Sơ lược về nhóm Red Devil - Midas “Mỗi người trong chúng ta, những lúc phải đối mặt với cuộc đời khốn khổ của mình, đôi khi cũng thầm ao ước được đắm chìm trong một thế giới của những điều kỳ diệu. Hãy đến với Red Devil, chỉ có ngắm nhìn chúng mới là liều thuốc hiệu nghiệm nhất, giải thoát bạn khỏi mọi nỗi ưu phiền mà thôi…”- (The Red Devil book) Giới thiệu Red Devil, ở ta còn gọi là cá “Mặt quỉ”, “Hồng mỹ nhân” hay “Hồng diện”, là loài cá có xuất xứ từ Nicaragua, Trung Mỹ. Chúng mới được nhập vào thị trường cá cảnh Việt Nam gần đây, có lẽ từ các nước láng giềng ở châu Á như Hồng Kông và Đài Loan. Đây là loài cá lớn, khoẻ mạnh, dễ nuôi, có cá tính và quan trọng hơn hết, chúng có màu sắc và hình dáng rất hấp dẫn nên được người nuôi cá cảnh ưa chuộng. Bài viết này không chỉ trình bày về Red Devil mà còn về các loài có họ hàng rất gần với chúng, chẳng hạn như Midas. Trên thực tế, chúng là một nhóm gồm hơn một chục loài gọi là nhóm Midas (Midas complex). Red Devil và Midas là hai loài cichlid rất phổ biến trên thế giới còn những loài khác thì chỉ mới xuất hiện lác đác trên thị trường cá cảnh vài năm gần đây thôi. I. Lịch sử nghiên cứu tự nhiên về nhóm Midas Tiến sĩ Albert Günther ở Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Anh quốc (British Museum of Natural History) là người khởi đầu quá trình nghiên cứu khoa học trên các loài cá tại Nicaragua. Ông tiến hành khảo sát các loài cichlid ở hồ Nicaragua vào năm 1864. Năm 1869, Günther xuất bản quyển Mô tả về các loài cá trong các khu vực tại Trung Mỹ (Account of the Fishes of the States of Central America); mô tả rất nhiều loài cá, trong đó có sáu loài cichlid mới phát hiện ở các hồ Nicaragua và Managua. Sau đó, Gill và Bransford (1878) thêm vào năm loài cichlid nữa trong quyển Tóm lược về các loài cá ở hồ Nicaragua (Synopsis of the Fishes of Lake Nicaragua). Hình 1. (Bên phải) Tiến sĩ Albert Günther, 1830 – 1914; người tiên phong trong lãnh vực nghiên cứu các loài cichlid châu Mỹ. (Bên trái) Năm 1866, Günther từng mô tả các loài Heros lobochilus (Bên trái-trên) và Heros erythraeum (Bên trái-dưới) như là hai loài riêng biệt; thực ra, chúng chỉ là các hình thái (morph) khác nhau của loài mà ngày nay được đặt tên là Amphilophus labiatus mà thôi. Năm 1906, Seth Meek, nhà ngư loại học người Mỹ nổi tiếng về công trình nghiên cứu trên các loài cá nước ngọt ở Mexico, thu thập mẫu vật (specimen) ở các hồ Managua, Nicaragua và các hồ trên miệng núi lửa Tiscapa và Apoyo. Một năm sau, Meek xuất bản quyển Tóm lược về các loài cá ở các hồ chính của Nicaragua (Synopsis of the Fishes of the Great Lakes of Nicaragua). Ông thấy khó khăn khi phân loại các mẫu vật thuộc về một nhóm mà ngày nay được gọi là nhóm đa hình thái labiatus (Conkel) hay nhóm Midas (McKaye). Với kinh nghiệm thu được ở Nicaragua và việc khảo sát trên một số lượng lớn các mẫu vật, ông đưa ra kết luận như sau về nhóm trên: “Đây là loài có nhiều hình thái nhất trong số các loài cá ở những hồ này. Tôi đã nhiều lần cố gắng phân loại chúng thành từ hai đến nửa tá hay nhiều hơn các loài khác nhau, nhưng trong mọi trường hợp, tôi không thể xác định được bất cứ đặc điểm ổn định nào để định nghĩa về chúng, vì vậy tôi gom tất cả vào chung một nhóm. Trên thực tế, dạng màu đỏ không tồn tại ở hồ Tiscapa và đập nước Jenicero, điều này làm tôi tin rằng có thể tồn tại một dạng hay loài mà sự pha trộn không xảy ra, nhưng tôi cũng không thể tìm ra các đặc điểm cố định để phân biệt chúng với các cá thể khác, ngoại trừ về màu sắc. Về hình dáng, một số cá thể có thân rất rộng, số khác lại thuôn hơn. Ở một số cá thể có màu sắc bình thường, đường bên hiện lên rất rõ nhưng không có chấm đen nào; trong khi, ở một số cá thể khác có cùng kích thước hay lớn hơn, các chấm đen trên đường bên nổi lên rất rõ. Một số cá thể mình thuôn ở hồ Nicaragua có đầu phát triển rất to, trong khi nhiều cá thể khác dù kích thước lớn hơn lại có đầu bình thường. Tôi không thấy dấu hiệu hay điểm đặc trưng nào liên quan đến kích thước hay giới tính. Hoàn toàn có khả năng có nhiều loài đang hiện diện ở đây và sẽ được xác định vào một ngày nào đó”. George Barlow, một sinh viên mới tốt nghiệp, đọc được mô tả của Meek về những biến đổi hình thái này. Ông phát hiện thấy sự hiện diện của các hình thái đỏ và vàng là một lãnh vực nghiên cứu hấp dẫn mà sau này nó sẽ chiếm hết cả cuộc đời say mê nghiên cứu của ông về các loài cichlid. Sau khi nhận học vị tiến sĩ, cùng với Konrad Lorenz, ông bắt tay vào các dự án nghiên cứu chuyên sâu về hành vi của các loài cichlid. Vào năm 1965, ông có cơ hội đến Nicaragua để nghiên cứu về cichlid trên địa bàn sinh sống tự nhiên của chúng. Các kết quả nghiên cứu và tư tưởng thông tuệ của ông được trình bày trong quyển sách nổi tiếng Các loài cichlid: Thử nghiệm vĩ đại của thiên nhiên trong sự tiến hoá (Cichlid Fishes: Nature’s Grand Experiment in Evolution). Khi Barlow khởi đầu công cuộc nghiên cứu, ông ghi nhận có đến tám loài thuộc nhóm Midas, chia làm hai phân nhóm, phân nhóm môi dày với đại diện là Amphilophus labiatus và phân nhóm môi mỏng với đại diện là Amphilophus citrinellus; chúng được biết dưới các tên thông dụng là Red Devil và Midas cichlid. Tuy nhiên, trong quá trình phân loại ở hồ Apoyo, Barlow nhận ra rằng bức tranh minh hoạ về nhóm Midas còn phức tạp hơn, bởi vì ông còn phát hiện thêm một loài cichlid nữa là Amphilophus zaliosus [Barlow, 1976] hay Arrow cichlid. Hồi đó, chúng là loài cichlid mới nhất được phát hiện ở Nicaragua trong vòng bảy mươi năm. Loài này có hình dáng thuôn dài, dải bên[1] là một vạch sậm màu kéo dài từ nắp mang đến gốc đuôi. Chúng chỉ phân bố ở hồ Apoyo và không giao phối với các cá thể khác thuộc nhóm Midas ở cùng hồ. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên ở Nicaragua mà phương pháp quan sát một cách trực tiếp dưới nước được áp dụng để xác định hành vi sinh sản cô lập ở nhóm cá thể này. Các nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng loài này tiến hoá từ loài Amphilophus citrinellus! Lý do mà một số loài được xếp chung vào nhóm Midas bởi vì chúng có hình dạng rất giống nhau, điều này chứng tỏ chúng có quan hệ rất gần gũi về mặt huyết thống, đặc biệt là giữa những loài cư ngụ trên cùng một địa bàn phân bố (sympatric). Địa bàn phân bố trong trường hợp này là những hồ nước biệt lập, hình thành trên miệng các núi lửa đã tắt. Có lẽ, nhóm Midas từng có một tổ tiên chung và quá trình tiến hoá thành nhiều loài như hiện tại chỉ mới diễn ra gần đây thôi. Sự giống nhau giữa chúng gây ra nhiều ngộ nhận trong một thời gian dài thể hiện qua việc có rất nhiều tên khoa học được đặt cho chỉ một vài loài trên thực tế[2] (Miller, 1966). Điều này được giải thích là do sự hạn chế của các công cụ nghiên cứu khoa học trong thời kỳ đầu. Chẳng hạn, Albert Günther (1866) từng mô tả các loài Heros lobochilus và Heros erythraeum như là hai loài riêng biệt; thực ra, chúng chỉ là các hình thái khác nhau của cùng một loài mà ngày nay được đặt tên là Amphilophus labiatus mà thôi. Các nghiên cứu của Schofield (1965), Barlow và Munsey (1976) dựa trên các đặc điểm về hình thái và tập tính sinh sản, khẳng định rằng có hai loài tồn tại trên thực tế là Amphilophus labiatus và Amphilophus citrinellus. Tiếp theo, Stauffer và McKaye (2002) dựa trên các kết quả phân tích gen và tập tính sinh sản đã xác định được thêm ba loài đặc hữu nữa ở hồ Xiloá. Loài đầu từng được McKaye nghiên cứu từ thời còn là sinh viên và đặt tạm theo tên của người thầy là Amphilophus “barlowi”; nay đổi lại thành Amphilophus xiloaensis. Loài thứ hai có màu vàng đặc trưng nên được đặt tên là Amphilophus amarillo. Loài sau cùng có màu sậm và hình dáng thuôn dài tương tự Amphilophus zaliosus được đặt tên là Amphilophus sagittae. Như vậy, những tiên đoán của Meek cuối cùng đã thành sự thật. Ngày nay, một số loài đã được các nhà khoa học khảo sát, xác định và trở thành những loài chính thức. Mặt khác, số lượng các loài được “ghi nhận” thuộc nhóm Midas hiện lên đến mười một loài so với số lượng chín loài mà Barlow từng đề cập đến. Bảng dưới đây liệt kê các loài thuộc nhóm Midas bao gồm cả các loài chính thức lẫn các loài “vẫn chưa được mô tả”: TTLoàiĐặc điểm1Amphilophus labiatus (Günther, 1864)Theo tiếng Latin, “labiatus” nghĩa là “môi lớn”. Loài phân bố ở các hồ Nicaragua và Managua, rất hiếm khi tiến ra sông. Tập trung chủ yếu ở những nơi có đá. Ăn cá nhỏ, ấu trùng của côn trùng, trùn đất và xác động vật chết chìm. Bề ngoài tương tự như Amphilophus citrinellus, nhưng môi lớn và dày hơn, đầu và thân mỏng và thuôn hơn, vây ngắn hơn. Dải bên gồm các chấm đen phình to ở giữa. Chiều dài tối đa 24 cm. Kích thước đầu trung bình.2Amphilophus citrinellus (Günther, 1864)Theo tiếng Latin, “citrinellus” nghĩa là “trái chanh”, bởi mẫu vật đầu tiên của loài này có màu vàng. Phân bố ở hầu hết các nhánh nhỏ của Rio San Juan, và các hồ thông với nó gồm Nicaragua, Managua, Masaya và Apoyo. Tập trung chủ yếu ở những nơi có đá. Rất hiếm khi xuất hiện ở sông lớn nhưng thường thâm nhập vào những nhánh nhỏ, nơi có mực nước thấp và yên tĩnh. Thức ăn bao gồm ốc, cá nhỏ, trứng cá, ấu trùng của côn trùng, trùn đất và xác động vật chết chìm. Không có dải bên, dạng màu bình thường có khoảng sáu sọc đứng phân bố từ sau vây ngực đến gốc đuôi. Loiselle (1980) ghi nhận có những khác biệt về kích thước môi nơi những cá thể ở hồ Masaya. Một số cá thể ở các nhánh sông nhỏ giống dạng màu bình thường nhưng đầu lại có màu đỏ. Chiều dài tối đa 25 cm. Đầu thường nổi gù rất to.3Amphilophus zailosus (Barlow, 1976)Loài đặc hữu hồ Apoyo. Theo tiếng Latin, “zailosus” nghĩa là “mũi tên sóng”. Chúng cư ngụ nơi các vùng nước mở gần bờ. Thức ăn bao gồm động vật phù du, côn trùng và cá nhỏ. Môi mỏng, mình thuôn, đặc biệt dải bên là một dải sậm kéo dài từ nắp mang đến đuôi như mũi tên. Chiều dài tối đa 20 cm. Kích thước đầu trung bình.4 5 6Amphilophus xiloaensis Amphilophus amarillo Amphilophus sagittae Stauffer & McKaye, 2002Các loài đặc hữu hồ Xiloá. Chiều dài tối đa 16 cm. Theo tiếng Latin, “xiloaensis” chỉ hồ Xiloá, “amarillo” là “màu vàng” (theo tiếng Tây Ban Nha) và “sagittae” là “mũi tên”. Amphilophus xiloaensis và Amphilophus amarillo thường ăn ốc nhỏ, tuy loài sau còn ăn cả trứng của các loài cichlid khác, trong khi Amphilophus sagittae thường ăn cá con và các loài nhuyễn thể. Amphilophus xiloaensis sinh sản chủ yếu ở vùng có đá, Amphilophus amarillo sinh sản chủ yếu ở vùng có rong và thực vật thủy sinh, trong khi Amphilophus sagittae lại sinh sản chủ yếu ở vùng đáy cát hay hỗn hợp cát-đá-rong.7Amphilophus “fat lip”Loài đặc hữu hồ Xiloá, cặp môi cực lớn và thân hình thuôn dài. Loài này rất hiếm.8Amphilophus “short”Loài đặc hữu hồ Apoyo, thân ngắn và sẫm màu. Hiện là Amphilophus astorquii Stauffer, McCrary & K. E. Black, 2008 (Black Midas)9Amphilophus “chancho”Loài đặc hữu hồ Apoyo, bụng hanh vàng và kích thước lớn nhất trong nhóm Midas. Theo tiếng Tây Ban Nha, “chancho” nghĩa là “con heo”. Hiện là Amphilophus chancho Stauffer, McCrary & K. E. Black, 200810Amphilophus “Apoyo amarillo”Loài đặc hữu hồ Apoyo, hình dạng tương tự loài Amphilophus amarillo ở Xiloá. Hiện là Amphilophus flaveolus Stauffer, McCrary & K. E. Black, 200811Amphilophus globosus Geiger, McCrary & Stauffer, 2010Loài đặc hữu hồ Apoyo.12Amphilophus supercilius Geiger, McCrary & Stauffer, 2010Loài đặc hữu hồ Apoyo.13Amphilophus tolteca Recknagel, Kusche, Elmer & A. Meyer, 2013Loài đặc hữu hồ Asosoca Managua.14Amphilophus viridis Recknagel, Kusche, Elmer & A. Meyer, 2013Loài đặc hữu hồ Xiloá.15Amphilophus “Monte Galan”Loài đặc hữu hồ Monte Galan. Loài này được ghi nhận gần đây bởi Willem Heijins trên diễn đàn ACA. Ban đầu, Barlow chỉ dựa vào đặc điểm của đôi môi khi xắp xếp các loài thành hai phân nhóm labiatus và citrinellus; tuy nhiên, các loài như Amphilophus zaliosus và Amphilophus sagittae lại mang các đặc điểm trung gian của cả hai phân nhóm; đó là hình dáng thuôn dài như labiatus nhưng môi lại mỏng như citrinellus. Do vậy, chúng cần được xếp vào một phân nhóm riêng gọi là “phân nhóm labiatus môi mỏng” (Villa, 1982). Bảng sau đây liệt kê các phân nhóm và loài liên quan: Phân nhómLoàilabiatus môi dàyAmphilophus labiatus và Amphilophus “fat lip”citrinellus môi mỏngAmphilophus citrinellus, Amphilophus xiloaensis, Amphilophus amarillo, Amphilophus “Apoyo amarillo”, Amphilophus “short”, Amphilophus “chancho” và Amphilophus “Monte Galan”labiatus môi mỏngAmphilophus zailosus và Amphilophus sagittae Các nghiên cứu khoa học vẫn đang tiếp diễn. Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều loài mới được công nhận, hoặc những phát hiện mới về hành vi hay mối liên hệ giữa các loài thuộc nhóm loài hết sức hấp dẫn này. Hình 2. Các loài đặc hữu ở hồ Xiloá. Hình 3. Các loài đặc hữu ở hồ Apoyo. II. Đặc điểm Phân loại Nhóm Midas là các loài cichlid Trung Mỹ kích thước lớn. Vị trí của chúng trong bảng phân loại động vật như sau: Giới_Kingdom: động vật_animalia Ngành_Phylum: ngành động vật có dây sống_Chordata Lớp_Class: Actinopterygii (ray-finned fishes hay bony fish)_lớp cá xương có 462 bộ. Bộ_Order: Perciformes (bộ cá vược) - Phân bộ_Suborder: Labroidei. Họ_Family: Cichlidae hay Cichlid có trên 2000 loài - Phân họ_Subfamily: Cichlasomatinae. Tông_Tribe: Heroini. Chi_Genus: Amphilophus. Loài_Species: các loài thuộc nhóm Midas. Phân bố tự nhiên Hình 4. Các hồ ở Nicaragua, địa bàn phân bố tự nhiên của nhóm Midas. Địa bàn phân bố tự nhiên của nhóm Midas bao gồm các hồ và lưu vực sông San Juan ở Nicaragua. Về cấu trúc địa lý, Nicaragua thuộc về dải đất hẹp nối liền hai mảng lục địa lớn là Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Nó nằm trên vành phía đông của “Vòng cung lửa” Thái Bình Dương bao phủ bởi vô số núi lửa. Nhiều trong số các núi lửa này ngày nay không còn hoạt động nữa và trên miệng các núi lửa đã tắt này hình thành các hồ nước biệt lập, nơi trú ngụ của nhiều loài cichlid trong đó có nhóm Midas. Hình trên là bản đồ các hồ chính ở Nicaragua; hai hồ lớn nhất là Managua và Nicaragua thông với nhau và đổ vào con sông San Juan; sông này chảy dọc theo biên giới hai nước Nicaragua và Costa Rica theo hướng đông nam rồi đổ ra Đại Tây Dương. Các hồ Apoyo, Masaya, Xiloá và Monte Galan hình thành trên các miệng núi lửa đã tắt và tương đối biệt lập. Hồ Monte Galan rất nhỏ và nằm ngay trên mỏm tây bắc của hồ Managua. Các loài Amphilophus zaliosus, Amphilophus “short”, Amphilophus “Apoyo amarillo” và Amphilophus “chancho” là các loài đặc hữu ở hồ Apoyo. Các loài Amphilophus “fat lips”, Amphilophus amarillo, Amphilophus sagittae và Amphilophus xiloaensis là các loài đặc hữu ở hồ Xiloá. Amphilophus “Monte Galan” là loài đặc hữu ở hồ cùng tên. Loài Amphilophus labiatus phân bố ở các hồ lớn Nicaragua và Managua. Loài Amphilophus citrinellus phân bố rộng hơn cả, trong hầu hết các nhánh thuộc sông San Juan và các hồ Nicaragua, Managua, Masaya và Apoyo; tuy hình thái Midas ở hồ Masaya có đôi chút khác biệt về môi. Sự xuất hiện của Amphilophus citrinellus ở các hồ biệt lập Masaya và Apoyo chứng tỏ rằng hai hồ này có liên thông với hai hồ lớn ở một thời điểm nhất định nào đó trong năm hoặc đã từng liên thông trong quá khứ. Đặc điểm sinh học Là các loài cá nước ngọt thứ khai, nhóm Midas có khả năng sống trong môi trường nước có nồng độ muối hoà tan cao, chẳng hạn nơi các vùng nước lợ ở cửa sông. Chúng thích hợp với khí hậu nhiệt đới, môi trường nước giàu ô-xy, nhiệt độ từ 22 đến 27oC và hơi có tính acid - khoảng 6.8 độ pH. Tuổi thọ trung bình khoảng từ 7 đến 10 năm; trường hợp đặc biệt ghi nhận một cá thể cái trong hồ nuôi sống đến 15 năm. Nhóm Midas sinh sản theo mùa. Mùa sinh sản trùng với mùa mưa hàng năm ở Nicaragua; kéo dài từ đầu tháng 8 cho đến cuối tháng 12. Là các loài đẻ trứng mặt đáy, chúng thường đào hang để làm nơi trú ẩn và chăm sóc cá con. Trứng được đẻ lên các bề mặt cứng và thẳng đứng như vách đá hay khúc gỗ. Cả cá bố lẫn cá mẹ cùng bảo vệ tổ trứng và chăm sóc cá con. Thời gian chăm sóc cá con dao động từ vài tuần đến một tháng, sau đó chúng có thể tiếp tục đẻ lứa khác. Giới tính của cá được hình thành dưới tác động của các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ pH, hóc môn và quan hệ kích thước. Các cá thể có kích thước lớn hơn trong bầy sẽ trở thành cá đực còn các cá thể có kích thước nhỏ hơn sẽ trở thành cá cái. Cá trưởng thành ở độ tuổi từ 6 tháng đến 1 năm. Con đực thường có kích thước lớn hơn, đầu to hơn, vây dài và nhọn hơn so với con cái. III. Về hình thái màu sáng ở nhóm Midas Trong tự nhiên, hình thái màu phổ biến của các loài thuộc nhóm Midas là màu đen-xám phớt xanh. Ở một số loài, ngoài hình thái màu thông thường còn có xuất hiện hình thái màu sáng tức “golden”. “Golden” ở đây không có nghĩa là “vàng kim” mà bao gồm nhiều cấp độ màu từ đỏ, cam, cho đến vàng có xen kẽ những mảng trắng hoặc đen. Hiện có đến bốn loài trong nhóm Midas mà ở đó có tồn tại hình thái màu sáng là Red Devil, Midas, Amphilophus xiloaensis và Amphilophus sagittae. Ngoài ra, một số cá thể Midas sống ở các nhánh nhỏ của sông San Juan có hình thái màu bình thường nhưng đầu lại có màu đỏ. Loài Amphilophus amarillo có màu vàng đặc trưng chen giữa các sọc đứng. Loài Amphilophus “chancho” có phần bụng màu hanh vàng. Hình thái màu sáng có tính di truyền ổn định vì tất cả cá con của cặp cá bố mẹ có màu sáng, sau này đều đổi thành màu sáng. Sự xuất hiện hình thái màu sáng ở một số loài thuộc nhóm Midas là một trường hợp hết sức đáng chú ý. Các hình thái màu sáng của sinh vật nói chung thường có rất ít cơ hội để tồn tại ngoài tự nhiên vì màu sắc như vậy không thuận lợi cho việc lẩn tránh kẻ thù hay săn mồi. Tuy nhiên, các nhà khoa học ghi nhận rằng có khoảng từ 10% đến 15% cá thể Midas tồn tại ngoài tự nhiên dưới hình thái màu sáng. Vì sao chúng có thể tồn tại được? Được biết, cá có màu sáng chẳng hạn như màu đỏ là vì da của chúng phản xạ với ánh sáng đỏ; nhưng những cá thể này lại sống ở vùng nước sâu nơi ánh sáng đỏ không thể chiếu xuống được; cho nên ở đấy thì trông chúng cũng có màu xám đen mà thôi và vì vậy khả năng lẩn tránh và săn mồi không hề bị ảnh hưởng! Lý do mà chúng duy trì màu sáng bởi vì việc tổng hợp nên các sắc tố màu tốn ít năng lượng hơn so với tổng hợp sắc tố đen, xám! Nhiều loài sinh vật sống nơi các vực sâu của đại dương cũng có chiến lược tiến hoá tương tự. Khi bắt chúng lên khỏi mặt nước, người ta thấy chúng cũng có màu sắc rất sặc sỡ! Phát hiện này phá vỡ một số giả thiết trước đây cho rằng việc đổi màu chỉ xảy ra vào thời kỳ sinh sản với mục đích làm tăng khả năng nhận dạng cho đối tượng bắt cặp hay cho đàn cá con nơi các vùng nước sâu và thiếu ánh sáng; và rằng các cá thể có hình thái màu sáng là dạng đột biến không tối ưu và sớm hay muộn cũng sẽ đi đến chỗ tuyệt chủng. Hình 5. Biểu đồ cột thể hiện độ sâu tối đa của các bước sóng ánh sáng màu khác nhau. Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở đấy, dạng màu sáng ở nhóm Midas tồn tại ngay ở độ sâu mà ánh sáng đỏ chiếu xuống được! Điều này chỉ có thể lý giải bởi sự biến đổi màu sắc chậm nơi chúng. Cá con của một cặp cá bố mẹ màu sáng vẫn có màu bình thường sau khi được sinh ra; nghĩa là chúng vẫn còn khả năng tổng hợp hắc sắc tố ở giai đoạn đầu đời bởi vì gen đột biến về màu sắc vẫn chưa được kích hoạt. Thời điểm mà gen này được kích hoạt phụ thuộc vào một gen khác và nó thay đổi tuỳ vào mỗi cá thể; cho nên trong thực tế, một số cá thể sẽ đổi màu sớm hơn hay chậm hơn so với những cá thể khác trong cùng bầy. Red Devil bắt đầu đổi màu rất sớm, từ 3 đến 18 tháng tuổi; trong khi Midas bắt đầu đổi màu chậm hơn, từ 7 tháng tuổi trở đi; trường hợp cá biệt có cá thể phải đợi từ 2 đến 3 năm mới xuất hiện các dấu hiệu đổi màu đầu tiên. Việc đổi màu chậm giúp cá có đủ thời gian phát triển để đạt kích thước khoảng từ 10 đến 15 cm; ở kích thước này, cá hầu như không có kẻ thù trên địa bàn sinh sống tự nhiên của chúng. Những cá thể có khả năng đổi màu từ rất sớm mà chúng ta thường thấy trên thị trường cá cảnh là kết quả của quá trình lai tuyển chọn. Dạng màu sáng được biết có tính hiếu chiến hơn so với dạng màu bình thường. Quan sát sự cạnh tranh giữa các cá thể Midas đực trong phòng thí nghiệm cho thấy ở nhóm cá thể cùng dạng màu dù là dạng màu bình thường hay dạng màu sáng, cá thể chiếm ưu thế luôn có sự cách biệt trọng lượng tối thiểu là 2%, trong khi ở nhóm cá thể hỗn hợp gồm dạng màu bình thường và dạng màu sáng, dạng màu sáng luôn chiếm ưu thế và ưu thế này tương đương với 17% trọng lượng cơ thể hay nói cách khác, cá thể dạng màu bình thường vẫn có thể chiếm ưu thế nếu nó có trọng lượng cơ thể vượt trội (trên 17%) so với dạng màu sáng. Giả thiết rằng ưu thế cạnh tranh của dạng màu sáng so với dạng màu bình thường dựa trên sự khiếm khuyết vê tổng hợp sắc tố, các nhà khoa học lặp lại thí nghiệm trên với nhóm cá thể dạng màu sáng và dạng bạch tạng, tức hoàn toàn khiếm khuyết sắc tố thì cũng cho kết quả tương tự, tức dạng màu sáng vẫn chiếm ưu thế! Đến đây thì người ta đành phải viện dẫn đến các loài động, thực vật có chất độc mà màu sắc sặc sỡ nơi chúng có tác dụng cảnh báo các loài khác, như vậy các màu đỏ, cam và vàng ở dạng màu sáng có lẽ hàm chứa một sự đe dọa tự nhiên đối với các cá thể cùng loài khác. Sự phân hoá giữa các hình thái màu trong cùng một loài cũng đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Chẳng hạn, những nghiên cứu khoa học trên loài ở hồ Xiloá mà ngày nay được biết dưới tên Amphilophus xiloaensis phát hiện ra rằng sự phân bố theo độ sâu của dạng màu sáng thay đổi đáng kể tuỳ theo mùa. Vào giữa mùa không sinh sản, trên 50% dạng màu sáng sống ở độ sâu 9 m, nhưng khi vào đỉnh điểm của mùa sinh sản, chúng di chuyển xuống sâu hơn – nên chỉ còn 7% dạng màu sáng còn ở độ sâu này. Nói cách khác, đa số dạng màu bình thường sinh sản ở các vùng nước nông, còn đa số dạng màu sáng sinh sản ở các vùng nước sâu và tối hơn. Hành vi giao phối chủ yếu xảy ra giữa các cá thể có cùng dạng màu, tuy nhiên, đôi khi người ta cũng phát hiện cá thể màu sáng bắt cặp với cá thể màu bình thường; điều này củng cố cho lập luận rằng, các cá thể khác dạng màu này là cùng một loài với nhau. Người ta cho rằng dạng hình thái màu ở các loài thuộc nhóm Midas là một trường hợp đặc biệt về chiến lược tiến hoá của sinh vật và bởi vì chúng lựa chọn địa bàn sinh sống và sinh sản một cách độc lập; cho nên, các dạng hình thái màu khác nhau của cùng một loài có thể sẽ tiến hoá thành những loài riêng biệt trong tương lai. Hình 6. Chuỗi hình mô tả quá trình biến đổi về hình thái của một cá thể Midas. (Phía trên bên trái) Cá thể khi còn nhỏ có màu sắc bình thường (Phía trên bên phải) Cá thể hầu như mất khả năng tổng hợp hắc sắc tố, thân cá chỉ còn sót lại một ít đốm đem. Màu sắc vẫn còn rất nhạt do cá chưa tích tụ được nhiều sắc tố đỏ (Phía dưới bên trái) Hắc sắc tố hoàn toàn biến mất, sắc tố đỏ phát triển mạnh, một vài mảng trên thân và vây lưng mất hoàn toàn khả năng tổng hợp sắc tố nên có màu trắng (Phía dưới bên phải) Màu trắng lan dần toàn thân, màu đỏ chỉ sót lại một chút trên lưng, đầu và vây, phần bướu trước đầu phát triển to (Dưới cùng) Cá thể hoàn toàn trưởng thành. Toàn bộ thân và vây có màu trắng, màu đỏ-cam chỉ sót lại một ít ở vùng xung quanh mắt và vây ngực. Bướu phát triển tối đa. Hình 7. (Bên trái) Cặp Amphilophus xiloaensis dạng màu bình thường. (Bên phải) Cặp Amphilophus xiloaensis với cá thể đực dạng màu bình thường còn cá thể cái dạng màu sáng. Các cặp khác dạng màu như thế này rất hiếm gặp ngoài tự nhiên. Điều này có thể sẽ không xảy ra trong tương lai nữa bởi vì các dạng màu này tuy cùng một loài nhưng lại có hành vi khác biệt và có thể sẽ tiến hoá thành các loài độc lập. IV. Về trường hợp của Red Devil và Midas Các loài Amphilophus labiatus và Amphilophus citrinellus được nhập vào thị trường cá cảnh Mỹ từ năm 1964 qua các trang trại nuôi cá cảnh ở Florida, dưới các tên thông dụng là Red Devil và Midas cichlid rồi có lẽ sau đó mới phát triển qua những vùng khác trên thế giới. Người dân địa phương ở Nicaragua và Costa Rica gọi chúng là Flamingo tức “chim hồng hạc”, tên này lạ thay lại được biết đến ở châu Á nhiều hơn là các tên Red Devil hay Midas; còn riêng với ngư phủ địa phương, các loài cá lớn trong đó có Red Devil và Midas đều được gọi một cách chung chung là “mojarra” tức là “cá lớn”. Quá trình nuôi dưỡng Amphilophus labiatus và Amphilophus citrinellus trong môi trường nhân tạo đã làm nảy sinh một số vấn đề như sau: Thứ nhất, đôi môi lớn ở loài Amphilophus labiatus nhanh chóng bị thoái hoá đi chỉ sau một vài thế hệ nuôi dưỡng trong hồ cảnh. Đặc điểm di truyền này bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các điều kiện về môi trường. Ngoài tự nhiên, đôi môi lớn chính là công cụ đào bới và nghiền nát thức ăn vô cùng hữu dụng. Cá dùng miệng sục vào lớp bùn đất ở mặt đáy để tìm bắt và cắn vỡ lớp vỏ cứng của ốc và động vật giáp xác, những loại thức ăn phổ biến trong môi trường sinh sống của chúng. Tuy nhiên trong hồ nuôi, khẩu phần và tập quán ăn uống như vậy bị thay đổi hoàn toàn; chúng được nuôi bằng các loại thức ăn mềm được chế biến sẵn như thức ăn tổng hợp, thức ăn đông lạnh... mà không phải tìm kiếm đâu xa. Do đôi môi không được sử dụng để đào bới nữa nên nó sẽ bị teo nhỏ đi nơi các thế hệ về sau. Hình 8. Hình nhìn từ trên xuống, mô tả sự khác biệt của đầu và môi giữa Amphilophus labiatus và Amphilophus citrinellus. Amphilophus labiatus bên phía A có đầu nhọn và hẹp, môi dày và có một mấu nhỏ ở chính giữa. Amphilophus citrinellus bên phía B có đầu rộng và tù, môi mỏng. Thứ hai, không rõ nguyên nhân vì đâu mà ngay từ đầu người ta đã đem lai hai loài này với nhau và rồi hầu hết các cá thể đầu tiên lưu hành trên thị trường cá cảnh Mỹ thời ấy đều là cá lai. Các hậu duệ của chúng về sau hầu hết đều mang các đặc điểm di truyền đặc trưng của Amphilophus labiatus như mõm nhọn, đầu thuôn và cũng được gọi là Red Devil. Đôi khi trong bầy cá lai cũng xuất hiện cá thể có thân rộng và mõm tù như Amphilophus citrinellus nhưng rất hiếm. Ngày nay, cá thể Red Devil nếu không được ghi chú về xuất xứ hay tính thuần chủng thì có rất nhiều khả năng là cá lai. Thứ ba, các tên gọi Red Devil và Midas không còn mang ý nghĩa như ban đầu nữa; ngày nay người ta gọi Amphilophus labiatus và các cá thể lai là Red Devil bởi vì khi nuôi trong hồ cảnh, chúng trở nên rất giống nhau và khó phân biệt. Thậm chí, một số người nuôi cá thiếu kinh nghiệm còn không phân biệt được Amphilophus citrinellus nên cũng gọi chúng là Red Devil thay vì Midas. Mặt khác nếu chúng ta thấy một cá thể có các đặc điểm của Amphilophus citrinellus rồi gọi nó là Midas thì cũng có thể nhầm lẫn vì đó có thể là cá lai (dù khả năng này là rất nhỏ)! Vì vậy, tên thông dụng không phản ánh chính xác nguồn gốc di truyền của một cá thể. Ngày nay, người ta có thể dùng các tên này để gọi một cá thể thuần chủng hay lai bất kỳ. Để tránh nhầm lẫn, chúng ta nên sử dụng tên thông dụng kèm theo tên khoa học chẳng hạn như Midas (Amphilophus citrinellus), Red Devil (Amphilophus labiatus) hay Red Devil (hybrid) để nhấn mạnh về tính thuần chủng hay lai tạp của cá thể được nói đến. Hình 9. (Phía trên) Amphilophus labiatus thuần chủng có đôi môi cực lớn (Phía dưới) Cá thể lai Red Devil/Midas có môi mỏng. Hình 10. Những hình thái khác biệt ở các cá thể lai trong cùng một đàn (Phía trên bên trái) Cá thể có mõm nhọn và hẹp (Phía trên bên phải) Cá thể có mõm tù, độ rộng ở mức trung gian giữa Amphilophus labiatus và Amphilophus citrinellus (Phía dưới bên trái) Cá thể có một mấu nhỏ ở môi trên, dấu vết đặc trưng ở loài Amphilophus labiatus (Phía dưới bên phải) Cá thể có môi rất mỏng, miệng rộng, đặc điểm đặc trưng ở loài Amphilophus citrinellus. Red Devil là loài cichlid Trung Mỹ phổ biến nhất trên thị trường cá cảnh nhờ vào màu sắc nổi bật của chúng. Chúng ta đều biết rằng những cá thể nuôi làm cảnh thường có màu sắc sặc sỡ hơn những cá thể cùng loài ngoài tự nhiên bởi chúng là kết quả của quá trình lai tuyển chọn. Nhưng Red Devil lại là một trong số rất ít những loài cá mà các cá thể có màu sặc sỡ tồn tại ngoài tự nhiên. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Red Devil là một trong những loài cichlid Trung Mỹ đầu tiên được chọn nuôi làm cảnh rồi sau đó mới đến các loài cichlid kích thước lớn khác khi mà phong trào nuôi cichlid phát triển rộng hơn. Dạng màu phổ biến nhất của Red Devil là màu cam, màu vàng hiếm hơn còn màu đỏ thì cực hiếm. Mặt khác, tên khoa học của Red Devil là “labiatus” tức “môi lớn” và một số người nuôi cá lại thích thú trước kích thước ấn tượng của chúng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên đặc điểm này sẽ bị thoái hoá dần ở các thế hệ về sau ngoại trừ các cá thể hoang dã hay F1. Với một số người khác, đặc điểm miệng nhọn, môi dày và đầu thuôn dài ở Red Devil lại kém hấp dẫn hơn so với đặc điểm miệng rộng và ngắn như ở Midas. Midas cũng thường có phần trán phía trước đầu (nuchal hump) phát triển rất to, điều vốn ít thấy ở Red Devil. Midas là tên ông vua trong thần thoại Hy Lạp, người mà chạm vào đâu cũng biến thành vàng; có lẽ người ta đặt tên như vậy để ám chỉ đến những cá thể Midas màu vàng đầu tiên nhập vào Mỹ chứ trên thực tế, loài này cũng có đủ các cấp độ màu như ở Red Devil. Nhìn chung, hình dạng và màu sắc ở Midas khá tương đồng so với Red Devil làm cho việc phân biệt chúng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với người thiếu kinh nghiệm. Những cá thể lưu hành trên thị trường cá cảnh Việt Nam những năm trước đây dưới các tên Hồng Diện hay Hồng Mỹ Nhân chính là Red Devil lai (hybrid). Phong trào nuôi cá La Hán làm cho loài này hầu như biến mất khỏi thị trường cá cảnh bởi quan niệm rằng “cá Hồng Diện không lên đầu”. Đôi khi chúng ta cũng bắt gặp vài cá thể Red Devil ở các tiệm cá cảnh trong thành phố nhưng chúng thường không đẹp nên không tạo được nhiều sự chú ý. Được biết, một số nông dân trước đây cũng từng nuôi Hồng Diện để lấy thịt nhưng sau lại thôi vì nuôi cá điêu hồng có lợi hơn. Sự thực là nếu được tuyển chọn kỹ lưỡng, Red Devil đẹp không thua kém bất kỳ loài cá nào khác. Hình 10. Cá thể Red Devil này có môi mỏng và mõm tù, trông rất giống với Midas. V. Hồ nuôi Hồ nuôi các loài thuộc nhóm Midas cũng tương tự như hồ nuôi các loài cichlid Trung Mỹ kích thước lớn khác. Đáy nền thường được trải sỏi nhỏ sẫm màu để ”thoả mãn” bản năng đào bới của chúng. Cũng có thể đặt thêm vào đó một chậu cây hay ít đá cuội để tạo khung cảnh tự nhiên cho hồ. Nhân tiện đề cập đến việc trang trí hồ cá. Một số người vì muốn kích thích màu sắc của cá chẳng hạn như màu đỏ nên mới trải đáy hồ bằng sỏi đỏ, dán phông nền hồ cũng bằng giấy đỏ rồi chiếu sáng hồ bằng đèn hồng tím. Kết quả là không chỉ con cá mà toàn bộ hồ cá… đỏ rực. Cách bố trí như vậy có lẽ chỉ thích hợp với tiệm bán cá chớ không thích hợp với hồ nuôi cá bình thường vì màu sắc của con cá sẽ không nổi bật trên phông nền như vậy. Không nên bố trí đáy và phông nền với màu sắc quá sặc sỡ hay quá tối; màu xanh lá cây hay xanh da trời nhạt có lẽ là màu thích hợp nhất. Chúng ta cũng không nên trồng rong hay thực vật thuỷ sinh trong hồ vì sớm muộn rồi cũng bị cá cắn phá. Ngoài ra, cần lắp đặt hệ thống lọc và sục khí mạnh vì cá sẽ phát triển tốt hơn trong môi trường giàu ô-xy hoà tan. Duy trì chế độ thay nước thường xuyên và mỗi lần chỉ thay khoảng 40% lượng nước hồ. Các loài cichlid nói chung rất nhạy cảm với các chất sát trùng chứa trong nước nên cần để nước một thời gian cho bay hơi hết chất này trước khi sử dụng. Các loài này còn ít nhiều tính hoang dã nên rất mạnh khoẻ và hiếm khi mắc bệnh. Bệnh cá phổ biến nhất là bệnh thối vây và nấm. Nguyên nhân làm cho cá bị bệnh thường là do nước dơ và thức ăn kém chất lượng. Cá bố mẹ trong thời gian chăm sóc con hoặc những cá thể được nuôi chung trong một hồ thường cắn nhau gây thương tích từ đó mầm bệnh mới thừa cơ lây nhiễm và phát triển. Để phòng tránh, cần thay nước thường xuyên và không nên bỏ quá nhiều thức ăn vào hồ; thức ăn dư sẽ làm cho nước bị ô nhiễm. Cũng không nên cho cá ăn các loại thức ăn có chứa mầm bệnh như cá chép nhỏ. Khi phát hiện cá bị bệnh thì cần phải cách ly và điều trị kịp thời bằng các loại thuốc có bán ngoài thị trường. Thông thường thì việc thay nước và bỏ muối vào hồ với liều lượng thích hợp cũng đủ để cá lành bệnh rồi. Hình 11. Hồ nuôi Red Devil. ============================================= Ghi chú [1] Cần phân biệt đường bên (lateral line) với dải bên (lateral band). Đường bên là hàng vảy sẫm màu, kéo dài từ mang cho đến gốc đuôi. Mỗi vảy đều nối đến các tế bào cảm giác và dây thần kinh; mà nhờ đó, cá cảm nhận được biến đổi từ môi trường xung quanh, chẳng hạn dòng chảy. Dải bên là tập hợp gồm những chấm đen (blotch) chạy dọc theo đường bên. [2] Amphilophus labiatus có các tên khác gồm Cichlasoma froebeli (Agassiz), Cichlasoma lobochilus (Günther), Cichlasoma erythraeum (Günther) và Cichlasoma dorsatum (Meek). Amphilophus citrinellus có các tên khác gồm Cichlasoma basilaris (Gill và Bransford) và Cichlasoma granadense (Meek).