là vừa. Chúng tôi hy vọng khoảng cách này sẽ không khuyến khích cá nhảy. Cá cờ là vô địch về nhảy cao, một khi chúng muốn nhảy, khoảng cách gấp đôi cũng chẳng là gì. Nước ép cá nên là nước máy để hả vài ngày rồi pha thêm một lượng nước hồ cũ để bổ sung vi sinh và trùng cỏ.

    Bây giờ đến phần quan trọng nhất: thủy thực vật (aquatic plants). Với những ai chưa biết, chúng xin giải thích sơ qua. Thủy thực vật gồm bốn loại: cây toàn thủy hay cây ngập (submerged), cây nổi (free-floating), cây lá-nổi (floating-leaved) và cây bán thủy hay cây vươn (emergent). Cây “thủy sinh” trong các hồ “thủy sinh” thường là cây toàn thủy và cây bán thủy. Rất nhiều cây “thủy sinh” có thể được nhân giống trên đất cạn, đó là dấu hiệu cho thấy chúng là cây bán thủy. Trong nước, lá của thủy thực vật phải ở gần bề mặt bởi cần ánh sáng để quang hợp. Địa bàn phân bố chính của chúng là ven các bờ nước nên chúng ta còn thấy một thuật ngữ là cây bờ nước (marginal plant). Trong hồ ép, chúng tôi không dùng những loại cây mà rễ cần phải bám vào trong bùn đất, bởi lọc nước là một trong những tiêu chí hàng đầu. Cây phải có khả năng hút dưỡng chất trực tiếp từ nước hồ. Bạn chỉ cần thả vào thùng, tự nó sẽ tự sống và sinh sôi.

    Cây toàn thủy mọc hoàn toàn trong nước, thường là các loại rong, rêu. Hồ ép cần các loại này để tạo vùng trú ẩn cho cá mái và cá con. Mặt khác, cá cờ hay betta là loài xâm chiếm và bảo vệ lãnh địa, khi bầy cá lớn lên, hồ rậm rạp sẽ làm dịu nguy cơ xung đột và những con yếu hơn có nhiều chỗ để lẩn tránh. Về khía cạnh này, chúng tôi sử dụng rong đuôi chồn (Hydrilla verticillata) vốn cứng cáp, có khả năng thích nghi với một tầm chiếu sáng rộng, dễ trồng và sinh sản mạnh. Một số loại thay thế có thể kiếm từ nguồn nước địa phương như rong đuôi chó (Ceratophyllum demersum) và rong trứng (Utricularia sp.), một số loại sẵn có ngoài tiệm như la hán xanh (Cabomba caroliniana), Pelia moss, Java moss... nhưng theo chúng tôi, rong đuôi chồn vẫn là lựa chọn tối ưu.

    Cây nổi che phủ bề mặt để làm mát và lọc nước. Chúng tôi chọn bèo tai chuột (Salvinia molesta) bởi khả năng chịu đựng và sinh sản không loài nào sánh kịp. Bèo tai chuột không chỉ lan rộng trên bề mặt mà còn có thể dày lên cả gang tay mà lớp dưới vẫn xanh tốt! Chúng có khả năng sống cộng sinh theo một cơ chế nào đó mà chúng ta chưa biết. Bèo vảy ốc (Salvinia natans), bèo ong (Salvinia cucullata) và bèo tấm (Lemna minor) cũng là những lựa chọn khả dĩ. Bèo tây hay lục bình (Pontederia crassipes) có vẻ không phù hợp bởi chúng phát triển mạnh trong dòng chảy giàu phù sa. Ở những nơi nước tĩnh, rễ chúng cắm trong bùn. Chúng tôi từng chứng kiến lục bình teo tóp trong hồ nuôi ở các trại betta. Nhưng thực tế, vẫn có trại thả lục bình trong hồ nuôi và khẳng định phát triển bình thường. Tất nhiên, các trại bố trí lớp nền và trồng lên đó thì không tính. Vậy các bạn có thể tự trải nghiệm nếu muốn và cho chúng tôi biết nhé! Bèo cái (Pistia stratiotes), trái lại, nên tránh sử dụng bởi tăng trưởng và lọc nước quá kém. Không hiểu sao cá trong các hồ thả bèo này đều nhiễm bệnh, ít ra kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy như vậy. Ngoài ra, một số loại cây thích nghi tốt với tình trạng trôi nổi như thủy cúc (water wisteria, Hygrophila difformis) và dương xỉ Java (Java fern) không thể sánh với bèo về khía cạnh lọc nước.


    Hình 1. Cây bán thủy không cần đất nền. 1- Lá dứa; 2- Lá trầu; 3- Thài lài trắng (rau trai trắng); 4- Rau ngổ nam; 5- Cỏ nước mặn; 6- Cỏ thằn lằn & 7- Rong xương cá.

    Cây bán thủy là nhóm mà các bạn chơi cá ít quan tâm nhất, dường như chưa có một nỗ lực thử nghiệm và thống kê nào về khía cạnh này. Cây bán thủy vươn cao khỏi mặt nước, chiếm lĩnh không gian bên trên, che nắng và làm mát hồ trong khi vẫn đóng góp vào việc lọc nước. Cây bán thủy cũng cải thiện khu vực nuôi cá về mặt thẩm mỹ. Yêu cầu không đất nền quả là rất gắt gao, cây cũng phải thích nghi với môi trường nghèo dưỡng chất. Trên thực tế, chúng tôi phải tự mày mò thử nghiệm nhiều loại cây khác nhau. Có những cây với khả năng chịu đựng phi thường như loại dương xỉ mà người Thái hay trang trí trong các hồ betta (black stem, Adiantum sp.). Phải mất gần hai tháng mới có thể kết luận nó không thích nghi với môi trường nước! Thống kê sơ bộ cho đến thời điểm này của chúng tôi như sau:

    1) Lá dứa (Pandanus amaryllifolius), cây gia vị phổ biến trong ẩm thực, dễ kiếm; nếu để ý bạn sẽ thấy nhiều khu du lịch trồng cây này bên cạnh bờ nước với mục đích trang trí; trong hồ ép, nó cần được hỗ trợ ban đầu: bạn chọn nhánh già, dấu hiệu nhận biết là rễ khí mọc dài, cắt sâu, tước bỏ lá già và gác để phần rễ và gốc chìm trong nước; ngoài ra, những cây ngoài chợ vốn được trồng trên đất, cây cần thời gian thích nghi khi thả hồ, bạn nên che nắng hay gác cây chỗ mát một thời gian để ra rễ nước, bằng không cây có thể héo và chết; một khi đã ổn định, lá dứa là bổ sung tuyệt vời cho hồ ép của bạn về mọi khía cạnh.

    2) Lá trầu (Echinodorus sp.), sau có người gọi là “lan Mỹ” hay “bách thủy tiên” (điều tức cười là mấy ông bà bán cây lại tiếp tục xài hai tên này cho các cây khác nữa), cây cảnh phổ biến, có nhiều loài khác nhau; loài thường được trồng nhất là Echinodorus grandifolius mà lá có thể dài đến 30 cm trong điều thuận lợi; giống như lá dứa, nó cần được hỗ trợ ban đầu: bạn gác cho cây đứng thẳng lên để rễ chìm trong nước; một khi đã ổn định, lá trầu là bổ sung tuyệt vời cho hồ ép của bạn về mọi khía cạnh, thậm chí cây rất siêng ra hoa!

    3) Thài lài trắng, rau trai trắng (Commelina diffusa), thân trắng, đốt dài, hoa tím; khác với thài lài hay rau trai thường (Commelina communis) vốn thân hanh tím và không phải là cây thủy sinh; món ăn và vị thuốc, phân bố rộng ở mọi miền; cây có sức sống mạnh mẽ, phát triển rất nhanh, mạnh, phù hợp với hồ ép.

    4) Rau ngổ nam (Enydra sp.); cây mà chúng tôi sưu tầm ở Sóc Trăng; thân và lá nhỏ, ít răng cưa hơn ngổ trâu (Enydra fluctuans), mắt thân hanh tím, lan ra toàn đốt khi cây già, rau xào đắng nghét trong khi ngổ trâu vị hăng và dễ ăn hơn; đây là lý do mà chúng tôi tin rằng nó là một loài, phân loài hay biến thể mới; cây có sức sống mạnh mẽ, phát triển rất nhanh, mạnh, phù hợp với hồ ép.

    5) Cỏ nước mặn; cây mà chúng tôi sưu tầm ở Sóc Trăng; rất giống và nhiều khả năng là cỏ chỉ Cynodon dactylon, tăng trưởng mạnh vào mùa nắng; lá và chồi non chìm trong nước sẽ bị mục rữa; chồi đâm ra từ thân già và cứng; một khi đã thích nghi, cây có sức sống mạnh mẽ, phát triển nhanh, nhưng cần đủ nắng, bằng không nó sẽ chết, mục rữa và làm thúi nước.

    6) Cỏ thằn lằn (cỏ thia lia, cỏ chửa, cỏ chân vịt, Hygroryza aristata); vốn được sử dụng trong giới nuôi và lai tạo cá betta; thường bám sát mặt nước như bèo, chỉ bò lên cao theo thành hồ; không đóng góp nhiều về mặt chiếm giữ không gian bên trên trừ phi hồ có bố trí giá thể; cây bổ sung vào sự đa dạng sinh học của hồ.

    7) Rong xương cá (Myriophyllum aquaticum); mọc chậm khi thả nổi và cũng có xu hướng dạt về thành hồ như cỏ thằn lằn; cây bổ sung vào sự đa dạng sinh học của hồ.


    Hình 2. Chuẩn bị hồ ép
    A- rong đuôi chồn & bèo tai chuột được thả trước.
    B- thài lài trắng (rau trai trắng), rau ngổ nam, cỏ nước mặn & cây lá trầu được lấy từ lấy từ hồ khác.
    C- bỏ tất cả vô hồ ép, cây lá trầu được sắp đặt trên cùng sao cho rễ chìm trong nước.
    D- toàn cảnh khu hồ ép và ươm cá với thài lài trắng bò lan khắp nơi.
    E- một hồ ép với thài lài, rau ngổ và cỏ nước mặn.
    F- một hồ ép với cỏ thằn lằn, rong xương cá và lá trầu.

    Các loài ở đây dường như ổn định hơn trong điều kiện sống cộng sinh. Công thức hiện tại của chúng tôi là: rong đuôi chồn, bèo tai chuột, ngổ nam, rau trai trắng và cỏ nước mặn. Lá trầu, cỏ thằn lằn và rong xương cá là các tùy chọn, chủ yếu vì chúng luôn có sẵn ở các hồ khác.

    Một số loại có thể ăn được, điều mà các bậc phụ huynh và nhà đạo đức học (nếu còn sót vài vị ở đâu đó) sẽ rất hài lòng. Rau ngổ nam khi già rất đắng, có thể thay rau đắng trong món cháo cá nổi tiếng, xào thịt bò cũng rất ngon. Rau trai trắng là món ăn và vị thuốc. Rau thường được xào, luộc chung với các loại cây cỏ mọc dại khác trong món rau “tập tàng”.

    Cỏ nước mặn dường như là một phát hiện mới mẻ, nó là thủy thực vật đầm lầy, phân bố ở khu vực nước lợ. Chúng tôi không thể tìm ra thông tin của nó (nội cái tên cỏ nước mặn đã ít người xài), ngoài việc nó rất giống với cỏ chỉ Cynodon dactylon, có chỗ gọi là “cỏ chỉ nước”. Mô tả chi tiết nhất thuộc về một bác nông dân: dê có thể phân biệt cỏ nước mặn với cỏ chỉ, và thích ăn loại đầu hơn! Cỏ nước mặn to hơn cỏ chỉ, chúng sống trong cùng địa bàn nhưng ở các sinh cảnh khác nhau; cỏ chỉ mọc cạn, không phải cây thủy sinh. Cỏ nước mặn mọc cạn sẽ nhỏ và dài như cỏ chỉ, hoa cũng giống, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi (ngập nước) nó sẽ to và cứng cáp hơn hẳn. Cũng có khả năng đó chẳng qua là một loài, sống ở các sinh cảnh khác nhau. Lưu ý, cỏ nước mặn ở đây là một loài cỏ, sống lẫn trong trong ruộng lúa và rất khó diệt. Nhưng theo nguồn khác, cỏ nước mặn lại là tên gọi chung của một số loài thủy thực vật nước lợ như cỏ năng, đuôi phụng...

    Chúng tôi tin rằng, danh sách trên sẽ được mở rộng trong tương lai khi có nhiều người quan tâm đến chủ đề này và thử nghiệm trên cây cỏ ở địa phương.

    Ghi chú
    a) Nhìn chung, cây bán thủy có thể thích nghi với môi trường cạn và ngập nước. Nhưng chúng cần thời gian để thích nghi với sự thay đổi môi trường, mà trong ứng dụng của chúng ta là từ cạn sang ngập nước. Một số cây cần được chăm sóc đặc biệt, chẳng hạn: lá dứa và lá trầu cần được che nắng và chống đỡ cho đứng thẳng. Cỏ và rau ngổ dễ thích nghi hơn. Một khi cây ổn định, dấu hiệu nhận biết là sự tăng trưởng như nảy rễ, chồi và lá mới.

    b) Rau muống ao (Ipomoea aquatica), thủy trúc (Cyperus alternifolius) và cỏ thia (không tìm thấy trên mạng) dường như là các ứng viên tiềm năng cho danh sách ở đây. Thủy trúc là đối tượng chính trong các nghiên cứu về lọc nước. Hãy cho chúng tôi biết kết quả thử nghiệm của các bạn nhé.

    c) Thoạt nhìn, cần nước (Oenanthe javanica), trầu bà (Epipremnum aureum) và cây tài (Dracaena sanderiana) có thể là các ứng viên phù hợp. Nhưng theo chúng tôi, ngoài tác dụng trang trí, khả năng lọc nước của chúng là không đáng kể bởi tốc độ tăng trưởng chậm. Ưu điểm của trầu bà là chịu bóng râm, có thể sống trong nhà dưới ánh đèn, nhưng nếu bạn đưa ra ánh nắng trực tiếp, nó sẽ còi cọc. Trong môi trường nước, giống trầu bà thường hay trầu bà vàng (golden pothos) sẽ mọc dài ngoẵng và lá nhỏ dần. Thay vào đó, hãy chọn các giống “thủy canh” như trầu bà xanh (jade pothos) hay trầu bà neon (neon pothos).

    =============================


    Hình 3. Hàng trên: cá bột cờ đen Khe Rỗ, thân đen mắt trắng như đeo kiếng; cá bột cờ lưng đỏ thân xanh. Hàng dưới: trống lửa xanh đang canh tổ bọt với trứng; cá bột lửa xanh trắng tinh.

    Chẳng thể kết thúc bài này mà bỏ qua kết quả ép cá. Hình đầu hàng trên là cá bột của cờ đen Khe Rỗ mà chúng tôi từng nhắc đến ở đầu bài. Bạn thử nghĩ xem, cá cờ ở khu vực xa nhất về phía bắc được ép ngoài trời vào giai đoạn nóng nhất ở miền Nam, mà vẫn thành công! Tuy thời gian có hơi lâu, từ khi thả cá giống cho đến khi nhìn thấy cá bột mất khoảng hai tuần. Và chúng tôi cũng không nhìn thấy tổ bọt đâu cả! Thực ra trứng cá cờ vốn nổi nên tổ bọt dường như chỉ có tác dụng cung cấp ô-xy cho cá bột mà thôi, dĩ nhiên nếu cá cha chăm tốt thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn. Với những bầy cá khác như lam đức, lửa xanh và cờ lưng đỏ thân xanh thì chỉ mất có một tuần, nhưng vì chúng tôi nhìn thấy tổ bọt nên không quá sốt ruột.

    Cá rô lẫn trong bo bo là một vấn đề nan giải, đặc biệt trong những bố trí với mật độ thủy thực vật dày đặc như thế này, bởi việc theo dõi và xử lý rất khó khăn. Rủi ro là bạn có thể mất toàn bộ bầy cá. Có lẽ artemia là lựa chọn phù hợp hơn, ít nhất vào giai đoạn đầu mùa mưa. Bằng không, bạn phải tự nuôi bo bo nhưng đó lại là một chủ đề khác.

    Sau cùng, đây là cách ép cá tự nhiên nhất trong hoàn cảnh hạn hẹp về thời gian chăm sóc mà chúng tôi có thể nghĩ ra. Tất cả những gì bạn phải làm là thả cá giống và cho ăn! Tuy không mô phỏng chính xác môi trường sống tự nhiên của loài và biến thể hoang dã, nhưng thành công bước đầu cho thấy cá cờ có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện môi trường khác nhau. Hãy nỗ lực lên nhé!


    Hình 4. Hàng trên: Các loài thủy thực vật có thể thả trong hồ nuôi gồm kèo nèo (yellow velvetleaf, Limnocharis flava) và rau dừa nước (water primrose, Ludwigia adscendens) (Quangxuan Bùi). Hàng dưới: (Trái) Bầy cờ đen Khe Rỗ, Lạng Sơn ở 4 tháng tuổi với tổng cộng 73 con, những con to được tách riêng để gửi tặng bạn chơi. Thử nghiệm chứng tỏ cờ đen Khe Rỗ có khả năng thích nghi tốt với khí hậu nóng ở miền nam. Tuy nhiên, theo quan sát của bạn chơi khác trong môi trường hồ kiếng, cờ đen Khe Rỗ dường như đờ đẫn, kém lanh lợi. (Phải) Cờ đen Khe Rỗ sinh sản tự nhiên trong hồ nuôi ốc nhồi ở Lạng Sơn (Minh Quân).
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/9/24

Chia sẻ trang này