Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Lai tạo Paratilapia sp. “Andapa”

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 27/6/08.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Lai tạo Paratilapia sp. “Andapa”
    George J. Reclos - http://www.malawicichlidhomepage.com/aquainfo/spawning_paratilapia_polleni.html

    Thân tặng Jean-Claude NourissatPatrick de Rham

    Dự định ban đầu của tôi là đặt tựa đề cho bài viết này như là “After Many a Summer” (theo tiểu thuyết của Aldus Huxley) nhưng rồi tôi quyết định sử dụng một cái tên “nghiêm túc” hơn. Tôi sẽ bắt đầu bằng một ghi chú mà tôi viết vào tháng tám vừa qua, khi tôi vừa trải qua một nỗ lực sinh sản thất bại, sau thất bại tương tự của Francesco và Nikos Balaskas. Nó là phần giới thiệu hoàn hảo bởi vì tôi chẳng phải sửa đổi gì mấy. Ngoại trừ một điều. Lần này cặp cá đã thành công. Không ấp nở nhân tạo, cũng chẳng phải trợ giúp gì, chúng chỉ cần làm theo cách của mình và cho tôi cơ hội quan sát từ khi chúng quyết định đẻ trứng ở chỗ trống (đặc biệt hữu ích nếu bạn muốn chụp vài tấm ảnh cho toàn bộ sự kiện). Hãy quay lại tháng tám trước… (với thông tin và hình ảnh của loài này ở nhiều độ tuổi, hãy xem ở đây).

    08/08/2003: Một trong những cá cái sẵn sàng đẻ trứng lần nữa. Lần này đó là hồ 1300 lít nên việc lấy trứng (quá lạc quan?) có lẽ rất khó khăn. Như thường lệ, cá cái hiện là con sẫm màu nhất trong hồ với đặc điểm chóp vàng trên viền vây lưng, trong khi hiện có bằng chứng rõ ràng rằng tôi có 3 cá cái và 4 cá đực trong hồ. Tôi đoán như vậy dựa trên phản ứng của cá cái với những con P. polleni khác. Mỗi khi cá cái khác lại gần, nó bèn thể hiện hành vi bình thường ở cichlid và đuổi đi. Khi cá đực xuất hiện thì nó vẫn bình thường. Dĩ nhiên, những con cá đực trong hồ của tôi sẽ có một thời gian rất khó khăn. Cá đực đầu đàn lớn hơn nhiều so với số còn lại nên, nếu chúng de cá mái nhiều hơn mức cho phép, thì chúng có thể lãnh hậu quả nghiêm trọng. Hồ 1300 lít có nhiều đá, gỗ và cây thủy sinh. Hơn nữa, có một nền cát dày (hơn 10 cm) để chúng có thể đào bới thỏa thích. Mặc dù chẳng phải là một chuyên gia, với tôi dường như màu sẫm hơn và sự xuất hiện của viền vàng trên vây lưng có thể xem như là dấu hiệu rằng một cá cái nhất định sắp sửa đẻ trứng. Màu đen quá đậm đến mức che hết đốm tilapia (tilapia spot) dù có quan sát kỹ. Cá có thể mặc vào và cởi ra bộ cánh sinh sản (nutipal dress) trong vài ngày và rồi sẽ giữ liên tục trong 1-2 ngày cho đến khi sinh sản với con đực được chọn. Phát hiện này có thể thay đổi khi có thêm kinh nghiệm – từ tôi hay những tay chơi khác.

    [​IMG]

    Góc nhìn như hiện tại (rèm che ánh sáng ở phía sau hồ). Đá được sắp xếp theo cách tạo ra nhiều khe và hang động nhất có thể. Gỗ hóa thạch và cành nho được đặt lên trên đá để tạo ra nhiều chỗ trú ẩn hơn nữa. Có nhiều rong mái chèo Vallisneria gigantea [Vallisneria americana] trong hồ nhằm tạo ra quang cảnh tự nhiên hơn. Hãy đón xem. Tôi có thể (có thể thôi nha) thêm vài thứ lần sau!

    Một số ghi chú về sinh sản của Paratilapia polleni – tháng mười 2003

    Hầu hết các tác giả đều tuyên bố rằng Paratilapia polleni của họ sinh sản khi cá đực đạt chiều dài 18 cm hay nhiều hơn, trong khi cá cái đạt chiều dài 12 cm hay nhiều hơn. Hơn nữa, hầu hết hay tất cả những lần sinh sản thành công đều được báo cáo trong ao lớn ngoài trời (cỡ hàng ngàn lít) hay hồ kiếng thật lớn vốn hiếm khi thấy ở nhà riêng. Sam Bacchini, một tay chơi ở Mỹ, là người đầu tiên thông báo (vào tháng 3 năm 2003) một lần sinh sản thành công với cá rất nhỏ (đực: 10 cm; cái: 8 cm) trong hồ nuôi dày đặc cây thủy sinh (75 lít). Ý tưởng đằng sau sự kiện này là dường như cây thủy sinh rậm rạp tạo cho P. polleni cảm giác an toàn điều cho phép chúng thực hiện hoạt động sinh sản. Điều này có nghĩa rằng kích thước hồ có lẽ không phải là yếu tố chủ chốt mà là bố cục hồ. Bởi vì J-C Nourissat và Patrick de Rham từng thông báo cá này sinh sản ngoài tự nhiên ở kích thước nhỏ hơn nhiều (8-10 cm) nên việc này là khả dĩ. Bây giờ chúng ta biết rằng Sam Bacchini hoàn toàn đúng và đã thông báo điều vốn bình thường ở cá này. Chúng ta có ba báo cáo sinh sản thành công trong hồ nhỏ bởi cá có kích cỡ 10-12 cm (đực) và 7-8 cm (cái). Tất cả hồ đều nhỏ và nhiều cây thủy sinh hay có nhiều chỗ lẩn trốn. Chi tiết hơn, hồ của tôi được 100 lít mà ánh sáng khó chiếu đến đáy bởi cây thủy sinh rậm rạp bao gồm phần lớn cây xương cá Ceratophyllum demersum ở bề mặt. Cặp P. polleni của tôi sinh sản ở vị trí tối nhất trong hồ và cá cái sau đó vận chuyển trứng sang một hố vốn gần như không thể nhìn thấy (tháng tư 2003). Chẳng may, trứng bị ăn một ngày sau đó. Cá cùng bầy (và kích cỡ) sinh sản hai tháng sau trong hồ thủy sinh rậm rạp, hồ 60 lít của Nikos Balaskas như thấy ở hình này. Cá cái đẻ trứng đằng sau cây ráy Anubias sp. và quạt chúng trong 24 giờ đầu. Tuy nhiên, trứng không được di dời và bị ăn một ngày sau. Vào cùng thời điểm (tháng mười 2003), Francesco thông báo từ Rome về một hố trống trong hồ P. poleni của anh nơi cá cùng bầy được nuôi. Khi anh đang tham dự triển lãm AFC ở Vichy vào lúc đó, hồ không được theo dõi trong ba ngày, thời gian đủ để cá đẻ và ăn trứng. Đặc điểm của cái hồ đặc biệt này là không có sự hiện diện của con người bởi nó được bảo trì một lần mỗi tuần trong khi việc cho ăn được thực hiện một cách tự động và nhiều chỗ trú ẩn nhờ bố cục thông minh. Ngoại trừ Francesco, tất cả những người khác (Sam, Nikos và tôi) đã thả một số P. polleni vào những hồ đó và tổn thất là điều không tránh khỏi. Cặp cá của Sam giết hai con cá khác, cặp cá của Niko giết hai con trong khi một con phải trả lại cho tôi trong tình trạng tổn thương nghiêm trọng và riêng tôi bị mất hai con. Khó khăn trong việc xác định giới tính của cá ở kích thước và độ tuổi này là một vấn đề và luôn dẫn tới tổn thất. Sau cùng, trong hầu hết trường hợp (trừ Sam) trứng bị cặp đôi non nớt ăn mất vào ngày hôm sau. Do đó, việc ấp nở nhân tạo là hết sức nên làm một khi bạn cố gắng đi theo hướng này để cản chúng.

    Nếu chúng tôi được phép đưa ra kết luận, thì nó sẽ là P. polleni có thể sinh sản ở độ tuổi non hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây và chúng có thể làm điều này trong hồ tương đối nhỏ nơi chúng sống. Cây thủy sinh rậm rạp tạo ra cảm giác an toàn vốn có thể là nhu cầu của loài này. Trong trường hợp ở đây, sinh sản thành công trong ao rộng có lẽ là kết quả của sự “biệt lập” cá chứ không phải là kích thước. Nếu kết luận này là đúng, thì sẽ ngày càng có nhiều tay chơi có thể cho sinh sản thành công loài cá cực kỳ xinh đẹp này trong hồ cảnh, do vậy điều này có thể có đôi chút giá trị. Cũng cần lưu ý rằng dẫu sinh sản thành công được chứng kiến giữa những thành viên cùng bầy trong hồ nhỏ (60-125 lít), chưa có hành vi sinh sản nào được phát hiện giữa anh chị em cùng bầy trong hồ cực rộng (750 và 1300 lít). Dĩ nhiên, những hồ đó không thể có cây thủy sinh rậm rạp như được tạo lập trong hồ nhỏ. Sau khi tôi viết xong những dòng ghi chú ở đây, tôi quyết định gửi nó cho quân sư của mình, Patrick de Rham. Hồi đáp của ông như sau:

    “Tôi đang đọc ghi chú thú vị của bạn về việc lai tạo Paratilapia và chừng nào mà điều này còn được quan tâm, tôi không nghĩ bạn phải thay đổi gì nhiều. Không nghi ngờ gì Paratilapia có thể sinh sản ở kích thước nhỏ hơn nhiều so với kích thước trưởng thành của chúng. Chúng ta chứng kiến điều này cả ngoài tự nhiên lẫn trong ao/hồ nuôi. Trên thực tế, tôi thậm chí còn ấn tượng rằng ít nhất trong hồ nuôi, cặp cá non còn dễ đẻ hơn cá trưởng thành. Tôi cũng rút ra cùng kết luận với các loài cichlid khác chẳng hạn như Tahuantinsuyoa macantzatza ở Peru. Tuy nhiên, như bạn không may phát hiện ra, trong hồ nuôi, những cặp cá non này thường ăn trứng thậm chí trước cả khi chúng nở. Thành công của Sam Bacchini là một ngoại lệ, nhưng những lần lai tạo thành công khác trong hồ nuôi, với cá cha mẹ được để chăm sóc cá con, đã từng được thông báo trước đó. Trên thực tế, báo cáo đầu tiên về lai tạo thành công P. polleni xảy ra vào những năm 80 ở Marseille và cũng được thực hiện ở một hồ tương đối tối và cách biệt.

    Tuy nhiên, tôi nghĩ kích thước hồ cũng có vai trò quan trọng như ao rộng của Jean-Claude, vốn thường trống trơn, ngoài vài viên ngói và chậu hoa, nếu nhiệt độ phù hợp, nghĩa là trên 25 độ C, một cặp Paratilapia đưa vào sẽ sinh sản trong vòng 10 ngày và cá cha mẹ sẽ chăm sóc trứng, ấu trùng và cá bột bơi tự do, thường không gặp bất kỳ vấn đề gì và trên thực tế, bảo vệ bầy con một cách quyết liệt trước tất cả cá khác và con người! Nhưng trong vùng nước rộng, hay có lẽ quan trọng hơn, trên đáy nền rộng rãi, những cá khác thường không bị thương bởi chúng bị cá đực đuổi ra xa bầy cá con 2 mét. Tôi đưa ra một giả thiết rằng trong hồ nuôi, cá đực thiếu không gian nên phải ở quá gần với tổ trứng và điều này khiến cá cái căng thẳng, dẫn đến việc ăn trứng. Ngoài tự nhiên hay ao rộng, cá đực thường ở vị trí cách xa khoảng 1 mét và canh chừng “kẻ địch”. Bạn nghĩ xem điều này có lẽ cũng lý giải tại sao vài trường hợp lai tạo thành công trong hồ nuôi, thường xảy ra ở các hồ thủy sinh rậm rạp. Cá cái không phải lúc nào cũng nhìn thấy cá đực và bớt căng thẳng hơn…”

    Vâng, theo phát biểu của Patrick, tôi lạc quan hơn về việc lai tạo chúng… Tôi hy vọng điều này cũng giúp cho người khác nữa. Luôn có một vị trí cho loài cá đáng chú ý này trên thị trường. Và bây giờ hãy trở về năm nay…

    Tháng hai - Tháng năm 2004 – giấc mơ đã trở thành sự thực. Như Patrick đã nói ở trên, “trong hồ nuôi, cặp cá non còn dễ đẻ hơn cá trưởng thành”. Điều này – có lẽ - là chìa khóa để thành công. Trong ba tháng tiếp theo, tôi chứng kiến ba đợt đẻ trứng bởi một trong số Paratilapia polleni đốm lớn vốn lấy từ Jean-Claude Nourissat và Patrick de Rham ở Vichy (October 2003). Vài lời về những con cá này có lẽ giúp ích cho những tay chơi khác. Mười cá thể mà tôi mang từ Pháp về được chia ra ba hồ dung tích 110 lít. Mỗi hồ dài 80 cm và được đặt với bề hẹp hướng ra vì vậy tụi cá có 80 cm để tránh nếu chúng muốn. Trong tất cả các hồ, gỗ hóa thạch được bố trí ở giữa, phân chia hồ ra làm hai phần. Khối gỗ hóa thạch cung cấp một số chỗ trú ẩn trong khi phần sau hồ bị che khuất khỏi tầm nhìn của chúng ta (cá cũng chẳng nhìn thấy chúng ta – do đó tạo cảm giác “an toàn” cho chúng). Hai hồ nuôi bốn con trong khi hồ thứ ba chỉ nuôi hai con. Theo lý thuyết, giới tính của số cá này không định sẵn khi mới sinh ra mà hình hành sau này, vì vậy tôi nghĩ nếu chúng được nuôi trong ba hồ khác nhau thì cơ hội tôi kiếm được ba cặp sẽ nhiều hơn. Hiển nhiên, sau sáu tháng trong những hồ này, rõ ràng tôi có ba cá đực vốn lớn nhanh từ 4-5 cm lên 14-15 cm. Vào tháng thứ bảy, (ít nhất) một cặp rõ ràng đã hình thành ở mỗi hồ. Trong mọi trường hợp, có một cá đực “khủng” ở cả ngày bên cạnh cá cái nhỏ hơn nhiều (7-8 cm). Trong hồ nuôi bốn con P. polleni, hai con còn lại luôn ở phía sau hồ, hiếm khi xuất hiện (thường chỉ khi ăn và luôn vội vã). Cũng cần lưu ý rằng trong các hồ đó, cặp đôi luôn ưa chuộng phần trước hồ – có lẽ việc kiểm soát đang diễn ra – cả trong lẫn ngoài hồ. Cặp đầu tiên thể hiện hành vi sinh sản là cặp được nuôi riêng bởi vì các cặp ở những hồ khác mải bận rộn giữ cho hai con còn lại luôn ở phần sau hồ. Lịch bảo trì được áp dụng tương tự cho tất cả các hồ, bao gồm cho ăn 3-4 lần mỗi ngày (thức ăn viên mỗi ngày và sò tép đông lạnh một lần mỗi tuần), một cục sủi và một bộ lọc ngoài. Một lần thay nước (50%) mỗi tuần với nhiệt độ sau cùng luôn thấp hơn 2 độ C so với lúc ban đầu. Nhiệt độ nước luôn vào khoảng 26-27 độ C.

    Cặp cá đơn độc (cá đực khoảng 14 cm, cá cái 8 cm) sinh sản ba lần (vào tháng hai và ba năm 2003) nhưng trứng bị ăn sau 24 giờ. Tôi vẫn rất lạc quan khi các hoạt động sinh sản bất ngờ dừng lại và cá cái lánh mặt ở hầu hết thời gian trong ngày. Hai tháng trôi qua và chẳng có gì thay đổi. Tôi có lý thuyết riêng của mình về việc này vốn cho rằng Paratilapia polleni sẽ sinh sản trong hồ kích thước 20-30 gallon (có lẽ được bố trí như đã nói và không nên nuôi chung cá khác) nhưng chúng đã thất bại nhiều lần. Có một cửa sổ cực hẹp và sau khi cơ hội này trôi qua, thì cá sẽ không sinh sản nữa cho đến khi chúng lớn lên, trong trường hợp như vậy chúng cần ao hay hồ thật lớn. Chưa từng có bất kỳ hoạt động sinh sản nào của P. polleni trưởng thành (gần 2 năm tuổi) trong hồ 1300 lít để hỗ trợ cho lý thuyết này. Do đó, một khi cặp đôi này ngừng mọi hoạt động sinh sản, tôi quyết định dùng cặp khác trong nỗ lực kế tiếp. Nói ngắn gọn, tôi tin rằng bạn phải cố gắng khi chúng hãy còn non. Để quá lâu (too long) có lẽ thành “quá dài” (“too long”) mất. Theo kinh nghiệm của tôi, kích thước đúng của hai loại Paratilapia polleni mà ở đó chúng bắt đầu sinh sản, rất khác nhau và “tỷ lệ” với kích thước trưởng thành sau cùng của chúng. Do đó, trong khi biến thể đốm nhỏ thể hiện những dấu hiệu đầu tiên khi cá đực khoảng 10-12 cm và cá cái 6-7 cm (tính cả đuôi), thì biến thể đốm lớn thể hiện dấu hiệu tương tự khi cá đực khoảng 14-15 cm và cá cái 7-8 cm. Tôi nghĩ cần phải lưu ý rằng một khi chúng bắt đầu sinh sản và thành công thì chúng sẽ duy trì mãi như bất kỳ loài cichlid châu Mỹ nào khác, tức là một lần sau mỗi 40 ngày hay tương tự (ghi chú này được bổ sung vào tháng mười 2004 sau năm đợt sinh sản thành công của cặp cá này).

    Cặp cá mới đã hình thành ở một góc khác của hồ nhưng cá đực lớn quá dữ đã ngăn cản cá đực [nhỏ] với cá cái của nó nên không có đợt sinh sản nào thực sự xảy ra. Tất cả những gì mà bạn có thể thấy là hai con quấn quít cả ngày bên dưới khúc hỗ hóa thạch. Bạn có thể xem một số hình ảnh của cặp cá trong hồ đầu tiên. Rõ ràng chúng cần chỗ riêng. Cặp cá được đưa từ hồ 110 lít sang hồ 140 lít với thật nhiều gỗ hóa thạch vốn giúp chúng cách ly hoàn toàn với môi trường xung quanh. Hai ngày sau chúng đã sinh sản và – với sự ngạc nhiên của tôi – trứng được đẻ ở chỗ lộ thiên. Việc này cho phép tôi quan sát toàn bộ quá trình và ghi chú (và nhiều hình ảnh như bạn có thể thấy – bạn có thể bấm vào hình nhỏ để coi hình có độ phân giải cao hơn).

    [​IMG] [​IMG]

    Tôi vớt một số trứng ra và đặt chúng vào lưới ấp [để ngăn cá ăn trứng] nhưng tôi do dự không cho methylene blue vào bởi nó sẽ ảnh hưởng đến bộ lọc sinh học của hồ và cá cái dường như tận tình quạt chúng. Tôi biết mình sẽ có thêm nhiều hình chụp nếu lần sinh sản này thất bại (cặp cá dường như sinh sản 2-3 lần ở kích thước này) vì vậy tôi quyết định để cá cái tự nhiên. Trứng trong lưới ấp mọc đầy nấm sau hai ngày và bị bỏ, bởi vậy đó là bằng chứng cho thấy cô nàng bé nhỏ biết mình đang làm gì và nó làm rất hoàn hảo. Lưu ý điểm này: luôn bổ sung methylene blue nếu muốn ấp nở nhân tạo. Hiển nhiên việc sục khí mạnh tự thân là không đủ. Tôi không biết cá cái làm gì bên cạnh việc quạt nước, nhưng nó dường như dọn rác ra khỏi ổ trứng (điều mà nó luôn làm) cũng là yếu tố then chốt để phòng ngừa nấm. Bởi vì tất cả trứng trong lưới bị nấm và không có trái nào mà nó chăm sóc có dấu hiệu này, “trứng không thụ tinh” chẳng phải là một giả thuyết vững chắc.

    Vào 24 giờ đầu, nó rất bận rộn quạt trứng và cố gom tất cả trứng lại với nhau. Những trái bị dòng nước cuốn ra xa địa điểm sinh sản đều được “nhai” lại nhằm “dán” chúng về ổ chính. Sau 3-4 lần không thành công, cá cái sẽ ăn luôn trứng, điều đã được Uwe Werner thông báo trong bài viết của mình. Chừng nào mà số trứng bị ăn theo cách này chỉ là một phần nhỏ trong số trứng đẻ ra, thì tôi không lo lắng. Trứng có màu trắng/be và dường như có trên 200 trái. Thêm nữa, chúng dường như có màu đồng nhất và không trong suốt do đó không thể nhìn cấu tạo bên trong (xem hai hình trên và hình dưới để biết chi tiết). Có một phần “đậm đặc” hơn ở một đầu trứng như thể nấm đang bắt đầu phát triển nhưng may quá không phải. Trứng được đẻ trên đá bao phủ bởi tảo nâu dày đặc. Tôi thực sự không biết điều gì khiến cho cặp cá chọn địa điểm đặc biệt này nhưng đây là một trường hợp khác hỗ trợ cho quan điểm của tôi về hồ không “vô trùng” (sterile). Có lẽ phông nền sậm màu khiến cá cái dễ loại bỏ rác khỏi trứng của nó.

    [​IMG]

    Cá cái không cho phép cá đực lại gần trứng trong suốt quá trình quạt nước. Dẫu kích thước rất khác biệt (cá đực khoảng 12 cm trong khi cá cái chỉ 9 cm) nó vẫn quyết định giữ cá đực luôn cách xa tổ trứng. Điều này được thực hiện bằng cách tấn công cá đực hay nhẹ nhàng cắn vào vây hậu môn của nó. Trong mọi trường hợp (xem hình dưới) nó luôn dùng thân mình chặn giữa cá đực và trứng, đôi khi trông có vẻ rất “nữ tính” đối với tôi. Cá đực có màu nâu trong khi cá cái có màu tương tự khi cách xa tổ trứng mà nó chuyển thành màu đen kịt khi quạt chúng. Thật khó mà bỏ đi và chợp mắt một chút bởi vì tôi luôn lo sợ vào sáng hôm sau trứng sẽ biến mất – như thường lệ. Tuy nhiên, lần này cô nàng bé nhỏ đã quyết tâm làm tới cùng. Vào cuối ngày thứ nhất, trứng đã trở nên trong suốt điều khiến tôi thêm lạc quan (bất cứ thứ gì không giống như nấm đều là dấu hiệu tốt) – xem hình dưới. Xin lưu ý rằng đây là lần đầu tiên tôi thấy Paratilapia polleni đào bới và làm một cái hố hay lỗ trống. Bởi vì việc này được thực hiện sau khi đẻ trứng, tôi cho rằng đó là sự sửa soạn vị trí để di dời trứng sau đó. Việc này được hỗ trợ thêm bởi sự kiện rằng sau một hồi cá cái lại thử các vị trí nữa. Tuy nhiên, những ai có hồ thủy sinh nên tính tới điều này. Với tôi, việc lai tạo chúng quan trọng hơn hồ thủy sinh, nhưng tôi chắc là có người sẽ nghĩ khác.

    [​IMG] [​IMG]
    [​IMG] [​IMG]
    [​IMG] [​IMG]
    [​IMG]

    Ở cuối giai đoạn 48 giờ tôi thấy cá cái “nhai” trứng (mà giờ đã trở nên trong suốt và hình cá hiện rõ bên trong) và rồi vận chuyển chúng vào một hộp đựng cheese bằng nhựa vốn được đặt trong hồ để giữ cho cây phát tài đứng yên (bamboo plant). Bạn có thể thấy một phần đuôi bởi nó vào hộp nhựa hết lần này đến lần khác. Trứng bắt đầu nở ở khoảng 48 giờ (lần đầu vào hộp cheese) và trái cuối cùng nở vào khoảng 60 giờ sau khi đẻ. Nhiệt độ nước là 27.1 độ C, pH: 7.8, GH:8, KH:8, NH3, NO2- và NO3- không biết. Tôi đã thay 50% nước khi chuyển cặp cá sang hồ này (10 con Paretroplus maculatus vốn sống trong hồ này được chuyển sang hồ mới 700 lít trước đó một ngày để đảm bảo điều kiện nước là tối ưu. Tôi chỉ cho ăn cầm chừng bởi điều này khiến cá cái căng thẳng. Mỗi lần cá đực cố ăn viên gần tổ trứng của nó, nó bèn dừng mọi việc và lấy thân chắn giữa miệng cá đực và tổ trứng (xem hình trên). Patrick lại đúng: việc cá đực lại gần hầu như luôn khiến cá mẹ căng thẳng. Mặt khác, nó thích thú với việc cá đực đi tuần trong hồ đo đó tôi đoán rằng việc di dời cá đực là một vấn đề gây tranh cãi. Có lẽ, việc còn lại một mình trong hồ, còn khiến cá cái căng thẳng hơn.

    [​IMG] [​IMG]

    Tiếp theo, cá cái trải qua những ngày kế tiếp canh tuần bên trên hộp cheese thỉnh thoảng bơi vào bên trong để xem mọi thứ có ỔN không. Tất cả những gì mà bạn có thể thấy là đuôi của nó dẫu đôi khi nó biến vào bên trong hộp và ở đó trong vài giây. Lượn lờ bên trên hộp này là hoạt động chính của nó trong thời gian này. Chẳng may, cái hộp khá sâu và đặt gần mặt kiếng trước vì vậy hầu như không thể chụp hình được. Bởi Paratilapia polleni nổi tiếng là loài ăn trứng nên tôi không muốn đánh mất vận may của mình. Con cá cái nhỏ đã thực hiện một công việc đáng kể tính tới thời điểm này vì vậy tôi quyết định mình phải tôn trọng điều đó. Hậu quả là, tôi không chắc có con cá bột nào trong hộp đó hay không. Điều duy nhất khiến tôi lạc quan đó là nó vẫn ngăn cá đực ở một khoảng cách và tôi đoán là con cá đực (lớn hơn nhiều) sẽ không chấp nhận hành vi đó nếu không có cá bột trong hộp. Thời gian trôi qua rất chậm chạp khi bạn phải chờ đợi. Bốn ngày đó có lẽ là những ngày dài nhất trong cuộc đời nuôi cá của tôi. Bạn không thể làm gì được, thực ra bạn không thể biết mọi thứ có ỔN không – tất cả những gì bạn có thể làm là hy vọng. Xét về khía cạnh cá Paratilapia polleni cái thì dường như con này là ngoại lệ so với số chung, thậm chí còn hơn nữa nếu bạn tính đến việc rằng đây là lần sinh sản đầu tiên của nó.

    [​IMG] [​IMG]

    Dẫu mọi thứ đều có vẻ ỔN, tôi bắt đầu lại lo lắng vào ngày thứ sáu sau khi cá đẻ. Cá mẹ bé nhỏ vẫn vào ra cái hộp cheese của nó, nhưng chúng tôi chẳng nhìn thấy gì. Thông thường, bạn mong được thấy một đám mây cá bột theo sau cá mẹ nhưng ở đây rõ ràng là không như vậy. Bởi vì chúng tôi không muốn nó căng thẳng thêm nữa, chúng tôi không muốn nhìn gần hơn vào cái hộp cheese. Sau cùng, vào ngày thứ bảy, sau khi thảo luận về nó với FrancescoJohnny (không được làm gì mà không có sự chấp thuận của anh!) chúng tôi quyết định quan sát cận cảnh và, nếu cá bột vẫn còn ở đó, thì sẽ bắt một phần ba để nuôi riêng. Số còn lại sẽ ở lại với cha mẹ như là phần thưởng cho cặp cá hoàn hảo. Francesco nhấn mạnh một điều rằng anh thường bắt cá bột ra vào khoảng 24-48 giờ sau khi nở để tránh hao hụt nhiều điều vốn thường xảy ra ở giai đoạn này. Dẫu chúng tôi thường bắt cá bột P. managuensis vào ngày thứ 10, chúng tôi quyết định theo lối của anh “an toàn là trên hết”. Toàn bộ chiến dịch kéo dài không quá 5 phút. Trước tiên, tôi vớt hết bèo tấm Lemna minor ở mặt nước và – vui quá! – chúng ở đó, khoảng 100 con, túm tụm trong hộp cheese. Trong khi đang tự hỏi đâu là cách bắt chúng ít căng thẳng nhất, chúng tôi để ý thấy một số cá bột kha khá cũng bơi ra khỏi hộp! Chúng tôi lựa ống có đường kính trung bình (để tránh dòng nước quá mạnh nhưng đủ lớn để cá bột trôi qua mà không bị vướng vào thành). Cá bột được chuyển sang một thùng nhựa sạch rồi sang hồ mới vốn được bố trí và vận hành cho mục đích này. Chúng được thả vào lưới ấp (net breeding nest) và để yên trong ngày đầu (xem hình dưới). Sau cùng chúng tôi di dời khoảng 1/3 cá bột (khoảng 30 con, đủ để chia cho bạn bè). Chúng tôi biết rằng nguy cơ mất số còn lại là cao nhưng cũng thích thấy cặp cá chăm sóc chúng. Đến nay chúng đã thực hiện công việc rất tuyệt vời do đó hy vọng chúng tiếp tục làm vậy. Bên cạnh đó, việc di dời một phần cá bột có một số lợi điểm. Cặp đôi (nhất là cá cái) dường như không để ý đến việc mất con, bằng chứng là cá cái lại hoạt động bình thường ngay sau khi chúng tôi rời hồ. Cá đực giờ đây được phép đến gần hơn cái hộp nổi tiếng, trong khi cá cái liên tục kiểm tra hồ xem có con cá bột nào thoát ra và bắt chúng về hộp. Lưu ý rằng việc bắt hết toàn bộ cá bột chắc chắn sẽ giúp nhiều cá bột sống sót hơn nhưng mặt khác điều này sẽ dẫn đến một tình huống rắc rối cho cá mẹ. Người ta thường tin rằng khi có dưới 20% cá bột sống sót, thì toàn bộ đợt sinh sản bị coi là “thất bại” và cá cha mẹ sẽ không quan tâm đến chúng nữa. Trong một số trường hợp cá đực quay ra tấn công cá cái. Sự khác biệt lớn về kích thước khiến đây là một tình huống rất khó khăn (nếu không muốn nói là khốc liệt) với cá cái. Do đó, bởi vì chẳng ai thực sự cần đến 100 con cá bột P. polleni, nên sẽ tốt khi chừa lại một phần cho cặp cá. Điều này chỉ đúng cho cặp cá biết làm việc. Nếu bạn có một cặp cá từng điểm tâm bằng trứng của chính mình, thì tốt hơn nên lấy trứng ra khi chúng vừa đẻ xong và ấp nở nhân tạo. Dường như việc lấy trứng ra từ rất sớm sẽ không gây ra vấn đề gì với cá cái. Tôi thảo luận điều này với Patrick de RhamSonia Guinane những người có cùng quan điểm vì vậy chúng được để lại! Sau cùng, bạn phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia…

    [​IMG]

    Những con cá bột mà chúng tôi có thể thấy được bắt vào lưới ấp. Có lần chúng tôi có thể thấy vài con cá bột trong hồ với cá cha mẹ. Cá cái giữ chúng ngoài tầm quan sát trong phần lớn thời gian. Tấm hình ở trên chụp cá bột sau khi được vớt ra khỏi hồ. Chúng được cho ăn năm lần mỗi ngày bằng bột mịn và dung dịch (liquidfry). Hình ở dưới được chụp một tuần sau khi bắt ra. Bạn có thể xem hình với độ phân giải cao bằng cách bấm vào nó.

    [​IMG] [​IMG]

    Tôi sẽ bổ sung một tấm hình cuối vào báo cáo này. Tấm hình khiến tôi cảm phục và yêu thương cá mẹ bé nhỏ này. Như bạn có thể thấy trong tấm hình ở dưới (bấm vào nó để xem hình với độ phân giải cao), nó vẫn cố giữ tất cả cá bột trong hộp cheese của mình, dẫu thích bơi tung tăng trong hồ. Mỗi lần có một con bơi ra khỏi cái hộp, nó bèn ngậm vào miệng và thả về hộp. Đôi khi cá bột được phép đi dạo một ít xung quanh hộp cheese trong khi nó lượn lờ bên trên. Cá cichlid không ngừng khiến tôi ngạc nhiên. Về phương diện này, P. polleni dường như khác với cichlid Trung Mỹ vốn không gom cá bột trong thời gian dài đến như vậy (6 ngày sau khi chúng bơi tự do). Trong tấm hình ở dưới, bạn có thể thấy một trong số cá bột ở phía trước miệng nó. Chú cá non nổi loạn bị trả về đáy hộp trong không đầy một giây. Chúng tôi cũng có cơ hội thấy cá cha chăm sóc con trong vài giây. Tôi có thể nói với bạn một điều. Nó làm nhiệm vụ nhưng không bằng một phần của cá cái. Thật vụng về - nó làm như thể chẳng biết làm gì với bầy con của mình.

    [​IMG]

    Một danh sách những điểm cần lưu ý trong bản báo cáo này bao gồm:

    1) P. polleni có thể sinh sản khi chúng lớn bằng một nửa kích thước trưởng thành. 2) Việc này được thực hiện vài lần và rồi chúng dừng và bắt đầu trở lại khi chúng vào độ tuổi trưởng thành – hay ít ra ở kích thước lớn hơn rất nhiều (Uwe Werner báo cáo cá đực 18 cm). Thậm chí còn lớn hơn nếu những lần sinh sản đầu tiên của chúng không thành công. 3) Chúng cần cảm giác an toàn chẳng hạn như hồ thủy sinh hay địa hình gỗ hóa thạch hay những thứ tạo ra không gian khuất tầm nhìn của bạn (tốt hơn là: chúng muốn bạn biến khỏi thế giới của mình). 4) Chúng cần hồ riêng mà không có cá nuôi chung khác ở giai đoạn này. 5) Hồ có thể nhỏ cỡ 20 gallon (70 lít) hay lớn hơn, cỡ 40 gallon (140 lít) cho một con cá đực cỡ 16 cm (chiều dài tổng) và một cá cái 8 cm (chiều dài tổng). Hồ lớn hơn sẽ có nhiều không gian cho cá cái vốn bị căng thẳng khi cá đực ở gần với tổ trứng. 6) Dù cá mẹ có giỏi đến đâu (hay có vẻ giỏi), bạn tốt hơn nên bắt ra một số cá bột cho chắc ăn.

    Bây giờ khi mọi thứ đã qua, có một điều tôi muốn thú nhận. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc và buồn bã. Tôi từng nuôi và sinh sản nhiều loài cho đến giờ nhưng loài này luôn có gì đó “khác biệt”. Nó được trao cho tôi bởi chính tay Jean-Claude Nourissat, trong không đầy một tháng trước khi nghe tin về sự ra đi của ông. Trong thâm tâm mình, việc cho chúng sinh sản là điều bắt buộc. Thời gian càng kéo dài thì ám ảnh càng gia tăng. Nhưng giờ đây khi “nhiệm vụ” đã được hoàn thành, tôi cảm thấy đôi chút “buồn bã” và “trống trải”. Bạn biết đấy, tôi chẳng thể làm điều mà mình luôn muốn. Gửi e-mail cho ông, kể cho ông bằng thứ tiếng Pháp kém cỏi của mình mà ông dường như luôn hiểu được, về cái tin tuyệt vời…
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/4/17
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Lai tạo Paratilapia sp. “Andapa” – Tiếp theo
    George J. Reclos - http://www.malawicichlidhomepage.com/aquainfo/spawning_paratilapia_polleni2.html

    Thân tặng Jean-Claude NourissatPatrick de Rham

    Trong khi lứa đầu tiên được nuôi trong hai hồ (không còn phụ thuộc vào may rủi) thì cặp cá lại đẻ tiếp, 47 ngày sau lần đẻ đầu. Vào thời điểm này, thêm nhiều điều nữa được quan sát (lần này tôi không căng thẳng!) vì vậy chúng ta có thể bổ sung vào báo cáo đầu tiên.

    Trước hết, việc tách cá bột ra khỏi cá cha mẹ là một quyết định khôn ngoan. Sonia GuinanePatrick de Rham luôn dự đoán như vậy nhưng việc di dời chúng thực sự khó khăn trong cái hồ đặc biệt này. Với tôi, việc làm cá cha mẹ căng thẳng hơn dường như thiếu khôn ngoan, vì vậy tôi quyết định thà mất một số cá bột nhưng vẫn giữ cho cặp đôi “khăng khít”. Bốn mươi ngày sau lần đẻ đầu, cá cha mẹ ăn sạch số cá bột còn sót lại (dẫu chẳng còn mấy con) và khởi động lại quá trình. Lần này cá đực bỏ nhiều thời gian ở không gian mở mặc dù (trước ngạc nhiên của tôi) cá cái vẫn là đối tác “quyết tâm” hơn – dẫu khác biệt to lớn về kích thước. Cá cái bỏ vài ngày kiểm tra hàng loạt địa điểm trong hồ để quyết định địa điểm đẻ trứng tốt nhất có thể. Rồi cặp đôi bắt đầu quấn quít lấy nhau trong hai ngày, rồi đẻ và thụ tinh cho trứng ở vị trí gần như tương tự mà chúng sử dụng trong lần đầu tiên (tôi muốn nói cách khoảng 2 cm). Trong bốn ngày đó, cá cái thể hiện màu đen kịt vốn là dấu hiệu cho thấy nó sắp sửa đẻ trứng nếu các điều kiện đều thuận lợi. Cũng cần lưu ý rằng tôi nhiều lần từng thấy dấu hiệu tương tự ở hồ 1300 lít dẫu chẳng có hành vi sinh sản nào xảy ra ở đó. Dường như sự cách biệt của cặp cá giống trong hồ tương đối lớn là cần thiết đối với loài này. Vòi đẻ của cá cái như thể hiện trong tấm hình ở dưới chỉ vài phút sau khi đẻ trái trứng cuối cùng. Vòi này rút hẳn vào 12 giờ sau. Chẳng may, tôi đã không có mặt ở đó để quan sát quá trình đẻ trứng – thêm lần nữa.

    [​IMG]

    Khác biệt chính lần này là hành vi của cá đực. Thay vì giữ khoảng cách (trốn đằng sau một miếng gỗ hóa thạch trong hầu hết thời gian) nó trải qua hầu hết thời gian trong ngày ở gần cá cái và tổ trứng. Lần này cá cái bớt hung dữ hơn nhiều và chỉ đuổi cá đực đi khi nó lại thật gần tổ trứng (dưới 5 cm) vào ngày đầu tiên trong khi nó để cá đực canh trứng từ ngày thứ hai trở đi. Trong lần sinh sản đầu, cá cái không để cá đực đến gần hơn 25 cm cách tổ trứng trong toàn bộ quá trình. Nhìn chung, ấn tượng lần này đó là chúng làm mọi việc theo cách thức “thoải mái” hơn như thể trải nghiệm của chúng qua lần sinh sản đầu tiên thành công đã giúp chúng tự tin. Trứng dường như nhiều hơn đợt này dẫu số lượng sẽ giảm dần bởi cá cái sẽ loại bỏ những trái không thụ tinh. Bạn có thể nhìn thấy cá cái bé nhỏ (nhưng rất hiệu quả) ở hình dưới.

    [​IMG]

    Khác biệt thứ hai đó là – khác với lần đầu – cá cái quyết định không di dời cá bột sau khi nở, điều cho phép tôi chụp hình về sự phát triển của bào thai. Cá bột “ngọ ngoạy” vẫn nằm trên hòn đá nơi trứng được đẻ lên và cặp đôi trải qua cả ngày lượn lờ bên trên chúng. Mặc dù cá cái chỉ ở ngay trên trứng và cá đực ở cao hơn một chút, chúng vẫn luôn bên nhau. Rõ ràng, dường như lần này cặp đôi tự tin hơn nhiều so với lần đầu tiên. Trông như thể, cá đực đã “vượt qua” bài kiểm tra trong lần sinh sản đầu và hiện giờ được phép cảm nhận và cư xử như một người cha.

    Theo kinh nghiệm của tôi từ lần đẻ đầu tiên, tôi sẽ bắt cá bột càng nhiều càng tốt vào 2 ngày sau khi chúng bắt đầu bơi tự do. Công việc sẽ dễ hơn ở giai đoạn này bởi vì cá bột còn yếu không chống chọi nổi dòng nước và sẽ bị hút vào ống. Khi tôi cố bắt cá bột ở ba tuần tuổi tôi đã chẳng mấy thành công bởi vì cá bột có sức chống lại lực hút và tìm cách bỏ trốn.

    Một số thông tin có thể hữu ích với những ai mong muốn tái lập quá trình này được liệt kê ở dưới. Lưu ý rằng những gợi ý về bố cục được thảo luận ở phần đầu của bài báo cáo này.

    Thông sốGiá trị (hồ sinh sản)Tầm (các hồ khác)
    pH7.6 - 7.87.4 - 8.0
    GH98-15
    KH88-14
    NH3, NO2-, NO3-KhôngKhông
    Nhiệt độ25 (mùa đông), 28-30 (mùa hè)24 (mùa đông), 29 (mùa hè); các hồ 700 và 1300 lít được giữ mát ở 28 độ C bằng chiller
    Thay nước (hằng tuần)100-125%50-100% (1-2 lần mỗi tuần)
    Thể tích hồ (lít)140100-1300
    Chế độ ănViên Tetra ba lần mỗi ngày, sò tép đông lạnh một lần mỗi tuầnViên Tetra ba lần mỗi ngày, sò tép đông lạnh một lần mỗi tuần
    Chế độ ăn của cá bộtTetraMin Baby, bột tự chế, Liquidfry No. 1. Cho ăn năm lần mỗi ngày vào tháng đầu, giảm còn bốn lần vào tháng thứ hai.-
    *Nghe nói rằng Madagascan cichlid không thích thay nước nhiều. Kinh nghiệm của tôi ngược lại điều này bởi tất cả Madagascan cichlid đều hạnh phúc với việc thay 50-125% nước mỗi tuần. Vào những tháng mùa hè, tôi thậm chí có thể thay nước hai lần mỗi tuần (tưới vườn luôn!). Điều duy nhất mà tôi lưu ý là giữ cho nhiệt độ thật ổn định trong khi thay nước. Thông thường, nhiệt độ sụt giảm 1-2 độ khi thay nước (phải mất gần nửa giờ với hồ lớn) nhưng tôi từng thấy chúng chịu đựng mức sụt giảm lớn hơn nhiều mà không có vấn đề gì. Điều này – một cách tự nhiên – liên quan đến những loài mà tôi nuôi (P. polleni đốm lớn, P. polleni đốm nhỏ, P. menarambo, P. maculatus, P. damii, P. nourissati và P. dambabe). Tôi không thể nói về những loài mà mình không nuôi, tuy nhiên theo dự đoán của tôi thì chúng có thể chịu đựng việc thay nước nhiều mà không hề có dấu hiệu căng thẳng hay khó chịu. Điều này đặc biệt đúng với Paratilapia polleni vốn dường như thích thú với nó. Chúng thậm chí không quan tâm đến việc ngừng hoạt động trong quá trình thay nước.

    Bởi vì lần này cá cha mẹ không di dời trứng, nên chúng tôi có cơ hội chụp hình chúng mỗi ngày cho đến khi cá bột bơi tự do. Một số tấm không thực sự rõ nét nhưng bạn vẫn có thể thấy sự phát triển của bào thai bên trong và các bước để trở thành cá bột bơi tự do. Cũng cần lưu ý rằng số lượng trứng bị nấm tuy nhỏ nhưng không thể bỏ qua.

    Trứng mới đẻ. Trứng thực sự được đẻ vài giờ trước và cá cái đã bắt đầu quạt chúng. Như bạn có thể thấy, trứng có màu cam bán-trong suốt với “sọc” trắng ở một đầu.

    [​IMG]

    Đúng 24 giờ sau khi trứng được đẻ. Cấu tạo bên trong hiện rõ khi trứng trở nên hầu như trong suốt. Điều này tạo ra ấn tượng “ít” trứng hơn dẫu số lượng vẫn vậy. Cái “sọc” trắng ở mỗi trứng là đuôi của bào thai.

    [​IMG] [​IMG]
    [​IMG]

    Trứng ở 48 giờ sau khi đẻ. Bào thai giờ đã hiện rõ bên trong trứng. Một số cá bột đã nở và cá mẹ để chúng cùng chỗ với trứng. Bởi vì trứng vẫn còn nhiều, nên cá bột “ngọ ngoạy” khó thấy.

    [​IMG]

    Ba ngày (72 giờ) sau khi trứng được đẻ, tất cả cá bột đã nở và cố bơi lội. Túi noãn hoàng vẫn còn và hiển nhiên là quá nặng đối với chúng.

    [​IMG] [​IMG]
    [​IMG]

    Bốn ngày (96 giờ) sau khi đẻ trứng, cá bột tiêu bớt túi noãn hoàng. Một số con trong chúng có thể treo lơ lửng khoảng một giây.

    [​IMG] [​IMG]

    Năm ngày sau khi đẻ và 3 ngày sau khi nở, kích thước của túi noãn hoàng đã giảm rất nhiều và cá bột có thể treo lơ lửng trong 2-3 giây.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Và sau cùng! Cá bột hiện đã bơi tự do. Sáu ngày sau khi trứng được đẻ, cá bột bơi bên dưới cá mẹ trong khi người cha hạnh phúc xuất hiện trước mặt mỗi khi tôi lại gần hồ của chúng. Tôi đã nói mình yêu cặp cá này chưa?

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Mọi thứ đều có lúc phải kết thúc. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đoạn kết cũng là điểm khởi đầu. Trong khi tôi đang viết những dòng này (25 tháng 7) cặp đôi quyết định đẻ nữa. Đây là lần thứ ba mà chúng đẻ trong chưa đầy ba tháng. Tuy nhiên, lần này tôi ở nhà nên tôi có thể chụp hình quá trình sinh sản trước khi chúng đẻ trứng. Dấu hiệu đầu tiên là màu đen kịt ở cá cái. Điều này có thể có hoặc không dẫn tới việc đẻ trứng. Dấu hiệu thứ hai là cặp cá ở cùng nhau và cá cái dọn dẹp một vị trí đặc biệt. Ở điểm này bạn có thể chắc chắn một điều. Cặp cá chắc chắn sẽ đẻ trứng. Công đoạn này kéo dài từ một giờ đến 1 ngày. Trong trường hợp này, cặp cá kinh nghiệm sẽ làm thực sự nhanh. Chúng chỉ mất khoảng 3 giờ từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc. Trong hình bên trái ở dưới, cá cái dọn dẹp, kiểm tra và lại dọn dẹp địa điểm yêu thích. Bạn có thể thấy phần thân cá đực ngay bên trên và dự đoán sự khác biệt lớn về kích thước giữa chúng. Trong hình bên phải, trứng đã được đẻ và thụ tinh. Bạn có thể thấy vòi đẻ của cá cái vẫn chưa thụt vào. Bạn nghĩ xem, tôi chụp hình trong khi chúng vẫn đang đẻ và chúng chẳng màng quan tâm. Dường như chúng đã cảm thấy tự tin ở nhà mình. Tuy nhiên, khi tôi cố vệ sinh mặt kiếng để tầm quan sát tốt hơn thì cá đực lao như tên bắn. Nó gần như nhảy khỏi hồ để cắn tôi và ở đó đến gần 5 phút để đảm bảo tôi hiểu ra vấn đề. Vâng, tôi đã! Không hình ảnh gì nữa – xin hứa!

    [​IMG] [​IMG]

    Trong khi cặp cá này chứng tỏ mình thực sự mắn đẻ, một ngạc nhiên lớn đến từ cặp cá khác vốn sống trong hồ 100 lít. Trong khi cho cá ăn, John để ý thấy một đám mây cá bột bơi trong hồ. Vâng, khoảng 300 cá P. polleni non đang hạnh phúc bên cha mẹ chúng. Đây là một hồ bố cục dễ thương với rong mái chèo cực dài mà nó thực sự cách ly cặp cá sống bên trong. Không ai để ý thấy hành vi sinh sản hay cá cái đang canh trứng vì nguyên nhân đơn giản rằng chúng tôi không thể nhìn thấy cá. Chúng chỉ xuất hiện khi tiến ra mặt trước hồ để ăn. Sau khi ăn, chúng quay về sau hồ và nằm ngoài tầm nhìn. Chúng có lẽ có lý do chính đáng cho việc đó (như chúng ta đã phát hiện ra). Chúng ta cũng ngạc nhiên với số lượng bầy nhưng con cá cái đặc biệt này lớn nhất trong các hồ của chúng tôi (khoảng 11 cm). Chúng tôi bắt ra khoảng 200 con và hy vọng có thể nuôi sống toàn bộ. Trong tấm hình ở dưới, bạn có thể thấy hồ ươm trông như thế nào khi cá bột được bắt sang. Bạn thử nghĩ xem, vẫn còn đến cả trăm con ở hồ cá cha mẹ. Tôi biết điều này có vẻ quá khó tin, nhưng cặp đầu (nuôi trong hồ 140 lít ở phòng làm việc của tôi) lại quyết định đẻ nữa (đấy là lần thứ 4 của chúng mùa hè này; ngày 14 tháng tám). Tôi hy vọng tất cả chúng cứ đẻ đều đều. Tôi chắc điều này sẽ khiến Patrick hạnh phúc… (và anh không phải là người duy nhất!).

    [​IMG]

    Thứ mà bạn thấy ở tấm hình bên dưới là điều mà tôi coi là “quá tốt để là sự thật”. Cặp cá nổi tiếng (và rất mắn đẻ) ở hồ 140 lít coi việc sinh sản là thực sự nghiêm túc. Chúng đẻ trứng lần nữa (hai ngày trước khi tôi đi dự AFC 2004 ở Vichy) và chúng tự mình lo liệu mọi thứ. Khi tôi trở về, cặp cá kiêu hãnh đang đợi với một bầy cá bột bơi tự do nữa. May thay, tôi vừa dọn một hồ và chuyển lứa đầu cho một số chiến hữu thân thiết ở Vichy vậy nên có chỗ cho chúng. John và tôi quyết định giảm nhiệt độ xuống còn 25 độ C (từ 27.5 độ C) với nỗ lực giảm tần suất sinh sản của chúng. Bên cạnh việc may mắn có thêm hồ, chúng tôi cũng lo ngại rằng kích thước của cá cái bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mức độ sinh sản này. Năm đợt sinh sản thành công trong không đầy 5 tháng có lẽ là hơi nhiều.

    Một số cá bột sau cùng được bắt ra vào 15 tháng mười. Cá bột hai tuần tuổi bơi rất mạnh nên bạn phải sử dụng ống đường kính lớn và chậu thật to bởi dòng hút rất mạnh. Bước đầu tiên là đưa một đầu ống vào hồ và để cá đực tấn công dữ dội trong khi đầu kia bỏ vào chậu (cả hai nằm ở bên trái hồ vì vậy cá không thể nhìn thấy). Rồi chúng tôi để hồ tối om trong khoảng một giờ. Bước kế tiếp là lấy một đèn pin to và chiếu vào hồ. Thật dễ để xác định vị trí cá bột bởi vì – khác với cha mẹ - chúng có màu be nhạt. Cá bột vẫn hơi mơ ngủ vì vậy chúng sẽ không di chuyển nhanh và bạn có khoảng 10-15 giây trước khi chúng bắt đầu tìm kiếm chỗ trốn khác. Trong 15 giây đó, chúng tôi dự định hút ra khoảng 30 con cùng với 20 lít nước. Chúng tôi hạnh phúc thông báo rằng chúng đang rất ổn và lớn lên!

    Tuy nhiên, đây không phải là phần kết của câu chuyện. Cá cái đang bảo vệ số cá bột còn lại vốn nhận ra sự bao bọc của nó trước sự hung dữ của cá đực. Dường như hoạt động “bảo vệ” này không thể kéo dài quá lâu. Sau 20 ngày cá đực bắt đầu thiếu kiên nhẫn hơn và đe dọa cá cái thường xuyên. Cá cái cố gắng làm điều bất khả thi: bảo vệ cá bột trước cá đực lớn hơn nhiều. Việc này diễn ra trong vài ngày và cá đực dường như chấp nhận tình thế. Khi bạn nuôi cichlid dữ thì bạn phải luôn nhớ rằng tâm trạng của chúng có thể thay đổi trong chốc lát. Rõ ràng, 23 ngày sau khi đẻ, cá đực quyết định không chấp nhận câu trả lời “Không” nữa. Nó bắt đầu đuổi và cắn cá cái và hồ nuôi trở thành đấu trường trong vòng 2 phút. Tôi bắt ngay cá đực sang hồ khác và một ngày sau, bắt luôn cá cái sang hồ riêng. Bước kế tiếp là dưỡng nó (nó thực sự bị sốc) và ghép chúng lại với nhau, dĩ nhiên dưới sự canh chừng cẩn trọng. Theo tôi (và bạn thử nghĩ tôi từng chứng kiến hàng ngàn cuộc chiến ở cichlid) cá cái không thể chịu đựng quá 10 phút nếu không bắt ngay cá đực ra. Ghi chú này có hai mục đích: Trước hết, luôn để mắt đến cichlid của bạn, nhất là những con lớn, hung dữ - bất kể chúng đã ghép cặp hay chưa. Thứ nhì, mánh hạ nhiệt độ dường như không có tác dụng. Một khi chúng đã vào chế độ sinh sản, việc hạ nhiệt độ (ít nhất là một chút) sẽ không ngăn chúng được. Tôi hy vọng là khi gặp lại thì chúng vẫn thích nhau! “Hậu quả” tích cực duy nhất là giờ đây, chúng tôi nuôi được cả bầy (khoảng 60 con tất cả).

    [​IMG]
    [​IMG]

    Một con cá đực hạnh phúc canh chừng cá bột. Dường như nếu điều kiện môi trường ổn thỏa, thì chúng sẽ sinh sản thường xuyên. Tôi hy vọng rằng việc giữ nhiệt độ dưới 26 sẽ làm giảm tần suất sinh sản – dẫu đã thông báo qua quan sát trước đây. Giờ đây, một số tay chơi giỏi giang đã có cá bột của loài này nên không cần phải cản nhiều nữa. Tôi chắc rằng trong vòng không đầy một năm kẻ từ giờ, sẽ có nhiều cá bột từ họ đi vào thú chơi. Chúc tất cả các bạn may mắn! Bấm vào hình để xem chi tiết. Ảnh chụp bởi G. J. Reclos.

    [​IMG]

    Cập nhật <tháng hai 2005>: Sau cùng, màn cuối của vở kích đã diễn ra. Gần 300 con cá xinh đẹp được nuôi trong hồ 2 mét ở Hydrocosmos (tiệm cá cảnh của Andreas Kamarinos) đợi đến nơi ở mới. Tôi biết Andreas từ lâu và tin rằng anh sẽ cố hết sức để đảm bảo rằng những con cá này sẽ đến với những ai biết về nhu cầu của chúng và có đủ không gian để nuôi chúng. Bởi vì thị trường Hy Lạp quá nhỏ với quá nhiều Paratilapia sp. “Andapa” nên chúng tôi đã cân nhắc xuất khẩu chúng đến nước khác để nhiều người có thể thưởng thức chúng.

    [​IMG] Cần lưu ý rằng theo một phân tích DNA được thực hiện gần đây, loài “Paratilapia polleni đốm lớn” thu thập bởi Jean-Claude Nourissat và Patrick de Rham ở Andapa là một loài riêng chưa được mô tả. Do đó, cho đến khi loài này được đặt một tên riêng chúng ta sẽ gọi nó là “Paratilapia sp. Andapa”. Nguyên văn bài viết của Patrick de Rham như sau:

    [​IMG] Vài ngày trước đây (02.08.04), tôi nhận tin nhắn từ Paul Loiselle trong đó ông nhắc tôi rằng việc phân tích mẫu DNA bởi John Sparks về P. polleni từ sông tây bắc Ifasy (nhánh lớn nhất của Ifasy kế cận sông Ambazoana, địa bàn chuẩn của loài Paratilapia polleni Bleeker, 1868) và một hậu duệ (mà tôi đưa tới Cincinnati năm ngoái) của loài đốm cực lớn đông bắc Andapa Paratilapia (tôi mang về đầu tiên từ Andapa, 1997, những người khác, George Reclos, Manuel Zapater và José Luis Blanco, cũng có dòng này) đã đem lại một kết quả đáng kinh ngạc: về mặt di truyền, hai quần thể này dường như hoàn toàn khác nhau, Andapa Paratilapia có quan hệ gần hơn với Paratilapia đốm nhỏ ở về phía nam thuộc Bờ Đông (East Coast). Điều này được khẳng định bởi sự thiếu hấp dẫn về mặt giới tính giữa Ifasy đựcAndapa cái.

    Do đó, ấn tượng ban đầu của chúng tôi (Nourissat và tôi) từ hồi 1963 rằng Andapa Paratilapia là khác với tất cả các loài Paratilapia mà chúng tôi từng thấy là chính xác. Nếu sau này tôi đổi ý, phần lớn là vì tất cả Paratilapia mà chúng tôi sau này thu thập được ở Bờ Đông, Cao Nguyên Phía Nam (kênh Mananantanana), Tây Nam (7 Hồ, kênh Onilahy) và kênh Ikopa-Betsiboka (hạ Tây Bắc) đều là đốm nhỏ. Do đó tôi kết luận một cách e dè, sẽ sai lầm nếu coi tất cả Paratilapia đốm lớn ở vùng bắc đảo đều thuộc về P. polleni.

    Giờ đây, dường như Andapa Paratilapia là một loài riêng, chưa được mô tả, ít nhất theo cách mà tôi hiểu. Hy vọng tôi có thể giúp ích về vấn đề này, bởi tôi vẫn còn một cá đực Andapa gốc từ 1997 (cá cái của nó không may chết hai tuần tước) và giữ hai dòng Paratilapia khác, bao gồm 2 cá thể thu thập vào năm ngoái bởi Nourissat gần Vatomandry, Bờ Đông.

    Có bao nhiêu loài Marakely? Đó (hơn bao giờ hết) là một câu hỏi!


    ==============================


    Ghi chú

    *Cập nhật số lượng các loài thuộc chi Paratilapia như sau:

    Paratilapia polleni (đốm lớn): là loài Madagascan cichlid đầu tiên được mô tả bởi Bleeker vào năm 1868 theo mẫu vật chuẩn mà Pollen và Van Dam thu thập ở sông Ambazoana vùng Tây Bắc Madagascar. Chi Paratilapia cũng ra đời theo sự kiện này. Trong một thời gian dài, chỉ có một loài duy nhất này cho đến khi Loiselle và Stiassny (1993) giới hạn tên Paratilapia polleni cho quần thể đốm nhỏ và Paratilapia bleekeri cho quần thể đốm lớn. Năm 2003, căn cứ vào địa bàn chuẩn, Jean-Claude Nourissat và Patrick de Rham xác định lại tên Paratilapia polleni cho quần thể đốm lớn vùng bắc đảo. Tên địa phương của chúng là Akandra. Quần thể đốm lớn Paratilapia bleekeri ở cao nguyên trung tâm với tên gọi phổ biến hơn là Marakely hiện đã được coi là tuyệt chủng.

    Paratilapia sp. “Andapa” (đốm lớn): những cá thể có đốm cực lớn được Jean-Claude Nourissat và Patrick de Rham mang từ vùng Đông Bắc đảo về châu Âu từ năm 1997. Một cuộc phân tích gien vào năm 2004 cho thấy quần thể cá này hoàn toàn khác biệt với Paratilapia polleni (đốm lớn) và nhiều khả năng là một loài riêng.

    Paratilapia sp. East Coast (đốm nhỏ): như tên gọi, loài này phân bố dọc vùng Bờ Đông Madagascar. Nghiên cứu của Loiselle và Stiassny (1993) trên các cá thể được thu thập từ một hồ thuộc hệ thống sông Pangalanes, gần làng Sahely, không xa ngọn núi Mangoro ở Bờ Đông, đã xác định đây là một loài riêng. Vào năm 2003, Jean-Claude Nourissat và Patrick de Rhame duyệt lại chi Paratilapia và đề nghị tái sử dụng lại tên cũ Paratilapia typus (Bleeker, 1878). Đây là loài phổ biến nhất trên thị trường cá cảnh.

    Paratilapia sp. Ambalavao (đốm nhỏ): phân bố ở vùng phụ cận Ambalavao, phía nam cao nguyên Betsileo. Tên gọi theo tiếng địa phương là Fiamanga, nó còn được biết ở Mỹ dưới tên Paratilapia sp. “Fianarantsoa”. Đây là một trong những loài đẹp nhất với thân màu xanh sẫm, và đủ kiểu đốm từ bạc, lam, lục tới vàng.

    Paratilapia sp. Southwest (đốm nhỏ): dựa trên một mẫu vật được thu thập vào năm 1993 tại hồ Ihotry, ở Tây Nam Madagascar, Stiassny và Schlosser đã xác định đây là một loài riêng. Nhưng quần thể cá này có lẽ đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên vì sự khô hạn của hồ này vào những năm sau đó.

    Paratilapia sp. Lower Northwest (đốm nhỏ): phân bố ở hạ nguồn các sông Ikopa và Betsiboka, vùng Maevatanana, Hạ Tây Bắc Madagascar. Loài này có đốm rất nhỏ và dạng đầu hơi khác với những loài đốm nhỏ khác. Một điều thú vị, loài Paratilapia bleekeri đốm lớn (hiện được coi là tuyệt chủng) phân bố ở cao nguyên thượng nguồn của các sông này. Hai loài được phân cách bằng các rào cản địa lý như thác nước và dòng chảy mạnh.


    ==============================


    Paratilapia polleni (Bleeker, 1868), loài cichlid đang bị đe dọa từ Madagascar
    Phân biệt Paratilapia polleniParatilapia bleekeri
    Cách nuôi Paratilapia
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/4/17

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội