Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Asil – Chiến Kê Ấn Độ (Paul Deraniyagala)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 27/2/15.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Asil – Chiến Kê Ấn Độ
    Paul Deraniyagala (Ceylon) - http://asilclub.spruz.com

    Với nỗ lực trình bày trước độc giả về những khía cạnh ít được biết của giống gà này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến nhiều sư kê Ấn Độ ở Madras, Bangalore và New Delhi vì đã cho tôi xem gà của mình, đến vị giám đốc ngành nông nghiệp của bang Rampur, đến Mr. Dilbas Khan Khatak và Mr. Sahai ở Tỉnh Biên Giới Tây Bắc (North West Frontier Province) cùng nhiều thành viên thuộc quân đội Ấn Độ. Cũng đến Mr. W.I. Pieris Sriwardhana [Siriwardena] vì đã chuyển đơn gia nhập của tôi cho Câu Lạc Bộ Asil Ấn Độ và đến người bạn quá cố của tôi Herbert Atkinson, chủ tịch Hiệp Hội Gà Chọi Anh (Old English Game Fowl Association of Great Britain) vì rất nhiều những bất đồng thân thiện, vì hàng loạt bản vẽ và tác phẩm hội họa mà ông đã trình bày với tôi, vì đã cho tôi xem đám gà Asil của ông tại Ewelme gần Oxford và vì lòng hiếu khách của ông dành cho tôi nơi đó. Tôi cũng biết ơn tác phẩm kinh điển về chọi gà bằng tiếng Urdu của Nawab Muhammad Khan vốn được dịch sang tiếng Anh bởi Trung Tá D.C. Phillott và xuất bản vào năm 1910 trên tờ Á Châu Học Hội Bengal (Asiatic Society of Bengal).

    ASIL nghĩa là “nòi” (thoroughbred) hay “dòng dõi” (aristocratic) mà theo tiếng Rajput còn có nghĩa là “gan lỳ chết bỏ” (dead game). Thuật ngữ này được áp dụng vào bất kỳ sinh vật sống nào và khi được dùng cho một giống gà nghĩa là nó sẽ chiến đấu đến cùng. Ở Ấn Độ có nhiều loại gà như vậy nhưng trong bài viết này, cái tên được giới hạn vào những con thân hình nở nang, đầy đặn (broad, thick set) vốn được đá sau khi quấn chín vòng vải quanh cựa để tù bớt (blunted). Một trận đấu bị kết thúc đột ngột bởi cựa sắc đâm vào đầu thì không được coi là bài kiểm tra cho sự gan lỳ đích thực và chỉ chiến kê nào vốn sẽ đá cho đến chết trong một trận đấu bằng cựa tù kéo dài ba hay bốn ngày mới được coi là “ASIL” ở một số vùng nhất định tại Ấn Độ. Người Rajput đá gà của họ sau khi mài cùn cựa và dẫu sức cùng lực kiệt và mù lòa, trống vẫn [tập tễnh] lao vào đối thủ và đá đến hơi thở cuối cùng. Gà Asil quả thiệt hung dữ mà toàn bộ bầy gà con đá đến chết ngay khi những cái lông đầu tiên bắt đầu xuất hiện và chỉ vài con còn sống sót, thường bị tang tặng, mù và với xương cánh bị thương tật.

    Ở Nam Á, có tồn tại đồng thời các giống gà thân hình nở nang cũng như các giống gà chân dài chẳng hạn Parayal Nam Ấn. Nhìn chung các giống trước được phân biệt với các giống sau không chỉ về hình dáng (shape) mà còn ở sự kiện rằng một số mái ở mỗi giống gà nở nang có đặc điểm lông viền (laced feather) và tất cả đều đẻ rất kém. Thật thú vị để ghi nhận rằng khi pha với nhau, nhất là với những con chân dài, chúng tạo ra mái pha sở hữu viền lông rất đậm nét.

    Trống đá cực mạnh và vì phẩm chất này là cần thiết để chiến thắng, cơ bắp của chúng phát triển vượt trội so với các giống gà chọi khác. Tuy nhiên, chúng không được “mỡ màng” mà phải cứng, khô và dẻo dai dẫu nở nang và to nặng lúc trưởng thành. Bộ lông thưa thớt phô bày da thịt đỏ au ở đùi, ngực và cổ. Lông bờm mịn và gần như thẳng tắp. Chẳng hề có bất kỳ bảng điểm triển lãm chi tiết nào đối với người Maharajah và Zemindar hay các nhà địa chủ giàu có, mà từng người trong số họ đều dựa vào việc tuyển chọn qua [thực tế] đá trường để lọc lựa gà giống và canh giữ một cách cẩn mật dòng gà đã thiết lập của mình.

    Năm [hay sáu?] giống gà Asil nở nang được biết như sau:

    Gà chạng lớn trên 6 lb [2k7]

    a) Hyderabad Asil – lông bao đuôi (tail covert) ánh màu đồng thiếc (bronze sheen), trống cân nặng từ tám đến chín pound [3.6 – 4 kg], phân bố ở Deccan [cao nguyên trung phần].

    b) Sheik Buddhu Asil – nhỏ con hơn Hyderabad, trống cân nặng từ sáu đến tám pound [2.7 – 3.6 kg], phân bố ở Scind [nay là Sindh, Pakistan].

    Gà chạng nhỏ dưới 6 lb [2k7]

    a) Reyza hay Reyja [Reza] – trống từ bốn đến sáu pound [1.8 – 2.7 kg] ở Deccan và các tỉnh miền trung.

    b) Jadhi – trống từ bốn đến sáu pound [1.8 – 2.7 kg] ở Tanjore [nay là Thanjavur, bang Tamil Nadu].

    c) Masil – trống từ ba đến năm pound [1.4 – 2.3 kg] ở các tỉnh liên hiệp (United) và miền trung (Central).

    d) Asli – là tên của giống gà Bengal.

    ****** CÁC BIẾN THỂ ASIL ******

    Trong năm [hay sáu?] giống gà có tồn tại một số “biến thể” bao gồm:

    a) Tikar – mồng trích (walnut)
    b) Gulovery – râu (muffed)
    c) Kal Katiya [Kalkatiya] – cựa đen [xứ mình có cựa “nhật nguyệt” tức bên trắng bên đen, cựa “tam lan” tức đen lem nhem]
    d) Siyah [Rampuri] – ô
    e) Lakha hay Lakhor (Bắc Ấn)/Yakuta (Nam Ấn) – điều, tiếng Ba Tư nghĩa là “hồng ngọc” (ruby)
    f) Java [Jarva/Jawa] – chuối hay chuối bùn (dark grey)
    g) Do Baz – bướm
    h) Chitha [Chita] – bông hay nổ

    Các thuật ngữ ở trên có lẽ được áp dụng cho những biến thể ở mọi giống.

    ****** DÒNG ******

    Các dòng gà thuộc loại Asil lớn trạng gồm:

    a) Patti-tuta hay “công phá tấm trải giường”(bed webbing buster) – Với nỗ lực ngăn hai trống thuộc dòng này bằng cách chèn vào giữa một tấm trải giường Ấn Độ, kết quả là các trống phá rách tấm trải (Patti) bằng các cú đá của chúng.

    b) Khan [Ghan/Amir Ghan] hay “Nhà chinh phục”(Conqueror) – điều sẫm. Một người cố bắt gà của mình trong khi đang đá đã bị gãy cổ tay.

    Các dòng gà thuộc loại Asil nhỏ trạng gồm:

    a) Shir-Za – điều sẫm đá mạnh, tên của chúng nghĩa là “sư tử”.

    b) Sona-tula [Sonatol/Sonatawal] – điều nhạt, đâm tốt. Cái tên ám chỉ việc một quốc vương (Rajah) mua chiến kê thắng độ thuộc dòng này bằng số vàng tương đương với trọng lượng của nó.

    c) Kaplan [Kaptan] – điều sẫm với một vài vệt trắng ở đuôi [tức đuôi lau theo Herbert Atkinson, nhưng theo Carlos Finsterbusch thì Kaptan cũng là Kalkatiya, tức cựa đen].

    d) Behengam – có mồng nhỏ và đâm tốt. Tên có nghĩa “dũng cảm phi thường” [theo Murgh-Nama, Bihangum/Bihangam là mồng lá, dựng, tích lòng thòng và thường đá dở; Tikariya/Tekar là gà mồng nhỏ gọn, đá nhanh và linh hoạt, chóp mồng càng nhỏ và cứng càng tốt].

    e) Dudhia – một dòng gà chuối tốt, không phải chuối bùn.

    Những chiến kê hay nhất là gà ô hay điều sẫm [điều mật], theo các nhà lai tạo Ấn Độ, gà nhạn, gà vàng hay gà bông, gà nổ bình thường không bao giờ được dùng để đá đòn (spurless combat) bởi chúng thiếu độ bền và xuống sức sau mấy ngày thi đấu đầu tiên. Những con như vậy bị loại bỏ khi chúng vừa xuất hiện trong bầy. Những người Anh từng cản và đá gà Asil có thể làm chứng cho độ chính xác của luận điểm này. Vì vậy, Asil xám là của hiếm bởi cần phải cản gà ô với gà nhạn để tạo ra chúng [thực ra, xám là kết hợp giữa ô và tóe], nhưng loại gà vạm vỡ, gan lỳ đến chết “Madras Xám” (Blue Madras Game) như đề cập của Wright (1902) rõ ràng là một trong những giống Asil lớn trạng. Dòng gà này cũng rất khác biệt về hình dạng (carriage), với dáng đứng cực dựng, trên thực tế hầu như vượt trội đám Gà Đá Hụp Ấn Độ (Indian Duck Runner) về mặt này; điều này có lẽ nhờ việc cản “vào” [in and in, cận huyết] thật sâu trong khi số khác lại có dáng thấp (low stationed) với vai tròn và xu hướng gù lưng (roach back). Vài dòng trong số này được đá với cựa tù quấn vải [cựa băng] trong khi số khác thi đấu bằng cựa sắc tự nhiên [cựa xương].

    Trong các trận đấu cựa tù, một con Parayal chân dài dẫu gan lỳ như Asil nhưng vẫn bất lợi bởi sự đùn đẩy không ngừng của địch thủ gọn gàng hơn bào mòn sức lực cho đến khi cặp chân dài đổ sụm. Mặt khác, gà thấp lùn cũng không thể đá nhanh và mạnh và nắm tai của địch thủ cao lớn hơn vốn có thể mổ xuống đầu và mắt nó, chốt hạ loại sau một cách nhanh chóng trong trận đấu, do đó đặt nó vào cửa tử. Vì những lý do này, một con Asil nòi, sản phẩm của hàng thế kỷ tuyển chọn thận trọng từ những chiến kê thắng trận, là một trong những thành tựu vĩ đại trong lãnh vực lai tạo động vật cho một mục đích đặc biệt. Một trống phải rộng vai, nở nang, dẻo dai và tuy cán ngắn nhưng không có nghĩa là cũn cỡn và gò má ít thịt, bởi mặt thịt bị sưng nhanh chóng che khuất mắt, da mặt phải tương đối đàn hồi, cứng cáp và không sưng tấy khi bị thương. Một số dòng cũng có chút nọng [dewlap, da cổ họng] bởi các nhà lai tạo Ấn Độ khẳng định rằng một con thiếu nọng sẽ không thể hít thở thoải mái khi cổ họng bị sưng trong một trận đấu kéo dài.

    Vảy cán cũng phải cực kỳ cứng và chắc (horny), xếp thành hàng bướu cứng tương tự như hạt bắp khô và nhờ đó gia tăng thương tổn gây ra bởi đòn đá. Mỏ phải to dày tương tự như mỏ cá hồi nhưng các nhà lai tạo Ấn Độ khẳng định rằng mỏ càng cong như mỏ két thì lớp vỏ sừng càng nhanh sút ra khi thi đấu so với loại mỏ bình thường. Lông phải cứng, dai và không lông tơ (fluffiness).

    Ở cả người lẫn thú, xu hướng nhỏ con, thiếu mỡ và đẻ kém là hậu quả của việc cản “vào” trong nhiều thế hệ và gà Asil không là ngoại lệ. Chúng cũng rất khác với những loại gà khác về cách thức chiến đấu, sau khi được thả chúng tiến đến địch thủ trong tư thế phục sát (crouching), hai chân rùn xuống, với ngực gần chạm đất và khi vô kèo (breast to breast) thì đuôi được thu vào giữa hai chân. Gà Asil không bay cao khi tấn công, nhưng lao vào đối thủ với rất nhiều sức lực bằng các cú nạp xa, tầm thấp và một khi có thể nắm lông, bèn trút cơn mưa đòn dữ dội lên mình đối thủ. Theo Atkinson, gà Asil thể hiện kỹ năng đá trường siêu đẳng và khi đối đầu với gà chọi Châu Âu (European Gamefowl) sẽ đợi cho đến khi địch thủ của mình bay nhảy chán chê, bèn tấn công khi nó vừa tiếp đất và chưa kịp lấy lại thăng bằng. Finsterbusch (1929) cũng chia sẻ quan điểm này. Tính theo kích thước, gà Asil là loại đá mạnh nhất trong đám gà chọi. Gà đòn (spurless fighter) thường gục ngã một cách đột ngột khi cổ bị gãy, còn gà con trong các cuộc xung đột nội bầy thường xuyên đá gãy cánh và đả thương lẫn nhau.

    Một thân hình dài, mềm dẻo là vô dụng trong trận đấu đá mạnh hao tổn sức lực và việc lai tuyển chọn đã tạo ra dạng thân nở nang và tương đối cục mịch để chịu đòn. Các giống gà chọi vốn dùng cựa nhân tạo và phụ thuộc nhiều vào linh hoạt (agility) hơn là đá mạnh hay cực gan lỳ để chiến thắng, không cần phải phát triển hình dáng săn chắc này mà cấu trúc lỏng lẻo (loosely knit), mảnh mai hơn và lông rậm hơn.

    Việc huấn luyện Asil bắt đầu khi gà mới biết gáy. Phương pháp được mô tả bởi Muhammad Khan (1883) người được Atkinson trích dẫn rộng rãi trong các bài viết về gà Asil của mình. Trống tơ được tuyển chọn sao cho vẫn đá vào bất kỳ vị trí nào của đối thủ xuất hiện trước mắt, nhưng sẽ tập trung đả thương một bộ phận nhất định của đối thủ. Gà trưởng thành vốn được huấn luyện để thi đấu được tắm rửa, xoa bóp và tập chạy, bơi, kích thích cho đá vào một tấm vải đỏ được sư kê đưa gần lại nó, thả lên chạc gắn chặt vào cũi trẻ (child ’s cot) và đong đưa trong một giờ để làm khỏe chân và một lần mỗi tuần, việc chườm vào ban đêm bằng một tấm nóng khô hay ẩm tẩm một hỗn hợp đặc biệt được coi là cần thiết. Việc chườm này không chỉ làm mạnh gà mà còn tiêu mỡ. Những vị trí được điều trị là từ đầu xuống đến cổ, cho đến vai, cánh, đùi, hông và giữa hai chân. Phần ngực và bụng gần hậu môn không chườm ẩm và gà được nhốt vào nơi ấm áp để khỏi nhiễm lạnh.

    Sau bốn mươi ngày huấn luyện sơ bộ này, cựa tù của nó được quấn bằng chín vòng vải dày và nó được xổ với những con vốn kém tài hơn và khi trình độ của nó thăng tiến thì số lượng các “dalada” hay đối tác xổ (sparring partner) tăng theo. Khi một đối tác kiệt sức, chiến kê đang tập luyện được nghỉ ngơi hai mươi phút rồi lại đá với con mạnh khỏe khác cho đến khi con sau này cũng kiệt sức. Chiến kê sau đó được nghỉ ba mươi phút rồi tái đấu với con thứ ba, khi con này kiệt sức, chiến kê được nghỉ bốn mươi phút và xổ với đối tác thứ tư. Một chiến kê sẽ không được coi là đủ chuẩn đá trường cho đến khi nó có thể đá mười vòng như vậy trong vòng hai ngày. Một con đã qua huấn luyện phải thật dạn dĩ tức không cố bỏ chạy khi sư kê tiếp cận để bắt nó lên và nó phản ứng với sự vuốt ve như một con chó.

    Sau khoảng sáu tháng huấn luyện, các trống được cáp để đá đòn theo trọng lượng, kích thước và độ tuổi. Lông cổ và bờm được cắt tỉa và cắt bỏ chóp lông cánh và lông mã, trận đấu mở màn vào buổi chiều. Cả hai giờ đây ở trong tình trạng mà cơ bắp của chúng căng như dây đàn (cord) và trừ phi một trong hai bị gãy cổ, trận đấu sẽ tiếp diễn trong ba hay bốn ngày, cho đến khi một chiến binh bị chết hay trở nên bất lực vì chấn thương, cả nằm bẹp dí lẫn mắt bị che (closed eye) bên ngoài, cổ sưng phồng và lưng bị thương.

    Trong những trận đấu như thế này, trống có thể nghỉ chín lần bất cứ khi nào chủ gà mong muốn. Thời gian nghỉ được quy định sẵn và sau lượt thứ tư, mỗi lần sẽ kéo dài sáu mươi phút. Người đầu tiên bắt gà vào lượt thứ chín hoặc cho nó đá tiếp sau khi nghỉ cho đến chết hoặc bắt nó lần thứ mười và thua trận nhưng cứu mạng chiến kê. Trận đấu kéo dài 8 hay 9 giờ mỗi ngày, trong ba hay thậm chí bốn ngày. Trận đấu tái diễn vào cùng giờ mỗi ngày và nếu một bên chủ gà hoặc đến trễ thì hoặc bị phạt số lượt hay thời gian nghỉ của gà mình hoặc bị xử thua theo thỏa thuận từ trước.

    Trong những lượt nghỉ vốn được gọi là “pani” này, sư kê có thể thay lớp sừng bị sút khỏi mỏ gà mình bằng vỏ cứng bao quanh lõi tổ ong. Cặp mắt vốn bị che khuất do sưng tấy, vì những cú đá, được vén lên lại bằng cách sỏ hay khâu mí mắt.

    Lông gãy cũng được tháp [bằng lông gà hay chim ưng] và chỗ sưng được chườm. Khẩu phần ăn vào những lượt nghỉ này nhất định phải là một chất kích thích (stimulant) cất trong ngăn khóa nhỏ gắn liền với ghế ngồi nơi sư kê theo dõi trận đấu. Khi không ở chế độ tập luyện, trống đôi khi được cho ăn hạt kê và lúa miêu [spiked millet, pearl millet, kê trân châu] (bajra) vốn đôi khi được ngâm rượu trong hai mươi bốn giờ rồi mới cho ăn. Thỉnh thoảng, gà thường được cho ăn thận tái (parboiled) nghiền thành pa-tê (paste) cùng với bột mì [wholemeal wheat, xay nguyên hạt] rắc thêm chút bơ (ghee) và một nhúm thuốc phiện hay một muỗng đầy kem sữa trâu (buffalo cream).

    ****** LAI TẠO VÀ TUYỂN CHỌN ******

    Ở Ấn Độ, chẳng có trống nào làm cha mà chưa từng ăn độ và nó được cản với một mái già hơn. Các mái cũng hung dữ như trống và đá lẫn nhau đến chết, mù lòa hoặc tróc đầu và mổ lủng xương sọ đến lòi cả não. Những trận đấu như vậy cứ xảy ra hoài khi một mái vốn lên ổ [ấp trứng] tái xuất hiện sau khi vắng mặt một hay hai tháng, thời gian đủ dài để các chiến hữu quên mặt nó. Khi một cặp quay ra đá nhau thì gần như tất cả mái và trống con đều tham gia vào “cuộc chiến hoàng gia” (battle royal) và cách duy nhất để tránh thiệt hại phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, là tách chúng ra. Vì lý do này, người ta phát hiện ra rằng cách tốt nhất là thả một trống với một hay hai mái là tối đa trong sân. Những mái Asil tốt nhất chỉ đẻ từ năm đến bảy trứng mỗi lứa, thường một lứa mỗi năm và duy trì trạng thái ấp nở trong một thời gian dài, kết quả nó là bà mẹ tốt nhất, đặc biệt khi bảo vệ con cực kỳ dữ dội. Khi ấp nở, gà con thường nhỏ hơn hầu hết các giống gà khác và những biến thể sậm màu thường có một sọc chính giữa màu chocolate kéo dài từ mỏ cho đến đuôi. Lông cánh xuất hiện sớm ở ba ngày tuổi tiếp theo đến lông đuôi ở mười hai ngày tuổi, về màu sắc gà Asil con khá giống với gà rừng Ceylon [Gallus lafayettii] con. Chúng lớn chậm và không tập gáy cho đến sáu tháng tuổi. Cựa nhú ra khi gà hơn một năm tuổi và tiếp tục gia tăng độ dài cho đến hai năm tuổi, và mồng phát triển về kích thước cho đến ba hay bốn năm tuổi, do đó ở một số dòng gà, nhất là những dòng đá mạnh bẩm sinh, hình thành một cái mỏ và cặp cán dày đáng kể trong khi cựa trở nên cùn và có vỏ cứng. Tuy nhiên ở những dòng cựa mọc nhanh, độ dày cán này là vô cùng dễ thấy, mà cựa vẫn sắc nhọn và bóng bẩy gần như đến chết.

    ****** TIÊU CHUẨN CHUNG ÁP DỤNG CHO MỌI DÒNG ******

    ĐẦU: Nhỏ với gốc mạnh, không mập thịt mà thật xương xảu, da mặt cứng và chai, tai rất nhỏ, không tích, mồng với chóp sau kết thúc gần mặt phẳng thẳng đứng đi qua con ngươi. Mắt sáng và nằm sâu trong hốc mắt, mỏ mạnh mẽ với mỏ dưới thẳng, không như mỏ két. Họng mảnh mai với một ít nọng.

    CỔ: Uốn gập ở đốt sống cổ thứ ba sau đầu, xương nhỏ, cần cổ tự thân phải cứng và dẻo dai nhưng không được mập thịt.

    THÂN: Ngắn và khi nhìn từ phía trên hay mặt bên rất giống hình trái tim, rất rộng cả ở vai lẫn hông. Gốc đuôi rất dày, cứng, chắc và gắn liền với thân và gần rộng bằng đầu. Ngực rộng, gần như toàn bộ chiều dài của xương ngực [ức] được phô bày một cách nổi bật và có lườn nông. Bụng rất thóp và ít nhiều ẩn giữa hai đùi và chóp cánh.

    CÁNH: Tương đối ngắn, cứng và xương xảu với gân máu (vein) lộ, cơ bắp nối với thân rất mạnh. Khi khép lại, nó trông giống như là một cái đĩa úp [cánh hạt trai]. Rộng ở vai, tóp lại nhanh chóng với các lông bay sơ (primaries) cong, gồ lên và khép sát vào nhau ở bên thân, cánh chậu (lower butt) hơi cao hơn gốc lông đuôi thấp nhất.

    CHÂN: Đóng đều hai bên hông rộng, đùi rất to và cơ bắp, cong về sau khi nhìn ngang. Cán tương đối ngắn nhưng không cũn cỡn, to và ít nhiều có tiết diện vuông, vảy chắc, sần sùi, chai cứng và gồ lên nhưng đều và khít. Chậu ngắn, dày, mạnh, ngón ngắn và thuôn với móng mạnh. Cựa đóng thấp trên cán và ít nhiều thẳng hay lài. Hai đầu cựa có xu hướng chạm nhau hay cựa tam (triple spurs) cong cớn và những con không cựa [nín cựa] chẳng hề hiếm. Mái bước sang ba năm tuổi cũng thường mọc cựa.

    ĐUÔI: Đóng hơi thấp bên dưới mức lưng, khá nhỏ. Lúc nghỉ, lông khép sát vào nhau thành một túm rất nhỏ gọn nhưng có khả năng xòe rộng theo mặt phẳng ngang giống như bàn tay với các ngón tay xòe ra hướng xuống đất, gần như chạm đất khi gà gáy.

    LÔNG: Rất cứng, dai và mượt. Rất ít lông trên cổ, vai, ngực và đùi. Bờm nhỏ, lông thưa và không phủ kín mặt ngoài của cánh chậu. Gà con gần như trần trụi ngoại trừ phần đầu, một đường dọc theo xương sống, ở mỗi bên diều và đùi, và lông bay trên cánh và đuôi.

    THÂN: Đa dạng. Đôi khi, những dòng có thân nằm ngang, trong khi những dòng khác lại quá dựng (erect) đến nỗi một đường thẳng đứng kẻ từ con ngươi sẽ chạm vào điểm giữa của ngón ngọ hay cựa. Loại thân dựng này thể hiện mạnh nhất ở trống tơ và giảm dần theo độ tuổi. Khi phấn khích, đầu và cổ giựt giựt ở một số dòng. Khi thả từ tay xuống sàn, trống bật hai hay ba lần giống như động tác của một vận động viên thể dục dụng cụ khi tiếp đất từ xà ngang. Gà phục thấp [sát đất] với đôi chân rùn xuống khi so mỏ để đá và co chân vào sát thân khi được bồng trong tay. Sải chân của trống dài.

    MÀU SẮC: Những dòng tốt nhất có màu điều sẫm [điều mật], điều và ô. Các màu nhạn, chuối, vàng và bông đều kém cỏi và không thể cạnh tranh với gà tốt hơn ở những dòng sậm màu trong thể thức đá đòn. Giác mạc (iris) màu trắng nhưng màu vàng nhạt cũng chẳng hiếm. Cán màu vàng nhạt, thỉnh thoảng sẫm đen. Mái màu nâu vàng (grouse), ô, nâu (cinnamon) và vàng nhạt (wheaten); những con đậm màu hơn có viền lông (lacing). Ở gà trưởng thành, da đỏ tươi ở bất cứ chỗ nào được phô bày.

    TIẾNG GÁY: Tiếng gáy của gà Asil thường là chỉ số đánh giá tốt hơn về tình trạng sinh sản của nó so với bề ngoài và ngắn ngủi với âm cuối kết thúc một cách đột ngột (tiếng gáy không kéo dài như đám gà vườn).

    LỖI TẬT: Có thịt trên đầu, cổ, cánh và cán, mắt nhỏ với mí dày (fleshy lid), tích to, cựa cong cớn thay vì ít nhiều phải thẳng, cán tròn với vảy trơn bóng hay bất kỳ dấu hiệu nào của lông chân. Chân với cán và đùi làm thành một đường thẳng [chân cò] và gối khuỳnh ra khi nhìn từ chính diện [vòng kiềng]. Đùi đóng xa về phía trước hay lông đuôi xòe ra giống như một mặt thẳng đứng (đuôi cá) [thân quá dựng]. Lông mềm rậm, tiếng gáy lanh lảnh hay kéo dài. Có xu hướng “chạy kiệu” hay thường xuyên rúc giữa hai chân đối thủ [đá vỉa] hay kêu la (squawking) khi bị đau. Ngực, cổ và da thịt mềm yếu. Mái đang đẻ thể hiện phần bụng giữa hai chân to; có những vệt da hay tai màu trắng.

    ****** MURGH NAMA ******
    Đoạn trích dẫn dưới đây được viết bằng tiếng Urdu bởi Nawab Yar Mohammad Khan (1883):

    “Sư kê phải biết rằng ở Ấn Độ (mà với dân bản địa thường có nghĩa là các Tỉnh Liên Hiệp) có bốn giống gà.

    1. “Teni”: Gà vườn được nuôi để lấy thịt.
    2. “Ghagas”: Gà pha giữa gà chọi và “Teni”.
    3. “Karnatak”: Giống gà mà da, xương, mắt và lưỡi đều đen; thứ này không đá đấm gì được.
    4. “Asil” hay Chiến Kê Ấn Độ: Những con này được nuôi chỉ để đá trường.

    Các đặc điểm của gà chọi Ấn Độ bao gồm: mỏ trắng, cán trắng, mắt trắng và vằn tia máu đỏ (bloodshot). Mồng kích thước trung bình, cằm và má rộng, chắc và ít thịt, xương cổ nhỏ, toàn bộ cần cổ giống như một thanh sắt, mũi to, lông đuôi nhỏ, đầu và cánh không mập thịt. Tiếng gáy của gà Asil không lâu như gà vườn bởi đoạn kết không kéo dài”.
    ::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::

    Gà chọi không hiếm lần được gọi là “KULANG” ở Ấn Độ, dẫu từ này thường được áp dụng cho các giống gà lớn chạng nhưng nó cũng có nghĩa là một con Asil nòi. Những đặc điểm sau đây của gà chọi Ấn Độ nhất là với Hyderabad, Kulang hay Asil được viết bằng tiếng Ấn Độ [Urdu] và được dịch bởi trung tá D.C. Phillott (1910): mỏ to nhưng ngắn, mắt trắng như bột ngọc trai (pearl), mồng dày, rất thấp và không được dựng, tích rất nhỏ, vùng dưới tai màu đỏ, xương gò má nhô, đầu rộng và vuông vức, cần cổ dài, cánh khuỳnh xa (held apart) thân, ngực ưỡn, đuôi nhỏ và lài xuống từ gốc, lưng phẳng và hai cánh khi nhìn từ bên trên giống như lá trầu (betel leaf), thịt săn chắc và thân gọn gàng, cán to và vuông, trống gáy ngắn và trầm. Trống không được có màu nhạn, vàng hay bông. Mái đẻ một hay nhiều nhất là hai lứa mỗi năm. Nếu gãi nhẹ ngón tay ở bụng, cách phao câu khoảng một inch [2.5 cm] thì nó sẽ bắt đầu tiết dầu. Gà bình thường không rỉa lông tuy vẫn dạn người.

    Gà chọi ở Deccan luôn có tiếng là gan lỳ đến chết và cực mạnh. Hằng năm, từ tháng mười hai đến tháng hai [năm sau], chúng được “kiểm tra” nghĩa là đá trường, bằng cựa xương hay cựa băng.

    Những giống gà hay nhất xuất phát từ Deccan.


    ====================================================================


    Ghi chú

    *Bài viết này được Willem van Ballekom sưu tầm và đăng trên http://asilclub.spruz.com. Tác giả Paul E. P. Deraniyagala (1900-1976) vốn là nhà cổ sinh vật học danh tiếng của Sri Lanka (tên cũ Ceylon). Thời điểm viết bài được ấn định vào năm 1900, đây dường như là lỗi đánh máy vì nội dung đề cập đến tác phẩm của Carlos Finsterbusch (1929) và người bạn quá cố Herbert Atkinson (mất năm 1936), mặt khác 1900 chính là năm sinh của tác giả. Theo dự đoán của chúng tôi, tác giả dường như có tham khảo cuốn Cock-fighting and Game Fowl (1938) [Chọi Gà Và Gà Chọi] của Herbert Atkinson nên nó phải được viết trong khoảng thời gian từ năm 1938 đến 1968, khi người con Siran Deraniyagala được ông uỷ thác viết một bài khác về gà Asil.

    *Những tác phẩm sau đây được ông tham khảo và đưa vào bài viết của mình:
    Murgh-Nama [Đấu Kê Trích Lục] (1883) của Nawab Yar Mohammad Khan
    The New Book of Poultry (1902) của Lewis Wright
    Cockfighting All Over The World [Chọi Gà Trên Thế Giới] (1929) của Carlos Finsterbusch
    Cock-fighting and Game Fowl [Chọi Gà Và Gà Chọi] (1938) của Herbert Atkinson

    *Mr. W.I. Pieris Sriwardhana [Siriwardena] dường như là ông bác ruột của tác giả. Ông bác sĩ này có lẽ cũng là một sư kê và có mối quan hệ với Câu Lạc Bộ Asil Ấn Độ (Asil Club of India).


    ====================================================================


    Asil Ấn Độ – Quý tộc giữa làng gà (Siran Deraniyagala)
    Gà Chọi Ấn (Carlos Finsterbusch)
    Murgh-Nāma (Đấu Kê Trích Lục) (Nawāb Yār Muhammad Khān)
    Malays, Aseel and Indian Game (Lewis Wright)
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội