Ảnh: Barbodes Lx (cờ đen); Linh Le Tuan (cờ sọc & cờ lưng đỏ); Huỳnh Sĩ Thiện (cờ đen vi trắng Quảng Ngãi). Cá cờ Việt Nam Tên gọi khác: lia thia, săn sắt, thiên đường (paradisefish). Tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu, chúng ta hiện có 9 loài cá cờ: 1) Cá Cờ Sọc Macropodus opercularis (LINNAEUS, 1758) Cá cờ sọc Macropodus opercularis phân bố tự nhiên ở Trung Quốc, Việt Nam và Lào; chúng còn được giới thiệu vào Hàn Quốc, Nhật Bản và sông Amur, Nga. Ở Việt Nam, chúng được phát hiện ở nhiều nơi, từ miền Bắc cho đến tận Đà Lạt (cờ sọc Bình Định, Ảnh: Linh Le Tuan). 2) Cá Cờ Đen Macropodus spechti SCHREITMÜLLER, 1936 Cá cờ đen Macropodus spechti là loài đặc hữu của Việt Nam. Chúng được phát hiện từ Huế đến lưu vực sông Thu Bồn, Quảng Nam. Có thông tin cho thấy loài này còn xuất hiện xa hơn về phía Nam, suối đá ở An Lão, Bình Định (cờ đen Huế, Ảnh: Barbodes Lx). 3) Cá Cờ Lưng Đỏ Macropodus erythropterus FREYHOF & HERDER, 2002 Cá cờ lưng đỏ Macropodus erythropterus là loài đặc hữu của Việt Nam. Chúng được phát hiện ở các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị (cờ lưng đỏ Quảng Bình, Ảnh: Linh Le Tuan). 4) Cá Đuôi cờ trà mi Macropodus tramiensis Hảo & Dực, 2004 Phân bố: ao ruộng huyện Trà Mi, tỉnh Quảng Nam [Tom Winstandley trao đổi với tác giả Dực và được xác nhận là Trà Mai, Nam Trà My]. Màu sắc: Thân màu xanh lục, không có các sọc ngang. Viền quanh các vảy màu xám sẫm. Các vây đều xám đen. Phần kéo dài thành sợi của vây bụng trắng. Mùa sinh sản màu sắc cá đực sặc sỡ hơn cá cái nhiều. So sánh với loài gần nó: Giống với loài M. opercularis (Linnaeus) là vây đuôi phân thùy, mút sau gốc vây hậu môn không nối liền với gốc vây đuôi, có cán đuôi; vảy dọc thân ít hơn (27-28 chiếc), phần gốc gai vây lưng bằng 4-6 lần phần gốc vây; phần gốc gai vây hậu môn gấp 3.5-4.0 lần phần gốc tia vây ở cá cái và 1.5-2.0 lần ở cá đực; thân không có các sọc ngang. 5) Cá Đuôi cờ đen Macropodus yeni Hảo & Dực, 2004 Phân bố: Đăk Sa, Phước Đức, Phước Sơn, Quảng Nam [sách dẫn thêm một địa danh ở Quảng Ngãi nhưng khảo sát xa hơn cho thấy đây chỉ là lỗi in ấn]. Màu sắc: Toàn thân màu đen, mút mõm và mặt bụng đều màu xám hồng. Vây ngực xám nhạt. Các vây khác màu đen; màng giữa các vây xám nhạt. Phần kéo dài thành sợi của vây bụng màu trắng hồng. Trong mùa sinh sản màu sắc cá đực sặc sỡ hơn cá cái. So sánh với loài gần nó: Khác với các loài trong giống là: Khởi điểm vây lưng ở sau khởi điểm vây hậu môn, D=X, 7-8; A=XV-XVII, 13; Squ=32-34 và thân màu đen không có các vân sọc. 6) Cá Đuôi cờ sọc Macropodus lineatus Hảo, Vân & Dực, 2005 Phân bố: Sơn Trạch – Phong Nha, Quảng Bình Màu sắc: Thân có màu xanh đen, không có các sọc ngang, phía trên trục thân có 3-4 sọc đen mờ nằm giữa các vảy và do các chấm đen tạo thành. Phần kéo dài của tia vây bụng màu trắng. Mùa sinh sản cá đực có màu sặc sỡ hơn cá cái nhiều. So sánh với loài gần nó: Khác với loài Macropodus phongnhaensis Hảo, Vân & Dực là D=XIII, 6-7; A=XIX-XXII, 10-12; dọc thân có 27-29 vảy và phía trên trục thân 3-4 sọc đen mờ nằm giữa các vảy. [Mô tả cho thấy đây là con cờ đen vi trắng, bởi không có các vạch ánh kim; các sọc đen mờ chẳng qua là "sọc dưa" (stress bars) mà con cá cờ nào cũng thể hiện ở mức độ nhất định; cách đặt tên "lineatus" dường như không theo thông lệ bởi a) sọc dưa không phải là đặc điểm cố định, mà biến thiên theo trạng thái của cá, và b) line được hiểu như là sọc dọc thân, khác với sọc đứng/vạch (bar) ở cá cờ]. 7) Cá Đuôi cờ phong nha Macropodus phongnhaensis Hảo, Vân & Dực, 2005 Phân bố: Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình Màu sắc: Thân có màu nâu, có 8 vạch ngang thân. Các vây màu xám, phần màng nhạt hơn phần tia. So sánh với loài gần nó: Giống với loài Macropodus lineatus Hảo, Vân & Dực là khởi điểm vây lưng trước khởi điểm vây hậu môn nhưng khác là D=XI-XIV, 5; A=XVI-XVIII, 10-12; dọc thân có 24-26 vảy và trên thân có các sọc ngang. [Phân tích gien được lấy từ mẫu vật cho thấy đây là con cờ đen M. spechti/M. erythropterus. Vạch hiện rõ trên mẫu vật ngâm formol, điều lý giải cho mô tả của các tác giả nội địa (Tom Winstandley, trao đổi cá nhân)] 8) Cá Đuôi cờ vảy ít Macropodus oligolepis Hảo, Vân & Dực, 2005 Phân bố: Vùng núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình Màu sắc: Thân màu vàng nhạt, có 7-8 sọc ngang thân. Trên thân có nhiều chấm đen lộn xộn. Các vây màu xám, viền ngoài vàng nhạt, So sánh với loài gần nó: Khác với M. baviensis Hảo, Vân & Dực là khởi điểm vây lưng trước khởi điểm vây hậu môn, nằm giữa mút mõm và gốc vây đuôi, gốc vây hậu môn liền với gốc vây đuôi, dọc thân có 23-24 vảy và thân có nhiều sọc ngang mảnh. 9) Cá Đuôi cờ ba vì Macropodus baviensis Hảo, Vân & Dực, 2005 Phân bố: Suối Hai, Ba Vì, Hà Tây Màu sắc: Cá đực có màu sắc sặc sỡ hơn cá cái. Trên thân có khoảng 8-10 vạch ngang màu xanh phủ ánh đỏ, độ rộng bằng ½ khoảng cách giữ chúng. Gốc vây lưng, vây hậu môn có màu xanh lục. Gốc vây ngực, viền vây đuôi có màu vàng ánh nến, có nhiều chấm đen. Phần tia vây lưng không có…, phần màng của vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi có nhiều chấm đen nhỏ. Trên các sợi kéo dài của vây bụng màu hồng. Vảy trên thân, đầu và gốc các vây đều có chấm đen. So sánh với loài gần nó: Khác với M. oligolepis Hảo, Vân & Dực là khởi điểm vây lưng sau khởi điểm vây hậu môn, gốc vây hậu môn nối liền với gốc vây đuôi, dọc thân có 30-33 vảy và trên thân có các sọc ngang đậm. ================================================= Tham Khảo 1) Freyhof, J. and F. Herder , 2002 - Ichthyological Exploration of Freshwaters 13(2): 147-167 Review of the paradise fishes of the genus Macropodus in Vietnam, with description of two new species from Vietnam and southern China (Perciformes: Osphronemidae). 2) Winstanley, T. and K. D. Clements, 2008 - Zootaxa 1908: 1-27 Morphological re-examination and taxonomy of the genus Macropodus (Perciformes: Osphronemidae). 3) Nguyễn Văn Hảo, 2005 - Cá Nước Ngọt Việt Nam - Tập III, p. 629-646 4) Ingo Schindler, 2009 - News on the taxonomy and distribution of Macropodus species, Der Makropode 1/09, p. 9-12 5) Kottelat, M. 2013 - The fishes of the inland waters of southeast Asia: a catalogue and core bibiography of the fishes known to occur in freshwaters, mangroves and estuaries. Raffles Bulletin of Zoology Supplement No. 27: 1-663. ================================================= Thảo luận *Tỉnh Quảng Bình dường như là "cái nôi" của các loài cá cờ khi có một sự bùng nổ về mặt tiến hóa diễn ra ở đó. Các tác giả Freyhof & Herder (2002) ghi nhận 2 loài cá cờ ở Quảng Bình là cá Cờ Sọc Macropodus opercularis và cá Cờ Lưng Đỏ Macropodus erythropterus. Trong khi các tác giả nội địa Hảo, Vân & Dực (2005) ghi nhận đến 3 loài gồm cá Đuôi Cờ Phong Nha Macropodus phongnhaensis, cá Đuôi Cờ Sọc Macropodus lineatus, và cá Đuôi Cờ Vảy Ít Macropodus oligolepis. Để so sánh, toàn bộ Trung Quốc chỉ có ba loài cá cờ gồm cá Cờ Đuôi Tròn Macropodus ocellatus, cá Cờ Đen Hong Kong Macropodus hongkongensis và cá Cờ Sọc Macropodus opercularis. Loài cờ sọc phân bố khắp nơi, từ biên giới cực nam cho đến tận sông Hắc Long Giang (Amur) ở phía bắc, giáp với Nga. Mọi khác biệt đều được coi là các biến thể địa phương của cùng một loài. Trong khi Việt Nam có tổng cộng 9 loài, riêng Quảng Bình đã có đến 5 loài. *Trong số những địa điểm lấy mẫu của cá cờ sọc Macropodus opercularis được thực hiện bởi Freyhof & Herder, 2002, có hai nơi ở Phong Nha - Kẻ Bàng, 17°38.95’N 106°15.95’E và 17°33.87’N 106°17.98’E (Sơn Trạch); cũng là nơi mà ba loài cá cờ được các nhà khoa học trong nước ghi nhận. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ ban đầu, các địa điểm lấy mẫu của cá cờ lưng đỏ tuy cùng ở tỉnh Quảng Bình nhưng đều nằm ngoài Phong Nha - Kẻ Bàng. Thực ra, số lượng loài đông đảo này có thể tạo ra nghi vấn về tên gọi (nomen nudum) (trước đây hầu như không có cơ chế trao đổi và phản biện) và cần có những nghiên cứu xa hơn để khẳng định hay bác bỏ chúng. Trong bản tổng duyệt cá nước ngọt Đông Nam Á (Kottelat, 2013), tất cả những loài do các tác giả nội địa phân loại đều được đưa vào diện nghi vấn (?). *Một phân tích (Schindler, 2009) nói rằng các bản mô tả cá nội địa không nói rõ những loài này khác với những loài đã được mô tả ở điểm nào, mà chỉ nói đến sự khác nhau giữa các loài mới. Mặc dù việc này là đủ với nguyên tắc danh pháp nhưng sẽ gây khó khăn trong việc kiểm tra sự chính thức (validity) của đơn vị phân loại. Các nỗ lực thu thập của Freyhof & Herder (2002) và Winstanley & Clements (2008) chỉ xác nhận các loài M. erythropterus (=M. spechti) và M. opercularis. Điều tương tự cũng diễn ra ở miền Bắc (địa bàn của M. baviensis). Kottelat (2001) xác định loài ở đó là M. opercularis. Vị trí tương đối của vây hậu môn rất biến thiên bên trong một loài và ngả về đặc điểm giới tính (gender) và kém hữu dụng trong việc phân biệt đơn vị phân loại (Paepke 1994). Số lượng vảy đường bên thấp ở M. oligolepis và hình dạng thuôn dài của M. lineatus [đây là cờ đen với 5-6 vạch đen mờ về phía đầu, cái tên lineatus dường như là một sự nhầm lẫn, vì nó chỉ đến sọc dọc, điều không hề tồn tại ở cá cờ nói chung] có thể khiến đây là những loài mới. Nếu không có bằng chứng gì thêm, có thể coi M. phongnhaensis là tên đồng nghĩa của của M. erythropterus [dường như có sự nhầm lẫn vì M. phongnhaensis là một loại cờ sọc, có lẽ M. lineatus mới đúng] và M. baviensis là tên đồng nghĩa của M. opercularis.
CẬP NHẬT BỔ SUNG *Sọc phảng phất thường xuất hiện ở cá cờ lưng đỏ và cờ đen trong trạng thái căng thẳng hay bị kích động. Đây là bằng chứng cho thấy chúng tiến hóa từ cờ sọc để thích nghi với môi trường nước trong hơn, nơi thượng nguồn. Có những nghi vấn cần được kiểm chứng về “vùng đệm” nơi cả hai cùng xuất hiện và có khả năng lai tạp. Cờ sọc cũng thường xuất hiện ở địa bàn thấp trũng dưới hạ lưu trong vùng phân bố của cả hai, khả năng lai tạp tự nhiên với cờ sọc cũng cần được xem xét. Sọc ở cá cờ lưng đỏ non. *Mảng, đốm, vệt sậm màu trên đầu có thể là đặc điểm phân biệt quan trọng giữa các loài cá cờ hoang. Cờ đen M. spechti và cờ lưng đỏ M. erythropterus ở Việt Nam thuộc về một nhóm riêng biệt khi không có bất kỳ mảng, đốm hay vệt sậm màu nào trên đầu so với các loài tương tự như M. hongkongensis và cả Tráng Hắc壮黑 mà có nguồn tiếng Hoa coi như là M. spechti; thay vào đó chúng có viền đen hình mắt lưới đều đặn ở mép ngoài của vảy. Cá cờ hongkongensis có các vệt sẫm màu trên đầu, ngoài ra đốm mang (phớt xanh), kỳ trắng và hạt trai dưới mang là các đặc điểm phân biệt khác. Tráng Hắc壮黑 có các đốm nhỏ trên đầu. Hiện có một số “cờ đen tàu” ngoại nhập, rất giống với M. spechti nhưng quan sát kỹ thấy hạt trai dưới mang, nhất là sọc thân phảng phất và vệt đen ở nắp mang, dẫu đang trong trạng thái bình thường, thân thuôn dài và có những cá thể đặc biệt to lớn, lên đến 9 - 10 cm SL. Đây dường như là cá lai và một số đặc điểm được di truyền từ M. hongkongensis. Kết quả, màu đen ở những cá thể này không đồng nhất như cờ đen M. spechti. Ở hướng ngược lại theo quan sát của chúng tôi, một số M. hongkongensis được rao bán là cá lai do kỳ bị nhiễm đỏ! Hàng trên: cờ đen Huế, cờ lưng đỏ Quảng Bình và cờ đen HongKong. Hàng dưới: cờ sọc Quảng Ngãi, cờ đuôi tròn và Tráng Hắc. *Đoạn trích dẫn dưới đây (Der Makropode 3/2008) về biến thể cờ đen với tia đuôi kéo dài hay bộc châm爆針 được phát hiện ở Lăng Cô, Huế. “Macropodus spechti từ Lăng Cô, phía bắc đèo Hải Vân. Bạn có thể thấy rõ đốm mang. Đuôi có nhiều tua (strings). Cá này phù hợp với mô tả của Schreitmüller và sau này từ Ahl và các mẫu vật lưu trữ ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin (Ảnh: Thomas Seehaus)”. “Đến giờ, tác giả có thể đặc biệt quan sát cá Cờ Đen (Black Paradise) từ Lăng Cô, bởi một cặp trưởng thành được đánh bắt, với con trống khủng, vốn dẫn đến vài sự kiện thú vị. Một đặc điểm khác biệt ở cá trống là đuôi nĩa (folked tail) vốn kéo dài thành nhiều tua (filaments), tạo ra ấn tượng đuôi vương miện (crowntail) hay đuôi lược (combtail). Chỉ có loại cá này từng được biết đến (theo Dr. Thomas Seehaus) trước các đợt nhập khẩu mới từ Huế và các vùng xung quanh. Dòng cá cảnh này đã được cho là một dạng lai tạo. Toàn bộ cá Cờ Đen từ thung lũng bắc Lăng Cô và đặc biệt là những con ở ngoại ô Huế đều có đuôi này. Loại đuôi tương tự cũng được thấy ở Cá Cờ Lưng Đỏ M. erythropterus”. (Jens Kühne, News on the ‘Heaven Peak‘ [Wolken Pass] Paradise fish). Đây là hiện tượng tia vây kéo dài, nhô ra khỏi màng vây ở cá cờ. Tuy nhiên ở một số vị trí, nhất là hai cạnh đuôi, màng vây triệt thoái ở một mức độ nhất định. Thoạt trông tương tự như Crowntail Betta mà một số người cũng gọi là Crowntail Paradisefish, nhưng hiệu ứng “crowntail” ở cá betta, về bản chất, đơn thuần là sự triệt thoái của màng vây, khiến các tia vây trơ ra. Tính trạng này cần được khảo sát về mặt di truyền và chúng ta hoàn toàn có thể phát triển các dòng cờ đen, cờ lưng đỏ thuần chủng với đặc điểm bộc châm. *Một cá thể cờ đen được bắt gần lăng Gia Long, Huế bởi Barbodes Lx (xem clip đầy đủ tại đây). Cá thể này có viền đỏ ở đuôi nhiều hơn bình thường, gốc vây lưng ửng đỏ và đặc biệt là thân ánh copper. Điều làm dấy lên nghi vấn về lai tạp tự nhiên giữa cờ đen và cờ lưng đỏ. Theo tác giả, chỉ số ít cờ đen mang đặc điểm này. Winstanley & Clements (2008) cũng ghi nhận hiện tượng “nhiễm đỏ” nơi một số cờ đen được thu thập ở sông Truồi và sông Hương. Lưu ý rằng, sông Truồi bắt nguồn từ đỉnh Bạch Mã, đổ vào đầm nước lợ Cầu Hai, khá cách biệt so với sông Hương và rất xa vùng phân bố của cờ lưng đỏ. Các tác giả đi xa hơn khi đề xuất xem M. erythropterus như là tên phụ đồng nghĩa của M. spechti. Ngoài ra, còn có những báo cáo về cờ đen và cờ lưng đỏ “mất đỏ” ở Quảng Bình, Quảng Trị (Thanh Bui Van), cùng với việc thiếu thông tin về khu vực giao thoa giữa hai loài (từ Huế đến sông Thạch Hãn), các nghiên cứu khoa học hẳn rất cần thiết trong tương lai nhằm tái xác định tình trạng của chúng. Ảnh: Barbodes Lx *Vài ghi nhận về tập tính của cá cờ lưng đỏ trong hồ kính lớn 120 x 50 x 50 cm. Sinh sản: Cá tự bắt cặp và sinh sản khi thời tiết trở nên mát mẻ vào cuối năm ở Sài Gòn, nhất là sau khi thay nước. Bản năng chăm sóc tổ và cá con rất mạnh. Cá trống xây tổ, chăm sóc trứng và cá con; cá mái canh phòng từ xa. Cả hai xua đuổi cá khác trong hồ, và khi cá bột bắt đầu bơi tự do thì chúng còn tấn công dữ dội hơn để bảo vệ cá con. Số cá đồng ang này cần được vớt qua hồ khác, bằng không chúng sẽ bị cắn chết. Hành vi: Hành vi chăm sóc con của mái cờ lưng đỏ được ghi nhận là mạnh mẽ hơn cá Betta. Nó kéo dài nhiều tuần sau khi cá nở. Rất nhiều lần chúng ta chứng kiến cá cha mẹ đớp con vì tưởng nhầm là mồi! Nhưng chúng nhả ra ngay sau đó bởi chúng nhận biết đâu là con của mình. Cạnh tranh: Ở 2 tháng tuổi, có cá thể dài đến 2 cm, lúc này bản năng bảo vệ của cá mẹ dường như giảm sút, nó rất hung hăng khi đói. Có trường hợp đớp nhầm và cắn chết cá con, nhưng nhả ra không ăn, một phản ứng tự nhiên khi săn mồi. Nên vớt cá mẹ qua hồ khác. Ở 3 tháng tuổi, bầy cá phân hóa mạnh về kích thước, từ 1 đến 4.5 cm chiều dài chuẩn (SL). Có hiện tượng cá lớn cắn chết cá bé, thường diễn ra vào ban đêm. Điều này có thể lý giải cho những bầy cờ đen với số lượng ít ỏi, vài chục con khi được nuôi trong hồ nhỏ. Để duy trì số lượng đàn, những con lớn nhất cần được vớt sang hồ khác. Màu sắc: Một số cá thể có nhiều ánh kim ở đuôi, vây và thân. Quá trình tuyển chọn có thể tạo ra dòng cá xanh hơn. Màu đỏ đặc trưng ở gốc vây lưng dường như sút giảm trong môi trường nuôi dưỡng (cũng có thể do thức ăn). Môi trường: Cờ lưng đỏ dường như chịu đựng kém với môi trường ô nhiễm (so với cờ đen), thường là những con phát bệnh và chết trước tiên. Chất lượng nước cần được ưu tiên hàng đầu trong việc nuôi dưỡng cờ lưng đỏ. Bệnh cá: Cờ lưng đỏ hoang dã thường mắc bệnh lở vốn chưa rõ tác nhân gây bệnh cũng như cách chữa trị. Bệnh lây nhiễm mạnh chủ yếu ở cờ lưng đỏ, chưa ghi nhận ở các dòng cá khác. Cá bệnh nhẹ vẫn sinh sản bình thường. Bệnh dường như diễn tiến âm thầm trong một số điều kiện nhất định, nhưng trở nặng khi môi trường thay đổi đột ngột, chẳng hạn trời lạnh hay biến động pH khi thay nước; và dẫn đến tử vong. Một số thuốc từng được sử dụng như CuSO4, BKC 8% (tỷ lệ 1 giọt/25 lít tăng đến 8 lần), Formol (1 giọt/lít, bổ sung sau mỗi 3 ngày) nhưng kết quả không khả quan. A) Cờ lưng đỏ Quảng Bình với vết lở trên thân. B) Cờ lưng đỏ Quảng Trị với vết lở trên nắp mang. C) Diễn tiến bệnh ở một cá thể cờ lưng đỏ Quảng Bình. Ban đầu là các vết lở nhẹ trên thân và vây, cá vẫn sinh sản bình thường. D) Sau khi thay nước (pH biến động), cá trở bệnh nặng hơn. E) Sau vài tuần chữa trị bằng BKC và Formol, bệnh không có dấu hiệu cải thiện, cá thậm chí vẫn nhả bọt trước khi chết vài ngày.
*Số liệu về địa bàn thu thập mẫu vật của các loài cá cờ hoang được trích từ: Freyhof, J. and F. Herder , 2002 - Ichthyological Exploration of Freshwaters 13(2): 147-167 Review of the paradise fishes of the genus Macropodus in Vietnam, with description of two new species from Vietnam and southern China (Perciformes: Osphronemidae). Địa bàn cá cờ lưng đỏ (red-backed paradisefish Macropodus erythropterus) Địa bàn chuẩn (type locality) 17°11.54'N 106°37.53'E (thôn Quyết Tiến, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, tỉnh lộ DT10 - gần hồ Cẩm Lý) Địa bàn khác 17°14.12'N 106°37.51'E (Lệ Ninh, Quảng Bình, tỉnh lộ DT10 - gần hồ Cẩm Lý) 17°13.16'N 106°39.08'E (Lệ Ninh, Quảng Bình, tỉnh lộ DT10 - gần hồ Cẩm Lý) 16°47.00'N 106°53.86'E (sông Hiếu, thị trấn Cam Lộ, cách thị xã Đông Hà, Quảng Trị khoảng 20 km – đường xuyên Á AH16) 16°42.02'N 106°52.67'E (sông Thạch Hãn, cách thị xã Đông Hà, Quảng Trị khoảng 40 km – đường xuyên Á AH16) 16°43.19'N 106°52.13'E (sông Thạch Hãn, cách thị xã Đông Hà, Quảng Trị khoảng 35 km – đường xuyên Á AH16) 16°45.71'N 106°51.63'E (sông Hiếu, thị trấn Cam Lộ, cách thị xã Đông Hà, Quảng Trị khoảng 25 km – đường xuyên Á AH16) Địa bàn cá cờ đen (black paradisefish Macropodus spechti) 16°26.16'N 107°31.62'E (nhánh sông Hương cách Huế 10 km về phía tây-nam, Thừa Thiên-Huế) 16°25.97'N 107°34.26'E (hồ ở lăng Tự Đức, cách Huế 4 km về phía nam,Thừa Thiên-Huế) 16°25.61'N 107°34.20'E (suối cách 5 km về phía nam Huế, Thừa Thiên-Huế) 16°23.78'N 107°35.46'E (suối cách 7 km về phía nam Huế, Thừa Thiên-Huế) 16°22.65'N 107°35.48'E (nhánh phía nam của sông Hương, cách Huế 10 km về phía nam, Thừa Thiên-Huế) 16°11.58'N 107°43.76'E (suối ở Khe Tre, huyện Nam Đông, cách Huế 40 km về phía nam,Thừa Thiên-Huế) 16°15.99'N 107°42.29'E (suối ở Xuân Lộc cách Huế 25 km về phía nam,Thừa Thiên-Huế) 16°16.80'N 107°42.70'E (suối ở Xuân Lộc cách Huế 20 km về phía nam,Thừa Thiên-Huế) 16°19.97'N 107°25.29'E (stream Mau cách Huế 30 km về phía tây,Thừa Thiên-Huế) 16°16.46'N 107°56.73'E (suối ở Nước Ngọt cách Huế 50 km về phía nam, Thừa Thiên-Huế) 16°16.25'N 107°59.04'E (suối ở Thừa Lưu cách Huế 55 km về phía nam, Thừa Thiên-Huế) 16°15.37'N 107°59.72'E (suối cách Thừa Lưu 2 km về phía đông, Thừa Thiên-Huế) 16°15.76'N 107°59.65'E (suối cách Thừa Lưu 1.5 km về phía đông, Thừa Thiên-Huế) 16°14.58'N 107°59.36'E (Suối Voi, Thừa Lưu cách Huế 55 km về phía nam, Thừa Thiên-Huế) 16°25.45'N 107°35.07'E (suối đổ vào sông Hương, cách Huế 10 km về phía nam, Thừa Thiên-Huế) 16°24.66'N 107°25.64'E (suối đổ vào sông Hương, cách Huế 11 km về phía tây-nam, Thừa Thiên-Huế) 15°45.32'N 107°50.18'E (suối ở thị trấn Thạnh Mỹ, cách Hội An 58 km về phía tây, Quảng Nam-Đà Nẵng) 15°58.86'N 108°04.79'E (suối cách Hội An 20 km về phía tây, Quảng Nam-Đà Nẵng) Phân bố xa nhất về phía Nam của cờ sọc (Macropodus opercularis) 11°59.53'N 108°21.95'E Suối Vàng, bắc Đà Lạt, Lâm Đồng 11°46.26'N 108°19.16'E nhánh của sông Đạ Dâng (suối Cam Ly), nam Đà Lạt, Lâm Đồng Việc thiết lập vùng phân bố xa nhất về phía nam của cá cờ sọc (Đà Lạt) và phân bố tự nhiên của cá betta ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương sẽ trả lời cho một câu hỏi thú vị: đâu là rào cản tự nhiên giữa chúng?
Về màu đỏ trên vây M. spechti Như đã nói, Winstanley & Clements (2008) phát hiện nhiều cá thể cờ đen M. spechti vây nhiễm đỏ trong vùng phân bố của cờ đen. Hai ông đi đến kết luận rằng cờ lưng đỏ nên được coi là một biến thể màu của M. spechti. Tuy nhiên, so sánh không được thực hiện với những cá thể được bắt trong địa bàn chuẩn của cờ lưng đỏ (mà chúng tôi tin rằng đã không còn cá trên thực tế) nên cờ lưng đỏ M. erythropterus hiện vẫn được coi là một loài riêng. Trong khi chờ đợi những nghiên cứu xa hơn, chúng tôi đã chủ động lai tạp giữa cờ đen Huế (dòng đen sẫm, hầu như không nhiễm đỏ) với cờ lưng đỏ Quảng Trị. Kết quả thu được những cá thể mang đặc điểm trung gian của cả hai, nghĩa là những con cờ đen nhiễm đỏ ở vây. Thân giống như cờ đen. Đen trội một phần (partial/incomplete dominance) so với đỏ hay ngược lại. Thử nghiệm này chứng tỏ khả năng lai tạp tự nhiên giữa hai loài và con lai trông giống như những cá thể cờ đen nhiễm đỏ ngoài tự nhiên! (A1-A2-A3) Cá lai giữa cờ đen & cờ lưng đỏ: vây nhiễm đỏ. (B) So sánh với cờ đen: cạnh đuôi phớt đỏ. Thử nghiệm bắt đầu vào đầu 2020, cá lai được nuôi đến 8 cm chiều dài chuẩn. Trong các nghiên cứu trước đây, không có mẫu vật nào được ghi nhận ở vùng đệm giữa hai loài, từ sông Hương đến sông Thạch Hãn. Gần đây, có một số thông tin về cờ đen được đánh bắt trong vùng này (Phong Điền). Quan sát cho thấy cá có lượng nhiễm đỏ cao, toàn bộ vây hậu môn, dọc theo cạnh vây lưng và đuôi, phần giữa vây ửng hồng. Có cá thể bản thuôn, đầu võng như thường thấy ở cờ lưng đỏ! Trước đó, cờ đen vây đỏ từng được ghi nhận ở Quảng Bình và Quảng Trị (Thanh Bùi Vân). Chúng sống ở các vùng đất trũng như ao, ruộng trong khi cờ lưng đỏ phân bố trong suối cao (Văn Hóa). Cá cờ hoang bắt ở Phong Điền, Huế (Ảnh: Minhthien Nguyen) Về khía cạnh nhiễm đỏ, dường như càng đi sâu về phía nam, lượng đỏ càng giảm dần. Từ Quảng Bình, Quảng Trị (đỏ rất nhiều trên các vây lẻ) qua vùng đệm (đỏ nhiều trên vây hậu môn và cạnh đuôi) đến Huế (đen, phảng phất đỏ ở hai cạnh đuôi, thỉnh thoảng có cá thể nhiễm đỏ). Nhưng từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi đến An Lão, Bình Định, tới nay chưa có báo cáo nào về nhiễm đỏ! Tuy thông tin ở đây giúp chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về phân bố và đặc điểm hình thái của các nhóm cá thể, nhưng vẫn chưa đủ để đưa ra bất kỳ khẳng định chắc chắn nào. Vẫn tồn tại các câu hỏi: a) Cờ đen nhiễm đỏ có phải là dấu hiệu của sự lai tạp tự nhiên giữa hai loài, nhất là ở vùng đệm? b) Cờ đen nhiễm đỏ phải chăng là cờ đỏ "mất đỏ" như có bạn từng đề cập? c) Cờ đen nhiễm đỏ và cờ lưng đỏ có phải là một biến thể màu của cờ đen M. spechti? Trong tương lai, cần phải có các nghiên cứu toàn diện về mặt di truyền nhằm trả lời cho những câu hỏi này. Ở đây, chúng tôi chỉ cung cấp những suy đoán qua quá trình nuôi dưỡng trong môi trường hồ nuôi. Khi quan sát cặn kẽ, những con cờ đen nhiễm đỏ này vẫn có lưng ửng hồng ở một mức độ nhất định, điều không xảy ra ở cờ đen. Đặc điểm khiến chúng ta bối rối trong một thời gian dài! Một số cá thể cờ lưng đỏ bị "mất đỏ" trong môi trường hồ nuôi. Ngoài ra, loài này còn có một biến thể với ánh kim thân rất đậm, và chúng cũng đen hơn cờ lưng đỏ thường! Sự tăng tiến của hắc tố khiến thân cá hóa đen và lấn át lớp đỏ, điều có thể lý giải cho sự mất đỏ. Cả ba biến thể được phát hiện trên cùng một địa bàn, điều dẫn đến suy đoán rằng cờ lưng đỏ và cờ đen nhiễm đỏ thuộc về cùng một loài.