Nơi những con sông ở Nicaragua 2004 (Willen Heijns) Trong bài viết trước đây tôi đã mô tả về kinh nghiệm lặn của mình nơi những hồ núi lửa ở Nicaragua vào năm 2002. Sự phân hóa của các loài cá (đặc biệt là cichlid) trong những hồ này là vô cùng ấn tượng. Ở một trong các chuyến đi của mình, tôi tự hỏi rằng liệu điều tương tự như vậy có xảy ra trong các con sông ở miền bắc và đông bắc Nicaragua hay không. Nhiều năm trước đây không ai có thể đến những vùng đó bởi vì các hoạt động quân sự của nhóm du kích Contras. Theo chỗ tôi biết thì chưa từng có ai đến được những vùng xa xôi đó của Nicaragua kể từ khi những nhà sưu tập cá cảnh bắt đầu thăm viếng Trung Mỹ từ giữa thập niên 80. Nào ai biết ở đó có loài mới nào không! Vì vậy, khi có cơ hội đến đó cùng với những người bạn từ hồ Xilóa, tôi liền quyết định ngay lập tức. Vào rừng! Mosquito (muỗi) hay Miskito Vì điều kiện thực tế, chuyến đi lên miền bắc được chia làm hai phần. Phần đầu khảo sát vùng đông bắc, dọc theo bờ biển Caribbe. Vùng này được gọi là Miskito, đây không phải từ nhái theo tên của loài côn trùng hút máu (mà chúng có rất nhiều ở đấy) mà là tên của một bộ tộc da đỏ sống trong vùng: bộ tộc Miskito. Vài tháng trước chuyến đi, một số sinh viên đại học UCA (một trường đại học ở thủ đô Managua) đã đi khảo sát trước để chuẩn bị. Ad và tôi tài trợ cho các chuyến đi đó. Với sinh viên, điều này đem lại những thực hành hữu ích cho việc nghiên cứu của họ, với chúng tôi chúng cung cấp những thông tin quan trọng về những địa điểm thích hợp để lặn với bình khí và lặn với ống thở* (ở vùng nước trong!). Phần đầu của chuyến đi diễn ra suôn sẻ một cách đáng ngạc nhiên. Đường xá rất tốt cho đến tận thành phố Boaco. Đến 8 giờ sáng, chúng tôi đã đi được 250 km. Nhưng rồi tất cả đột ngột thay đổi. Vận tốc trung bình giảm xuống còn 15 km/giờ. Đôi khi lái xe bên vệ đường còn tốt hơn là chính giữa đường. Khoảng 12:30 chúng tôi đến một thị trấn nhỏ cạnh sông Blanco. Nghỉ ăn trưa. Bên đường có một khách sạn tương đối mới. Nó khá tốt, thậm chí còn có cả hồ bơi mặc dù hồ chẳng có nước. Khách sạn vẫn chưa được xây xong. Nhà vệ sinh chưa có cửa. Điều thú vị là ở phía trên cửa nhà vệ sinh có gắn TV, cung cấp cho người xem những kênh đặc biệt. Không ai trong chúng tôi có nhu cầu vào đó... Vào cuối ngày chúng tôi đến thị trấn Siuna, nơi nghỉ đêm đầu tiên. Nước và không khí Dòng sông Yaoya chảy qua ngay bên cạnh thị trấn Siuna. Khảo sát của sinh viên cho thấy có một địa điểm ở đấy có thể lặn bằng ống thở. Điều này là chính xác mặc dù tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi nhớ làn nước trong vắt nơi các hồ núi lửa biết bao. Nước ở đây tương đối đục hơn. Nhưng khi quay lên phim thì lại khác. Đoạn phim rất đạt. Những loài cichlid ở đấy gồm Parachromis dovii, Amphilophus longimanus, Cryptoheros nigrofasciatus và Amphilophus alfari. Loài sau cùng rất ấn tượng. Cá đực có hoa văn với vô số đốm xanh lấp lánh trên thân. Tôi phát hiện một con cá cái đang đẻ ở nơi nước rất nông. Tôi không chắc nó đang canh trứng hay cá con mới nở nhưng tôi quay phim nhiều phút khi nó đang bảo vệ tổ của mình. Và Ad chụp hình tôi khi đang ở vùng nước nông. Chúng tôi bắt khoảng 8 con alfari nhỏ đem về cichlidarium của tôi ở Stiphout. Ba trong số đó hãy còn sống (hai đực và một cái). Hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra. Loài Amphilophus alfari ở sông Yaoya. Trên đường đi ra khỏi thị trấn Siuna chúng tôi bị cảnh sát chặn lại tại giao lộ. Đầu tiên tôi chợt nghĩ: chúng ta đang ở Mexico chăng? Bạn luôn bị chặn lại ở đó. Nhưng không, lần này chỉ là để điều khiển giao thông ở giao lộ. Sau vài phút đi ngang qua giao lộ bụi mù trời và không thể nhìn thấy gì phía trước. Một chiếc máy bay kìa! Giao lộ hóa ra là đường băng của hãng “Hàng không quốc tế Siuna”. Nhà trọ và những rắc rối khác Thị trấn nhỏ Sahsa là điểm dừng ở miền bắc. Không hề có khái niệm về điện và nước máy ở đây. Khi trời sụp tối vào 16:30 thì tất cả đều trở nên tối tăm. Điểm rất đặc biệt đó là nhà trọ là nhà sàn bằng gỗ mà sàn cách đất khoảng 2 mét và có cửa thoát phía sau. Thử tưởng tượng nếu nửa đêm đi vệ sinh mở nhầm cửa. Sẽ bị té rất nặng đó! Bên trong nhà trọ ở Sahsa trông cũng không khá hơn là bao so với bề ngoài của nó. Giao thông bên dưới nhà trọ cũng rất nhộn nhịp. Không phải là xe cộ mà là kiến. Mỗi ngày, một hàng kiến-tha-lá (leaf-ant) dài vô tận di chuyển phía dưới nhà nghỉ. Đích đến của chúng ở trong vườn cách đó khoảng 10 mét nơi chúng biến mất dưới mặt đất cùng với những chiếc lá. Việc thiếu thốn nước máy buộc cư dân địa phương phải sử dụng nước sông để tắm giặt. Kết quả là nước ở đấy không đạt điều kiện để lặn với ống thở. Dòng chảy qua Sahsa là một nhánh của sông Kukalaya. Để thám hiểm dòng sông, từ thị trấn chúng tôi phải đi lên thượng nguồn. Chúng tôi làm vậy. Và phát hiện ra một nơi thật kỳ thú! Một địa điểm có đá, dòng nước chảy xiết và những hồ nước rất tĩnh lặng. Ngay lập tức chúng tôi phát hiện các loài Cryptoheros nigrofasciatus, Amphilophus longimanus và Parachromis dovii. Chúng được quay phim. Nước ngày càng lạnh nhưng cũng rất trong. Tôi đã trải qua một tiếng tuyệt vời quay phim dưới nước cho đến khi trở lên run rẩy vì lạnh. Một cặp cá nigrofasciatus đang sinh sản là mục tiêu chính của tôi. Chúng ở một địa điểm rất nông nơi có đầy đủ ánh sáng và bảo vệ bầy con của mình một cách quyết liệt. Ngay cả máy quay phim cũng bị xem như là kẻ thù và bị tấn công nhiều lần. Tôi hy vọng chụp được cận cảnh cichlid ở trạng thái đang đe dọa. Nhưng tôi rất thất vọng khi tối về kiểm tra lại đoạn phim đã quay. Chính giữa khung hình là một quầng tối làm cho phim bị mờ. Hơi nước ngưng tụ! Thấu kính góc quay rộng mà tôi sử dụng bị thấm nước và chúng đọng lại ở mặt kính phía trước khi gặp phải nước lạnh. Tôi không thể mở nó ra mà nếu như có thể thì nó cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn ở vùng khí hậu nhiệt đới ẩm ướt. Không có giải pháp nào khác ngoài việc phải quay phim lại vào ngày hôm sau mà không có thấu kính. Một đoạn có ghềnh đá của sông Sahsa (nhánh thuộc sông Kukalaya) ở miền bắc Nicaragua. Loài Cryptoheros nigrofasciatus ở sông Sahsa. Để không làm ảnh hưởng quá nhiều đến lịch trình, tôi xuống nước khoảng 6:30 sáng hôm sau. Nước còn lạnh hơn ngày hôm trước nhưng lũ cá vẫn còn đó. Và mặc dù ánh sáng không tốt bằng (vì mặt trời vừa mới lên) chất lượng của đoạn phim là chấp nhận được. Tiếp tục lên đường thôi. Theo khảo sát sơ bộ của các sinh viên, sông Kukalaya có nhiều địa điểm nước trong. Để đến đấy chúng tôi phải đi thuyền ngược lên thượng lưu từ nơi con sông giao với đường lộ. Nghe có vẻ hợp lý. Con thuyền là loại “đồng nát” và ba người dân địa phương được thuê để chèo (chỉ sử dụng mái chèo). Ở điểm khởi hành, nước khá đục khiến tôi tự hỏi chúng tôi phải đi bao xa để đến được nơi có nước trong. Nhưng những người đồng hành rất tự tin. Vì vậy chúng tôi đi tiếp. Sau khoảng một tiếng rưỡi, chúng tôi gặp một nhóm người vừa đi câu về. Dĩ nhiên chúng tôi muốn biết họ câu được thứ gì. Sau phát hiện ra đó là loài Vieja maculicauda. Chắc chắn tôi muốn quan sát loài này dưới nước. Sau khoảng 2 giờ chúng tôi đột ngột dừng lại. Lúc đầu tôi nghĩ rằng mọi người nghỉ mệt nhưng hóa ra chúng tôi đã đến đích. Một người nhìn xuống nước rồi bảo rằng tôi không thể quay phim hôm nay: nước hãy còn rất đục. Mỗi người quan niệm nước trong theo cách của mình. Là người dễ dãi, Ad lặn xuống với ống thở. Anh không thể nhìn thấy nhiều. Chuyến quay về khá trôi chảy vì thuyền đi xuôi dòng. Và mặc dù chúng tôi không quan sát được cá nhưng chuyến đi cũng có chút giá trị. Sự yên tĩnh và phong cảnh hai bên bờ sông luôn là một trải nghiệm thú vị đối với tôi. Tu ba or not tu ba** Hai nhánh quan trọng nhất về phía nam của sông Kakalaya là sông Prinzapolka và Grande de Matagalpa. Không có gì mới ở đó. Vẫn là Amphilophus longimanus, Amphilophus alfari, Cryptoheros nigrofasciatus, Vieja maculicauda và Parachromis dovii. Không ngạc nhiên khi cho rằng quần thể cá ở miền bắc Nicaragua khá nghèo nàn. Ở sông Escondido*** cũng vậy. Một nhánh của nó là sông Siquia. Ở đó chúng tôi phát hiện vùng nước trong nhưng rất nông. Quay phim khi bụng chạm đáy và lưng ở trên mặt nước là điều khá lạ lùng. Nhưng cũng đáng để vượt qua mọi rắc rối vì ở đây có loài Tomocichla tuba! Những cá thể có kích thước trên 30 cm luôn vùng vẫy trong nước. Cách duy nhất để quay chúng là bật máy quay lên, tập trung vào một điểm và chờ cho con tuba bơi ngang qua. Thật may mắn, chúng bơi qua đủ nhiều để có thể quay được vài đoạn rõ ràng. Không có cặp nào đang sinh sản cả. Ở một hốc đá nhỏ có vài con cá non (khoảng 4 cm) bơi trong dòng nước. Trông cứ như là chúng đang tập bơi vì chúng hầu như không rời khỏi hốc. Sau vài lần tung lưới, Ad bắt được khoảng 6 đến 7 con. Những con cá bột mà tôi mua ở Ometepe đã bị chết hết nên tôi rất vui mừng khi bắt được những con cá lớn này. Trong cichlidarium của mình tôi thấy chúng vẫn tăng trưởng mặc dù rất chậm. Khác với những cá thể ở Ometepe, những con ở đây có màu cam nhiều hơn và chấm đen cũng hơi khác. Một loài mới chăng? (đùa chút thôi…) Còn phát hiện gì nữa? Người ta lưu giữ những mẫu vật thu được qua nhiều chuyến thám hiểm lớn nhỏ ở hồ Xilóa. Những mẫu cá được phân về các bộ sưu tập khoa học của nhiều bảo tàng, chủ yếu là ở Mỹ. Một trong số những bộ sưu tập này đến từ miền bắc Nicaragua, bộ sưu tập tự nhiên có một cái tên rất hay là Bosawas, Jeffrey từng ở đó với một nhóm quay phim của đài BBC để làm phim tài liệu về vùng này. Nếu muốn bạn có thể lặp lại giống vậy. Một phần của chuyến đi dùng xe và một phần dùng thuyền. Ban đầu chúng tôi không thích ý tưởng này lắm vì phải vận chuyển rất nhiều thiết bị (dụng cụ lặn, máy quay) lên xuống xe và thuyền. Nhưng khi chúng tôi nghĩ đến số lượng cá ít ỏi thu thập được, chúng tôi đã đổi ý. Bên cạnh những loài đã biết, bộ sưu tập kể trên bao gồm một cá thể nhỏ mà chúng tôi không thể xác định nó là loài nào. Đó là một con cá nhỏ (khoảng 3 cm) nhưng hình dạng cơ thể và vị trí miệng trông rất giống với chi Theraps. Không hề có loài Theraps nào chưa được nhận dạng ở vùng này. Một loài mới chăng? (lần này thì không đùa…) Chúng tôi quyết định lên đường. Theo kế hoạch thì chúng tôi phải mất hai ngày để đến nơi đã định. Ngày đầu chúng tôi đi xe đến thị trấn Wiwilí. Ngày thứ hai, chúng tôi tiếp tục đi xe trong khoảng 2 giờ đến bờ sông Coco (biên giới với Honduras) từ đó chúng tôi mất 8 giờ đi thuyền để đến Bosawas. Một chuyến đi rất đáng nhớ. Sông Coco ở đoạn gần biên giới giữa Nicaragua và Honduras. Ngày đầu tiên mọi thứ diễn ra đúng như những gì chúng tôi dự đoán khi lái xe ở Nicaragua. Ban đầu đường tốt nhưng sau đó thì không thể gọi là đường được nữa. Đường rất dằn và sốc trong nhiều giờ. Vào ngày thứ hai, tôi mắc phải một sai lầm tệ hại. Tôi dang nắng khá tốt và khi cảm thấy quá nóng tôi chỉ cần tránh vào chỗ râm. Nhưng trên thuyền không hề có bóng râm. Không có vấn đề gì nếu chỉ là vài giờ nhưng cả ngày thì sao? Vào cuối ngày tôi bị bỏng ở chân và cánh tay****. Nó làm phiền tôi cho đến cuối chuyến đi. Những mẫu vật được xử lý tại Tuburus. Đó là nơi chúng tôi sẽ dừng chân và đi tìm kiếm loài Theraps chưa được nhận dạng. Nhà sàn nơi chúng tôi cư ngụ trông tương tự như cái nhà trọ ở Sahsa. Dù vậy có một điểm khác biệt: người phục vụ. Chuyến này chúng tôi ngụ trong trang trại của Douglas Knapp, một người Mỹ sống lâu năm ở Nicaragua. Lãnh vực nghiên cứu của anh là ghi âm tiếng chim hót. Sở thích này khiến anh phải thực hiện vô số chuyến đi vào rừng và phải học cách tự chăm sóc bản thân mà không cần đến khách sạn, nhà hàng và những điều tương tự. Vì vậy anh trở thành đầu bếp của chúng tôi. Ở Trung Mỹ, tôi chưa hề được ăn uống ngon miệng như là trong chuyến đi này với Doug. Nhìn chung anh có khả năng thực hiện một bữa ăn hợp khẩu vị. Bên cạnh đó anh còn là người rất thú vị, người nâng sở thích của mình thành một nghệ thuật. Và anh cũng thích âm nhạc nữa. Bạn đã từng được nghe nhạc của Chuck Berry# ầm ĩ trong rừng nhiệt đới bao giờ chưa? Nước ở sông Coco quá đục vì vậy chúng tôi tìm kiếm nhánh sông nào nước trong hơn. Sông Bocay có vẻ tốt nhưng thật thất vọng, nước sông đôi chỗ có trong hơn nhưng lại không phải địa điểm thích hợp để lặn. Nước chảy quá mạnh. Lần này thuyền được trang bị động cơ nhưng cũng không đủ mạnh để chống chọi với dòng nước cuồng nộ. Chúng tôi phải thường xuyên ra khỏi thuyền và giúp kéo nó ra khỏi vùng nước chảy xiết. Đi thuyền theo kiểu này thực sự rất náo động nhưng cũng có những thời khắc tĩnh lặng. Một trong số đó là khi chúng tôi thấy có vật gì đó nổi trên mặt nước trông giống như một con chó chết. Đến gần hơn chúng tôi mới phát hiện rằng hoàn toàn không phải vậy. Nó không chết và cũng không phải là con chó. Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc băng sông mạo hiểm của con lười (sloth). Cho đến lúc đó tôi chỉ được thấy con vật kỳ lạ này trên TV. Chúng tôi phải nắm lấy cơ hội này. Vì vậy chúng tôi bơi theo con vật tội nghiệp đến khi nó sang đến bờ bên kia con sông. Đó là bên kia biên giới cho nên chúng tôi đã ở trên đất Honduras. Cũng chậm rãi như con lười, chúng tôi bước lên bờ. Tất cả chúng tôi, những người chưa từng tận mắt thấy con lười bằng xương bằng thịt, chụp hết hình này đến hình khác. Thật là một quang cảnh kỳ lạ. Ba gã gringo## tụ tập xung quanh một con lười. Một con thuyền mảnh mai, ba người đàn ông trang bị sào dài và một động cơ mạnh là những gì chúng tôi có để chống lại dòng nước chảy xiết của sông Coco. Con lười đang băng qua sông Coco, gần biên giới với Honduras. Sau cùng, ở một nhánh của sông Bocay, nước đủ trong để lặn bằng ống thở. Nó được gọi là sông Amaka, dù chỉ là một nhánh sông nhỏ nhưng nó lại có những hồ nước nhỏ xinh xắn để tôi có thể quay phim được. Cá ở đây cũng không có gì lạ. Những loài ở vùng bờ biển Miskito cũng được thấy ở đây. Tôi vẫn chưa thấy con Theraps nào. Đây thực sự là vấn đề. Không biết chúng tôi đã quan sát mẫu vật đủ kỹ chưa? Dĩ nhiên là chúng tôi không đem theo tấm hình nào cả. Phải tiếp tục tìm kiếm thôi. Nếu lặn bằng ống thở không thành công thì có lẽ nên áp dụng cách cổ điển là bắt cá. Với chủ đích tìm kiếm loài Theraps, Ad và tôi quyết định đi bắt cá bằng lưới. Trong nhiều giờ chúng tôi bắt cá dưới trời nắng nhưng không phát hiện có gì mới. Chúng tôi vẫn lưu giữ cá bắt được để bổ sung vào bộ sưu tập Xilóa. Với mục đích đó chúng tôi mang theo cồn. Nhưng không cần chai. Ở đây một sở thích khác của tôi đã đem lại giải pháp. Đêm trước chúng tôi uống hết một chai Bowmore (rượu Scotch whisky nguyên chất) và chai hãy còn đó. Và rồi cá được bỏ vào chai whisky đổ đầy cồn. Tại điểm dừng chân cuối cùng Bosawas chúng tôi vẫn không tìm thấy loài Theraps. Chúng tôi quay về mà không phát hiện được điều gì mới. Thêm một ngày đi thuyền nữa (lần này tôi che nắng kỹ hơn) và một ngày nhồi xóc trong xe. Chuyến đi kết thúc một cách biến động. Khi còn cách thủ đô Managua 150 km, đang đi trên đường tốt, một tiếng nổ lớn phát ra từ dưới gầm xe kéo theo âm thanh va đập. Xe dừng lại đột ngột. Trục bánh xe sau bị gãy. Đó là vào buổi chiều tối, một thời điểm không thể tệ hơn. Tôi tò mò nhìn dưới gầm xe xem trục xe hư ra sao thì thấy có lửa! Nhanh như chớp chúng tôi lấy hết thiết bị ra khỏi xe. Nhưng chúng tôi gặp may, số nước còn lại đủ để dập tắt đám cháy. Vận may lại tiếp tục. Một phụ nữ dễ thương, người mà sau này chúng tôi mới biết là đang làm việc cho chính phủ, dừng xe và chở dùm đồ đạc của chúng tôi đến ngôi làng gần đó và gọi thợ đến sửa tạm. Chúng tôi nhanh chóng nhận lời. Người thợ ban đầu từ chối đi với chúng tôi bởi vì ở địa điểm đó tuần trước, một xe bus du lịch bị chặn lại và bị cướp tất cả tài sản mà họ mang theo. Mặc dù vậy anh được thuyết phục đi với chúng tôi. Tôi ở lại làng canh đồ. Hơn bốn giờ sau thì mọi việc xong xuôi. Xe đã sẵn sàng chạy. Chúng tôi về đến Xilóa lúc nửa đêm. Hôm nay bỏ qua bữa ăn tối… Hình ảnh về loài Theraps vẫn tiếp tục ám ảnh tôi. Chúng tôi không thể tìm ra nó cho bộ sưu tập ở Xilóa vì vậy tôi phải đợi cho đến khi về đến nhà và coi lại hình. Nó trông còn xấu hơn là như tôi nhớ. Đó có thực sự là loài Theraps? Miệng của nó ngoác rộng và dường như ngưng lại nửa chừng. Tôi cố tưởng tượng con cá sẽ trông như thế nào khi nó ngậm miệng lại. Một con cá nhỏ mảnh mai (không lớn hơn 3 cm) trông giống một cách đáng ngờ với loài Parachromis dovii. Có lẽ nào… Người dẫn đường đang cầm con cá Vieja maculicauda bắt được ở sông Coco, Nicaragua. =========================== Ghi chú * Ống thở (snorkel) được gắn trên đầu giúp người lặn úp mặt xuống nước để dễ quan sát. Loại thiết bị này dùng cho người lặn nghiệp dư. ** Nhại “to be or not to be” (“tồn tại hay không tồn tại” – Kịch Hamlet, Shakespeare). “Tu ba” ở đây là tên loài cá Tomocichla tuba. *** Sông Escondido này trùng tên nhưng khác với sông Escondido ở biên giới Mexico-Mỹ, địa bàn phân bố của loài Herichthys sp. “Escondido” nổi tiếng. **** Người da trắng hầu như không có hắc sắc tố (melanin) nên khả năng chịu nắng rất kém. Dang nắng lâu họ sẽ bị bỏng. Sở dĩ phải giải thích vì mình biết có người sẽ không tưởng tượng ra dang nắng mà lại có thể… bị bỏng (VNRD có dang nắng cả ngày thì cũng chỉ đen hơn chút xíu thôi, mà mình vốn đã đen thui rùi. Cái này tại vì da phản ứng tốt với thời tiết thôi chớ mình lên Sapa 2 tuần là trắng như trứng gà bóc nghen). #Chuck Berry là nhà soạn nhạc, ca sĩ Rock&Roll nổi tiếng của Mỹ. ## “Gringo” là tiếng lóng của người Mỹ La tinh để gọi người Mỹ.