Quan sát cận cảnh nơi các hồ núi lửa ở Nicaragua (Willem Heijns) Cá Amphilophus amarillo cái dẫn theo đàn con ở hồ Xilóa, Nicaragua. Con “chancho” nhìn tôi một cách tò mò. Nó từ từ tiến lại gần tôi. Bây giờ, có lẽ nó sẽ bỏ chạy đi mất. Nhưng nó không làm vậy mà chỉ trốn đàng sau một tảng đá lớn. Tôi bơi qua phía mặt bên kia và lại gặp nó. Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau. Một lần nữa nó lại biến mất và trò chơi tái diễn. Nó làm tôi nhớ lại khi chơi trò trốn tìm với mấy đứa con của mình. Chúng có thể chơi như vậy được mãi. Nhưng ở đây với độ sâu 30 mét dưới mặt hồ Apoyo, con cá bỏ cuộc sau 3 lần chơi và nó lẩn vào vùng nước sâu. Tôi thấy cảnh này thật ấn tượng. Sau nhiều năm trời chỉ quan sát vùng nước gần bờ ở độ sâu dưới 1 mét (cái ống lặn không cho phép lặn sâu hơn), bây giờ tôi mới đang thực sự lặn. Trong các hồ núi lửa ở Nicaragua, tất cả diễn ra ở độ sâu mà ống lặn không thể đạt tới được. Và chắc chắn là không thể được nếu bạn muốn ở đủ lâu để chụp hình và quay phim. Vì vậy, để có thể chơi trò trốn tìm với con “chancho”, tôi phải đi học lặn. Vợ tôi, Rita, đóng vai trò người hướng dẫn. Là cảnh sát, cô ấy có khả năng kiếm cho tôi một khóa học lặn được tổ chức bởi sở cảnh sát của cô ấy. Và đó cũng là món quà nhân dịp sinh nhật của tôi. Có sự khác biệt rất lớn giữa những lớp học lặn mà bạn tham gia vào kỳ nghỉ lễ ở biển Caribbe hay Ai Cập với lớp học lặn theo các tiêu chuẩn của cảnh sát. Ở nơi nghỉ hè, bạn chỉ mất khoảng 3 hay 4 ngày nhưng ở đây tôi phải học hết cả mùa đông. Khác với các bài giảng trong lớp, khóa học tập trung rất nhiều vào việc thực hành. Họ thuê một hồ bơi tư nhân có độ sâu khoảng 1 mét rưỡi và chúng tôi bắt đầu thực hành ở đó. Chúng tôi học cách tháo lắp mặt nạ, ống thở nhưng bài học quan trọng hơn cả là không được sợ hãi, luôn suy tính và thực hành một cách liên tục. Tôi sẽ rất cần đến nó sau này. Tôi lên lịch đi Nicaragua vào tháng 4. Để làm quen với môi trường thực, tôi phải lặn vài lần ở hồ tự nhiên. Theo kế hoạch, khóa lặn sẽ kết thúc vào tháng 5 nhưng tôi phải học xong trong tháng 3. Nhiệt độ vào tháng 3 xấp xỉ 6 độ C. Chỉ có một nhân viên cảnh sát dũng cảm tham gia cùng với tôi. Và chúng tôi phải chịu đựng dòng nước lạnh giá mà theo chỉ dẫn là “có tầm nhìn rõ” nhưng tôi chẳng nhìn thấy gì hết. Tôi sẽ có tầm nhìn rõ hơn ở Trung Mỹ. Không còn thời gian để hoàn tất bài kiểm tra kết thúc khóa học nữa. Tôi áp dụng chính sách hạn chế mua sắm thiết bị tối đa. Theo lời của anh bạn đồng hành Ad Konings* thì mọi thứ mà chúng tôi cần đều có sẵn ở đích đến. Tuy nhiên, anh vẫn khuyên tôi mua cái ống thở vì nó phải thích hợp với tôi. Điều này hóa ra lại đúng. Bên cạnh đó, tôi mua chân vịt và giày lặn mới. Những thứ còn lại tôi có từ “thời kỳ ống lặn”. Ngoài ra tôi còn có một cái áo phao nhưng tôi có thể mượn ở nơi đến. Nếu tôi thóp bụng thật nhiều thì tôi có thể mặc vừa nó nhưng như vậy thì sẽ khổ sở lắm. Ở Nicaragua, chúng tôi là khách của Ken McKaye* và các thành viên trong đoàn của ông. Ken đã nghiên cứu về cichlid ở hồ Xilóa từ 25 năm nay. Điều này đem lại những hiểu biết sâu sắc và nhiều vấn đề cần tiếp tục đeo đuổi. Nhưng tôi không liên quan gì đến chúng. Sau sự tiếp đón nồng hậu, Ken hỏi rằng tôi có bằng cấp về lặn không. Tôi bảo là “đã trải qua một khóa học nhưng chưa lãnh bằng”. Ken bảo “vậy tôi muốn xem anh thao tác khi lặn như thế nào”. Và đó là cách mà cuộc lặn đầu tiên của tôi được sắp xếp. Cùng với Ken và kèm theo một chút lo lắng, tôi hòa vào thế giới dưới nước của hồ Xilóa. Thật tuyệt vời! Tôi lặn sâu hơn nhiều so với những chuyến quan sát mà tôi từng thực hiện cách đây đã lâu (chẳng hạn như đếm các cặp cá đang sinh sản). Sự vui thú thật ngắn. Sau chỉ 20 phút tôi đã thở hết khí. Tôi bò lê dưới đáy thở một cách gấp gáp. Tôi được giúp đõ như bất cứ người mới học lặn nào. “Anh phải hành động thật nhanh”, Ken nói “Phải luôn để ý đến những thiết bị lặn. Anh có đồng hồ lặn không? Không có đồng hồ lặn thì không thể lặn ở đây”. Tôi đã quá tiết kiệm! Thật may mắn là hãy còn một cái dự trữ và trong lần lặn kết tiếp tôi đỡ phải lo lắng hơn. “Chancho” một trong ba dạng Amphilophus citrinellus ở hồ Apoyo, Nicaragua. Con quái vật này có thể lớn đến trên 40 cm. Bây giờ tôi đã ở đây. Quan sát con “chancho”. “Chancho” là một trong ba dạng Amphilophus citrinellus ở hồ Apoyo. Tên của nó (nghĩa là “con heo”) phát xuất từ một thực tế rằng loài này phát triển đến kích thước rất lớn (trên 40 cm) so với các dạng khác với cái đầu đồ sộ. Chúng tương đối hiếm gặp trong hồ. Tôi chỉ thấy vài con và một con cái duy nhất đang trong thời kỳ sinh sản. Chúng tôi quan sát nó trong một đợt lặn có sự tham gia của anh bạn người Pháp Jean-Claude Nourissat*, người rất khao khát bắt bằng được một vài con non. Điều đó làm cho đoạn phim bị quay một cách hấp tấp (và vì thế không phải là cách tốt nhất) nhưng chúng tôi cũng bắt được khoảng 20 con cá non. Bây giờ, vài con trong số đó đang sống ở nhà tôi. Hồ Apoyo với bán kính xấp xỉ 5 km và sâu trên 100 mét là hồ núi lửa rộng nhất ở Nicaragua. Dù vậy, chỉ có một vài loài cichlid sống ở đó. Chỉ có loài Parachromis managuensis hiện diện cùng với 3 dạng citrinellus. Và tôi nghĩ là còn có một số cá rô phi nữa. Và cả loài Amphilophus zaliosus. Loài này nằm trong danh sách sưu tầm của tôi từ nhiều năm nay. Và bây giờ, lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy loài cá đáng nhớ này trong môi trường tự nhiên của chúng. Một cảm giác hoàn toàn mới lạ! Loài Amphilophus zaliosus ở hồ Apoyo có lẽ tiến hóa từ loài citrinellus tổ tiên. Đây là một sự kiện đáng ghi nhớ. Nhiều nhà khoa học không tin rằng hiện tượng đồng cư là có thực bởi vì cá có thể do con người thả vào hồ nên có rất ít thời gian để chúng tiến hóa. Loài Amphilophus zaliosus phát triển một hành vi hoàn toàn khác với những loài cichlid Trung Mỹ khác. Khi gặp nguy hiểm, chúng có xu hướng trốn ra vùng nước rộng thay vì tìm kiếm chỗ ẩn nấp gần đáy. Và người ta nói là chúng cũng săn mồi ở vùng nước bên trên. Tảng đá hình nấm là tảng đá nổi bật ở hồ Apoyo. Nó nằm cách mặt nước khoảng từ 4 đến 5 mét. Ánh mặt trời chiếu qua làn nước trong vắt tạo ra một quang cảnh thật đẹp. Trang bị một máy quay, tôi trườn lên tảng đá và lặng lẽ quan sát. Hàng tỉ con cá mòi xuất hiện và thích thú bao quanh tôi. Chúng ở khắp nơi. Bạn rất khó quan sát thấy những con cá khác. Hay bạn thấy? Có một vài con Parachromis managuensis nhỏ trốn giữa những khe đá. Chúng xuất hiện nơi những con cá mòi bơi ngang qua để thực hành kỹ năng săn mồi. Và điều đó đã xảy ra! Bóng dáng những con cá lớn hơn xuất hiện. Đó là một nhóm những con Amphilophus zaliosus, tôi thấy có hơn một trăm con. Không do dự, chúng lao vào bầy cá mòi và bữa tiệc bắt đầu. Chúng tấn công và cố bắt những con cá mòi bằng những cú đớp dữ dội. Những con cá mòi phản ứng lại theo cách của bầy đàn: tụ lại với nhau. Vũ điệu kỳ diệu giữa kẻ đi săn và con mồi diễn ra trước mắt tôi. Máy quay đang hoạt động. Có một lúc, tôi quan sát xung quanh qua khung kính ngắm của máy quay. Ken đến để cùng quan sát hiện trượng tuyệt vời này với tôi. Khi quay lên bờ, anh bảo với tôi rằng chỉ có vài người quan sát thấy hiện tượng này và nó chưa từng được lên phim. Đoạn phim này cần được bảo quản thật kỹ. Và điều đó đã xảy ra! Bóng dáng những con cá lớn hơn xuất hiện. Đó là một nhóm những con Amphilophus zaliosus. Hồ Masaya cách hồ Apoyo vài cây số về hướng Tây Bắc. Hồ này có hình bán nguyệt bởi vì nửa kia bị lấp đầy nham thạch đổ ra từ ngọn núi lửa Masaya đang hoạt động. Chúng tôi phải leo lên đó. Trong khi leo núi, tôi mong ước được đến bên rìa của núi lửa đang hoạt động. Ngoài việc nhả ít khói, nó hoàn toàn yên lặng. Mọi người phản đối quyết liệt việc chúng tôi lặn ở hồ Masaya. Chất lượng nước ở đấy được coi là rất tệ chủ yếu bởi vì hồ bị sử dụng làm cống xả của thành phố Masaya. Dĩ nhiên là chúng tôi cần chứng kiến tận mắt. Nó không quá tệ. Chúng tôi đóng ở bờ hồ nơi xa thành phố nhất. Nước có màu xanh nhưng không quá dơ. Chúng tôi cố lặn thử. Khi đã ở dưới mặt nước tôi hình dung mình đang bơi trong súp đậu. Và cũng rất nguy hiểm! Nham thạch từ núi lửa hiện diện bên dưới. Nó sắc như dao cạo. Bạn khó phát hiện ra vì nó được bao phủ bởi lớp bùn ấm. Bạn phải di chuyển thật cẩn thận. Lớp nước màu xanh có bề dày 5 mét. Bên dưới đó là một thế giới khác. Tảo đã hấp thu hầu hết ánh sáng nhưng nước rất trong. Trong thế giới mờ ảo với lớp nước màu xanh phía trên đầu, tôi lại tìm kiếm cichlid. Có rất nhiều. Nước phải còn đủ tốt hay chúng đã thích nghi với nó. Việc sinh sản vẫn diễn ra bình thường. Tôi quay được loài citrinellus và loài nữa chưa từng lên phim, nigrofaciatus. Bất ngờ, tôi nhận thấy môi trường không được tự nhiên như mong đợi. Đấy là một cặp cá đẻ trứng trong một cái lon thiếc; có vài con cá non đang trốn trong một cái chai nhựa. Dưới đây trông cứ như một bãi rác! Và đúng là như vậy. Tôi thấy mình chìm trong một bãi rác lớn. Đoạn băng này chỉ thích hợp để minh họa cho vấn đề ô nhiễm môi trường gia tăng. Với tôi thế là đủ. Thời tiết ở Nicaragua rất nóng nực. Cùng với 6 sinh viên đến từ Đại Học Trung Mỹ ở thủ đô Managua chất đầy trong hai chiếc xe, chúng tôi đến hồ Assosca Léon. Sự nóng nực bên trong xe không thể sánh bằng ở đó. Không thể đến hồ này bằng xe hơi nên chúng tôi dỡ đồ đạc và đi bộ. Và sau đó lại phải leo lên dốc. Vã cả mồ hôi! Những sinh viên rất trẻ và khỏe. Nhưng ngay với họ, hai bình khí và hộp đựng máy quay phim cũng trở nên rất nặng. “Con đường” xuống dốc có rất nhiều đá cuội vương vãi. Vâng, bạn phải chịu đựng trước khi có thể tiến hành quan sát hồ núi lửa. Nhưng thật là thất vọng. Nước thì đục còn cá lại rất nhút nhát. Tôi cố lại gần chúng nhưng chúng luôn lẩn trốn. Bất ngờ, tôi thấy bóng dáng những cành cây. Có rất nhiều cành cây. Phải cẩn thận! Điều nguy hiểm ở chỗ bạn nghĩ rằng bạn đang bơi ra xa chúng nhưng cuối cùng lại va vào cả thân cây. Đây là thế giới của cá chứ không phải của con người. Tôi bỏ cuộc. Phần còn lại của buổi chiều, tôi ngồi đuổi muỗi và tắm táp cho mát. Đến lúc này tôi đã có khoảng 30 giờ lặn ở hồ Xilóa. Trạm nghiên cứu của Ken đóng ở rất gần hồ. Phía sân sau để đồ đạc. Cách đó 25 mét là bờ hồ và sóng nước! Lại bắt đầu lặn. Ở gần trạm nghiên cứu có một vùng có cát và rất nhiều rong, có lẽ là loài thuộc chi Chara. Ở đó có thể tìm thấy các loài Archocentrus centrarchus, Amphilophus longimanus, Hypsophrys nicaraguensis… Ở phía bên kia hồ, nơi chỉ có thể đến được bằng thuyền, là vùng bờ đá. Parachromis dovii và Neetroplus nematopus là những loài cư ngụ ở vùng đó. Loài Amphilophus longimanus ở hồ Xilóa, Nicaragua. Chúng tôi đến câu lạc bộ Nautico. Đây từng là nơi binh lính của nhà độc tài Somoza đến giải trí. Giờ đây, nó bị bỏ hoang và rơi vào quên lãng. Như đã nói, chúng tôi đến đấy bằng thuyền và tôi tìm điểm thích hợp để đậu. “Không có đâu” Ad nói, “chúng ta phải lặn từ thuyền thôi”. Đây là nơi mà cái áo khoác nhỏ gặp rắc rối. Nó bị gió thổi bay xuống nước cùng với bình khí. Vẫn đeo đai an toàn, tôi phải bơi theo và mặc nó khi còn ở trong nước. Vì cái áo khoác quá nhỏ, việc mặc nó thật sự là một cực hình. Nhưng tôi đã thành công và lặn xuống, quang cảnh kỳ thú dưới nước lại hiện ra. Tôi quan sát bằng mắt tất cả những gì mà tôi được đọc trong suốt 25 năm qua và cả những điều rất khó tin: sự tương trợ ở cichlid! Nói ngắn gọn, lý thuyết là như thế này: loài Hypsophrys nicaraguensis hỗ trợ loài Parachromis dovii bảo vệ bầy con để hạn chế số lượng loài Neetroplus nematopus (đối tượng săn mồi chính của loài Parachromis dovii), những kẻ cạnh tranh trực tiếp về địa điểm sinh sản với loài đầu. Nói cách khác: càng nhiều dovii thì càng ít nematopus tức là những kẻ cạnh tranh với nicaraguensis. Đó là một lý thuyết hay nhưng có thực như vậy không? Tôi lặn ở độ sâu 25 mét, bên trên những tảng đá khổng lồ. Bờ dốc gần như thẳng đứng và bóng xanh mờ ảo bao phủ khắp chung quanh. Trong một cái hang, có một con dovii cái dài khoảng 30 cm. Nó đang chăm sóc con nhưng cá đực thì không thấy đâu cả. Nghe nói cá dovii đực có hậu cung** do đó nó có thể đang ở với con cá cái khác. Bầy cá con được vài tuần tuổi. Có khoảng 300 con. Rồi con cá nicaraguensis đực nhập đàn. Nó trông rất kích động và cố tiếp cận cá cái và bầy con. Con cá dovii cái cố đuổi nó đi một cách yếu ớt nhưng không thành công vì nó ngày càng tiến đến gần thậm chí còn chạm vào người con cá cái. Ngay sau đó cá cái bơi ra xa và để đàn con ở lại với con nicaraguensis đực! Rồi điều ngạc nhiên nhất xảy ra. Nó bơi đi tìm con cá cái (cách đó khoảng 3 m) và dẫn con này về tổ. Như thường thấy ở những loài làm tổ mặt đáy (ở cùng loài), cá đực và cá cái thay nhau bảo vệ đàn con và xua đuổi những kẻ xâm nhập ra khỏi phạm vi tổ. Và con cá nicaraguensis đực cũng làm y như vậy. Khi con cá cái về với đàn con, nó bỏ ra xa và đuổi những con cá bống đang rình ăn cá dovii con. Cá Parachromis dovii cái đang bảo vệ bầy con ở hồ Xilóa, Nicaragua cùng với sự hỗ trợ của một con Hypsophrys nicaraguensis đực (nền hình phía sau). Một quan hệ hết sức ấn tượng! Chừng nào mà bình khí của tôi vẫn còn (nhiều hơn rất nhiều so với lúc ban đầu ) thì tôi cố quan sát sự kiện thú vị này. Và dĩ nhiên là tôi quay phim nữa. Phải cám ơn cái đèn rất tốt của tôi, màu sắc trên phim hiện lên thật đẹp. Thực tế, sau nhiều giờ quay phim hành vi này, Ken rất hài lòng về kết quả và quyết định sử dụng loại đèn này cho máy quay phim của anh. Điều đó không dễ thực hiện ở Nicaragua. Đây là lần thứ 3 tôi viếng thăm con dovii cái. Bạn cứ việc quay lại. Có vẻ như sự hỗ trợ của con nicaraguensis kết thúc sau 6 tuần. Sau đó chúng bỏ đi, có lẽ bởi vì đàn cá con có thể tự lo cho mình rồi. Loài Hypsophrys nicaraguensis ở hồ Xilóa, Nicaragua là một trong những loài cichlid Trung Mỹ ấn tượng và độc nhất bởi vì trứng của chúng không có chất keo dính. Tôi lại tiếp tục. Đến tảng đá cách đó khoảng 20 mét, tôi cảm thấy di chuyển hơi khó khăn. Có chuyện gì vậy? Tôi ngoái nhìn qua vai và thấy mang máng một sợi dây kéo căng phía trên tảng đá. Tôi đã bị mắc vào dây câu! Tôi lặng lẽ cố gắng nới lỏng nó thật nhanh bằng cách đạp mạnh chân vịt. Nhưng dây câu rất dai. Không có tác dụng gì cả. Bây giờ là lúc để thực hành bài tập về lặn. Không sợ hãi và luôn suy tính. Bởi vì sợi dây câu mắc vào phía sau lưng nên tôi không thể thấy chính xác nó kẹt vào đâu. Vì vậy, chỉ có một điều duy nhất có thể làm: cởi áo khoác. Đây là động tác thực hành thường xuyên. Tôi cởi áo khoác mà không gặp phải vấn đề gì, gỡ dây câu và mặc lại. Tất cả những gì tôi phải làm là gỡ ống thở ra khỏi miệng một vài lần. Tôi tiếp tục công việc với một chút cẩn trọng và cảm giác hài lòng với kết quả đạt được. Còn rất nhiều thứ nữa để xem… Và quả thực là như vậy. Hồ núi lửa là một miệng núi lửa chứa đầy nước. Một núi lửa đã tắt. Nhưng không hoàn toàn như vậy. Ở mỏm phía bắc của hồ Xilóa có một vùng hãy còn dấu vết hoạt động của núi lửa. Ở vùng rộng hàng trăm mét vuông này, khí lưu huỳnh bốc lên từ đáy cát. Vùng này rất dễ tìm. Bạn chỉ cần ngửi mùi là tìm thấy. Ở dưới nước tất nhiên không thể ngửi được nhưng có thể thấy bọt khí nổi lên, một số liên tục, một số ngắt quãng. Có vô số bọt khí lớn, nhỏ khắp xung quanh. Và chúng cũng tạo ra âm thanh. Bọt khí nhỏ chỉ kêu xèo xèo trong khi bọt khí lớn phát ra tiếng rền rĩ. Nếu bạn nín thở, bạn sẽ nghe thấy chúng rõ hơn. Tôi phải biết ơn kỹ thuật nín thở “cao cấp” của mình vì nhờ nó mà tôi nín thở đủ lâu để thu được những âm thanh này lên phim. Nhưng tôi không ở đây vì những cái bọt khí. Ở vùng đặc biệt này cũng có cá. Hầu hết những loài cá ở hồ Xilóa đều hiện diện ở đây. Điều này hơi lạ bởi vì nước ở đây thực sự rất nóng. Gần chỗ những bọt khí có thể nóng tới gần 50 độ C. Một trong những lỗ nhỏ nơi có bọt khí thoát ra có một con nigrofaciatus cái. Với đàn con! Rồi thì nigrofaciatus sẽ sinh sôi khắp nơi cho mà xem. Tại một hòn đá nhỏ trên mặt cát có một cặp Neetroplus nematopus. Con đực có kích thước gần gấp hai con cái. Và nó cũng có bộ vây tuyệt đẹp. Vây bụng màu trắng và cực dài. Nó dài tới đuôi và vẫy vẫy như lá cờ phía sau. Dường như chúng đẻ trứng trong một cái hang nhỏ. Trong lần lặn khác tôi gặp lại chúng lần nữa. Bầy cá con giờ đã có thể bơi lội được và chúng di chuyển trên mặt cát để kiếm thức ăn. Cá cái ở gần bầy cá con trong khi cá đực tuần tra xung quanh khoe bộ cánh đẹp đẽ. Nhiều lần nó biến mất nhưng quay lại rất nhanh. Nhưng nhìn kìa! Có một lỗ mà bóng khí đang thoát ra rền rĩ. Chúng không dám tiến đến đó phải không? Nhưng chúng lại đang tiến về phía đó, càng lúc càng gần cứ như thể ở đó chẳng hề nóng. Bất chợt tôi cảm thấy cảnh này nếu quay lên phim sẽ rất đẹp. Tôi hành động thật nhanh (mà không làm khuấy đục nước quá nhiều) tôi bơi xung quanh chúng cho đến khi chúng ở ngay phía trước những bọt khí. Quay phim nào!! Trở lên mặt nước, tôi kiêu hãnh cho Ad xem đoạn phim. “Ô” anh nói, “tôi cũng đã thấy cặp cá này”. Và từ máy quay của mình, anh chỉ cho tôi xem đoạn phim giống y như vậy. Tôi lặn nhiều lần. Kết quả thu được là 7 giờ quay. Tôi nhìn qua ống kính máy quay nhiều hơn là nhìn trực tiếp bằng mắt. Vì vậy tôi quyết định thực hiện thêm một cuộc lặn nữa. Không mang theo máy quay phim. Tôi mặc áo lặn và những thiết bị khác. Tôi đi bộ 25 mét đến bờ hồ Xilóa. Tôi có không khí đủ cho hơn một giờ lặn và tôi sẽ sử dụng chúng. Cách lặn tốt nhất là lặn đến độ sâu nhất mà bạn muốn (hay là được phép) và rồi trở lên mặt nước từ từ. Bằng cách đó bạn có thể sử dụng không khí một cách hiệu quả nhất và tránh được tình trạng nở khí đột ngột khi kết thúc lặn và lên bờ***. Nhưng tôi không lặn sâu ở đây. Ở độ sâu từ 10 đến 15 mét có thể tìm thấy hầu hết các loài. Nếu bạn bơi nhẹ nhàng thì cá có thể quen với sự hiện diện của bạn và bạn có thể quan sát chúng một cách thú vị. Tôi tiến đến một con cá dovii cái với đàn con thật lớn. Chúng rất sợ hãi. Ba con cá bống cố đang rình ăn cá con và cá mẹ đang bận rộn bảo vệ con. Tôi quan sát chúng trong 10 phút. Tôi ngạc nhiên thấy mấy con cá bống không bắt được con cá con nào. Chúng hình như đã đủ lớn rồi. Và chúng trốn sau những tảng đá nơi mà những con cá bống không thể bắt được chúng. Tôi quyết định làm một thí nghiệm. Tôi tiến vào tổ một cách lặng lẽ. Tất cả cá con chạy về phía con dovii cái. Không con nào ở lại. Tôi bỏ đi một cách chậm rãi và đợi. Vâng! Con cá cái quay trở lại, bầy cá con tái xuất hiện. Một lần nữa, cả gia đình lại tụ hợp. Một cái hang lớn trên mặt cát làm tôi để ý. Đó là tổ của cặp Amphilophus amarillo, một trong những loài đẹp nhất ở hồ này. Bầy cá con chỉ mới bắt đầu biết bơi. Tôi tiến lại gần một cách nhẹ nhàng để chúng không bỏ chạy mất. Được rồi, cặp cá ở bên rìa hang còn tôi ở phía bên kia. Tôi nhìn vào trong hang và thấy có khoảng 1.500 cá con. Chúng rất tò mò. Ngại làm chúng sợ nên tôi lùi lại một chút. Và một điều lạ lùng xảy ra: bầy cá con đi theo tôi! Chúng bơi ra khỏi hang và chui cả vào mặt nạ của tôi. Nếu tôi gỡ mặt nạ ra rồi lại đeo vào thì tôi có thể dễ dàng bắt được vài con. Nhưng tôi không làm vậy. Tôi bơi nhanh hơn, bỏ chúng lại phía sau. Cá bố mẹ trở nên mạnh dạn hơn và giành lại quyền chăm sóc đàn con. Cặp cá Ạmhilophus sagittae ở hồ Xilóa, Nicaragua. Tôi trở về nhà cùng với những trải nghiệm tuyệt vời và vô số phim quay được. Có nhiều việc phải làm. Việc biên soạn tốn nhiều thời gian gấp 10 lần so với quay phim. Tôi sẽ lại được thưởng thức cichlid ở Nicaragua trong nhiều giờ nữa… Danh sách cichlid ở hồ ApoyoAmphilophus sp. “Amarillo Apoyo”Amphilophus sp. “Chancho”Amphilophus zaliosusParachromis managuensisDanh sách cichlid ở hồ XiloáArchocentrus centratrusAmphilophus longimanusAmphilophus rostratusAmphilophus amarilloAmphilophus sagittaeAmphilophus xiloaensisCryptoheros nigrofasciatusHypsophrys nicaraguensisNeetroplus nematopusParachromis doviiParachromis managuensis =========================================== Ghi chú * Willem Heijns và Ad Konings là hai nhà thám hiểm và nghiên cứu về cichlid người Hà Lan. Ad Konings viết rất nhiều sách về cichlid. Ken McKaye là nhà khoa học chuyên về cichlid người Mỹ. Jean-Claude Nourissat là nhà khoa học chuyên về cichlid người Pháp, ông nổi tiếng với công trình nghiên cứu về các loài cichlid ở đảo Madagascar, châu Phi. ** Một con dovii đực bắt cặp với nhiều con dovii cái trong vùng lãnh thổ kiểm soát của nó (gọi là harem tức hậu cung). Do đó, có một số con cái phải nuôi con một mình vì lúc đó nó đang bắt cặp với con cá cái khác. *** Khi lặn sâu, áp suất cao nén thể tích khí nhỏ lại. Lặn càng lâu thì lượng khí tích trong cơ thể càng nhiều. Khi nổi lên, khí sẽ nở ra vì áp suất giảm. Nếu nổi lêm mau quá thì khí nở ra có thể làm tắc mạch máu và gây tai biến nguy hiểm. Do đó, người lặn phải nổi lên từ từ để cơ thể thải hết lượng khí tích tụ bên trong.