Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cá thái hổ Datnioides pulcher

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 7/8/16.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cá thái hổ Datnioides pulcher
    http://stonesaquarium.blogspot.com/2012_04_01_archive.html

    Chào các bạn,

    Tôi sắp sửa đề cập đến một chủ đề đầy mâu thuẫn và tranh cãi: Datnioides pulcher quý hiếm hay thường gọi là cá thái hổ (Siamese Tiger hay ST).

    MÔ TẢ

    Thái hổ là loài cá săn mồi lớn (trên 24”), sống lâu (trên 20 năm) vốn xuất xứ từ lưu vực sông Chao Phraya ở Thái Lan. Chúng xuất hiện ở cả nước ngọt lẫn nước lợ.

    Loài cá này được cho là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên vì nạn đánh bắt quá mức trong nhiều năm trời cho cả nhu cầu tiêu thụ lẫn nuôi cảnh.

    Chính quyền Thái đã hành động để bảo tồn loài cá xinh đẹp này, [bằng cách] cấm xuất khẩu và Bộ Thủy Sản Thái Lan (DOF) có một chương trình lai tạo, tuy nhiên chưa mấy thành công cho đến nay.

    [​IMG]
    Hệ thống sông Chao Phraya River System, nguồn Wikipedia.

    Hồ nuôi
    Cá thái hổ thường được nuôi trong hồ kiểng nước ngọt kích thước lớn dẫu vẫn xuất hiện ở vùng nước lợ ngoài tự nhiên. Chúng là loài cá rất mạnh khỏe vốn có thể chịu được tầm pH từ 6 đến 8.

    Chúng được cho ăn đủ loại thực phẩm từ ếch, cá, tôm, giáp xác tươi sống cho đến tôm, thịt đông lạnh và thậm chí cả viên thức ăn khô.

    NHỮNG BỆNH THÔNG THƯỜNG Ở DATNIOIDES

    Đục mắt
    Một trong những loại bệnh phổ biến nhất ảnh hưởng đến cá hổ là bệnh đục mắt (cloudy eye). Nếu không chữa trị kịp thời, nó sẽ nhanh chóng làm mù mắt.

    Bệnh đục mắt thường được chia làm hai loại: đục mắt trong và đục mắt ngoài. Cách điều trị là như nhau.

    Một trong những nguyên nhân là chấn thương, cá bị chấn thương ở màng ngoài của mắt và gây viêm nhiễm thành vết thương.

    Một nguyên nhân khác là chất lượng nước kém. Hầu hết người nuôi cá hổ đều mắc phải lỗi này. Nếu bạn quan sát cá của mình đủ lâu, bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết chất thải của nó là dạng lỏng, rất giống với bệnh tiêu chảy thay vì những cục đen mà chúng ta thường thấy ở [các loài] cá khác.

    Là người chơi cá, chúng ta thường có xu hướng loại bỏ phân cục đen khỏi hồ khi chúng trông chướng mắt nhưng chất thải của cá hổ là dạng lỏng, nó “tan” nhanh vào nước và mang lại một cảm giác sai lầm rằng nước hồ vẫn ổn.

    Vì vậy, việc thay nước ít hơn, cùng với việc tích tụ chất thải, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước.

    Điều trị
    Ngoài việc duy trì chất lượng nước, tôi từng sử dụng “Myzaxin” của hãng Waterlife với kết quả rất khả quan. Cây sưởi được điều chỉnh ở 30 độ [C] có thể đem lại kết quả nhanh hơn. Tăng mức độ sục khí là tốt cho nước ấm bởi nó làm gia tăng nồng độ ô-xy hòa tan (D.O) trong nước.

    Nên nhớ:
    Nước ấm; nồng độ ô-xy giảm.
    Nước lạnh; nồng độ ô-xy tăng.

    NỘI/NGOẠI KÝ SINH

    Vì một số cá hổ chán ăn thực phẩm đông lạnh, chúng thỉnh thoảng được cho ăn đồ tươi sống. Chẳng may, mồi sống chứa ký sinh và những mầm bệnh khác vốn không tốt cho cá.

    Một thực hành tốt là cách ly mồi sống của bạn trong vài ngày, sử dụng kháng sinh thích hợp để điều trị cho chúng trước khi đem cho cá ăn.

    Điều trị
    Thuốc kháng ký sinh từ những nhà sản xuất khác nhau rất dễ kiếm. Loại ưa chuộng của tôi là “Parasites Clear” của Jungle Lab và “Sterazin” của Waterlife.

    LÀM SAO PHÂN BIỆT THÁI HỔ CHÍNH HIỆU VỚI HỔ INDO 3-VẠCH?

    Đây có lẽ là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất ở loài cá này. Hầu hết người chơi cá truyền thống đều tin tưởng mạnh mẽ rằng “cá thái hổ phải có đuôi thái hổ”.

    Dưới đây là một ví dụ rất hay về thái cá hổ chuẩn với vạch đuôi cổ điển.
    [​IMG]

    Đây là điều mà tôi được định hướng để tin tưởng cho đến khi tôi có cơ hội du lịch đến Thái Lan và nói chuyện với nhiều ngư dân và các tay kỳ cựu trong nghề.

    Dưới đây là những yếu tố khiến một con thái hổ thực sự là thái hổ:

    1) Vạch thân (bar)
    2) Sự ổn định
    3) Hành vi
    4) Vạch đuôi (tail marking)

    1) VẠCH

    Vạch ở giữa thân cá thái hổ có dạng “lưỡi dao” rộng ở lưng và tóp dần xuống dưới thành một điểm, xiên về phía vây hậu môn của cá.
    [​IMG]

    Vạch giữa của cá hổ Indo 3-vạch thường thẳng, không xiên nhiều và không có dạng “lưỡi dao”.
    [​IMG]

    Một dấu hiệu khác là vạch ngay sau vạch giữa, về phía đuôi cá. Ở cá thái hổ, vạch này trơn tru trong khi cá hổ Indo 3-vạch có một “u lồi” ngay phần trên của vạch.

    Thái hổ
    [​IMG]

    Indo 3-vạch
    [​IMG]

    [​IMG]

    2) SỰ ỔN ĐỊNH

    Cá thái hổ nói chung có màu tươi sáng 24/7 [luôn luôn] so với cá hổ Indo vốn thường bị đen với các đốm ngẫu nhiên trên cơ thể.

    Tuy nhiên ai nói là không hề có cá thái hổ kém ổn định? Vâng, ngoài kia có những con thái hổ kém ổn định và cá hổ Indo ổn định.

    Khác biệt giữa một con thái hổ kém ổn định với một con hổ Indo kém ổn định:

    Cá thái hổ kém ổn định thường đen đều toàn thân, mà không có những mảng đen, khác với cá hổ Indo vốn thể hiện những mảng đen toàn thân.

    Thái hổ ổn định
    [​IMG]

    Hổ Indo ổn định
    [​IMG]

    Thái hổ kém ổn định [nhát]
    [​IMG]

    Hổ Indo kém ổn định
    [​IMG]

    3) HÀNH VI

    Người ta quan sát thấy cá thái hổ nhìn chung dạn dĩ, bơi lội tự tin hơn so với cá hổ Indo, vốn nhút nhát và có xu hướng nép vào góc hồ.

    Nghe nói cũng có những con thái hổ nhút nhát và hổ Indo dạn dĩ. Vậy làm thế nào để phân biệt chúng?

    Hãy làm thử điều này với cá hổ của mình và bạn sẽ ngạc nhiên cho coi!

    *Nâng một con cá hổ lên khỏi mặt nước bằng bàn tay của bạn.

    *Cá hổ Indo sẽ cố hết sức để thoát khỏi tay bạn và giãy giụa để tự do.

    *Một con thái hổ sẽ nằm cứng đờ trong tay bạn mà không gắng quay về hồ trừ phi nó bị giữ quá lâu.

    4) VẠCH ĐUÔI

    Đây là chủ đề tranh cãi nhất, khi người nuôi cá truyền thống tin tưởng rằng cá hổ PHẢI CÓ kiểu vạch đuôi thái hổ.

    Chúng ta có thể cãi rằng một con kim long quá bối mà vảy không lên đến lưng thì chẳng phải là quá bối? Hay một con huyết long mà không đỏ thì có bị đổi tên thành “rồng cam” chăng?

    Như với tất cả các loài cá khác, có nhiều cấp độ khác nhau. Tuy nhiên có một thực tế rằng cá thái hổ có thể sở hữu kiểu vạch đuôi của cá hổ Indo.

    Hãy xem xét các loại vạch đuôi khác nhau.

    Vạch đuôi “bao” thái hổ cổ điển (LOẠI A*)

    [​IMG]

    Để được xếp vào thể loại cao nhất này, vạch đen trên đuôi phải “kết nối” với mặt bên kia [ôm đuôi, quấn đuôi], không để chỗ trống.

    Hình dưới đây là ví dụ về một con thái hổ với vạch đuôi “bao” thái hổ cổ điển.
    [​IMG]

    Vạch đuôi thái hổ cổ điển (LOẠI A)

    [​IMG]

    Vạch trên đuôi không dính hay nối với vạch đen sau vây lưng.

    Hình dưới đây là một ví dụ về cá thái hổ với vạch đuôi cổ điển.
    [​IMG]

    LOẠI B

    [​IMG]
    Như bạn có thể thấy qua hình ảnh, nó lửng lơ giữa vạch đuôi thái hổ cổ điển và vạch đuôi hổ Indo.

    Hình dưới đây là một ví dụ về cá thái hổ với vạch đuôi LOẠI B [vạch vỡ].
    [​IMG]

    LOẠI C

    [​IMG]
    Hình ở trên là vạch đuôi cá hổ Indo điển hình, hình ở dưới là ví dụ về một con thái hổ với vạch đuôi hổ Indo.
    [​IMG]

    Để kết luận, một con thái hổ thực sự là thái hổ chỉ khi nào thỏa mãn các đặc điểm kể trên.

    Nghe nói, cách chắc chắn để xác định cá thái hổ với kiểu vạch đuôi hổ Indo có thực sự là một con thái hổ hay không, là lẫy mẫu DNA của nó và so sánh với cá thái hổ với kiểu vạch đuôi thái hổ và cũng lấy mẫu một con cá hổ Indo để so sánh với cá thái hổ.

    Tôi sẵn sàng cung cấp các mẫu thử cần thiết… có ai muốn thử nghiệm không? ;)


    ===================================================


    Ghi chú

    *Các nhà ngư loại học không thể chỉ ra những khác biệt rõ rệt về hình thái giữa hai loài Datnioides pulcher và Datnioides microlepis. Vào năm 1998, Kottelat phát biểu đại ý rằng, vì hai nhóm cá thể phân bố ở hai khu vực hoàn toàn cách biệt nên chúng cần được xem là hai loài riêng. Datnioides pulcher hay cá hổ Mekong bao gồm cá thái hổ (Siemese tigerfish) và cá hổ Campuchia phân bố ở lưu vực sông Mekong. Sông Chao Phraya, quê hương cá thái hổ, vốn là một nhánh thuộc hệ thống sông Mekong. Cá hổ (hường vện) cũng xuất hiện ở hạ nguồn đoạn chảy qua Việt Nam. Lần gần nhất mà chúng được ghi nhận là tại Cần Thơ (Định loại cá nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long, 1993). Nhưng “cá hổ Việt Nam” lại là một câu chuyện khác. Trong hai thập kỷ gần đây, loài này được phát hiện nhiều ở sông Vàm Cỏ Đông và những cá thể được gọi là “Vietnam tigerfish” trên thị trường thế giới đều là cá hổ sông Vàm Cỏ Đông. Sông này bắt nguồn từ các vùng đất trũng thuộc ba tỉnh Tbong Kmum, Prey Vieng và Svay Rieng thuộc Campuchia rồi chảy qua Việt Nam và nó không phải là một nhánh thuộc sông Mekong. Như vậy, không nên đánh đồng cá hổ Việt Nam với cá hổ Mekong. Qua quan sát sơ lược, cá hổ Việt Nam có màu vàng tươi [vàng chanh] và vạch đuôi thường bị vỡ. Datnioides microlepis hay cá hổ Indo cũng bao gồm hai nhóm biệt lập là Sumatra và Borneo. Gần đây, một thành viên người Indonesia đăng trên (facebook) Hội Cá Hổ DATNOIDS Việt Nam về sự khác biệt màu sắc giữa chúng. Nhóm Datnioides pulcher/microlepis là một trường hợp đặc biệt vì nhiều nguyên nhân: a) chúng là loài cá cảnh xinh đẹp nên nhận được nhiều quan tâm; lưu ý rằng cá hổ bạc Datnioides polota tuy phân bố rộng nhưng vẫn được xem là một loài duy nhất; b) sinh sản khó khăn (chưa ghi nhận trường hợp thành công nào trong hồ kiếng); c) giá cả cao ngất và d) khả năng tuyệt chủng cao; cá thái hổ đã biến mất khỏi lưu vực sông Chao Phraya; trong tương lai gần, chúng có thể sẽ biến mất khỏi lưu vực sông Mekong và Vàm Cỏ Đông nếu không có nỗ lực nào (cải thiện môi trường, sinh sản nhân tạo) được thực hiện.

    *Tác giả là nhà kinh doanh cá cảnh ở Singapore, nơi tập trung đủ mọi thể loại cá từ các quốc gia lân cận nên những quan sát của anh rất đáng để lưu tâm. Anh khẳng định rằng cách phân loại dựa trên các vạch ở gốc đuôi chỉ là quan điểm riêng. Theo chúng tôi, các vạch ở gốc đuôi đóng góp rất ít vào vẻ đẹp tổng thể của cá hổ. Chúng ta cần xét đến a) hình dáng: dáng tam giác (rộng) được chuộng hơn dáng vuông vức; b) vạch: loại 3 vạch thân được chuộng hơn, vạch đều, đậm, không vỡ; viền liền lạc; c) vạch bao: còn gọi là ôm hay quấn, tức vạch phải liền lạc từ mặt này sang mặt kia; d) màu sắc: đậm, tươi và e) hành vi: dạn dĩ, kiểu bơi chúc đầu là xấu (có lẽ vì cá nhát).

    *Nhóm cá Datnioides pulcher/microlepis có nhiều biến thể về hình thái. Số lượng vạch đuôi và vạch thân vốn là những đặc điểm nhận dạng chính thì nay không được coi là đáng tin cậy nữa. Trên thực tế có những con thái hổ với vạch đuôi kiểu Indo, cũng như có những con hổ Indo 3-vạch và vạch đuôi kiểu thái hổ. Những con hổ Indo như vậy còn được gọi là cá “giả thái hổ” (false Siamese tigerfish). Chúng thường kém dáng và kém sắc hơn so với thái hổ chính hiệu. Tổng hợp cách phân biệt (lưu ý rằng tất cả đều tương đối, không đặc điểm nào chỉ có ở loài này mà không có ở loài kia):

    Đặc điểmThái hổ/hổ Campuchia/hổ Việt NamHổ Indo
    Các vạch nói chung3 vạch thân, 2 vạch đuôi, vạch thường xiên về phía sau3-4 vạch thân, 3 vạch đuôi, vạch đứng, các vạch trở nên nhạt nhòa khi cá nhát
    Vạch mặt & 1Vạch thường to hơn; vạch 1 hiếm khi quấn hầuVạch 1 thường quấn hầu
    Vạch 2 (vạch giữa)Có dạng hình lưỡi dao, to hơn vạch 3Vạch không có hình lưỡi dao, to tương đương vạch 3
    Vạch 3-Có một chỗ lồi về phía trước ở phần trên
    Vạch 4 (vạch đuôi)Vạch đuôi dính liền với vạch sau vây lưng, vạch này thường bị vỡ khi cá lớn lênMột số “giả thái hổ” cũng có đặc điểm này
    Hình dángTam giác, thân rộng hơnVuông vức, thân dài hơn
    Hành viBất động khi bắt ra khỏi nước, cá thường dạn dĩ khi nuôi hồGiãy giụa khi bắt ra khỏi nước, cá thường nhát khi nuôi hồ
    Màu sắcThường đậm, ổn định; vây đen; toàn thân đen thui khi cá nhátThường thiếu ổn định, phụ thuộc nhiều vào môi trường; vây xám nhạt; khi cá nhát, thân nổi những mảng đậm nhạt không đồng nhất
    *Không rõ vô tình hay cố ý mà cái tên "cá hường vện" cũng được dùng cho cá hổ bạc Datnioides polota. Đây là cá nước lợ, được bán ngoài chợ như cá thịt, không phải là cá hổ Mekong Datnioides pulcher.

    *Mẹo mua cá: Cá hổ non thường bị căng thẳng và bỏ ăn. Không nên mua những con có một trong những dấu hiệu sau: a) teo tóp (bỏ ăn lâu ngày); b) không lanh lợi (yếu); c) há miệng quá to (có vấn đề về hô hấp); và d) một khi bạn còn nghi ngờ trong việc định danh (hổ Indo hay Mekong?) thì tốt nhất không nên mua để khỏi phải hối tiếc về sau.

    *Hồ cộng đồng: Tuy là loài hung dữ nhưng dường như cá hổ không ăn thịt lẫn nhau; trong cùng hồ, những con cá hổ nhỏ bé hơn tương đối an toàn. Cá hổ cũng kén ăn (chỉ chuộng mồi sống) nên cần nuôi chung với những loài cá ăn đáy để dọn dẹp thức ăn rơi vãi; chẳng hạn như cá đuối nước ngọt (freshwater stingray) và cá khủng long (bichir). Cá trê có lẽ cũng là lựa chọn tốt vì chúng rất phàm ăn.

    *Sự ổn định: Đây là vấn đề mà hầu hết những người nuôi cá hổ đều quan tâm. Nuôi cá hổ thực sự là một thách thức, đó là làm thế nào để tìm ra điều kiện tối ưu nhằm đem lại sự ổn định, giúp cá lên màu. Không giống với những loài cá khác, chất lượng nước và thức ăn thôi vẫn chưa đủ. Sau đây là những yếu tố mà bạn có thể thử: a) kích thước hồ (càng lớn càng tốt); b) chất lượng nước (pH: 7-7.5, dH: hơi mềm đến cứng); c) ánh sáng (cá hổ không chuộng ánh sáng mạnh); d) khẩu phần (mồi sống kích thích bản năng săn mồi); e) cá cùng hồ (đôi khi giúp chúng dạn dĩ); f) những yếu tố khác như sục khí, dòng chảy, đáy, màu phông nền .v.v. và g) độ mặn. Dẫu là cá nước ngọt nhưng trên thực tế, chúng chịu đựng được một độ mặn nhất định và dường như độ mặn đem lại sự ổn định về màu sắc (xem video clip cá hổ Việt Nam nuôi vèo trong ao ở lưu vực sông Vàm Cỏ Đông: ở đâyở đây). Vấn đề là mặn như thế nào? Sean Evans khuyên nên bắt đầu với tỷ trọng 1.005 (~độ mặn 6-7 ppt) tức nước chỉ hơi lợ, trong mức an toàn. Hãy mua cây tỷ trọng kế và bổ sung muối biến (không i-ốt) vào hồ rồi chờ xem kết quả ra sao. Chúc các bạn may mắn.
    Nước lợ - brackish (0.5 – 30 ppt tức 1.0004 – 1.0226) https://en.wikipedia.org/wiki/Salinity
    Chuyển đổi từ độ mặn (salinity) sang tỷ trọng (specific gravity): https://www.hamzasreef.com/Contents/Calculators/SalinityConversion.php

    Nước ngọt (fresh)Nước lợ (brackish)Nước biển (saline)Nước mặn (brine)
    < 0.5 ppt0.5 – 30 ppt30 – 50 ppt> 50 ppt
    <1.00041.0004 – 1.02261.0226 – 1.0378>1.0378
    *Sau cùng, cái tên cá hổ (tigerfish) dường như rất thông dụng. Có nhiều loài cá mang tên này bởi bản chất hung dữ, có răng nhọn hay vạch vằn như con hổ: a) African tigerfish (cá hổ răng kiếm châu Phi) gồm các loài thuộc chi Hydrocynus mà Hydrocynus goliath (Goliath tigerfish) là loài to và nổi tiếng nhất, thường xuất hiện trên các chương trình truyền hình; b) cá hổ Datnioides hay cá hường vện (vạch vằn); c) các loài cichlid “răng kiếm” thuộc chi Rhamphochromis; d) red tiger Parachromis motaguensis (loài cichlid vạch vằn); e) các loài răng nhọn thuộc họ cá sói Erythrinidae (Nam Mỹ); f) tiger barb Puntius tetrazona (cá tứ vân, thuộc họ cá chép); g) tiger shark (cá mập hổ) gồm các loài thuộc chi Galeocerdo; h) tiger shovelnose catfish Pseudoplatystoma tigrinum; i) tiger pleco Hypancistrus sp.; j) tiger ray Potamotrygon tigrina; k) tiger loach Syncrossus hymenophysa; riêng ở Việt Nam l) một số người vẫn gọi Piranha là “cá hổ”; m) convict cichlid Amatitlania nigrofasciata hay cá cờ Macropodus opercularis cũng từng có thời được gọi là “cá cọp”.


    ===================================================


    Hướng dẫn nuôi cá hổ Datnioides
    Hướng dẫn nuôi cá hổ Datnioides dành cho người mới chơi
    Sơ lược về cá hổ Datnioides
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/4/23

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội