Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Lai tạo kim long trong hồ kiếng

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá rồng' bắt đầu bởi vnreddevil, 1/5/14.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Lai tạo kim long trong hồ kiếng
    Hiroshi Azuma - http://www.aquarticles.com

    [​IMG]
    Kim long hàng trại [captive bred, lai tạo trong môi trường nuôi dưỡng, cụ thể là "trại nhà"] – dài 9 inch [~23 cm], 7 tháng tuổi

    Bài viết này là kết tinh của gần hai thập kỷ nỗ lực: một con kim long hàng trại như hình trên.

    [​IMG]
    Hiroshi Azumi đang làm việc trong phòng thí nghiệm tại gia.

    [​IMG]
    Thiết kế hết sức ấn tượng của tác giả để quan sát cá của mình kể cả màn hình theo dõi từ xa.

    Trong nhiều năm trời tôi cố gắng lai tạo cá rồng châu Á Scleropages formosus. Loài cá hiếm và đắt đỏ này có xuất xứ từ vùng đông nam Thái Lan, đảo Borneo và Sumatra, nơi mức độ đe dọa gia tăng vì nạn đánh bắt quá mức và môi trường bị xâm lấn. Xin nhấn mạnh rằng việc mua bán các loài này được kiểm soát một cách gắt gao bởi CITES và những cơ quan công quyền khác, và việc sở hữu chúng đòi hỏi rất nhiều thủ tục và giấy phép. Cá rồng thuộc về một nhóm cá sơ khai được gọi là “cá lưỡi xương” (bonytongues) và trên thực tế, cái lưỡi xương của tiêu bản khô trong bức ảnh dưới trông rất rõ. Thật ngạc nhiên khi nó được bán ở Thái Lan và những vùng Viễn Đông khác, và có lẽ góp phần vào nguyên nhân mà loài này bị đe dọa.

    [​IMG]
    Tiêu bản cá rồng khô – lưu ý cái lưỡi xương.

    Tôi bắt đầu nghiên cứu và lập kết hoạch lai tạo từ năm 1972; vào lúc đó tôi nghĩ rằng nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch thì tôi sẽ thành công sau từ 5 đến 6 năm. Thật quá sai lầm!

    Lần cá đẻ đầu tiên vào năm 1974, trong hồ 180 gallon [~680 lít] với kích thước 72" X 24" X 24" [180 X 60 X 60 cm]. Không may, toàn bộ trứng đã biến mất. Tôi không biết chúng có thụ tinh hay không nữa. Vào năm 1976, tôi thử lại lần nữa. Tôi ghép sáu cặp cá khỏe mạnh vào bể đẻ, nhưng một lần nữa không trứng nào nở. Kể từ đó, cá đẻ hầu như mỗi năm, nhưng không lần nào thành công. Rất nhiều lần tôi cố ấp nhân tạo, vẫn vô ích.

    Sau sáu năm lai tạo thất bại, tôi hoàn toàn nhụt chí. Tuy nhiên, vợ tôi vẫn động viên. Nàng vẫn luôn hỗ trợ tôi hết mức trong các nỗ lực lai tạo, từ đầu cho đến cuối. Dẫu bận rộn, nàng vẫn rất thích thú với hành vi của bọn cá và giúp đỡ tôi chăm sóc các hồ.

    Cho rằng kích thước hồ có lẽ là nguyên nhân, vào năm 1980 tôi thiết lập một hồ đẻ rất lớn 160" X 34" X 24" [400 X 86 X 60 cm]. Vào năm 1984, tôi bổ sung thêm hai hồ lớn nữa, mỗi cái 120" X 34" X 32"[300 X 86 X 80 cm]. Trong cả hai trường hợp, cá vẫn đẻ như bình thường, nhưng một lần nữa trứng vẫn không nở. Mỗi đợt bao gồm từ 30-80 trứng, trung bình 40 trứng. Cá đực sẽ ấp trứng trong miệng, ngậm chúng từ 10-20 ngày, nhưng sau cùng ăn hết toàn bộ trứng. Trứng trông rất mong manh, như tôi đã nói, mọi nỗ lực ấp nhân tạo đều thất bại. Tổng cộng, tôi quan sát được 30 lần đẻ trong thời gian từ 1974 đến 1989, tất cả đều không như ý. Tôi gần như đã bỏ cuộc. Một ngày nọ, lại một cặp kim long đẻ. Nhưng lần này thì khác-----cá đực ấp trứng một cách hoàn hảo. Sau cùng cũng thành công! Ngày 4 tháng 11 năm 1989 là ngày mà tôi luôn ghi nhớ, vì đó là ngày mà cá rồng đẻ được bầy con đầu tiên. Để tôi mô tả các dữ kiện một cách chi tiết. Vào tháng tám năm 1989, tôi thiết lập một hồ có kích thước 60" X 30" X 18" [132 X 76 X 46 cm] với dung tích nước khoảng 140 gallon [~1/2 m3]. Nó được lọc bởi một bộ lọc ngoài mà tôi tự làm lấy; hộp lọc có kích thước 18" X 8" X 8" [46 X 20 X20 cm] và được hút bằng máy bơm có công suất 260 gal/hr [980 lít/giờ].

    [​IMG]
    Khác biệt nhỏ về giới tính của S. formosus là ở cái miệng - cá đực miệng rộng và sâu hơn. Trong hình này, cá thể lộ rõ lưỡi là con đực.

    Hồ đặt trong tầng hầm và chỉ được chiếu sáng nhân tạo. Hai bóng đèn huỳnh quang 40-watt chiếu sáng hồ trong 14 giờ mỗi ngày, và một bóng đèn đêm 5-watt được bật liên tục 24 giờ mỗi ngày. Một cây sưởi 300-watt. Hồ không trải sỏi, nhưng được thả cây cần trôi Ceratopteris thalictroides ở bề mặt. Độ pH được duy trì từ 5.6 đến 6.1, và nhiệt độ từ 84-86 độ F [29-30 độ C].

    Vì không muốn quấy rầy cá nên tôi thường không vào phòng trừ phi cho ăn và thay nước. Thời gian còn lại, tôi quan sát chúng qua màn hình, ghi lại các hoạt động quan trọng bằng đầu ghi băng VCR. Tôi cũng chụp ảnh tĩnh bằng camera 35 mm điều khiển từ xa.

    [​IMG]
    Trứng cá rồng được bảo quản – tôi khảo sát chúng, và hầu hết mọi yếu tố vật lý và sinh học khả dĩ nhằm cố gắng lý giải nguyên nhân thất bại ở cá của mình.

    Trong hồ này, tôi thả một cặp kim long trưởng thành. Cá đực hơn chín tuổi một chút và dài khoảng 22 inch [56 cm]. Cá cái bảy tuổi, dài 20 inch [51 cm]. Chúng gần như là những cư dân duy nhất trong hồ ngoại trừ vài con tiêu ngư nhỏ [dither fish, cá thả chung để giải tỏa bản năng bảo vệ lãnh thổ của loài chính mà ở đây là cá rồng]. Tôi cho chúng ăn cá vàng, thức ăn khô, tép krill đông lạnh và thỉnh thoảng tôm càng tươi. Tôi thay một phần ba nước hồ tối thiểu sau mỗi hai tuần, và có khi thay mỗi tuần nếu thấy cần thiết.

    Cặp cá mau chóng bắt đầu thể hiện hành vi tiền-sinh-sản. Vào ban ngày, chúng bơi lòng vòng chậm rãi vòng quanh khuôn viên hồ, cá đực nối đuôi cá cái; vào ban đêm chúng vẫn bơi theo vòng tròn nhưng nhanh hơn. Hành vi bắt cặp này vẫn tiếp diễn trong từ 2-3 tháng. Để đối chiếu với một loài ấp miệng khác, hành vi bắt cặp của cá rô phi cỏ Tilapia mossambica thường kéo dài từ 1-3 ngày và thậm chí có thể rút ngắn còn 30 phút!

    Vào tháng mười, cặp cá trở nên kích động hơn. Chúng bắt đầu bơi nhanh hơn một chút và vòng tròn hẹp lại. Tại thời điểm này chúng được cho ăn rất nhiều, và tôi bổ sung thêm tép tươi, cào cào và dế vào khẩu phần ăn đã liệt kê ở trên. Bởi vì chúng ăn quá nhiều, tôi phải gia tăng chu kỳ thay nước lên hàng tuần. Nhiệt độ hồ 83-84 độ F [28-29 độ C] và độ pH từ 5.2 đến 5.8.

    Vào ngày 24 tháng 10, có thay đổi nữa về hành vi của cặp cá. Cá đực ngừng theo sau cá cái và bây giờ chúng bơi chậm rãi vai-kề-vai (side-by-side). Thêm nữa, vòng tròn của chúng chỉ chiếm phân nửa hồ. Đôi khi cá đực cắn vào đuôi, vây hậu môn và vây ngực cá cái và chúng hơi sờn. Tôi tự hỏi rằng cá đực sẽ làm bị thương hay giết chết cả cái chăng. Tuy nhiên, nó không cố tránh né cá đực, và trên thực tế cặp cá dường như gắn bó hơn với thật nhiều cọ xát và các tiếp xúc về thân thể khác.

    [​IMG]
    Một quả trứng tươi. Trứng có đường kính khoảng 1/3 inch [~8 mm], và khoảng 40-60 trứng xuất hiện trong một lần đẻ. Trứng không thụ tinh có lẽ bị cá đực ăn trong khi ấp, và có thể bổ sung dưỡng chất để đáp ứng nhu cầu của cơ thể trong khi nó không thể lấy từ thức ăn.

    Khẩu vị của cả hai giảm một cách đáng kể, mặc dù chúng thỉnh thoảng vẫn ăn vài con cào cào hoặc dế trên mặt nước. Nhiệt độ nước là 82 độ F [~28 độ C], độ pH từ 6.1-6.4. Vào lúc này tôi ngưng thay nước.

    Vào ngày 4 tháng 11, từ 7:00 sáng đến 12:00 trưa, cá bơi rất chậm, vòng tròn rất hẹp chỉ chiếm khoảng 16 inch [40 cm] chiều dài hồ. Cá cái nổi trên mặt nước bên ngoài vòng, và có lúc nằm bất động trong khi cá đực tiếp tục bơi lòng vòng. Thỉnh thoảng, cả hai ngừng bơi, nép sát vào nhau. Nhiệt độ nước là 84 độ F [29 độ C], độ pH 6.1. Tôi không thay nước và không cho cá ăn.

    Sau cùng, lúc hơi quá trưa một chút, cá ngừng bơi lòng vòng và nằm yên ngay trên đáy hồ, nhẹ nhàng nép vào nhau. Rồi bất ngờ, chúng giao phối. Với một cú co thắt, cá cái đẻ ra một chùm trứng, rồi cá đực liền thụ tinh bằng một đám mây tinh trùng đục ngầu. Ngay lập tức, cá đực bắt đầu hớp trứng vào miệng. Với tiếp xúc thật nhẹ nhàng, nó nhặt từng trứng một. Sau khi sinh sản, cá đực và cá cái luôn bơi lội cùng nhau.

    [​IMG]
    Cá đực, khoảng một tuần sau khi sinh sản, với cái nọng phình to đầy trứng.

    [​IMG]
    Nọng cá đực tiếp tục phình ra. Đây là hình ảnh khoảng năm tuần sau khi sinh sản.

    Cá cái ăn mất vài trứng, nhưng cá đực không nuốt cái nào; miệng nó căng phồng với đám trứng. Đây là một vài thông số về trứng. Có khoảng 40-60 trứng, mỗi cái có đường kính 15-18 mm (gần ¾ inch). Trứng có màu đỏ-cam, không dính, và chìm dưới đáy. Trứng rất mềm và màng trứng rất mỏng. Sau khi sinh sản, cá đực và cá cái luôn bơi cùng với nhau. Khi nhìn từ phía trước, cá đực thể hiện hai viền đen hình o-van ở hàm dưới; tôi gọi đây là “dấu hiệu ấp trứng”. Cá cái bơi nhẹ nhàng bên trên cá đực, với cặp vây ngực giang rộng như thể vệ binh danh dự. Tôi gọi đây là “tư thế bảo vệ”. Tôi nghĩ những hành vi hậu-sinh-sản này đặc biệt có giá trị.

    Tôi thả cá vàng sống vào, cá đực không ăn (may quá!), nhưng cá cái ăn vài con vào ngày thứ năm sau khi đẻ. Vào ngày 16 tháng 11, mười hai ngày sau khi đẻ, tôi nghĩ có lẽ trứng bắt đầu nở, bởi vì tôi phát hiện một vỏ trứng rỗng dưới đáy hồ. Cặp cá vẫn dính chặt với nhau. Vào ngày 26 tháng 11, tôi quyết định bắt cá cái ra. Cả hai vẫn duy trì dấu hiệu hợp tác, nhưng cá cái bắt đầu đớp cá vàng một cách hăm hở, và chất lượng nước bắt đầu tệ đi vì lượng chất thải mà nó tạo ra. Độ pH giảm xuống còn 5.2-5.6. Tôi không muốn thay nước vì e rằng việc thay đổi môi trường một cách đột ngột sẽ ảnh hưởng đến trứng hay cá bột.

    Vào ngày 20 tháng 12, cá đực vẫn không nhả ra con cá bột nào, nhưng miệng nó phồng rất to. Nó đã nhịn ăn kể từ hôm trước ngày sinh sản… phải không? Tôi lưu ý rằng cá đực vẫn thải ra một ít phân, và nó có màu tương tự như màu trứng.

    [​IMG]
    Hai viền đen hình o-van ở hàm dưới của cá đực mà tôi gọi là “dấu hiệu ấp trứng”.

    [​IMG]
    Cá đực thường nghỉ ngơi trong đám rong rậm rạp.

    [​IMG]
    Hình này hơi mờ vì nó được chụp từ màn hình, nhưng cho thấy cá bột đang bơi ra từ miệng cá cha.

    Tôi đoán rằng cá đực đã ăn những trứng hư (non-viable) từ đám trứng mà nó ấp. Tại thời điểm này, nước hồ có độ pH 62-6.4 và nhiệt độ 83-86 độ F [28-30 độ C]. Tôi đủ tự tin để bắt đầu thay nước trở lại, khoảng 1/5 lượng nước sau mỗi 1-2 tuần.

    Ngày 23 tháng 12 là ngày mà tôi chờ đợi. Sau cùng, cá bột bắt đầu bơi ra khỏi miệng cá cha trong một thời gian ngắn. Nếu cảm thấy bị đe dọa, chúng sẽ ngay lập tức quay về chỗ trú ẩn. Thêm nữa, cá bột luôn quay về miệng cá cha vào ban đêm. Hoạt động của cá đực vào lúc này có phần chậm chạp – nó bơi rất chậm hay nằm bất động ở đáy hồ hoặc trên mặt nước. Vào ban đêm, nó hơi linh lợi hơn một chút, và dạo nhiều nơi hơn trong hồ. Đám cây nổi dường như là nơi nghỉ ngơi yêu thích của cá cha lẫn bầy cá bột. Con cha vẫn không ăn gì.

    Vào ngày 3 tháng 1 năm 1990, khoảng 60 ngày sau khi sinh sản, sau cùng cá bột bơi tung tăng bên ngoài trong một thời gian dài; dẫu vẫn ở gần miệng cá cha, chúng không cố quay trở về đó. Túi noãn hoàng của chúng đã teo nhỏ. Tôi đếm được 21 con cả thảy. Ba ngày sau, tôi dời cá cha sang hồ khác, nhưng phải 10 ngày sau nó mới chịu ăn thức ăn viên nổi, và hai tuần trước khi bắt đầu ăn cá vàng sống.

    [​IMG]
    Có thể nhìn thấy mắt của một con cá bột bên trong miệng cá cha.

    [​IMG]
    Đợt sinh sản cho ra 21 cá bột, khoảng một nửa số trứng được đẻ ra.

    [​IMG]
    Một trong những con cá bột sau khi tách riêng, đo được trên 3 inch [7.6 cm]

    Vào ngày 8 tháng 1, bầy cá bột bắt đầu ăn trùng đỏ sống [blood worm, ấu trùng muỗi lắc], và một ngày sau chúng chịu ăn cá kim tơ sống [white cloud, cá này thường thả hồ thủy sinh]. Đám tiêu ngư hoạt bát dường như kích thích cá rồng non. Đám cá bột bắt đầu tranh ăn với nhau nên tôi dời từng con sang hồ riêng 10 gallon [38 lít], duy trì độ pH 6.2-6.4, và nhiệt độ 82-84 độ F [28-29 độ C]. Khi bố trí những hồ này, một nửa số nước được lấy từ hồ đẻ, còn nửa kia là nước mới. Trong các hồ ươm [cá bột], tôi thay từ ¼ đến 1/3 lượng nước sau mỗi hai 1-2 tuần. Cá bột lớn nhanh như thổi. Ở thời điểm 60 ngày (sau ngày đẻ) chúng dài được 3 inch [7.6 cm]; ở thời điểm 120 ngày chúng dài đến 5.6 inch [14 cm]; ở 180 ngày, 7.2 inch [18 cm], và ở 210 ngày, con lớn nhất chỉ kém 9 inch [23 cm].

    Tôi tin rằng chu kỳ sinh sản tự nhiên của Scleropages formosus chỉ một lần mỗi năm, nhưng thông thường, cá cái non (4-7 năm tuổi) thường đẻ hai lần mỗi năm.

    Việc lai tạo cá rồng châu Á là một giấc mơ có thực trong gần 20 năm trời. Loài cá này hiển nhiên chả có mấy tiềm năng thương mại [điều này hiện đã không còn đúng nữa], và dĩ nhiên số lượng người nuôi loài này luôn bị giới hạn bởi tình trạng bị đe dọa của nó [ngoài tự nhiên], nhưng với những ai may mắn và các thủy cung vốn kiếm được giấy phép, thì loài cá xinh đẹp này là vô đối.

    [​IMG]
    Tấm hình bầy cá bột vui vẻ này không thể hiện đúng bản chất của chúng. Trên thực tế, chúng rất hung hăng và tranh đoạt lẫn nhau, và tác giả buộc phải tách từng con ra hồ riêng 10 gallon [38 lít]. Túi noãn hoàng nhỏ vẫn hiện rõ qua thành bụng của đám cá bột này, mặc dù chúng cũng đang ăn rất nhiều trùng đỏ.

    [​IMG]
    Một con cá bột hơi nhỉnh hơn 5 inch [13 cm] ở 3.5 tháng tuổi. Tại thời điểm này chúng được cho ăn cá kim tơ sống.

    [​IMG]
    Ở năm tháng tuổi, cá bắt đầu lên màu vàng kim, như cha mẹ chúng. Cá rồng châu Á vốn đã hiếm, nhưng các biến thể đỏ, cam [huyết long] và vàng [gold, kim long] của loài này đặc biệt hiếm và do đó mà giá cả cao ngất.


    ===============================================================

    Kỹ thuật lai tạo kim long quá bối trong hồ xi măng

    Bài viết được đăng trên TFH số tháng 1 năm 1992 và trở thành nguồn cảm hứng của những người yêu thích cá rồng ở khắp nơi trên thế giới. Dường như loài cá mà tác giả dùng trong các cuộc thử nghiệm là "kim long quá bối". Mặc dù ông mô tả rất kỹ đợt sinh sản thành công, nhưng lại khá sơ sài về các lần thất bại. Qua kinh nghiệm với loài cá khác (cụ thể là cichlid), chúng tôi phỏng đoán rằng cá đực đã không thụ tinh cho trứng mặc dù vẫn ngậm và ấp; có thể do nó còn non hoặc vì một nguyên nhân nào khác (có nguồn tin trên mạng nói rằng ông mua một cặp đã sinh sản thành công trong hồ đất về lai tạo trong hồ kiếng). Nhiều khả năng nguyên nhân đó chính là từ trường theo một nghiên cứu của Qian Hu và phòng thí nghiệm Temasek công bố vào năm 2008. Loài này nhạy cảm với từ trường và quá trình sinh sản bình thường bị tác động ở một khâu nào đó (chưa biết): phóng tinh, yếu tinh .v.v. dẫn đến thất bại. Trên thực tế, những nỗ lực lai tạo ở ngoài vùng cận xích đạo (gồm Indonesia, Malaysia và Singapore) đều không có ý nghĩa về mặt kinh tế!
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/9/19
  2. hoang_nongdan

    hoang_nongdan Active Member

    Bài viết hay quá !!!
     

Chia sẻ trang này