Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Hướng dẫn cấp tốc về cá lóc

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 27/2/16.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hướng dẫn cấp tốc về cá lóc
    Dr. Heok Hee Ng – http://www.practicalfishkeeping.co.uk/features/articles/quick-guide-to-snakeheads

    Tiến sĩ Heok Hee Ng nhắc nhở chúng ta rằng dẫu có bản năng săn mồi một cách tự nhiên, một số loài cá lóc vẫn có thể chấp nhận sống cộng đồng.

    snake.jpg

    Bất kỳ cuộc thảo luận nào về cá săn mồi trong hồ cảnh đều nhắc đến một hay hai con cá lóc. Chúng bị săm soi vì công luận xem chúng như là loài xâm lấn (invasive), nhưng dẫu quan điểm của bạn là gì, cá lóc là loài thủy sinh tuyệt vời nếu bạn chăm sóc một cách đúng đắn.

    Chúng có tên như vậy (snakehead) bởi hình dạng dẹp và vảy trên đầu tương tự như lớp vảy lớn trên mình rắn.

    Cá lóc là thành viên thuộc họ Channidae, bộ cá vược Perciform mà mối quan hệ vẫn còn chưa rõ, dẫu các nghiên cứu gần đây về phả hệ (molecular phylogeny) của cá xương coi cá lóc là họ hàng gần nhất của nhóm cá có mê lộ (anabantoids) và cá mang liền (synbranchiform) vốn bao gồm chạch (spiny eel).

    Các loài cá này phân bố tự nhiên từ đông-nam Iran và đông Afghanistan về phía đông đến Trung Quốc, về phía bắc đến Siberia và về phía nam đến đảo Java, và từ sông Nile Trắng về phía tây đến các nhánh sông Senegal và Chad và về phía nam đến các nhánh sông Congo ở châu Phi.

    Có hai chi (Channa, Parachanna) bao gồm 34 loài (31 Channa và ba Parachanna), dẫu sự phân hóa còn lớn hơn nhiều và có hàng loạt loài chưa được mô tả, nhất là ở Ấn Độ – chẳng hạn, Channa sp. 'lal cheng' và Channa sp. 'Kerala five stripe' – đã xuất hiện trên thị trường cá cảnh.

    Khả năng chịu đựng

    Một đặc điểm khác thường là khả năng chịu đựng của cá lóc với nồng độ ô-xy thấp. Chúng vốn có khả năng như vậy nhờ hai khoang mang phụ (suprabranchial chamber) vốn được nối với biểu mô hô hấp (respiratory epithelia) (tức lớp da được cải tiến để hấp thu ô-xy từ không khí) cho phép chúng sử dụng ô-xy ở độ tuổi bán trưởng thành và trưởng thành.

    Cá lóc trên thực tế là loài thở khí bắt buộc (obligatory air breather) và phải có không khí bằng không chúng sẽ chết đuối. Nếu bạn thấy khái niệm cá chết đuối là kỳ lạ, thì nên nhớ rằng cá lóc không phải là loài thở khí bắt buộc duy nhất. Nhiều loài cá với cấu tạo sinh học tương tự, chẳng hạn như cá trê và thậm chí cá hải tượng (Arapaima), sẽ chết đuối nếu chúng không nổi lên.

    Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng cá thở khí sống trong vùng nước đục, tương đối dơ ngoài tự nhiên và do đó điều kiện nước sạch là không cần thiết trong hồ nuôi. Dẫu một số cá lóc có thể chịu đựng được một tầm điều kiện nước rộng – và các nghiên cứu chỉ ra rằng cá chòi (Dwarf), cá lóc đốm (Spott) và cá lóc đen (Chevron) có thể sống ít nhất 72 giờ trong tầm pH từ 4.3 đến 9.4 — nhiều con trong tình trạng tồi tệ khi điều kiện nước bị để cho xuống cấp hay biến động quá nhanh, như trường hợp thay nước quá nhiều.

    Nhiều con cá lóc đến từ địa bàn nước mềm (đến 8 GH) và acid nhẹ đến trung hòa (pH 5.0 đến 7.0), và những thông số này là chỉ dẫn thích hợp cho việc nuôi dưỡng thành công.

    Cá lóc tương đối không đòi hỏi gì về mặt trang trí hồ. Chúng không phải là loài bơi lội chủ động và, lúc không kiếm ăn, có xu hướng chỉ di chuyển khi lên mặt nước để thở. Chúng trải qua phần lớn thời gian ở tầng nước giữa hay dưới đáy nền với lớp ngụy trang bên trên như là đang rình mồi. Vì vậy nên cung cấp thật nhiều nơi trú ẩn dưới dạng lũa và cây trầm thủy (submerged vegetation). Bề mặt nên được che phủ bằng thực vật nổi.

    Cá lóc cũng quẫy mạnh và có xu hướng hất đổ đồ vật xung quanh trong hồ và quậy tung đáy nền. Vì lý do này mà sỏi, chứ không phải là cát mịn, phải được chọn làm nền trong bất kỳ hồ nuôi cá lóc nào. Bằng không, việc liên tục quậy tung cát mịn sẽ làm tắc máy lọc.

    Nên nhớ cá lóc có khuynh hướng chết đuối khi không thể ngoi lên mặt nước [để thở], vậy hãy chừa đủ không gian trống khi châm nước hồ.

    Lưu ý rằng cá lóc là những tay đào thoát siêu hạng và dẫu thú vị khi kiểm tra khả năng sinh tồn của cá bạn một khi nó quyết định bỏ đi, thì một nắp đậy hồ chặt là vấn đề sống còn.

    Cá lóc cũng là loài nổi tiếng phàm ăn và người ta thường nghĩ rằng trong hồ nuôi chúng chỉ chấp nhận ăn mồi sống. Tuy nhiên, nhiều tay chơi thấy cá của mình có thể được luyện để quen với đồ ăn thường chẳng hạn như miếng cá hoặc viên đạm chìm.

    Chọn nuôi cộng đồng

    Với bản năng săn mồi cao độ, bạn có thể tin rằng cá lóc không phù hợp với hồ cộng đồng, nhưng nếu lưu ý vài điều thì một số có thể trở thành cá cộng đồng phù hợp.

    Trước tiên cân nhắc đến kích thước và một số loài cỡ nhỏ (dwarf) cư xử đủ tốt để trở thành cá cộng đồng. Một lưu ý khác là kích thước của cá chung hồ. Hiển nhiên, việc nuôi một bầy Neon tetra với cá lóc là quá rủi ro, vì vậy chúng luôn được nuôi chung với cá đủ lớn để không bị coi là thức ăn.

    Với nhiều loài cá lóc cỡ vừa (medium-sized) độ 30-40cm/12-16”, một cách lý tưởng cá chung hồ phải bơi tương đối nhanh và mạnh khỏe. Do đó, các loài họ cá chép (cyprinid) cỡ vừa và lớn là lý tưởng. Dẫu sở hữu bản năng săn mồi, cá lóc cỡ nhỏ đành buông xuôi, trao số phận vào tay cichlid cỡ lớn, hung dữ.

    Cá lóc cũng thể hiện sự thay đổi đáng kể về màu sắc hoa văn khi trưởng thành. Nhiều cá non tương đối hấp dẫn hơn cá trưởng thành, thường có sọc từ vàng tươi đến cam-đỏ chạy dọc thân. Hoa văn này nhanh chóng biến mất khi cá lớn lên và nhiều loài trông sẫm màu, nhợt nhạt hơn. Đôi khi điều này khiến người chơi mất hứng thú nơi cá khi chúng lớn, vì vậy những người lần đầu mua cá lóc thật non phải được lưu ý rằng chúng sẽ ra sao ngày sau.

    snake1.jpg

    Tình yêu không rẻ

    Giá cả không phải là vấn đề đối với người yêu chuộng cá lóc đích thực, với những cá thể hiếm sánh ngang cá rồng. Con cá hình trên (Channa barca) trở thành một trong những loài cá cảnh đắt tiền nhất khi cá thể đầu tiên được nhập vào nước Anh với giá £5,000 [~141 triệu VND] một con. Kể từ đó giá cả giảm còn khoảng £1,500 [~42 triệu VND], như tại triển lãm Aquarama 2009 ở Singapore, nhưng đó vẫn là một con số rất lớn!

    snake2.jpg

    Loài nào là tốt nhất với tôi?

    Cá lóc hổ mang vàng - Golden cobra snakehead (Channa aurantimaculata)

    Tương tự như cá lóc đốm cam (Orange-spotted snakehead), cá lóc hổ mang vàng lớn khoảng 40cm/16”. Đây là loài cá tương đối hung dữ, tốt nhất nên nuôi riêng từng con.

    Bắt nguồn từ vùng bắc Assam ở Ấn Độ, loài này tốt nhất được nuôi trong nước mát khoảng 20-26°C/68-79°F. Điều kiện nước lý tưởng nên là pH 6.0–7.0 và GH 10.

    snake3.jpg

    Cá lóc bông - Red snakehead (Channa micropeltes)

    Còn gọi là cá lóc khổng lồ (Giant snakehead) với lý do chính đáng. Khả năng lớn đến 1m/39” hay hơn, thậm chí trong môi trường nuôi nhốt, nó là loài cá lóc lớn nhất. Do đó cần hồ nuôi cực lớn để thả một con cá lóc bông trưởng thành.

    Cá lóc bông cũng thuộc số những loài cá lóc hung dữ nhất và sẽ tấn công nhiều cá chung hồ, kể cả đồng loại (conspecifics), thậm chí dù bọn nó lớn hơn hay dẫu cá lóc chẳng đói khát gì. Chúng cũng sở hữu hàm răng lớn nhất trong làng cá lóc và sẽ dùng nó để cắn người.

    Mặc dù cá non có màu sắc hoa văn hấp dẫn với một sọc cam tươi dọc thân, sọc này nhanh chóng nhạt đi theo thời gian và cá trưởng thành có màu lam nhạt nhòa.

    Cá lóc bông không đòi hỏi điều kiện nước cầu kỳ và có thể duy trì ở nhiệt độ 26–28°C/79-82°F, pH và độ cứng thoải mái miễn đừng quá cực đoan. Đây là loài chỉ dành cho người chơi giàu kinh nghiệm.

    snake4.jpg

    Cá chòi - Dwarf snakehead (Channa gachua)

    Một trong những loài cá lóc phân bố rộng nhất, nhìn chung phải công nhận rằng những thành viên được coi là cá chòi (Dwarf) đều thuộc về một nhóm (complex) bao gồm nhiều loài. Một số nhà ngư loại học ghi nhận sự phân hóa này bằng cách coi quần thể Đông Nam Á như là một loài riêng (C. limbata).

    Cá chòi (Dwarf snakehead), nhất là những con từ miền bắc Ấn Độ, phải được nuôi trong nước lạnh từ 18–25°C/64-77°F với thông số nước tầm tầm (pH 6.0–7.5, GH 6 đến 8) là lý tưởng. Chỉ lớn khoảng 20cm/7.8”, cá chòi tương đối nhút nhát và có thể được nuôi trong một hồ cộng đồng với các loài cùng kích thước khác.

    snake5.jpg

    Cá lóc hoàng đế - Emperor snakehead (Channa marulioides)

    Cá lóc hoàng đế [hay cá lóc vảy rồng] dài đến 65cm/26”, chỉ phù hợp để nuôi riêng, hay tốt nhất với cá chung hồ to lớn khác – dẫu vẫn cần hồ thật lớn!

    Cá này tốt nhất nên được nuôi trong điều kiện 24-28°C/75-82°F, pH 6.0-7.0 và GH 10.

    Cá lóc cầu vồng - Rainbow snakehead (Channa bleheri)

    Đây là một thành viên tương đối nhỏ, hiền lành thuộc nhóm cá lóc nhỏ. Cá lóc cầu vồng thuộc số những loài cá lóc sặc sỡ nhất và dài khoảng 20cm/7.8”, phù hợp với hồ cộng đồng như cá chòi – và cũng vậy, tốt nhất nên nuôi nó trong hồ mát.

    Cá lóc Bangka - Banka snakehead (Channa bankanensis)

    Đây có lẽ là loài cá lóc kén chọn nhất về mặt điều kiện nước.

    Cá lóc Bangka xuất xứ từ địa bàn nước đen vốn cực kỳ acid (pH đến 2.8) và dẫu không nhất thiết phải nuôi cá ở nồng độ acid cao đến vậy, độ pH nên giữ thấp (dưới 6) bởi nếu quá cao thì cá dễ đổ bệnh.

    Loài này cũng phù hợp hơn với tannin/humic acid, vì vậy đặt đất mùn (peat) trong bộ lọc sẽ tốt.

    Mặc dù chỉ lớn đến 23cm/9”, cá lóc Bangka rất hung dữ và tốt nhất nên nuôi trong hồ riêng.

    Cá dày - Splendid snakehead (Channa lucius)

    Có thể dài đến 40cm/15.7”, cá dày là một trong những loài lớn nhất và chế độ chăm sóc phải tương ứng. Loài này tương đối hung dữ và chỉ nên nuôi chung với cá to lớn, mạnh khỏe – nếu muốn. Điều kiện nước lý tưởng là 24-28°C/75-82°F, pH 5.0–6.5 và GH 8.

    Cá lóc khoen - Ocellated snakehead (Channa pleurophthalma)

    Một trong những loài cá hấp dẫn ở Đông Nam Á, cá lóc khoen có hình dáng khác biệt so với các loài cá lóc khác ở chỗ thân hình dẹp hơn. Những loài khác có thân gần như hình ống.

    Ngoài tự nhiên, cá lóc khoen thường xuất hiện ở địa bàn nước nâu hơi acid hơn bình thường (pH 5.0-5.6), nhưng loài này dễ làm quen với tầm pH gần trung hòa (6.0–7.0) trong hồ nuôi. Loài này nên được nuôi ở 24-28°C/75-82°F và nước không quá cứng (đến 8 GH).

    Cá lóc khoen tương đối hiền lành vốn có thể nuôi chung với cá lớn, mạnh khỏe trong hồ tương đối rộng bởi chúng lớn đến 45cm/18”.

    Cá lóc đốm - Spotted snakehead (Channa punctata)

    Loài bản địa Ấn Độ, cá lóc đốm là loài phổ biến trong một địa bàn rộng lớn, từ ôn đới đến nhiệt đới. Bởi vì tầm phân bố như vậy, loài này được báo cáo về khả năng chịu đựng tầm biến thiên nhiệt độ rất lớn từ 9-40°C/48-104°F.

    Thử nghiệm còn chứng tỏ rằng chúng có thể chịu được tầm pH rộng, vì vậy điều kiện nước không quá quan trọng chừng nào mà nó không cực đoan. Là loài tương đối nhỏ với kích thước 30cm/12”, cá lóc đốm khá hung dữ nên chỉ cân nhắc cá nuôi chung to lớn, mạnh khỏe.

    Cá lóc đen - Chevron snakehead (Channa striata)

    Cá lóc đen là một trong những loài cá nước ngọt mạnh khỏe nhất và kết quả là, điều kiện nước không quá quan trọng, dẫu vẫn phải tránh cực đoan. Đây là loài cá lớn vốn có thể đạt tới 90cm/35” và giống như cá lóc bông, không phù hợp với các tân binh.

    Cá lóc Phi - African snakehead (Parachanna obscura)

    Dẫu cực giống với cá dày về hình dạng và màu sắc, cá lóc Phi có thể được phân biệt bằng cái mũi hình ống nổi bật và dài. Lớn đến 45cm/18”, thông số nước cho loài này nên tương tự với cá dày, dẫu nó được báo cáo rằng kén chọn hơn.

    snake6.jpg

    Nên nuôi chúng với cá nào?

    Một số loài cá lóc – chẳng hạn, cá lóc hổ mang vàng (Golden cobra) và cá lóc hoàng đế (Emperor) – tốt nhất nên nuôi riêng và không bao giờ thả chung, thậm chí với cá lớn.

    Những loài cá lóc nhỏ và vừa (cá chòi và cá lóc khoen) có thể được nuôi chung với cyprinid từ vừa đến lớn, cá nheo (catfish) mạnh khỏe, kích thước tương tự (chẳng hạn một số doradid và/hay loricariid), cichlid không quá hung dữ, chẳng hạn như kim thơm (Heros severus) và cá hổ (Datnioides spp.).

    Loại thực phẩm nào, bên cạnh tép và cá tươi, mà cá lóc chịu ăn?

    Cá lóc có thể cai mồi sống và chấp nhận ăn cá, sò, tép dành cho người, và thức ăn viên loại giàu đạm – chẳng hạn như các viên chìm hay thậm chí thức ăn công nghiệp dành cho cá như Trout Chow [Purina].

    Những thức ăn tươi sống không-có-nguồn-gốc-thủy-sản (non-aquatic) khác vẫn có thể yên tâm cho ăn bao gồm trùn đất, mealworm và dế. Cá lóc non sẽ chịu ăn trùng đỏ và tép krill.

    Lai tạo chúng như thế nào?

    Cá lóc sinh sản khá dễ, nếu điều kiện nước đúng đắn. Việc phân biệt giới tính ở hầu hết các loài là không dễ đối với tân binh, dẫu thực tế là cá cái mập mạp hơn.

    Với việc phân biệt giới tính khó khăn, đôi khi cần thả nhiều con vào chung hồ để chúng bắt cặp một cách tự nhiên (hãy đảm bảo hồ đủ lớn để nuôi nhiều con một cách thoải mái, và cung cấp nhiều không gian trú ẩn để giảm bớt hung hăng).

    Một số loài chẳng cần phải kích thích gì nhiều, trong khi một số loài khác cần một giai đoạn làm mát (cooling), tiếp theo tăng nhiệt độ để mô phỏng sự đổi mùa. Một số ấp trứng bằng miệng trong khi số khác dùng tổ bọt.

    Cả hai cha mẹ đều bảo vệ bầy cá bột (vốn bơi chen chúc theo đàn) một khi trứng nở.


    ===================================


    Ghi chú

    *Danh sách các loài thuộc họ cá lóc Channidae ở Việt Nam:
    LoàiTên tiếng AnhTên tiếng ViệtPhân bố
    Channa striata (Bloch, 1793)Chevron snakehead, common snakehead, striped snakeheadCá lóc đen, cá xộpCả nước
    Channa maculata (Lacépède, 1801)Blotched snakeheadCá chuối, cá quảMiền Bắc
    Channa asiatica (Linnaeus, 1758) Small snakeheadCá chèo đồiMiền Bắc
    Channa longistomata (V.H. Nguyen, T.H.T. Nguyen & T.D.P. Nguyen, 2012)-Cá trẳng, pa cẳngMiền Bắc
    Channa hoaluensis (V. H. Nguyen, 2011)--Ninh Bình
    Channa ninhbinhensis (V. H. Nguyen, 2011)--Ninh Bình
    Channa cocnhayia (V. H. Nguyen, D. D. Bui, T. H. Nguyen, 2015)-Cá cóc nhảyNinh Bình
    Channa gachua (F. Hamilton, 1822)Dwarf snakeheadCá chòi, cá chuối suốiTrung du và miền núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ
    Channa orientalis (Bloch & J. G. Schneider, 1801)Ceylon snakeheadCá chành dụcNam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên
    Channa micropeltes (G. Cuvier, 1831)Giant snakehead, red snakeheadCá lóc bôngĐồng bằng sông Cửu Long
    Channa lucius (G. Cuvier, 1831)Splendid snakehead, forest snakeheadCá dàyĐồng bằng sông Cửu Long
    Channa sp. “Đồng Tháp”-Cá lóc môi trềĐồng bằng sông Cửu Long
    *Theo sách Định loại cá nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long (1993) của các tác giả Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, cá chành dục được xác định tên khoa học là Channa gachua (Dwarf snakehead) và điều này tồn tại trong một thời gian dài. Năm 2011, nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Thị Diệu Phương và Nguyễn Thị Hạnh Tiên ở Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I đã xác định lại tên khoa học của cá chành dục là Channa orientalis (Ceylon snakehead) và cá chòi hay cá chuối suối là Channa gachua (Dwarf snakehead). Hai loài này rất giống nhau vì đều thuộc về nhóm cá chành dục (Dwarf snakehead complex).


    ===================================


    Lai tạo cá chành dục Channa orientalis
    Nuôi cá lóc cảnh?
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/5/17

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội