Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Hướng dẫn nuôi cá hổ Datnioides dành cho người mới chơi

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 2/8/16.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hướng dẫn nuôi cá hổ Datnioides dành cho người mới chơi
    Spino - http://www.arowanafishtalk.com

    [​IMG]
    Con cá hổ đầu tiên mà tôi nuôi là cá hổ Indo Datnioides quadrifasciatus (quadri = 4, fasciatus = vạch). Nó được thả chung với con cá rồng cho có bạn. Từ đó niềm đam mê trong tôi [với cá hổ] ngày càng sâu đậm.

    Từng đọc và thấy nhiều báo cáo với hình ảnh đẹp đẽ về loài cá duyên dáng, vương giả và bí ẩn này, tôi biết rằng mình bị nó ám ảnh… thậm chí cho đến tận ngày nay. Tôi vẫn nuôi, cho chúng ăn và nhìn ngắm thỏa thích. Có lẽ vì bản tính rình rập mà chúng được gán cho biệt danh “cá hổ” bởi thường lén đớp con mồi và nuốt trọn. Chúng không có răng như hầu hết các loài cá săn mồi khác, vì vậy cách thức mà chúng kéo dãn mỏ để “hút” thức ăn là hết sức ấn tượng. Bởi tôi là người duy nhất cho chúng ăn, nên chúng nhận ra tôi và thậm chí còn đớp thức ăn từ tay tôi (à… từ cây gậy gắp thức ăn).

    Có rất ít thông tin về phân biệt giới tính cũng như cách thức mà chúng sinh sản ngoài tự nhiên. Cũng chưa có báo cáo nào về trường hợp cá hổ Datnoid sinh sản trong hồ kiếng. Gần đây, các trang trại ở Indonesia đang lai tạo chúng với tỷ lệ thành công tương đối cao nhưng cách thức áp dụng vẫn là một bí mật thương mại.

    Cá hổ ở thị trường nội địa
    Cá hổ Datnoid thường xuất hiện trong các tiệm cá cảnh ở Singapore. Giá cả dao động từ 10 đến vài ngàn đô Sing tùy thuộc vào kích thước, chất lượng và loài. Cá thái hổ (ST; Datnioides pulcher; 泰国虎) là loài hiếm nhất, giá cả cao ngất và được người chơi cá săn lùng nhiều nhất ở thị trường nội địa.

    Danh tiếng của loài cá đặc biệt này nổi như cồn khi nhà chức trách Thái Lan ban hành lệnh cấm xuất khẩu loài cá bản địa này để bảo vệ quần thể hoang dã. Đó là hậu quả của việc đánh bắt quá mức vì giá trị thương mại (có cầu, có cung). Mặc dù giá cao, chúng vẫn được chuộng. Bởi vậy đó là “Hàng Trưng Bày Không Được Chạm Vào” đối với hầu hết chúng ta (kể cả tôi nữa).

    Theo trí nhớ của tôi, cá thái hổ từng rất dễ kiếm trong nhiều tiệm cá cảnh hồi cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000. Giá cả tương đối mềm so với bây giờ. Tôi buồn khi thấy loài cá vốn rất phổ biến ở thị trường nội địa và Thái Lan lại có kết cục như thế này. Điều đáng mừng là, vẫn còn rất nhiều cá thái hổ xinh đẹp ở nhà của những người hâm mộ. Đây là những gì “còn sót lại” kể từ lần nhập khẩu cuối cùng trước khi có lệnh cấm. Kích thước hiện tại từ 12”-14” [31-36 cm] hay lớn hơn. Vì vậy nếu có người tuyên bố rằng mình có hàng thái hổ cỡ nhỏ, thì điều đó có nghĩa rằng ai đó, ở đâu đó và bằng cách nào đó đã lai tạo được chúng (điều khó xảy ra) hoăc đấy chẳng phải là cá thái hổ.

    Với dòng chảy gần đây của cá hổ Indo (IT; Datnioides microlepis; 印尼虎), nó phục hồi Phong Trào Cá Hổ với nhiều đơn hàng lớn mua trực tiếp từ trại. Mua nhanh, bán còn nhanh hơn… đây là cảm nhận của tôi. Một số người mua cả đống và sau hối hận khi nhận ra hồ nuôi không chịu nổi lượng chất thải từ đám quái vật tý hon này. Người khác, nhất là những người mới chơi, chỉ mua một ít để nuôi nhưng chúng bắt đầu rơi rụng dần.

    Nỗ lực phục hồi
    Thật dễ chịu khi biết rằng Bộ Thủy Sản (DOF) Thái Lan đã khởi động một chương trình lai tạo cá thái hổ. Hy vọng một ngày nào đó, những quái ngư xinh đẹp này lại xuất hiện ở chỗ chúng ta.

    Hiểu biết và chăm sóc cá hổ Datnoid
    Cá hổ bột và non dễ bị đột tử (sudden death). Nhiều khi, nguyên nhân tử vong không rõ ràng. Nhiễm ký sinh, căng thẳng/đói và chất lượng nước kém là một vài yếu tố liên quan. Tôi sẽ nói thêm dưới đây…

    Nhiễm ký sinh:
    Việc chứng kiến cá yêu của bạn bị bệnh và chết luôn đau đớn. Tôi hiểu cảm giác đó bởi tôi từng chịu cảnh mất mát trong những ngày đầu nuôi cá hổ. Nó thường bắt đầu với vết sưng đỏ/tím phảng phất trên mình cá (chẳng hạn ở vây, nắp mang…). Phần sưng sẽ phát triển thành khối mủ và cá bệnh sẽ trở nên yếu ớt và bạc nhược. Nếu không chữa trị, bệnh sẽ lan nhanh sang các thành viên khác cùng hồ. Tôi mất hai con Datnioides quadrifasciatus (IT) và một con Datnioides campelli (NGT) bởi căn bệnh ác nghiệt này. Tôi không kịp chữa trị bởi đang tìm kiếm cách thức hiệu quả. Nhưng có một điều là chắc chắn, luôn tốt khi cách ly cá mới mua ở một hồ riêng biệt trong ít nhất một tuần trước khi đưa chúng vào hồ chính. Việc này sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm cho những con cá khác trong hồ.

    Căng thẳng và đói:
    Cá hổ là loài ăn thịt. Một con mạnh khỏe sẽ đớp mọi cá mồi/thức ăn nào vừa với miệng của nó. Nhưng điều này có thể không đúng ở cá non. Chúng nhút nhát và kém dữ hơn so với những loài cá khác. Từ đó, bất kỳ sự bắt nạt nào từ cá khác, hay môi trường mới lạ… sẽ dẫn đến căng thẳng và nó sẽ bị đói. Hầu hết cá hổ đều trở nên bất ổn (unstable) và thể hiện sắc đen trên thân khi bị căng thẳng. “Trú Đông” (trốn ở góc hồ) là một đặc điểm nhận dạng khác mà cá bị căng thẳng thể hiện.

    Cá hổ được biết không chịu ăn trong nhiều tuần hay có khi đến cả tháng. Việc này thường dẫn đến teo tóp bụng hoặc đôi khi là chết. Vào giai đoạn nhịn đói, tránh thay đổi bố trí hồ bởi điều đó có thể khiến căng thẳng trầm trọng hơn. Nếu cần thiết, cách ly nó bằng cách đặt tấm ngăn trong hồ. Đừng bắt cá ra. Cho nó món ăn yêu thích (chẳng hạn như cá mồi, tép…) để kích thích bản năng săn mồi. Một lần nữa, phải thực hiện nhiều bước để cách ly đám cá mồi này trước khi cho cá của bạn ăn.

    Một phương pháp khác mà hầu hết người chơi cá đều thử và đạt được kết quả tương đối tốt là bổ sung loại cá dễ ăn, đây là hiệu ứng Bắt Chước Như Khỉ (Monkey-See-Monkey-Do). Tôi từng thử phương pháp này nhưng không phải con nào cũng chịu theo. Có lẽ còn tùy vào bản tính của từng con.

    Cá hổ là loài bảo vệ lãnh thổ, căng thẳng phát sinh từ việc đấu đá giữa những cá thể cùng loài là điều không thể tránh. Theo kinh nghiệm của tôi, tốt nhất không nên nuôi một cặp cùng loài trong một hồ. Nuôi một con hay một nhóm từ 3 đến 5 con để tránh hay phân tán sự hung dữ của con đầu đàn. Địa hình có thể được tạo ra bằng cách đặt một số lũa (driftwood)/gỗ đầm (bogwood) để tạo nơi trú ẩn mặc dù một số người cảm thấy việc này có thể khiến cho cá hổ ẩn trốn nhiều hơn. Vì vậy, nó tùy thuộc vào sở thích của mỗi người.

    Quan trọng hơn, mức độ kiên nhẫn của bạn phải tương đương với khả năng dẫn dụ để cá hổ chịu ăn mồi.

    Nên nhớ, “Kiên Nhẫn Là Chìa Khóa Để Có Cá Hổ Mạnh Khỏe” hay “Cá Hổ Mạnh Khỏe Là Con Cá Hổ Háu Ăn”.

    Chất lượng nước:
    *Thay nước thường xuyên là điều bắt buộc đối với mọi loại cá (25% mỗi 2-3 ngày).
    *Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước (Ammonia = 0, Nitrite = 0 & Nitrate thấp).
    *Tầm pH lý tưởng: 6.5 đến 7

    Cá hổ nên được nuôi trong nước ngọt hay nước lợ. Một số người nói nên luyện cho cá hổ của bạn để chúng đạt đến trạng thái ổn định. Với tôi, tôi không thêm muối sau khi thay nước bởi tôi từng nuôi cả cá đuối, thói quen cũ khó bỏ. Một lần nữa, đây là sở thích cá nhân, không có nguyên tắc bắt buộc nào cho việc đó.

    (Lưu ý: Đây là ý kiến của tôi. Chỉ nên coi đó là nguồn tham khảo).

    Nuôi cá hổ là một thách thức, cần rất nhiều thử nghiệm cộng với nỗ lực nhằm tìm ra bố trí hồ/cá nuôi chung tốt nhất để cá hổ của bạn thể hiện tốt nhất. Hy vọng rằng tất cả chiến hữu chơi cá hổ có thể đóng góp thêm vào kinh nghiệm của tôi nhằm mang lại lợi ích cho người mới chơi và hãy để niềm đam mê cá hổ lớn mạnh trong chúng ta.

    Cấu tạo cá hổ
    Tôi nghĩ sẽ tốt cho mọi người khi hiểu về các thuật ngữ sinh học được sử dụng cho cấu tạo bên ngoài của cá hổ. Cấu tạo này được áp dụng cho mọi loại cá hổ.

    [​IMG]
    Pectoral fin=vây ngực, pelvic fin=vây bụng, anal fin=vây hậu môn, anal spine=gai vây hậu môn, anal ray=tia vây hậu môn, dorsal spine=gai vây lưng, dorsal ray=tia vây lưng, caudal peduncle=gốc đuôi, opercle=nắp mang trên, preopercle=nắp mang trước, ventral surface=vùng ngực, nape=gáy.

    Hổ Thái hay hổ Indo (làm sao để phân biệt?)
    Với con mắt chưa đào luyện, cả thái hổ lẫn hổ Indo đều na ná nhau. Nhất là khi chúng thể hiện màu vàng tươi/đồng cam với những vạch đen tương phản. Hình dáng của chúng khác biệt với loài đầu hình tam giác với đỉnh ở phía đầu còn loài sau hình vuông vức. Hổ Indo có thân dài hơn trong khi thái hổ rộng hơn.

    Vạch
    [​IMG]

    Có tổng cộng 6 vạch ở mỗi bên của một con thái hổ điển hình. Chúng có vạch mặt, vạch thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư và thứ năm (vạch đuôi). Trong cộng đồng của chúng tôi, chúng tôi thường bỏ qua vạch mặt và các vạch đuôi (hai vạch cuối) và gọi chúng là thái hổ 3 vạch. Với hổ Indo (Datnioides microlepis), việc phân loại các vạch khá tương tự ngoại trừ chúng có 4 vạch giữa vạch mặt và các vạch đuôi. Dĩ nhiên, còn có các loại khác (chẳng hạn vạch X, vạch Y hay vạch nĩa, vạch O hay thậm chí vạch lem…).

    Đặc điểm vạch ở thái hổ
    Một con thái hổ (ST) mạnh khỏe sẽ thể hiện màu sắc nổi bật với các vạch đen tương phản vào mọi thời điểm. Đây là một trong những lý do mà người chơi chuộng nuôi chúng. Thái hổ thường có vạch dày hơn so với hổ Indo. Và khi chúng ta nói thái hổ có Quấn Bụng Quấn Hầu (Full-Belt-Full-Neck), nghĩa là vạch thứ nhất (với cả thái hổ lẫn hổ Indo) và vạch thứ hai (hay vạch thứ hai và ba ở hổ Indo) quấn liền lạc xung quanh cơ thể làm thành một vòng kín [vạch bao]. Đặc điểm này cực hiếm ở thái hổ nhưng rất phổ biến ở hổ Indo. Vạch thứ hai ở cá thái hổ là rộng nhất với chỏm bụng uốn cong và xiên về phía vây hậu môn. Một số thái hổ có xu hướng phân nhánh về cuối, thường được gọi là vạch nĩa (fork-bar) hay vạch chữ Y ngược (inverted Y-bar).

    Dấu hiệu đặc trưng của cá thái hổ là vạch thứ 4 ở gốc đuôi kéo dài lên vây lưng. Có một khe hở giữa vạch thứ tư và thứ năm với cái đầu rộng hơn cái sau. Đây là phương pháp nhận diện dễ dàng và nhanh chóng nhất với thái hổ điển hình. Nhưng cũng có một số mẫu vạch đuôi không điển hình vốn có thể gây khó khăn nhất định với cả những người có kinh nghiệm.

    Đặc điểm vạch ở hổ Indo
    Các vạch ở hổ Indo mặt khác có thể nhạt nhòa hay biến thành màu xám nhạt một khi bị căng thẳng. Nó phụ thuộc rất nhiều vào môi trường. Như nhắc đến ở trên, môi trường mới lạ, đánh nhau/sợ hãi, chất lượng nước hay bệnh tật có thể gây ra căng thẳng và hiện tượng nép vào góc hồ. Một số con chỉ chịu ra vào giờ ăn trong khi số khác chịu chết đói. Có lúc, hổ Indo bỗng dưng ổn định và phùng xòe với màu sắc tươi sáng và các vạch nổi bật. Việc giúp cho hổ Indo của bạn bùng nổ và giữ chúng ổn định trong một thời gian dài là cả một thách thức.

    [​IMG]

    Vạch mặt và vạch thứ nhất ở hổ Indo thường mỏng hơn so với thái hổ. Vạch thứ 2 và thứ 3 thường đều đặn với một số thuôn về phía bụng khi cá lớn. Dấu hiệu đặc trưng của một con hổ Indo điển hình là vạch thứ 5 đến thứ 7. Có hai khe hở giữa ba vạch cuối này.


    ==================================================================


    Ghi chú

    *Có một nhầm lẫn về tên khoa học khi tác giả gọi những con hổ Indo 4 vạch là Datnioides quadrifasciatus (quadri = 4, fasciatus = vạch). Các hình chụp đều thể hiện loài cá hổ Indo Datnioides microlepis. Datnioides quadrifasciatus (nay được đổi thành Datnioides polota) là cá hổ bạc (hay hường sông), mà địa bàn phân bố của chúng ở khắp vùng Đông Nam Á, kể cả Indonesia.

    *Các nhà khoa học Thái đã lai tạo thành công cá thái hổ từ năm 1993: xem ở đây
    *Một số hình ảnh hiếm hoi về chương trình lai tạo cá hổ ở Thái Lan (2009): ở đâyở đây (thái hổ bắc D. undecimradiatus).

    *Tài liệu (tiếng Thái) về cá giống và hướng dẫn dùng hormon để kích thích cá hổ sinh sản: xem ở đây

    *Một bài báo (tiếng Nhật) giới thiệu về cá hổ: ở đây

    *Nhà nghiên cứu người Nhật Tomoyuki Sato đang lai tạo cá hổ Mekong: xem ở đây

    Dường như việc lai tạo cá hổ ở Thái Lan vẫn chưa thành công về mặt thương mại bởi giá cả vẫn còn cao ngất. Thái Lan vẫn cấm xuất khẩu cá thái hổ. Ở Việt Nam, cá hổ (hay hường vện) trong những năm gần đây chủ yếu xuất hiện trên sông Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên, trong một tài liệu về phân loại từ năm 1993, loài này từng được ghi nhận tại Cần Thơ. Loài cá này nhạy cảm nên một khi môi trường bị ô nhiễm, chúng gần như tuyệt chủng, một số ít xuất hiện trên sông Vàm Cỏ Đông vào mùa mưa là cá con trôi dạt từ thượng nguồn bên Campuchia. Có rất ít nỗ lực lai tạo loài cá này tại Việt Nam từ các cơ quan chức năng bởi cá cảnh không phải là trọng tâm nghiên cứu. Giá cả quá cao (vài ngàn đô la một cá thể trưởng thành) cũng là một rào cản đáng kể. Về mặt tổng thể, cần kiểm soát và cải thiện môi trường để cá hường vện và các loài cá quý khác có cơ hội tái xuất hiện trong hệ thống sông ngòi nước ta.

    http://www.tienphong.vn/cong-nghe-k...-ca-qui-hiem-duoc-sinh-san-nhan-tao-91276.tpo
    http://vietbao.vn/Kham-pha-Viet-Nam/Ca-kieng-huong-ven-tren-dong-song-Vam-Co/350674714/149/
    http://baoapbac.vn/khoa-hoc/201407/sinh-san-nhan-tao-ca-chach-lua-513902/

    ==================================================================


    Cá thái hổ Datnioides pulcher
    Hướng dẫn nuôi cá hổ Datnioides
    Sơ lược về cá hổ Datnioides
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/4/23

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội