Lược sử cá cờ đen Việt Nam Hàng trên: cờ đen Huế Macropodus spechti (Ảnh: Barbodes LX); cờ lưng đỏ Macropodus erythropterus (Ảnh: Linh Le Tuan). Hàng dưới: cờ lưng đỏ thân xanh Cam Lộ, Quảng Trị; cờ đen vây đỏ Phong Điền, Huế (Ảnh: Minhthien Nguyen). Lịch sử phát hiện cá cờ đen ở Việt Nam được ghi dấu bởi một cột mốc quan trọng: công trình của Freyhof & Herder vào 2002. Các tác giả tái phục hồi tên khoa học cũ của cờ đen Huế là Macropodus spechti (Huế - Quảng Nam), và xác định thêm một loài mới là cờ lưng đỏ Macropodus erythropterus (Quảng Bình – Quảng Trị) [1]. Trước đó, nhà thủy sinh Đức P. Specht (1936) sống ở thành phố cảng Le Havre, Pháp nhận được những cá thể cờ đen Huế đầu tiên và tặng cho E. Ahl và W. Schreitmüller, người sau đó mô tả loài và đặt theo tên Specht. Ahl cũng mô tả loài như là Macropodus concolor nhưng sau Schreitmüller một năm (1937). Vấn đề là cái tên sau lại được nhiều tài liệu ghi nhận và trở nên phổ biến! [1a] Có lẽ do Ahl đã gửi mẫu vật cho Bảo tàng Berlin (Paepke, 1994) [1b]. Dường như có một cuộc tranh cãi về định danh, nhưng sau cùng các tác giả Đức đã đưa mọi thứ về với trật tự đúng đắn của nó. Macropodus concolor hiện trở thành tên phụ đồng nghĩa của Macropodus spechti! Vào 2004, các tác giả nội địa gồm Nguyễn Văn Hảo và Nguyễn Hữu Dực xác định thêm hai loài mới là Macropodus yeni (suối Đăk Sa, Phước Sơn, Quảng Nam) và Macropodus tramiensis (Trà Mai, Nam Trà My, Quảng Nam) [3]. Vào 2005, bốn loài cá cờ mới được công bố bởi nhóm tác giả nội địa gồm Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Hữu Dực và Ngô Sỹ Vân trong cuốn Cá Nước Ngọt Việt Nam – tập III. Trong đó, Macropodus lineatus (Phong Nha-Kẻ Bàng, Sơn Trạch, Quảng Bình) theo mô tả là một loài cờ đen [3]. Winstanley & Clements (2008) phát hiện nhiều cá thể cờ đen vây đỏ trong vùng phân bố của cờ đen Huế. Màu đỏ ở vây không thể được sử dụng như là một đặc điểm phân biệt giữa hai loài cờ đen và cờ lưng đỏ. Các tác giả này đề nghị xem cờ lưng đỏ như là tên phụ đồng nghĩa của cờ đen Huế [2]. Tuy nhiên, nghiên cứu không bao gồm những cá thể được thu thập ở địa bàn chuẩn, nên cờ lưng đỏ vẫn được xem là một loài chính thức, nhưng cần thực hiện những nghiên cứu xa hơn để khẳng định tình trạng thực sự của chúng [6]. Một phân tích của Schindler (2009) nói rằng những bản mô tả của các tác giả nội địa không nói rõ những loài này khác với những loài đã được mô tả trước đó ở điểm nào, mà chỉ nói đến sự khác nhau giữa các loài mới. Mặc dù việc này là đủ với nguyên tắc danh pháp nhưng sẽ gây khó khăn trong việc kiểm tra sự chính thức (validity) của đơn vị phân loại [4]. Vào 2013, Kottelat liệt các loài Macropodus yeni, Macropodus tramiensis và Macropodus lineatus vào tình trạng nghi vấn về tên gọi hay “nomen nudum” [5]. Trang fishbase.org cũng dựa vào tài liệu này, nhưng lại đi xa hơn khi khẳng định Macropodus yeni và Macropodus tramiensis là các tên phụ đồng nghĩa của cờ đen Huế Macropodus spechti. Trong công trình khảo cứu về cá nước ngọt ở miền bắc và trung Việt Nam, Endruweit (2014) xác định Macropodus lineatus là một loài chính thức [7]. Sau đó, nhóm tác giả từ Đại học sư phạm Huế và Đại học Quảng Bình (2015) ghi nhận sự hiện diện của một cá thể loài Macropodus yeni ở xa hơn về phía nam, thượng nguồn sông Dinh, Khánh Hòa [8]. Từ đó đến nay, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ, các phát hiện mới đều xuất phát từ phía người chơi cá cảnh! Đây là tín hiệu vui khi kiến thức và hoạt động của người chơi góp phần đắc lực vào công tác phân loại và bảo tồn loài nói chung và cá cờ nói riêng. Nhận thức về cờ đen vây đỏ là cả một quá trình, bắt đầu từ cảnh báo của Winstanley & Clements (2008), nhưng mãi đến đầu 2020 chúng tôi mới chứng kiến một con cờ đen khác lạ của bạn Barbodes LX: thân ánh xanh và viền đuôi đỏ. Con cá được bắt ở phía tây Hương Trà, trong vùng phân bố của cờ đen Huế. Qua trao đổi cá nhân với anh Thanh Bui Van chúng tôi đã nghe về các loại cờ đen vây đỏ và cờ đỏ mất đỏ ở Quảng Bình và Quảng Trị. Để kiểm tra khả năng lai tạp tự nhiên giữa hai loài: cờ đen Huế và cờ lưng đỏ, chúng tôi đã thực sự cản cờ đen trống với cờ lưng đỏ mái vào 2021. Kết quả thu được những cá thể lai thân đen và vây đỏ. Điều chứng tỏ khả năng lai tạp tự nhiên giữa hai loài là có thể xảy ra. Vào giữa 2022, bạn Minhthien Nguyen bắt được những cá thể cờ đen vây đỏ ở Phong Điền, vùng đệm giữa Quảng Trị và thành phố Huế, nơi chưa từng có mẫu vật nào được thu thập trước đó. Tới đây, chúng ta có thể hình dung địa bàn phân bố rộng của cờ đen vây đỏ từ Quảng Bình, qua Quảng Trị xuống đến Huế. Biến thể này khá phổ biến ở những vùng đất thấp nhưng không hiểu sao trước đây Freyhof & Herder (2002) không ghi nhận trong nghiên cứu của mình! Gần đây (đầu 2023), bạn Văn Hóa giới thiệu ba biến thể gồm cờ lưng đỏ, cờ lưng đỏ thân xanh và cờ đen vây đỏ ở Cam Lộ, Quảng Trị. Cờ lưng đỏ thân xanh là những con đen nhất, mang đột biến hắc tố trong quần thể cờ lưng đỏ. Hắc tố phát triển mạnh sẽ khiến thân đen thui và che phủ lớp đỏ (nếu có) ở bên dưới! Phải chăng cờ đen vây đỏ là một đột biến của cờ lưng đỏ? Vào 2018, một bạn sưu tầm lan (Thanh Vũ) phát hiện cờ đen ở suối đá An Lão, Bình Định. Cờ An Lão rất đen, tương tự như biến thể đen mun của cờ đen Huế nhưng có vẻ hơi nhỏ và ngắn đòn hơn. Sau khi tìm hiểu, địa điểm bắt cá được xác định là xã An Hưng, huyện An Lão. Vào cuối 2020, một bạn trẻ ở Đức Phổ, Quảng Ngãi (Tao Nhã Thú Vui) phát hiện cờ đen vi trắng ở vùng núi địa phương. Biến thể này như tên gọi, có vi trắng, vây xanh, vân đuôi rất ít phím guitar điển hình ở cờ đen. Kiểu hình khác lạ này khiến chúng ta tin tưởng rằng nó là một loài mới. Cờ đen vi trắng Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ảnh: Huỳnh Sĩ Thiện Từ giữa 2021, nhiều phát hiện liên tiếp ở miền Bắc, địa bàn vốn đông dân cư và người chơi tương ứng. Điều mà chúng ta chưa từng nghĩ đến trước đây và thực sự rất bất ngờ. Bạn Minh Quân phát hiện cờ đen ở Khe Rỗ, vùng giáp giới ba tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Biến thể này có ánh kim copper toàn thân, tương tự như cờ đen Hongkong. Bạn Káo phát hiện cờ đen ở Hạ Long, Quảng Ninh. Biến thể này có nửa thân sau ánh kim blue. Các bạn Lão ĐẠi và Hưng LV phát hiện cờ đen ở Đông Triều, Quảng Ninh. Hai biến thể cờ đen Quảng Ninh khá giống nhau nhưng lại được phát hiện ở hai địa điểm khá cách biệt. Các phát hiện về sau ở Uông Bí dẫn đến dự đoán rằng, biến thể này chủ yếu phân bố ở khe Cái, chảy từ Yên Tử, Uông Bí đổ vào hồ Sông Cầm, Đông Triều. Cờ đen Khe Rỗ, Bắc Giang. Ảnh: Linh Lê Tuấn Cờ đen Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: LÃo ĐẠi (A1-3); Ha Vo Thai Binh (B1-3); Hưng LV (C1-3) Cờ đen Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: Káo (A, B); Nguyễn Việt Cường (C); Ha Vo Thai Binh (D) Năm 2023 đánh dấu sự giao thoa thú vị giữa khoa học và thú chơi khi một báo cáo khoa học về bảo tồn cá cờ được công bố [9]. Đối tượng ở đây là cờ đen Hoài Ân, Bình Định và lần đầu tiên cá cờ được đề cập như là loài “có giá trị cao”. Đây là một chuyển biến ấn tượng về mặt nhận thức! Cờ đen Hoài Ân, Bình Định; thuộc lưu vực sông Kim Sơn, một nhánh của sông An Lão. Ảnh: Nguyễn Văn Rốt Ngoài ra, một trong những tác giả nghiên cứu cá cờ (Tom Winstanley) đã bay sang Việt Nam và được nhiều bạn chơi cá giúp lấy mẫu phục vụ cho nghiên cứu phân loại. Trong khi các quần thể mới có thể được tiếp cận khá dễ dàng, thì vài loài được ghi nhận trong tài liệu nội địa lại vô cùng khó kiếm. Hai trong số đó là Macropodus tramiensis và Macropodus lineatus, chúng là các loại cờ đen ở khu vực phía trên hồ thủy điện sông Tranh, Nam Trà My và Sơn Trạch, Quảng Bình. Trong bài viết này, chúng tôi kêu gọi các bạn chơi cá ở địa phương, trong khả năng của mình, hãy giúp đỡ Tom hoàn tất bức tranh phân loại về cá cờ Việt Nam. Thêm nữa, có một nỗ lực xuất bản công trình phân loại cá nước ngọt Việt Nam của một nhà khoa học nội địa. Bước đầu tập trung vào họ cá tai tượng Osphronemidae vốn bao gồm cả betta và cá cờ, mà chúng tôi đang kêu gọi bạn chơi giúp thu thập mẫu vật cờ sọc ở địa phương. Các nỗ lực song song này đều mang lại hiệu ứng win-win (đôi bên cùng có lợi). Hãy tưởng tượng nếu có vài loài mới được xác định mà bạn đang nắm trong tay! Sau cùng, cá cờ không hề kém giá trị như quan niệm xưa cũ của một vài lớp người! Mà nó là loài cá cảnh xinh đẹp, đa dạng và “có giá trị”. Các bậc phụ huynh và nhà đạo đức học hẳn sẽ rất tự hào khi bạn nuôi cá cờ và tham gia vào khía cạnh khoa học của thú chơi. Hãy nỗ lực lên nhé! Thảo luận *Việt Nam vốn đã hết sức đặc biệt vì có cả cá cờ lẫn betta. Nhưng cấu trúc địa lý đặc biệt khiến nó trở thành cái nôi tiến hóa của cá cờ nói riêng với rất nhiều loài hay biến thể! Nhìn chung, cờ đen phân bố ở địa bàn cao hơn so với cờ sọc vốn ở ruộng và các vùng đất thấp. Chúng là hình thức tiến hóa của cờ sọc theo hướng triệt tiêu vạch ánh kim khi tiến vào các vùng nước trong, cần hòa mình vào đáy nền sẫm. Điều thú vị là nhóm cờ đen và cờ lưng đỏ miền trung tiến hóa từ loại cờ sọc mảnh và nhuyễn, mà cá non vẫn còn lưu chút dấu vết. Trong khi, nhóm cờ đen miền bắc lại tiến hóa từ loại cờ sọc thường, mà chúng ta vẫn thấy chút dấu vết ở lưng và thân. Chuyện này xảy ra từ rất lâu rồi, trước cả sự kiện mà chúng ta sẽ nói đến sau đây. Trong quá trình phát triển của trái đất, từng có thời mực nước biển rút xuống rất thấp, có một vực nước ngọt xâm chiếm toàn bộ bờ biển trải dài từ Trung Quốc, xuống Việt Nam, thậm chí kết nối với đảo Hải Nam. Cá cờ nói chung và cờ đen nói riêng được phát tán đi khắp nơi. Chúng chỉ bị ngăn chặn bởi rào cản khí hậu nóng ở phía Nam. Về sau, các biến động địa chất khiến cho mực nước biển dâng cao. Dãy Trường Sơn chạy dọc miền Trung, cấu trúc sông suối ngắn và chủ yếu đổ ra thẳng ra biển mà không có sự kết nối, giao thoa với những lưu vực khác. Kết quả, cá cờ đen bị cách ly ở các khu vực biệt lập trong hàng triệu năm và tiến hóa thành các biến thể hay thậm chí loài riêng. Hy vọng, đây là lời giải thích khả dĩ cho sự đa dạng mà chúng ta đang được chứng kiến. *Một số biến thể cờ đen phân bố trong những khu vực hạn hẹp, thường là dòng suối hay ao hồ tự nhiên. Việc đánh giá và nhận diện chúng về mặt phân loại sẽ giúp ích cho công tác bảo tồn loài. Đây là khía cạnh mà người chơi hoàn toàn có thể tham gia. Việc hợp tác và trao đổi con giống là cần thiết để hạn chế hiện tượng suy thoái cận huyết và giảm áp lực đánh bắt lên quần thể tự nhiên. *Sự đa dạng của loài và biến thể cờ đen làm phát sinh nhu cầu phân nhóm mà chúng ta hãy thảo luận dưới đây: a) nhóm sọc dưa: bao gồm cờ đen Khe Rỗ - Bắc Giang, cờ đen Đông Triều, Uông Bí và Hạ Long - Quảng Ninh, Macropodus lineatus ở Sơn Trạch - Quảng Bình (đang tìm kiếm); thực ra, loại cá cờ nào cũng thể hiện sọc dưa ở mức độ nhất định, nhưng sọc dưa (stress bars) ở cá trưởng thành nhóm này nổi rõ; theo nhận định, các biến thể mới phát hiện có quan hệ gần gũi với cờ đen Hongkong; b) nhóm đen: bao gồm cờ đen Huế Macropodus spechti, Macropodus yeni (Tom tái phát hiện ở gần địa bàn chuẩn), Macropodus tramiensis (đang tìm kiếm), đen An Lão và Hoài Ân - Bình Định; c) đen vi trắng Quảng Ngãi: với bộ vây rất xanh, đặc biệt thiếu các phím guitar đặc trưng như ở đuôi của nhóm đen; d) nhóm đỏ: bao gồm cờ lưng đỏ và cờ đen vây đỏ với màu đỏ đặc trưng trên lưng và các vây; cờ lưng đỏ có một biến thể xanh với ánh kim lan rộng trên thân, ai được chứng kiến cờ lưng đỏ đích thực rồi cũng đồng ý nó là một loài riêng, khác hẳn với cờ đen; nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy cờ đen vây đỏ có lưng ửng đỏ, đó là lý do nó được xếp vào nhóm này; cờ đen vây đỏ phân bố rộng (từ Quảng Bình xuống đến Huế) và mạnh mẽ nhất trong họ hàng nhà cờ đen mà chúng tôi từng chứng kiến; theo chúng tôi, chính sự tăng sinh ánh kim và hắc tố làm nên kiểu hình đa dạng ở nhóm đỏ; Cách xếp nhóm ở đây chỉ là dự đoán sơ bộ, không thể hiện quan hệ thực sự của loài và nhóm mà phải chờ các phân tích DNA trong tương lai mới có thể khẳng định chắc chắn. *Có một quan niệm lệch lạc rằng cá hoang (wild-caught) với địa điểm thu thập cụ thể (tọa đô theo vệ tinh chẳng hạn) mới là thứ “có giá trị”. Vâng, từ góc nhìn của nhà phân loại, đây quả là mẫu vật rất giá trị về mặt khoa học với mặc định là người cung cấp phải trung thực! Trong những hoàn cảnh khác, nó hoàn toàn vô nghĩa, nếu không muốn nói là có hại. Người bắt cá ở địa phương thường giữ bí mật địa điểm đánh bắt vì lý do kinh tế. Những địa điểm chung chung như vùng, khu vực, tỉnh hay huyện là đủ, không cần chi tiết đến mức suối hay ao. Hơn nữa, áp lực đánh bắt có thể làm tổn hại đến quần thể cá hoang ngoài tự nhiên. Nhu cầu này (tọa độ) là giả tạo với người chơi, và nếu bạn nghe đâu đó rồi đóng khung vào suy nghĩ, thì bạn đang tự mua dây buộc mình, bằng không bạn buộc phải… nói dối! Người chơi cá bình thường chỉ quan tâm đến chất lượng con cá ra sao mà thôi vì các yếu tố khác là không thể kiểm chứng. Cá cản hồ (tank-bred) cũng rất ổn, miễn lai lịch rõ ràng và thuần chủng. [Lưu ý: đây chỉ là địa điểm ước lệ, không phải là địa điểm đánh bắt thực tế]. Địa điểm thu thập của Macropodus sp “KheRo”, Macropodus sp “QuangNinh” [Lưu ý: đây chỉ là địa điểm ước lệ, không phải là địa điểm đánh bắt thực tế]. ================================================= Tham Khảo 1) Freyhof, J. and F. Herder , 2002 - Ichthyological Exploration of Freshwaters 13(2): 147-167 Review of the paradise fishes of the genus Macropodus in Vietnam, with description of two new species from Vietnam and southern China (Perciformes: Osphronemidae). 1a) Macropodus spechti SCHREITMÜLLER, 1936. 1b) Hans-Joachim Paepke, 1994 - Kritischer Katalog der Typen der Fischsammlung des Zoologischen Museums Berlin. 2) Winstanley, T. and K. D. Clements, 2008 - Zootaxa 1908: 1-27 Morphological re-examination and taxonomy of the genus Macropodus (Perciformes: Osphronemidae). 3) Nguyễn Văn Hảo, 2005 - Cá Nước Ngọt Việt Nam - Tập III, p. 629-646 4) Ingo Schindler, 2009 - News on the taxonomy and distribution of Macropodus species, Der Makropode 1/09, p. 9-12 5) Kottelat, M. 2013 - The fishes of the inland waters of southeast Asia: a catalogue and core bibiography of the fishes known to occur in freshwaters, mangroves and estuaries. Raffles Bulletin of Zoology Supplement No. 27: 1-663. 6) Red-backed paradise fish (Wikipedia). 7) Endruweit, M. 2014 - Taxonomical notes on selected freshwater fish species described from northern and central Vietnam (Cypriniformes: Balitoridae, Cobitidae, Cyprinidae, Nemacheilidae; Perciformes: Channidae, Osphronemidae; Synbranchiformes: Mastacembelidae). Zoological Research v. 35 (no. 2): 142-159. 8) Lê Thị Thu Hà (Trường Đại học sư phạm Huế), Lê Khánh Vũ & Hoàng Anh Vũ (Trường Đại học Quảng Bình), 2015 - Thành phần loài cá bộ cá vược (Perciformes) ở một số sông chính thuộc tỉnh Khánh Hòa. 9) Nguyễn Văn Rốt, Lê Tấn Hữu, Hồ Gia Nghĩa, 2022 - Phát hiện, bảo tồn nguồn gien cá cờ (lia thia) bản địa có giá trị cao ở huyện Hoài Ân. ================================================= Ghi nhận: Bài viết này không thể hoàn tất nếu thiếu sự giúp đỡ của bạn Ha Vo Thai Binh về khía cạnh thông tin và hình ảnh của các biến thể cá cờ mới. Bạn cũng đọc và góp ý về các mốc thời gian trong bài. =================================================